Kênh đầu tư nào sinh lời tốt nhất trong năm 2018? Kỳ 3: Các tài sản an toàn lên ngôi trở lại?
Càng về cuối năm 2018, với những rủi ro kinh tế toàn cầu ngày càng tăng lên, những tài sản an toàn như vàng và các đồng tiền như yên Nhật và franc Thụy Sĩ có dấu hiệu thu hút dòng tiền trở lại. Cụ thể thị trường vàng thế giới sau khi giảm từ mốc 1.350 USD/oz trong thời điểm đầu năm về tận 1.160 USD/oz vào ngày 12/8, thì kể từ đó đã bắt đầu đi lên trở lại, đánh dấu thời kỳ điều chỉnh dài hạn có vẻ như sắp trôi qua.
Kết thúc năm, giá vàng quốc tế khép lại gần vùng 1.280 USD/oz, tăng hơn 10% từ mức thấp nhất của năm, dù so với đầu năm vẫn còn giảm 3%. Trong khi đó, giá vàng trong nước ngày cuối năm khép lại ở mức quanh 36,5 triệu/ lượng, dù cũng tăng đáng kể so với mức thấp nhất trong năm, nhưng so với đầu năm vẫn đang giảm nhẹ 0,4%. Tuy nhiên, đợt phục hồi lại trong những ngày cuối năm đang đưa đến những kỳ vọng tài sản an toàn này sẽ có sự lên ngôi trở lại trong năm 2019 tới, khi mà rủi ro về lạm phát, suy thoái và một cuộc khủng hoảng ngày càng đến gần hơn.
Đặc biệt khi mà các thị trường chứng khoán lao dốc, rủi ro địa chính trị không ngừng tăng lên, việc chính phủ Mỹ đóng cửa về cuối năm,những quyết sách khó lường của tổng thống Mỹ càng khoét sâu vào bất ổn chính trị, ngoại giao và kinh tế toàn cầu, thì giới đầu tư càng có cơ sở để quay lại những tài sản an toàn như vàng. Suốt trong năm nay, những định chế tài chính lớn, các chuyên gia kinh tế hàng đầu hay những nhà đầu tư lão luyện cũng liên tiếp cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng và suy thoái sắp đến gần.
Giá vàng thế giới có dấu hiệu hồi phục lại về những ngày cuối năm 2018
Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở các đồng tiền an toàn như yên Nhật, đô la Mỹ hay franc Thụy Sĩ, những kênh đầu tư được xem là an toàn khi thế giới đối mặt với những rủi ro về địa chính trị hay khủng hoảng kinh tế. Đồng yên Nhật và franc Thụy sĩ vào những ngày cuối năm đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ so với đồng USD. Và so với đầu năm, đồng yên Nhật ghi nhận mức tăng 2,5% so với USD và do đó đã tăng khá mạnh so với những đồng tiền khác.
Trong khi đó, đồng USD cũng đã tăng giá đáng kể so với các đồng tiền còn lại. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh khép lại năm 2018 bằng mức tăng gần 5%, khi chốt năm trên mốc 96 điểm, đặc biệt xu hướng tăng được duy trì suốt từ tháng 4 đến nay, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng có đến 4 lần tăng lãi suất cùng với sự tăng tốc mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, đồng thời rủi ro thương chiến Mỹ – Trung đẩy các nhà đầu tư chạy vào các đồng tiền an toàn như đã nói.
Ngược lại với sự mất giá mạnh của các đồng nội tệ khác so với USD trong năm nay, tiền đồng lại tiếp tục giữ được sự ổn định so với đô la Mỹ. Tỷ giá trung tâm khép lại năm 2018 chỉ tăng 1,78%, đạt mục tiêu đề ra dưới 2%. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng chỉ tăng khoảng 2,2%, trong khi trên thị trường tự do tăng khoảng 2,5%, đặc biệt là càng về những ngày cuối năm thì giá giao dịch tại các ngân hàng và thị trường tự do bất ngờ điều chỉnh giảm mạnh, ngược với diễn biến tỷ giá tại NHNN.
Có thể thấy nhà điều hành trong nước đã khá thành công khi can thiệp thị trường kịp thời, cũng như có những giải pháp kiểm soát giúp hạ nhiệt thị trường, từ việc sử dụng kho dự trữ ngoại hối dồi dào để bán ngoại tệ trên thị trường, cung cấp các sản phẩm bán ngoại tệ kỳ hạn, gia hạn cho vay ngoại tệ, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua bán ở Sở giao dịch NHNN, nâng lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng cao hơn lãi suất USD,…
Nếu việc tỷ giá ổn định giúp các doanh nghiệp vay ngoại tệ tránh được rủi ro tỷ giá, thì các nhà đầu tư vào đồng bạc xanh trong nước năm nay khá thất vọng khi sóng tỷ giá là khá yếu. Đây cũng là diễn biến thường thấy từ năm trở lại đây, khi mà việc kiểm soát thị trường ngoại hối chặt chẽ và điều tiết linh hoạt, đặc biệt là định hướng đến các ngân hàng thương mại, khiến lực lượng đầu cơ tỷ giá trên thị trường ngày càng suy yếu và dần biến mất, trong khi nguồn cung ngoại tệ tập trung tại một số ngân hàng lớn cũng giúp nhóm này có khả năng điều tiết xu hướng thị trường chung theo nhà điều hành.
