Kền kền đòi nợ thuê thời kinh tế suy thoái ở Nga
Kinh tế Nga lao dốc khiến nhiều người dân lâm vào cảnh nợ nần và trở thành nạn nhân của những kẻ đòi nợ thuê.
Cảnh sát dẹp những người vay thế chấp biểu tình trước Ngân hàng Trung ương Nga, kêu gọi điểu chỉnh các khoản nợ của họ sau khi đồng rúp giảm giá mạnh. Ảnh: Itar-Tass
Tại thành phố Voronezh, miền đông Nga, anh Sergei, 29 tuổi, đang xem tivi với tâm trạng hoang mang bởi các bản tin lúc này tràn ngập tin tức về việc những kẻ đòi nợ thuê tra tấn và đe dọa tinh thần các nạn nhân vì những khoản nợ quá hạn, theo Guardian.
Tháng 12 năm ngoái, Sergei chính thức trở thành một trong 11,5 triệu người Nga không thanh toán nợ đúng hạn. Dù chỉ nợ khoảng 330 USD, Sergei cho hay anh và những người cùng cảnh ngộ vẫn liên tục bị những kẻ đòi nợ hối thúc trả tiền.
Được gán biệt danh “ kền kền thời khủng hoảng”, những kẻ đòi nợ hung hãn đang trở thành tâm điểm của dư luận Nga thời gian gần đây. Họ là “thành phần” nảy sinh từ tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài do Nga phải hứng chịu hàng loạt khó khăn dồn dập, bao gồm các biện pháp trừng phạt từ phương Tây cũng như tình trạng giá dầu thế giới lao dốc.
Mối lo ngại ngày càng lớn dần khi những kẻ đòi nợ tăng cường sử dụng các ngón nghề đầy tính bạo lực. Hôm 27/1, nhà chức trách thành phố Ulyanovsk, miền đông Nga, cho biết một kẻ đòi nợ đã ném bom xăng qua cửa sổ vào nhà một con nợ, khiến một bé trai hai tuổi bỏng nặng. Vụ việc tạo nên một làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc.
Ông nội của bé trai trên năm 2014 vay 4.000 rúp (52 USD) của công ty tài chính Ros Dengi để mua thuốc chữa bệnh. Ông phải trả nợ và lãi lên đến 24.000 rúp (312 USD) nhưng tên đòi nợ nói ông vẫn còn thiếu đến 40.000 rúp (520 USD) tiền lãi. Sau vụ việc, tên đòi nợ bị bắt giữ. Theo một số nguồn tin, thủ phạm vốn là cảnh sát nhưng bị đuổi khỏi ngành vì phạm tội trộm cắp.
Một người đàn ông ở vùng Siberia trước đó vài ngày sát hại người vợ đang mang bầu và hai đứa con nhỏ của mình rồi nổ súng tự tử. Báo chí địa phương đưa tin anh bị bọn đòi nợ đe dọa quá nhiều nên quẫn trí.
Video đang HOT
Tháng 12/2015, ở vùng Rostov thuộc miền nam Nga, cơ quan chức năng phải sơ tán một nhà trẻ sau khi một giáo viên ở đây khai báo rằng bọn đòi nợ đe dọa sẽ cho nổ tung nơi này nếu cô không trả nợ.
Những vụ việc kiểu như trên xuất hiện ngày một nhiều, chủ yếu xuất phát từ tình trạng các tổ chức tài chính cho người nghèo vay ngắn hạn các khoản tiền siêu nhỏ nhưng với lãi suất quá cao, khiến họ không thể trả nợ đúng hạn. Những tổ chức này phớt lờ các quy định của ngân hàng về trần lãi suất và “nuôi” hẳn một lực lượng đòi nợ riêng.
Theo Tổng công tố Nga Yury Chaika, cơ quan thực thi pháp luật hiện thiếu các công cụ đủ mạnh để kiểm soát những kẻ đòi nợ thuê hung hãn. Ông cho biết từ năm 2013 đến nay, nhà chức trách tiếp nhận khoảng 21.000 đơn tố cáo về cách hành xử của các công ty đòi nợ nhưng chỉ vài vụ bị truy cứu hình sự.
Sau khi Nga hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, mức vay của người dân đã tăng gấp đôi, lên mức 210 tỷ rúp vào tháng 12/2012. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, mức vay trung bình hàng tháng của người dân năm ngoái đạt 225 tỷ rúp.
Trong thời kỳ kinh tế bùng nổ, các tờ rơi quảng cáo mời gọi vay tiền xuất hiện dày đặc ở khắp mọi ngõ ngách của nước Nga. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp những tờ rơi với hình ảnh một xe cút kít đầy tiền mặt và dòng chữ “hãy lấy bao nhiêu mà bạn muốn”. Ngân hàng Trust Bank của Nga còn phát hành hàng loạt tờ rơi quảng cáo in hình nam tài tử Bruce Willis mời gọi khách vay tiền.
Trước tình hình ảm đạm này, nhiều nhóm hỗ trợ các nạn nhân của bọn đòi nợ đã được thành lập trên các trang mạng xã hội. Điển hình trong số này là nhóm với tên gọi “Ngăn chặn bọn đòi nợ” do Aleksandr Naryshkin, lập trình viên 31 tuổi ở St. Petersburg, điều hành. Naryshkin cho biết từ năm 2013 đến nay, anh nhiều lần bị bọn đòi nợ gây áp lực. Chúng có lần còn hăm dọa sẽ bắt anh “phục dịch như một trai bao”.
