Kén chọn vaccine đẩy Brazil lún sâu vực thẳm
Dù Brazil đã vượt mốc 500.000 người chết vì Covid-19, người dân vẫn từ chối tiêm các vaccine họ nghĩ “không đạt chuẩn”, để chờ những mũi Pfizer khan hiếm.
“500.000 người đã ra đi trong một đại dịch ảnh hưởng đến cả Brazil và toàn thế giới. Tôi đang làm việc cật lực để tiêm chủng cho toàn bộ người dân trong thời gian ngắn nhất có thể, từ đó thay đổi bối c ảnh đã khiến chúng ta đau khổ hơn một năm qua”, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga viết trên Twitter.
Việc không kiểm soát được Covid -19 tại vùng dịch lớn thứ ba thế giới, nơi đang ghi nhận khoảng 2.000 ca tử vong mỗi ngày và ít có dấu hiệu suy giảm, sẽ không chỉ gây tổn hại cho người dân nước này, mà còn đe dọa toàn cầu nếu quốc gia 213 triệu dân trở thành “lò ấp” các biến chủng nCoV mới.
Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng Covid-19 tại Brazil lại đang bị đình trệ do tình trạng thiếu hụt và trì hoãn giao vaccine. Vấn đề còn trở nên phức tạp hơn khi người dân tỏ ra “kén cá chọn canh”, một mực chờ tiêm vaccine của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer, dù nó chỉ chiếm 4% trong kho vaccine hiện nay của Brazil. 96% còn lại là vaccine CoronaVac, do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất, và vaccine của hãng dược Anh – Thụy Điển AstraZeneca.
Một lọ vaccine Covid-19 của Pfizer ở một bệnh viện tại Belfast, Bắc Ireland, Anh, hồi tháng 12/2020. Ảnh: Reuters .
Tại Sao Paulo, người dân đề nghị được tiêm vaccine của Pfizer tại các phòng khám công và thường ra về nếu không có đúng loại này. Một số trung tâm y tế phải treo thông báo “Không có vaccine Pfizer” để tiết kiệm thời gian. Nhiều điểm tiêm chủng vắng lặng, trong khi những nơi có vaccine Pfizer chật kín người.
Maressa Tavares, một giáo viên tại Rio de Janeiro, đáng lẽ đã được tiêm vaccine Covid-19 từ hai tuần trước. Tuy nhiên, Tavares quyết định chờ vaccine Pfizer theo yêu cầu của cha mình. “Tôi thấy các loại vaccine không khác nhau lắm, nhưng quan điểm của cha tôi rất quyết liệt”, người phụ nữ 29 tuổi nói.
Trong khi vaccine của Pfizer, hợp tác phát triển cùng công ty Đức BioNTech, có tỷ lệ hiệu quả lên tới 95%, tỷ lệ của CoronaVac chỉ dao động từ 50% đến 84%, tùy thuộc vào quốc gia tiến hành thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn Ba. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro còn từng công kích “nguồn gốc” của vaccine này và ban đầu từ chối mua.
Video đang HOT
Về vaccine AstraZeneca, các chuyên gia châu Âu nhận định nó có thể gây ra biến chứng đông máu hiếm gặp ở người tiêm và một số phản ứng khác, dù lợi ích vẫn vượt xa nguy cơ. Vaccine này từng nhiều lần bị tạm ngừng sử dụng như một biện pháp đề phòng và vẫn chưa được phê duyệt tại Mỹ.
“Ban đầu, mọi người sợ phải tiêm CoronaVac bởi đây là hàng Trung Quốc. Giờ lại đến vaccine AstraZeneca do các phản ứng. Mọi người thực sự đang tiếp nhận thông tin sai lệch, còn chính phủ đưa ra kế hoạch tiêm chủng quá chậm chạp, khiến người dân vô cùng lo lắng”, Luiz Carlos de Souza e Silva, y tá đảm nhiệm tiêm chủng tại một phòng khám ở Rio de Janeiro, nêu ý kiến.
Tâm lý ngần ngại vaccine không chỉ xảy ra ở Brazil. Tại châu Âu, vaccine AstraZeneca cũng “thất sủng” sau những thông tin về hiện tượng đông máu. Uruguay thậm chí quyên góp những liều AstraZeneca sắp hết hạn sử dụng, do người dân không muốn tiêm chúng.
