Kết cục ở một tiểu bang chống dịch ‘kiểu tự do’ ở Mỹ
Các chuyên gia y tế công cộng tại Iowa nhận định, vai trò lãnh đạo lỏng lẻo của tiểu bang sẽ dẫn đến một “siêu đỉnh dịch” và hàng ngàn ca tử vong lẽ ra có thể được ngăn ngừa sẽ tới trong vài tuần nữa.
Một y tá cầm mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện trường Đại học Iowa. Ảnh: The Gazette / AP
Nick Klein biết rằng người đàn ông sẽ không thể qua nổi đêm nay. Vì thế nam y tá 31 tuổi tại khu Chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện trường Đại học Iowa tháo găng tay, mũ, khẩu trang và kính chắn.
Anh vào phòng bệnh nhân, đặt chiếc điện thoại sát bên tai ông ta và gắng kìm không khóc khi nghe thấy tiếng người thân của ông nói lời tạm biệt. Khi họ kết thúc cuộc gọi, Klein bật chút nhạc, một giai điệu nhẹ nhàng. Anh kéo chiếc ghế lại, đặt cánh tay của bệnh nhân lên.
Trong 2 tiếng của đêm mùa Hè đó, không có một âm thanh nào khác ngoài tiếng piano êm dịu và tiếng bíp bíp đều đều của chiếc monitor. Klein đã nghĩ xem anh sẽ cảm thấy thế nào nếu người nằm trên giường đó là cha mình, và bất ngờ bàn tay anh siết chặt tay. Khoảng nửa đêm, Klein chứng kiến bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng.
“Tôi vẫn không biết liệu tôi đã xử lý đầy đủ với tất cả những gì đang xảy ra chưa”, Klein nói với trang Vox trước ngày Lễ Tạ ơn (26/11), trong lúc các ca mắc COVID-19 đang tăng vọt và lan tràn trên khắp tiểu bang Iowa của anh.
“Cơn bão” đang tới
Tình hình Iowa lúc này giống như thời điểm đại dịch bắt đầu hoành hành ở New York City, Lombardy (Italy) hay Seattle (bang Washington, Mỹ), khi tâm lý hoảng loạn còn mới mẻ và những tiếng còi báo động không bao giờ dứt. Người bệnh dồn về đầy chặt các giường ICU trên khắp bang. Những nhân viên y tế như Klein đang bị đẩy đến điểm tới hạn về cả thể chất lẫn cảm xúc. Trên truyền hình, các vị giám đốc bệnh viện cầu xin người dân Iowa ở nhà và “làm ơn, vì Chúa, hãy đeo khẩu trang”.
Lời kêu gọi khẩn thiết này có vẻ như lạ, bởi đại dịch đã không còn ở giai đoạn đầu nữa. Virus SARS-CoV-2 đã hoành hành suốt 8 tháng qua ở Mỹ. Chỉ là vì Iowa chưa bao giờ thực sự hành động.
Nhân viên y tế xếp mẫu xét nghiệm của người dân tại Iowa. Ảnh: The Gazette
Câu chuyện chống dịch COVID tại Iowa là một trong những kiểu bất hoạt động của chính quyền, nhân danh tự do và trách nhiệm cá nhân. Thống đốc Iowa Kim Reynolds đã theo lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump, hạ thấp mối nguy hiểm của virus. Bà chưa bao giờ áp đặt lệnh ở nhà hoàn toàn tại bang và đã cho phép mở lại các quán bar, nhà hàng sớm hơn nhiều so với những nơi khác. Mãi tới giữa tháng 11 bà mới lần đầu tiên ra lệnh đeo khẩu trang bắt buộc, nhưng vẫn đặt câu hỏi về tính khoa học của việc đeo khẩu trang.
Video đang HOT
Trong tháng 11 vừa qua, Iowa có khoảng 1.700-5.500 ca nhiễm mới mỗi ngày. Và tuần này, tỉ lệ xét nghiệm dương tính tại bang đã lên tới 50%. Iowa đại diện cho những gì xảy ra khi chính quyền về cơ bản không làm gì để ngăn chặn virus chết người lây lan.
Eli Perencevic, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện trường Đại học Iowa, và các chuyên gia y tế công cộng khác nhận định, vai trò lãnh đạo chính trị lỏng lẻo của tiểu bang sẽ dẫn đến một “siêu đỉnh dịch” trong những đợt nghỉ lễ, và hàng ngàn ca tử vong lẽ ra có thể được ngăn ngừa sẽ tới trong vài tuần nữa.
“Chúng tôi biết cơn bão đang đến. Bạn có thể thấy nó ngay đường chân trời”, bà Perencevich cảnh báo.
Tại Iowa City, một thành phố trường đại học ở phía Đông tiểu bang “đỏ” (ủng hộ đảng Cộng hòa), Bệnh viện trường Đại học Iowa có tới 7.000 nhân viên và có nhiều giường ICU hơn hầu hết các bệnh viện tiểu bang khác. Trong sảnh đợi của bệnh viện, một bầu không khí im lặng đang bao trùm nỗi đau khổ diễn ra ở những tầng trên.