Hàng nghìn người trong cảnh bế tắc đã tìm đến nhóm của Naryshkin để xin lời khuyên. Theo anh, mọi người nên tìm cách kiện bọn đòi nợ ra tòa và đừng tỏ ra sợ sệt trước những cuộc gọi đe dọa.
Mikhail Karpenko, một luật sư ở vùng Urals, đã đứng ra giúp nhóm của Naryshkin tư vấn pháp lý miễn phí cho các con nợ.
“Ở khu vực của chúng tôi, ít nhất là vùng Chelyabinsk, đa số người dân đều lâm vào cảnh nợ nần. Họ rơi xuống vực sâu nợ nần và không thể thoát ra”, Karpenko nói. “Theo tôi, chúng ta cần xóa bỏ toàn bộ các tổ chức đòi nợ”.
Dù vậy, Sergei không hy vọng tình hình sẽ cải thiện. “Luật pháp hỗ trợ giới tài phiệt được thông qua chỉ trong một tuần, nhưng những điều luật nhằm giúp đỡ người dân phải mất hàng năm trời mới có thể thống nhất”, anh nhận xét. “Các dự luật siết chặt hoạt động đòi nợ dường như chỉ là chiêu trò quảng bá”.
Hồng Vân
Theo VNE
Nước Nga sẽ khổ sở hơn vì giá dầu
Để hiểu thêm về việc người Nga đang ra sao giữa lúc giá dầu Brent ngày càng lao dốc, hãy nhìn vào chỉ số Nghèo khổ, thước đo lấy tổng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, của nước này, theo Bloomberg.
Ảnh: Bloomberg
Chỉ số Nghèo khổ của Nga tăng đến 19% từ mức 11,7% trong tháng 2.2014, đặt đất nước sản xuất dầu thô lớn thứ nhì thế giới nằm giữa các quốc gia có nền kinh tế ảm đạm nhất.
Giá dầu rơi tự do đã ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, khiến đồng rúp Nga đi xuống và giá cả tiêu dùng lên đến gấp ba lần con số mục tiêu 4% mà ngân hàng trung ương đề ra. Nga là một nước nhập khẩu ròng hàng hóa chủ yếu, vì thế, giá nhập khẩu gia tăng vì rúp mất giá thúc đẩy lạm phát. Tuần trước, giới chức nước này giữ nguyên chi phí đi vay ngay cả khi nền kinh tế đang chìm sâu hơn vào suy thoái.
Chu kỳ bùng nổ và tan vỡ của Nga theo sát giá dầu Brent, vốn đã giảm còn quanh 30 USD/thùng trong năm 2016 từ mức 100 USD/thùng trong năm 2010.
"Câu chuyện của Nga về cơ bản là một câu chuyện dầu mỏ: Dầu đang kéo theo lạm phát gia tăng, giá trị đồng rúp Nga giảm, sự suy yếu của nền kinh tế và rất nhiều nỗi đau cho người Nga", chuyên gia Tim Love tại hãng đầu tư GAM có trụ sở ở London (Anh), công ty giám sát 130 tỉ USD tài sản, cho hay. Nga chiếm 3% danh mục đầu tư của ông Love.
Được ra đời vào những năm 1970, kỷ nguyên của tình trạng lạm phát và thất nghiệp cao - thước đo nghèo khổ ít được sử dụng hơn khi các nền kinh tế phát triển phức tạp thêm, với nhiều người vẫn nghèo khổ dù tỷ lệ thất nghiệp và giá cả được kìm hãm.
Chuyên gia kinh tế Nga Vladimir Osakovskiy tại Bank of America là một trong số các chuyên gia cho rằng chỉ số này không nói lên được bức tranh toàn cảnh. "Chúng ta có thể thấy chỉ số này tiếp tục đi xuống trong những tháng tới vì lạm phát thấp hơn, song nó vẫn không đánh dấu bất cứ thay đổi cơ bản và lớn nào", ông Osakovskiy cho hay.
Dù vậy, chỉ số này có thể là một ống kính hữu ích nhằm kiểm tra các quốc gia quá phụ thuộc vào một loại hàng hóa như Nga. Chỉ số Nghèo khổ của Nga cao thứ tư trong số các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới. Tỷ lệ lạm phát hằng năm ở nước này là khoảng 13% và tỷ lệ thất nghiệp thì gần 6%.
"Lạm phát đang ăn vào lương bổng của người dân, có nghĩa là họ đang có ít tiền hơn để chi tiêu. Chuyện giá dầu thô lao dốc đồng nghĩa với việc lạm phát có thể không giảm nhanh như nhiều người dự đoán", nhà phân tích Tomasz Noetzel thuộc Bloomberg Intelligence nói.
Với ông Love, hiện có quá nhiều biến số để đánh giá: "Tôi muốn mua thêm tài sản Nga, nhưng không thể nào dự đoán được hướng đi của giá dầu vào thời điểm này và tôi không muốn nhận thêm các nguy cơ không cần thiết", ông Love cho biết.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Kinh tế Nga đang gặp khó đến mức nào? Bloomberg mới đây có bài viết nhận định về tình hình kinh tế Nga, với ý kiến của nhiều chuyên gia Nga cho rằng kinh tế nước này đang tuột dốc đáng kể. Ảnh: Reuters Với nền kinh tế đang chật vật của Nga, dự báo năm 2016 trông có vẻ ảm đạm. Rúp Nga (RUB) đã trượt xuống mức đáy kỷ lục...