Tuy nhiên, Brazil nằm trong số những nước đang cần vaccine Covid-19 nhất thế giới. Hơn 86 triệu liều đã được sử dụng tại nước này, nhưng số người đã tiêm liều đầu tiên chiếm chưa đến 30% dân số và mới chỉ 12% được tiêm đầy đủ, theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp.
Tỷ lệ lây nhiễm nCoV tại Brazil vẫn ở mức cao và có thể tồi tệ hơn khi mùa đông ở Nam Bán cầu đến. Một số thành phố và bang đang khôi phục các lệnh phong tỏa. Nhưng sau 15 tháng chống dịch được cho là hỗn loạn, thiếu cơ sở, những biện pháp như vậy đã trở nên kém hiệu quả hơn.
Biến chủng Gamma với khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn, lần đầu tiên được ghi nhận ở Brazil hồi tháng 11/2020 và đã lan đến 64 quốc gia, cũng là mối đe dọa lớn. Những vaccine Covid-19 hiện nay được cho là vẫn hiệu quả trước các biến chủng virus, nhưng các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lún sâu hơn vào khủng hoảng.
“Virus đang hoành hành dữ dội, rất nhiều người đã nhiễm, nhưng chỉ một số ít được tiêm chủng và hầu như mới tiêm một liều. Việc chờ đợi loại vaccine này hay vaccine kia cực kỳ nguy hiểm”, Atila Iamarino, chuyên gia virus học tại Đại học Sao Paulo, cảnh báo.
Một bệnh nhân nghi nhiễm nCoV được đưa đến một bệnh viện gần Rio de Janeiro, Brazil, hôm 20/5. Ảnh: Reuters .
Khác với Mỹ, quốc gia đặt cược vào nhiều loại vaccine từ sớm, Brazil chỉ chọn mua vaccine của AstraZeneca, với những kết quả thử nghiệm ban đầu đầy hứa hẹn và hiệu quả trung bình là 70%. Sau những lần trì hoãn giao hàng, các thống đốc và thị trưởng đã tự tìm kiếm những hợp đồng riêng. Do không còn lựa chọn, chính phủ Brazil cuối cùng cũng ký hợp đồng với Sinovac.
Giới chuyên gia cho biết ngay cả những loại vaccine có tỷ lệ hiệu quả thấp hơn cũng rất đáng tiêm. Tuy nhiên, tâm lý ngờ vực của Tổng thống Bolsonaro, người nói rằng nhiễm virus là cách bảo vệ bản thân hiệu quả hơn và vẫn chưa tiêm vaccine Covid-19, đã tác động đến những người ủng hộ ông.
Edilson Pessanha, cha của Maressa Tavares, đã hoãn tiêm vaccine Covid-19 khoảng ba tháng nhằm chờ bằng được vaccine Pfizer, đồng thời bày tỏ nỗi lo sợ CoronaVac. “Mọi người đều muốn những thứ xuất sắc. Tôi đã tìm hiểu và mong muốn điều tốt nhất dành cho mình, cũng như cho đất nước. Bolsonaro đang làm những gì tốt nhất cho chúng tôi”, người nông dân 62 tuổi nói.
Nhà vi sinh vật học Natalia Pasternak, người kịch liệt chỉ trích cách ứng phó đại dịch của chính quyền Bolsonaro và từng điều trần trước quốc hội, cho hay nhiệm vụ của chính phủ là thuyết phục người dân không nên kén chọn vaccine. “Tất cả đều hiệu quả và tiêm loại nào cũng tốt”, Pasternak cho biết.
Tốc độ tiêm chủng tại Brazil gần đây gia tăng. Sau khi sụt giảm mạnh vào tháng trước, số liều được sử dụng trung bình hàng ngày đã tăng lên khoảng 984.000 trong tháng này, khiến các thị trường tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh. Các lô vaccine cũng dự kiến được giao nhiều hơn vào nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia không mấy lạc quan, khi số ca nhiễm và chết vì Covid-19 hàng ngày tại Brazil vẫn rất cao, với tổng số ca nhiễm và tử vong hiện nay lần lượt là gần 18 triệu và gần 502.000. Fiocruz, một tổ chức theo dõi đại dịch, đánh giá tình hình ở Brazil vẫn “nghiêm trọng”, với độ tuổi trung bình của các ca tử vong lần đầu tiên xuống dưới 60.