Video đang HOT
MẪN NHI
Theo thegioitiepthi.vn
Dòng tiền quốc tế năm 2019 sẽ đi đâu?
Kinh tế toàn cầu được nhận định sẽ có những biến động lớn, kéo theo sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư, nhưng có các dự báo khác nhau về điểm đến. Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn, nhưng cũng có thể chỉ ở dạng tiềm năng.
Điểm chung của các quan điểm ngược nhau
Trong năm 2019, tờ Economist dự báo, cổ phiếu của châu Âu và các nền kinh tế mới nổi sẽ "phục hận" sau một năm sụt giảm mạnh.
Nguyên nhân cơ bản đầu tiên, đó là do các cổ phiếu ở châu Âu và các nền kinh tế mới nổi đang rẻ tương đối so với các cổ phiếu Mỹ. Đa số cổ phiếu trong nhóm S&P 500 đã tăng giá từ 3 - 4 lần kể từ năm 2009, bỏ xa tốc độ tăng giá của các cổ phiếu châu Âu và các nền kinh tế mới nổi.
Mức giảm giá mạnh của cổ phiếu Trung Quốc ở cả thị trường Đại lục và Hồng Kông (bình quân 20 - 30%) đang tạo ra sức hấp dẫn nhất định, mặc dù vẫn còn nhiều lo ngại về tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc và sự sụp đổ của không ít định chế tài chính ngầm.
Vì vậy, các tác giả của báo cáo The World in 2019 của tờ Economist tin rằng, đặt cược vào cổ phiếu châu Âu và các thị trường mới nổi là hợp lý trong năm 2019, khi những bất định về vấn đề Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) nhiều khả năng được giải quyết vào đầu năm 2019 và các thị trường mới nổi sẽ gượng dậy sau một năm 2018 không lạc quan.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm ngược lại. Nhiều người dự đoán kinh tế toàn cầu có thể suy thoái từ cuối năm 2019, cụ thể là kinh tế Mỹ dự đoán sẽ tăng trưởng từ 2% đến dưới 3%, tăng trưởng lợi nhuận công ty không thể đạt 2 con số. Nhưng không ít nhà phân tích cho rằng, tiếp tục đầu tư vào các công ty làm ăn được ở Mỹ còn tốt hơn là mạo hiểm tại các nền kinh tế èo uột ở châu Âu và châu Á.
Kết quả điều tra ý kiến của Bank of America Merrill Lynch cho thấy, các nhà quản lý quỹ ở Mỹ đang bi quan nhất về nền kinh tế Mỹ kể từ năm 2008. Kết quả này tương đối trùng khớp với kết quả điều tra các giám đốc tài chính (CFO) do Đại học Duke công bố cuối năm 2018: gần nửa số CFO tham gia điều tra (xấp xỉ 49%) nhận định, kinh tế Mỹ sẽ đi vào chu kỳ suy giảm kinh tế từ nửa cuối năm 2019, trong khi 82% dự báo nền kinh tế sẽ đi vào suy thoái từ cuối năm 2020. Kết quả điều tra của các CFO châu Á và châu Âu cũng không khả quan hơn, quá nửa ý kiến cho rằng, nền kinh tế nước họ sẽ đi vào suy thoái từ cuối năm 2019.
Những quan điểm ngược nhau này thật ra chỉ đến một điểm chung: Nếu có một nền kinh tế nào tăng trưởng vượt trội hơn mức 2 - 3%, nó sẽ hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế, cụ thể là nhóm đầu tư từ Mỹ, bởi vì các nhà đầu tư Mỹ không có nhiều hy vọng đối với tương lai kinh tế Mỹ. Họ sẽ nỗ lực tìm kiếm cơ hội ở nơi khác, nhưng nơi đó phải thật sự vượt trội.
Sức hấp dẫn của Việt Nam
Trong số các nước ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến "nóng nhất" bởi Forbes. Bài viết của tạp chí này trích dẫn số liệu FDI giải ngân 16,5 tỷ USD vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2018 như một dẫn chứng cho tính hấp dẫn của kinh tế Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ các nước Đông Á đang tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bằng cách di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Điểm hấp dẫn thứ hai quan trọng hơn, đó là việc Chính phủ tiếp tục định hướng cổ phần hóa những công ty nhà nước và tờ Forbes dự đoán, động thái này sẽ được đẩy nhanh trong năm 2019 với việc Việt Nam có kế hoạch loại bỏ các hạn chế về sở hữu nước ngoài của các công ty nhà nước và niêm yết vào cuối năm 2019. Với dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của các đối thủ như Thái Lan, Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn.
Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề tiềm năng. Thực tế, cổ phần hóa công ty nhà nước vẫn đang chậm hơn tiến độ, thậm chí được đánh giá là "giậm chân tại chỗ". Năm 2018 dự kiến sẽ cổ phần hóa 85 doanh nghiệp, nhưng đến tháng 11/2018 mới có 12 doanh nghiệp được phê duyệt.
