Kè sông Trí chậm tiến độ, hàng trăm hộ dân Kỳ Châu “bất an” trong mùa lũ!
Sau hàng năm khảo sát, Dự án kè chống sạt lở bờ tả sông Trí (đoạn qua thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mới được triển khai thi công nên mùa mưa lũ này, hàng chục hộ dân ở đây tiếp tục nơm nớp nỗi lo triều cường, ngập mặn.
Dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Trí đoạn qua thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu thi công dang dở ngay trong mùa mưa lũ
Sau nhiều năm sống chung với triều cường, ngập mặn trong mỗi mùa mưa lũ, cuối năm 2018, gia đình chị Mai Thị Hoa cùng các hộ dân ở thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu vui mừng khi biết tin đoạn bờ sông Trí chạy dọc theo chiều dài của thôn với chiều dài 470m sẽ được xây dựng để bảo vệ an toàn cho các hộ dân trong mùa mưa lũ 2019.
Gia đình Chị Hoa cùng gần 20 hộ dân có vườn nhà nằm dọc bờ sông đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để thi công công trình. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn, đến tháng 8/2019, công trình mới được triển khai và thời điểm này vẫn đang dang dở.
Cơn bão số 4 và các đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua gây mưa lớn trên địa bàn không chỉ làm đình trệ việc thi công công trình mà đã làm ngập lụt sâu và phải di dời hàng chục ngôi nhà ở thôn Hiệu Châu, đặc biệt là các hộ dân nằm sát bờ sông Trí.
Hàng chục hộ dân thôn Hiệu Châu bị nước lũ từ sông Trí gây ngập trong cơn mưa lớn ngày 5/9
“Trước đây, mặc dù khi mưa lớn nước cũng tràn vào vườn, vào nhà nhưng dù sao cũng còn có cả lũy tre dày che chắn bớt nên nước vào chậm và cường độ nhẹ hơn. Bây giờ bờ rào tre, cây cối đã bị cào bằng để làm kè, nước sông tràn vào nhà rất nhanh” – chị Mai Thị Hoa bày tỏ.
Sông Trí chảy qua các địa bàn của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh gồm: xã Kỳ Hoa, Kỳ Châu, Kỳ Hải, Kỳ Ninh và phường Sông Trí. Đến nay, tất cả các điểm xung yếu tại tuyến sông này đã được xây dựng kè chống sạt lở kiên cố, ngoại trừ đoạn bờ tả dọc theo thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu (một trong những đoạn xung yếu nhất) có chiều dài 470 m.
Video đang HOT
Chính quyền xã Kỳ Châu huy động các lực lượng đến dọn dẹp, di dời người và tài sản các hộ dân trong vùng ngập lụt sơ tán lên nơi an toàn trong cơn bão số 4
Là địa phương thấp trũng cạnh bờ sông Trí, không có kè chống ngập, mỗi khi có mưa lũ, thôn Hiệu Châu với 180 hộ, 622 nhân khẩu, đặc biệt 17 hộ trực tiếp cạnh bờ sông luôn bị ảnh hưởng nặng nề do ngập sâu trong nước mặn.
Cơn bão số 10 năm 2017 đã gây ngập sâu nhiều tuyến đường và trên 100 nhà dân; 22 ha lúa hè thu bị mất trắng; 6 vườn mẫu và hàng chục vườn hộ bị hư hại…
Không có mấy khi mùa mưa lũ mà thôn Hiệu Châu không phải sơ tán dân đến nơi an toàn.
Triển khai trong mùa mưa lũ, công trình luôn phải ngừng thi công do ngập nước
“Cũng chính vì đoạn sông này mà hàng năm chính quyền cũng như người dân toàn xã phải tập trung nhiều công sức, tiền của để phòng chống và giải quyết hậu quả ngập mặn, gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xây dựng NTM của địa phương.
Với sự cấp thiết cần có tuyến kè để bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân, xã đã nhiều lần đề xuất huyện và tỉnh xin chấp thuận đầu tư, bố trí vốn triển khai thi công. Tuy nhiên, sau nhiều lần các đơn vị chuyên môn của tỉnh, huyện đến khảo sát thực địa, cuối cùng, UBND xã Kỳ Châu lại được giao làm chủ đầu tư và tự cân đối nguồn để thi công” – Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu Phạm Lương Thịnh cho biết.
Với tổng vốn dự toán 15 tỷ đồng, chủ đầu tư là UBND xã Kỳ Châu sẽ rất khó khăn để hoàn thành công trình theo kế hoạch
Với tổng vốn dự toán 15 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp 12 tỷ đồng, Dự án công trình kè chống sạt lở bờ tả sông Trí (đoạn qua thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu) do UBND xã Kỳ Châu làm chủ đầu tư được khởi công vào đầu tháng 8/2019.
Sau hơn 1 tháng triển khai, đến thời điểm này, công trình chỉ mới đạt 30% khối lượng. Trong điều kiện thiên tai bất thường như hiện nay, việc hoàn thành công trình đảm bảo tiến độ là điều không thể. Trong mùa mưa lũ này, khi vành đai hàng rào cây cối đã bị san phẳng làm mặt bằng thân kè thì nguy cơ ngập lụt sẽ cao hơn bao giờ hết.
