Kenya tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát
Sinh viên Kenya đã tuần hành tại thủ đô Nairobi ngày 7.4 để yêu cầu chính phủ tăng cường an ninh cho đất nước sau vụ thảm sát tại trường đại học Garissa khiến 148 người thiệt mạng hôm 2.4, theo Reuters.
Người dân đến dự lễ tưởng niệm tại thủ đô Nairobi ngày 7.4 – Ảnh: Reuters
Người dân tại Nairobi đã đổ xuống các tuyến đường lớn vào tối 7.4 bảy tỏ lòng tiếc thương đối với các nạn nhân bị phiến quân Hồi giáo al-Shabaab tại Somalia sát hại.
Hàng trăm sinh viên từ nhiều trường đại học cũng xuống đường ca hát và hò hét. Một số người tiến về phía văn phòng tổng thống để đề đạt yêu cầu.
“Chính phủ cần giải quyết sự bất an toàn này một cách nghiêm túc”, Reuters dẫn lời sinh viên John Derrick của trường đại học kỹ thuật Kenya. Các quan chức chính phủ vẫn chưa đưa ra bình luận gì.
Video đang HOT
Người dân cắm những cây thánh giá xuống chuẩn bị cho buổi lễ – Ảnh: Reuters
Hãng tin Al Jazeera cho hay một người biểu tình đã giơ cao biểu ngữ có nội dung: “Các bạn vẫn ở trong tim chúng tôi!”. Những người biểu tình cũng yêu cầu chính phủ đền bù cho gia đình những nạn nhân, xây dựng một đài tưởng niệm và đảm bảo an ninh cho các trường học trên khắp đất nước.
Trong buổi cầu nguyện tại công viên Uhuru, hàng trăm người thắp nên và đặt hoa gần những cây thánh giá màu trắng, được quấn thêm cờ Kenya. Một tấm bảng màu trắng với hình ảnh của những nạn nhân cũng được dựng lên gần đó. “Điều này làm chúng tôi thật sự đau đớn. Tôi cảm thấy không an toàn”, một người dự buổi lễ cho biết.
Các ngọn nến được thắp lên, bên cạnh là con số 147 để chỉ số nạn nhân – Ảnh: Reuters
Trên mạng xã hội Twitter, dòng hashtag #147notjustannumber (147 không chỉ là con số) được sử dụng rất nhiều để tưởng nhớ đến số người thiệt mạng ngày 2.4. Dòng hashtag này đã được sử dụng đến 53.000 lần chỉ trong buổi chiều 7.4, Al Jazeera dẫn dữ liệu từ trang web phân tích truyền thông xã hội Topsy.
Ngày 7.3, 6 người đã bị đưa ra trước tòa vì nghi liên quan đến vụ tấn công, Reuters dẫn thông báo từ văn phòng công tố viên quốc gia cho biết. Các công tố viên cho hay chánh án đã đưa ra thời hạn 30 ngày để hoàn tất điều tra, trong khi đó các nghi can sẽ bị cảnh sát tạm giam.
Một người phụ nữ tham dự buổi tưởng niệm ngày 7.4 – Ảnh: Reuters
Reuters dẫn tin từ một đài truyền hình địa phương cho biết chính phủ đã đóng băng 86 tài khoản ngân hàng và 13 phòng thu đổi ngoại tệ và các cơ sở chuyển tiền không chính thức nhằm cắt nguồn tài trợ cho các phần tử cực đoan liên kết với al-Shabaab.
Al-Shabaab đã giết hại hơn 400 người trên lãnh thổ Kenya kể từ 2 năm trở lại đây khiến cho tổng thống Uhuru Kenyatta phải chịu nhiều sức ép, đặc biệt sau vụ thảm sát ngày 2.4.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Kenya làm quốc tang 3 ngày tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát
Kenya dành 3 ngày quốc tang tưởng niệm 148 nạn nhân bị tổ chức Hồi giáo al-Shabaab thảm sát tại Trường đại học Garissa ngày 2.4, theo hãng tin Al Jazeera ngày 5.4.
Một người phụ nữ bị thương sau vụ thảm sát ngày 2.4 - Ảnh: AFP
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã tuyên bố lễ quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát ngày 2.4 tại thị trấn Garissa, gần biên giới với Somalia.
Người dân trên khắp Kenya đã dành lễ Phục sinh năm nay để cầu nguyện cho 148 nạn nhân gồm sinh viên và các nhân viên an ninh. Cờ rũ được treo trên khắp đất nước có 80% dân số là người theo Công giáo này, theo Al Jazeera.
Tại thủ đô Nairobi, các ngọn đuốc cũng được thắp lên trong buổi cầu nguyện đêm 4.4 để tưởng niệm các nạn nhân. Al Jazeera cho biết sau khi tiến vào trường đại học hôm 2.4, các tay súng al-Shabaab đã bắt các sinh viên không theo đạo Hồi xếp hàng sau đó bắt đầu hành quyết. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất tại Kenya kể từ khi Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Nairobi bị đánh bom năm 1998.
Tổng thống Kenyatta tuyên bố sẽ trả thù bằng mọi cách và cam kết những kẻ tấn công sẽ phải chịu xét xử vì "cuộc tàn sát ngu dốt". Cảnh sát Kenya đã bắt giữ 5 người có liên quan đến vụ thảm sát. Bốn trong số đó là người Kenya gốc Somalia, người còn lại có quốc tịch Tanzania.
Trong khi đó, tổ chức al-Shabaab cảnh báo sẽ có một cuộc chiến tranh kéo dài và khủng khiếp trừ khi quân đội Kenya rút khỏi Somalia. Nhóm này còn đe dọa sẽ nhuốm máu Kenya nhiều lần nữa. Kenya đã hứng chịu liên tiếp các cuộc tấn công từ khi quân đội nước này gia nhập lực lượng Liên minh châu Phi chiến đấu chống al-Shabaab tại Somalia vào năm 2011.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Hậu vụ thảm sát tại Kenya: Huy động mọi nguồn lực truy bắt hung thủ Ngày 8/4, nhà lãnh đạo các nước Trung và Tây Phi sẽ nhóm họp để đề ra một chiến lược chung đối phó với mối đe dọa từ nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram. Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo khu vực bàn cách đối phó với Boko Haram, và việc này diễn ra trong bối cảnh...