Bên cạnh đó, nhiều báo cáo phân tích của giới kinh tế nước ngoài chỉ ra rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhân công rẻ chỉ là "huyền thoại" (myth). Báo cáo "Việt Nam: Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho biết, chi phí nhân công ở Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực.
Điều này đặt ra áp lực buộc Việt Nam phải thay đổi chiến lược thu hút FDI từ thu hút dựa trên nhân công rẻ sang thu hút dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, thứ mà Việt Nam vẫn còn chưa chuẩn bị đầy đủ.
Ở một khía cạnh khác, những diễn biến trên thị trường khởi nghiệp và vốn tư nhân ở Việt Nam vẫn khá sôi động cho thấy, Việt Nam vẫn sẽ là một nền kinh tế hấp dẫn dòng vốn này trong năm 2019. Nhiều khả năng, đây sẽ là một trong những thị trường vốn năng động nhất Việt Nam trong năm 2019, với những thương vụ lớn có thể diễn ra.
Dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, vì vậy, có thể sẽ đi vào các thương vụ cổ phần hóa lớn, thị trường vốn cổ phần tư nhân và các dự án FDI đi đường vòng khỏi Trung Quốc để "tránh bão" chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, loại dự án FDI đi đường vòng đó sẽ khó bền vững.
Theo đó, Việt Nam cần đẩy nhanh cổ phần hóa, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và gỡ bỏ những trở ngại cho công ty tư nhân vừa và nhỏ phát triển.
Vấn đề là tạo niềm tin
Một số người làm quỹ đầu tư ở nước ngoài có quan tâm tới thị trường Việt Nam chia sẻ rằng, IPO ở Đông Nam Á sẽ có thể là điểm sáng mới cho khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2019, nhưng với điều kiện là tăng trưởng và vĩ mô ổn định, đồng thời thanh khoản thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, rủi ro với tăng trưởng nhanh của tín dụng và bất động sản ở khu vực này là điều mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan sát kỹ.
Đây cũng là một rủi ro cho Việt Nam. Đã có dấu hiệu về dòng vốn nóng nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản cao cấp của TP.HCM qua số liệu người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
Trong khi đó, tín dụng cho bất động sản đang phần nào bị kiềm chế với việc áp dụng hệ số rủi ro cao hơn kể từ đầu năm 2019 và nhiều ngân hàng đang triển khai áp dụng Basel II. Rủi ro là khả năng đảo ngược dòng vốn vào bất động sản khi dòng tín dụng siết lại và vốn nước ngoài đảo chiều.
Khi thị trường bất động sản ở Úc, Hồng Kông và Thượng Hải đi xuống trong thời gian gần đây, người viết đặt câu hỏi với một số nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này ở Thượng Hải rằng, liệu người Trung Quốc có qua Việt Nam mua nhà nhiều hơn hay không? Câu trả lời là có thể, vì người Trung Quốc đang muốn đa dạng hóa danh mục ra ngoài biên giới và việc thị trường bất động sản ở TP.HCM tăng giá có gây chú ý cho các khách hàng của bạn.
Nhưng nếu có biến động lớn ở thị trường nội địa Trung Quốc, nghĩa là giá giảm mạnh thêm, họ có thể phải bán đi các khoản đầu tư ở nước ngoài để nhanh chóng rút tiền về "cứu viện" sân nhà. Hơn nữa, khi giá nhà ở Hồng Kông và Thượng Hải xuống mức hấp dẫn, như cổ phiếu Trung Quốc vậy, thì từ giữa năm 2019, có khả năng là tiền Trung Quốc ở nước ngoài sẽ chảy về trong nước để mua hàng rẻ.
Những ý kiến như vậy để thấy, cần phải rất cởi mở để tiếp nhận đủ loại quan điểm về thị trường. Có thể Việt Nam sẽ hấp dẫn vì Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng cũng có thể vốn sẽ vào Trung Quốc khi tài sản Trung Quốc đủ rẻ. Nói chung, chỉ là vấn đề định giá và chủ quan cảm nhận của những người cầm tiền lớn.
Vấn đề Việt Nam tận dụng được cơ hội hay không phụ thuộc nhiều vào khả năng hành động của Chính phủ tạo được niềm tin cho giới đầu tư quốc tế như thế nào. Những người đi kéo vốn quốc tế về Việt Nam đã có thể kể những câu chuyện rất hay trong năm qua, nhưng nếu nó không trở thành hiện thực, họ sẽ khó kéo thêm vốn về.
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên ại học Bristol, Anh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Kì vọng nào cho cổ phiếu dầu khí? Giá dầu thô đã giảm hơn 30% so với mức giá kéo dài 52 tuần xác lập từ tháng 12/2017, chính thức bước vào thị trường giá giảm. Bên cạnh những suy đoán từ đà lao dốc của giá dầu như chỉ báo trước của cuộc suy thoái, nhóm cổ phiếu năng lượng trên toàn cầu cũng như nhóm cổ phiếu dầu khí...