Chủ tịch UBND xã Phạm Lương Thịnh cho biết: Do tính đặc biệt cấp thiết nên không còn cách nào khác, xã phải đứng ra làm chủ đầu tư và tự bố trí kinh phí để xây dựng tuyến kè này. 15 tỷ đồng là số kinh phí quá sức đối với địa phương; nếu như không có nguồn hỗ trợ của tỉnh và huyện thì xã khó có thể đảm đương được khối lượng công việc này.
Mặc dù rất cấp thiết, nhưng Dự án công trình kè chống sạt lở bờ tả sông Trí (đoạn qua thôn Hiệu Châu) chưa nhận được sự thống nhất cao của người dân khi UBND xã bỏ vốn đầu tư
“Chưa kể, để có được một phần vốn ban đầu, xã đã phải dốc hết nguồn ngân sách thu được từ bán đất và một số nguồn khác. Trong khi các hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp mong mỏi từng ngày có hệ thống kè chống ngập, thì phần lớn các hộ dân khác lại không muốn xã tự bỏ kinh phí (đúng ra dành để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn) để xây kè.
Ý của bà con là đồng tình, ủng hộ việc làm kè nhưng phải được đầu tư từ nguồn vốn của trung ương hoặc của tỉnh, huyện”.
Theo Baohatinh
Quảng Bình: Sẵn sàng ứng phó trước mùa mưa bão
Mùa mưa bão 2019 được dự báo có nhiều bất thường, nhiệm vụ của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình với công tác phòng chống lụt bão càng trở nên khó khăn hơn.
Xác định được trọng trách của mình, chi cục đang triển khai các hoạt động sẵn sàng ứng phó trước những tình huống khó lường của thiên tai.
Cán bộ Chi cục Thủy lợi Quảng Bình kiểm tra kè tại xã Quảng Phúc (Quảng Trạch).
Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước
Quảng Bình hiện có 150 hồ chứa, 211 đập dâng thủy lợi với tổng dung tích các đập, hồ chứa khoảng 560 triệu mét khối, phục vụ tưới cho trên 55.000ha sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và sinh hoạt. Trong đó có 22 hồ chứa lớn và 1 đập dâng (7 hồ điều tiết bằng cửa van); số lượng đập, hồ chứa vừa là 32 hồ và 2 đập dâng, các hồ chứa đều có tràn tự do; số hồ chứa nhỏ là 96 hồ và 12 đập dâng, các hồ chứa đều có tràn tự do.
Trong năm 2018, Quảng Bình đã triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn hồ đập một cách đồng bộ, có hiệu quả. Để có được kết quả như vậy, Chi cục Thủy lợi đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, Công ty Khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra tình hình hư hỏng, xuống cấp của các hồ chứa nước. Công tác triển khai quản lý an toàn đập thực hiện theo Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND tỉnh về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập của các địa phương, đơn vị.
Trong tổng số 133 hồ đập do địa phương quản lý, chưa có tổ chức nào được các cấp chính quyền huyện, xã bàn giao quản lý đích thực; các hồ đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa. Còn đối với 17 hồ chứa do Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý thực hiện tương đối đầy đủ công tác quản lý an toàn đập, phần lớn hồ đập đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn tích nước, phòng lũ.
Đẩy mạnh quản lý hệ thống đê điều
Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi Cục Thủy lợi Quảng Bình, cho biết: Nhiệm vụ chính của các tuyến đê là chống lũ sớm, lũ tiểu mãn, ngăn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ dân sinh - kinh tế của từng vùng, từng địa phương. Đến nay, hệ thống đê điều của tỉnh đã thực sự đóng vai trò quan trọng, thiết thực, gắn liền với đời sống nhân dân trong vùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế và công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.
Thực tế thấy toàn tỉnh Quảng Bình có trên 280km đê, kè cùng với gần 130 công trình qua đê, bao gồm cống, tràn các loại. Hệ thống đê điều trong tỉnh được phân loại: đê biển có 1 tuyến cấp IV, dài 5km; đê cửa sông có 11 tuyến, dài 82,5km (trong đó đê cấp IV có 4 tuyến, dài 34,9km và đê cấp V có 7 tuyến, dài 47,6km).
Hàng năm tỉnh kịp thời chỉ đạo các huyện, thị, thành phố có đê tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình đê điều, vật tư dự trữ phòng chống lụt bão làm cơ sở cho công tác hộ đê. Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tiến độ việc triển khai thực hiện các chương trình củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, đồng thời chủ trì phối hợp với các địa phương thực hiện xử lý sự cố các tuyến đê vùng cửa sông, ven biển bị sạt lở để kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương xây dựng phương án phòng chống lụt, bão, hộ đê, đặc biệt tập trung vào những vị trí đê có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, các vùng bờ sông sạt lở mạnh. Đây là công việc được tiến hành thường xuyên, nhất là trong mùa lũ, bão, để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều. Việc chuẩn bị vật tư dự trữ, nhân lực, phương tiện cho việc hộ đê được các cấp chính quyền địa phương coi trọng và kịp thời chỉ đạo khi cần thiết để huy động lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu, nhanh chóng xử lý khi sự cố xảy ra.
Đức Sơn
Theo KTDT
Sạt lở đá ở đèo Mã Pì Lèng, 2 du khách bị thương Tối 31/5, lãnh đạo UBND xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) thông tin, trên địa bàn xảy ra vụ sạt lở đất đá khiến 2 du khách bị thương. Thông tin ban đầu, vào thời gian trên, chiếc xe máy chở du khách nước ngoài cùng người Việt Nam di chuyển trên quốc lộ 4C, hướng từ Đồng Văn về Mèo...