Một bệnh nhân đã bình phục hiến huyết tương cho bệnh viện trường Đại học Iowa. Ảnh: Reuters
Khi nhân danh tự do cá nhân
Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Iowa được ghi nhận vào đầu tháng 3/2020, khi một nhóm cư dân địa phương trở về từ một chuyến du lịch Ai Cập. Khi các ca nhiễm tăng mạnh, Thống đốc Reynolds ra lệnh đóng cửa các trường học đến cuối năm học và hầu hết hoạt động kinh doanh trong khoảng 2 tháng. Nhưng vào ngày 15/5, bà đã cho mở cửa lại các phòng tập, quán bar, nhà hàng trên toàn bộ 99 hạt của tiểu bang. Bà không yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng, phớt lờ các yêu cầu từ giới chức y tế và cả nhóm Đặc nhiệm COVID của Nhà Trắng.
Bà Reynolds tranh cãi rằng Iowa không làm vậy là vì sự lựa chọn của người dân. “Chúng tôi cung cấp thêm nhiều thông tin cho họ, rồi cá nhân họ có thể quyết định có đeo khẩu trang hay không”, Thống đốc Reynolds trả lời phỏng vấn hồi tháng 6. Bà cũng không yêu cầu che mặt tại các trường học. Khi thành phố Iowa và các thành phố khác bắt đầu ban hành yêu cầu đeo khẩu trang riêng, bà Reynolds còn phản bác rằng yêu cầu đó không thể được thực thi.
Suốt thời gian còn lại của mùa Hè và đầu mùa Thu, với việc các hoạt động kinh doanh hết đóng lại mở ở nhiều hạt quanh tiểu bang, tình trạng lây nhiễm bùng phát mạnh trở lại. Sau khi học sinh, sinh viên trở lại trường vào đầu Thu, Iowa đã ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước Mỹ.
Trong tháng 10, khi tình trạng lây nhiễm cộng đồng tăng vọt, Thống đốc Reynolds lại xuất hiện không đeo khẩu trang, cười tươi tại một cuộc vận động tranh cử cho Tổng thống Trump ở sân bay Des Moines.
Thống đốc Reynolds không đeo khẩu trang trong cuộc mít tinh ngày 14/10/2020. Ảnh: AP
Đến cuối tháng 11, số ca nhiễm COVID-19 mới ở Iowa cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ đầu đại dịch và cứ sau 24 giờ lại có thêm 45 người chết ở một tiểu bang chỉ có 3 triệu dân. Các ổ dịch được báo cáo tại 156 viện dưỡng lão và các cơ sở hỗ trợ chăm sóc khác. Virus cũng hoành hành trong các nhà tù của bang.
Bờ vực sụp đổ
Các bác sĩ liên tục cảnh báo hệ thống chăm sóc sức khỏe của Iowa đang gần đến ngưỡng không thể chịu đựng. Bệnh viện Đại học Iowa từng đạt mức đỉnh là 37 bệnh nhân ICU hồi tháng 5, nhưng đến Lễ Tạ ơn vừa qua, con số này là 90. Con số đó có vẻ khiêm tốn, nếu như bạn không biết rằng các bệnh nhân đó đòi hỏi hàng chục nhân viên chăm sóc, và phải mất hàng tuần hoặc hàng tháng nằm viện.
Điều tệ nhất là các nhân viên y tế đã kiệt sức. Họ từng quen với cái chết. Nhưng bệnh nhân của họ thường không tử vong với tốc độ như vậy. Bệnh nhân cũng thường không qua đời với những chiếc ống thò ra từ cổ họng và máy hút dịch nhầy ra khỏi phổi. Họ cũng thường không ra đi một mình. Và điều khiến các nhân viên y tế càng thêm đau khổ là những cái chết này phần lớn có thể ngăn ngừa.
Một phân tích gần đây của tờ New York Times cho thấy rõ ràng rằng các bang áp đặt hạn chế COVID-19 chặt chẽ nhất đã giữ số ca tử vong trên đầu người thấp hơn các bang lỏng lẻo.
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhưng Thống đốc Reynolds cũng thừa nhận bà đang ở trong một tình huống phức tạp. Giống như các thống đốc khác, bà phải đối mặt áp lực lớn phải bảo vệ sinh kế và cả sức khỏe của người dân. Nhưng rõ ràng, việc yêu cầu đeo khẩu trang thì không gây thiệt hại gì cả. Và trớ trêu là chính việc không kiểm soát được dịch bệnh lại ảnh hưởng rất tồi tệ đến kinh doanh.
Khi bà Reynolds cuối cùng công bố loạt quy định phòng dịch mới vào 17/11, các quy định mới chỉ dừng lại ở hạn chế tụ tập trong nhà trên 25 người, và người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Những bác sĩ và y tá mà tờ Vox phỏng vấn cho rằng, chính sách này cơ bản sẽ không làm được gì để ngăn chặn đà lây lan của virus.