“Thật vô lý khi nhìn vào những con số tử vong hàng ngày và nghĩ rằng mọi thứ đã ổn. Điều này không hề ổn. Nhiều người thấy các nước khác đang trở lại trạng thái bình thường và tin rằng chúng ta cũng vậy, nhưng rõ ràng không phải thế”, Pasternak nói.
Cảnh báo vùng Bắc Ireland của Anh trở lại 'vòng xoáy xung đột sắc tộc'
Thủ tướng CH Ireland Micheal Martin ngày 10/4 cảnh báo về "sự trở lại vòng xoáy xung đột sắc tộc" ở vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh sau khi làn sóng bạo lực kéo dài 1 tuần qua vẫn tiếp tục với 14 cảnh sát bị thương trong đêm qua.
Lửa bốc lên khi người biểu tình ném bom xăng vào lực lượng cảnh sát tại thành phố Belfast, Bắc Ireland, ngày 8/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tình trạng bạo loạn đã xảy ra tại thủ phủ Belfast của Bắc Ireland vào đêm 9/4 với việc những kẻ quá khích ném bom xăng và gạch đá vào cảnh sát. Đến nay đã có 88 cảnh sát bị thương trong làn sóng bạo lực gần đây.
Cảnh sát cũng đụng độ với một nhóm 40 đối tượng quá khích ở thị trấn Coleraine ở phía Bắc và một người đàn ông đã bị bắt giữ về tội tàng trữ bom xăng sau các vụ bạo loạn ở Newtownabbey, ngoại ô phía Bắc của thủ phủ Belfast.
Ngày 10/4 cũng đánh dấu tròn 23 năm, các phe phái đối địch ở Bắc Ireland ký kết "Thỏa thuận ngày thứ Sáu tốt lành" chấm dứt 3 thập kỷ xung đột sắc tộc đẫm máu ở vùng lãnh thồ này, vốn đã làm khoảng 3.500 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney thừa nhận đây là "một tuần khó khăn và đáng lo ngại". Ông nhấn mạnh lễ kỷ niệm ngày ký kết thỏa thuận hòa bình trên sẽ nhắc nhở trách nhiệm, quyết tâm của các bên trong việc bảo đảm hòa bình tại Bắc Ireland.
Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng về vụ bạo lực ở Belfast. Nhà Trắng đã bày tỏ quan ngại về tình trạng bất ổn ở Bắc Ireland, đồng thời kêu gọi giữ bình tĩnh.
Cùng ngày, trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn chính của Ủy ban châu Âu Eric Mamer viết: "Chúng tôi lên án, bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể, các hành vi bạo lực đã xảy ra ở Bắc Ireland trong những ngày qua. Không một ai được hưởng lợi từ tình trạng này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan ngay lập tức kiềm chế những hành vi bạo lực này".
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland trong Chính phủ Anh Brandon Lewis đã kêu gọi các cộng đồng tại Bắc Ireland cùng nhau giải quyết căng thẳng.
Căng thẳng tại Bắc Ireland gia tăng trong những tháng gần đây giữa cộng đồng người Tin lành và cộng đồng theo đạo Thiên chúa giáo, một phần do những bất đồng quan điểm trong việc thực thi thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) có hiệu lực từ 1/1/2021.
Theo thỏa thuận này, hàng hóa từ Anh vào Bắc Ireland phải tuân theo các quy định của EU nên bị những người theo chủ nghĩa dân tộc phản đối. Một số người quá khích đã dùng bom xăng, đá, pháo sáng tấn công cảnh sát ở thủ phủ Belfast. Các nhóm bán quân sự thuộc hai phe ủng hộ Bắc Ireland ở lại Vương quốc Liên hiệp Anh hoặc sáp nhập vào Cộng hòa Ireland cũng tham gia vào các cuộc bạo loạn này.
Bạo loạn tiếp diễn tại Bắc Ireland Ngày 8/4, bạo loạn tại vùng Bắc Ireland (Anh) tiếp tục bùng phát bất chấp các lãnh đạo Anh, CH Ireland và Liên minh châu Âu (EU) đều kêu gọi các bên kiềm chế. Ô tô bị đốt cháy trong vụ bạo động đường phố tại Newtownabbey, phía bắc Belfast, Bắc Ireland, ngày 3/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Phóng viên hiện trường của hãng AFP...