Nước Mỹ đang nhìn thấy tia sáng cuối đường hầm với triển vọng về vaccine phòng COVID-19, nhưng vẫn cần đảm bảo tới lúc phân phối được vaccine, thì các bệnh viện địa phương không ở bên bờ vực sụp đổ. Ngay lúc này, Iowa đang trên con đường tới bờ vực đó. Các chuyên gia y tế cảnh báo một đợt tăng vọt ca nhiễm sẽ xảy ra tại bang chỉ trong vòng 1 tuần nữa, tức là 2 tuần sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn, và nó có thể kéo theo một cơn sóng những ca tử vong mới.
Trump chịu cảnh "gậy ông đập lưng ông" vì chính làn sóng mít tinh ủng hộ mình
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng, các cuộc mít tinh quy mô ủng hộ Tổng thống Donald Trump thực chất lại khiến ông chịu cảnh "gậy ông đập lưng ông" khi chúng có thẻ góp phần làm tăng các ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ hoặc khiến ông mất đi một lượng lớn cử tri.
Tổng thống Trump trong một cuộc mít tinh trước ngày bầu cử.
Tổng thống Donald Trump đã dành những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 để tới các bang chiến trường tổ chức các cuộc biểu tình đông đúc, dày đặc. Một phân tích mới cho thấy điều này có thể đã phản tác dụng khi nó khiến ông mất đi một số lượng cử tri hơn là tập hợp thêm sự ủng hộ và có khả năng góp phần gây ra hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới cũng như hàng trăm ca tử vong vì căn bệnh chết người này, theo Inquisitr.
NBC News cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện kém hơn tại những địa hạt ông tổ chức mít tinh ở những thời điểm cuối cùng trước ngày bầu cử. Trong giai đoạn cuối chiến dịch, Tổng thống Donald Trump đã tăng tối đa lịch trình vận động tranh cử, với 30 cuộc mít tinh được tổ chức khi chỉ còn hai tuần nữa là tới ngày bầu cử.
Màn thể hiện của ông Trump ở 25 trong số 30 địa hạt ông viếng thăm trước ngày 3/11 đều kém hơn rất nhiều so với năm 2016. Hậu quả là ở những địa hạt này, Tổng thống Mỹ hoặc thắng với cách biệt nhỏ hơn, hoặc thua với cách biệt lớn hơn so với cách đây 4 năm.
Hiện tượng này được thể hiện rõ ràng nhất ở Michigan và Pennsylvania. Tại bang Michigan, Tổng thống Mỹ đã tụt lần lượt 5 điểm ở Lansing, gần 6 điểm ở hạt Oakland, và tới 9 điểm ở hạt Grand Traverse. Xu hướng tương tự cũng xảy ra tại 3 địa hạt của Pennsylvania.
Tại Erie, địa hạt được ông Trump viếng thăm hôm 20/10, đối thủ Joe Biden đã giành chiến thắng. Ông Trump từng giành chiến thắng tại Erie năm 2016. Hạt Lancaster, nơi ông Trump tổ chức mít tinh hôm 26/10, dù vẫn mang lại chiến thắng cho ông với xấp xỉ 16 điểm, song khoảng cách này đã thấp hơn 3 điểm so với năm 2016.
Scranton, thành phố thuộc hạt Lackawanna của Pennsylvania, là nơi ông Trump dừng chân hôm 2/11. Nhưng sau khi các phiếu bầu ở đây được kiểm đếm, ông Trump đã để thua đối thủ với khoảng cách 8 điểm, lớn hơn tới 5 điểm so với năm 2016.
Dante Chinni, nhà phân tích dữ liệu của NBC News, dù đám đông tụ tập ở các buổi mít tinh là dấu hiệu cho thấy sự nhiệt tình của người ủng hộ đối với ông Trump, song vẫn còn những nhóm cử tri với số lượng lớn ít ra mặt hơn, không tham gia mít tinh và nhìn nhận chúng bằng thái độ tiêu cực giữa đại dịch Covid-19.
Nhiều chuyên gia y tế cộng đồng thời điểm đó đã lên tiếng cảnh báo rằng các cuộc mít tinh có nguy cơ lây lan Covid-19 vì nhiều địa điểm không áp dụng các quy chuẩn về giãn cách xã hội như đeo khẩu trang hoặc duy trì khoảng cách an toàn tối thiểu giữa những người tham dự.
"Nếu mục tiêu của tất cả các cuộc mít tinh là truyền cảm hứng và tăng cường lực lượng ủng hộ cho ông Trump, thì các dữ liệu khác chí ít cũng cho thấy chúng có khả năng khuấy động thái độ phản kháng lớn hơn đối với Tổng thống Mỹ", ông Chinni nhận định.
Trump châm chọc phóng viên đeo khẩu trang Trump "điểm mặt" phóng viên Laura Ingraham của Fox News khi cô đeo khẩu trang dự buổi mít tinh của ông ở Michigan, nói cô "mang động cơ chính trị". "Tôi tin là Laura Ingraham đang ở đâu đó quanh đây", Tổng thống Donald Trump nói và quét qua đám đông dự buổi vận động tranh cử của ông ở Michigan hôm 30/10....