Kế sách IS ngăn người dân nội bất xuất
Tịch thu hộ chiếu, cấm phụ nữ trẻ và thiếu niên rời thành phố, phong tỏa các tuyến đường huyết mạch, IS đang làm mọi cách để ngăn dòng người tháo chạy khỏi địa bàn.
Cư dân tại Raqqa, thành trì của IS tại Syria. Ảnh: Reuters
Theo những cư dân địa phương, các phần tử nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đang thắt chặt an ninh dọc theo ranh giới địa bàn của nhóm để ngăn cản người dân bỏ trốn. Nhóm này còn canh gác cẩn mật hơn tại những khu vực tập trung đông dân cư nhất.
Những người sống tại thành phố Raqqa, Syria, nơi được xem như thành trì của IS buộc phải đăng ký tên tuổi với nhóm. Ngoài ra, nhóm này còn ban hành những lệnh cấm, quy định rõ những gì người dân được mang vào hoặc đưa ra khỏi các thành phố IS kiểm soát. Phụ nữ không được phép đi đâu mà không có họ hàng là nam giới đi cùng.
“Việc rời khỏi thành phố giờ thực sự rất khó khăn”, Business Insider dẫn lời Abu Ibrahim al-Raqqawi, một nhà hoạt động trong nhóm có tên Raqqa âm thầm bị tàn sát (RBSS), cho biết. “Vấn đề không phải ở chỗ làm sao để tới Raqqa, mà là làm thế nào để ra khỏi đó”.
Raqqa là đầu não hoạt động của IS tại Trung Đông. Raqqawi cho biết anh vẫn di chuyển ra vào thành phố này với sự giúp sức của những kẻ buôn người. Gia đình anh hiện còn ở lại Raqqa.
Theo Raqqawi, IS đã tịch thu hộ chiếu của người dân để khiến họ khó di chuyển, và buộc tất cả phải tới đăng ký tên tuổi với các chiến binh nhằm dễ bề quản lý.
“Họ không cho phép phụ nữ dưới 45 tuổi rời thành phố, và nam giới dưới 19 tuổi cũng không được ra đi”, Raqqawi cho biết. “Sau khi IS ra thông báo rằng ‘chúng tôi muốn có danh dách mọi cậu bé trong thành phố từ 14 tuổi trở lên’, người dân rất sợ việc tuyển mộ, và muốn rời đi”.
Một người đàn ông Syria đến từ thành phố Deir Ezzor có tên Fikram cho biết, ngay cả một số khu vực của chính phủ “cũng đang bị IS bao vây để người dân không thể thoát ra, trừ những tình huống đặc biệt”.
“ Khu vực do IS kiểm soát có một con đường mà người dân có thể đến và đi, nhưng họ chỉ mở đường đó vào những ngày và giờ nhất định”, Fikram nói. “Ngoài ra, người dân cũng không được di chuyển đồ đạc cá nhân khỏi thành phố, ví dụ như đồ nội thất trong nhà”.
IS lâu nay vẫn áp đặt các quy định về việc những ai có thể rời khỏi lãnh địa nhóm kiểm soát. Ali Leili, một thành viên trong nhóm hoạt động D’Arezzo, chia sẻ về những quy định tại thành phố Deir Ezzor.
“Đôi khi mọi người được phép tới Damascus để chữa bệnh, nhưng trước đó họ phải viết một cam kết rằng sẽ trở về Deir Ezzor sau khi quá trình điều trị kết thúc”, Leili nói. Quy định tương tự cũng được ghi nhận tại các thành phố khác.
Tại Mosul, IS yêu cầu bất kỳ ai rời khỏi thành phố phải cung cấp cho các tay súng tên của những người họ hàng có thể cam đoan rằng họ sẽ trở về, New York Times đưa tin. Nếu người đó không trở về, những người họ hàng có thể bị bắt.
Lách luật
Những cấm đoán này khiến người dân phải vận dụng những biện pháp khác thường để có thể rời đi.
Video đang HOT
“Hàng trăm cư dân Deir Ezzor và đặc biệt là những người trẻ tuổi đã rời khỏi tỉnh này theo các tuyến đường buôn lậu bí mật, sang Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là châu Âu. Một vài người trong số đó có thể vẫn còn ở lại Thổ Nhĩ Kỳ”, Leili cho biết. “Mọi người đều bỏ chạy bởi cảnh địa ngục họ chứng kiến tại tỉnh này, do sự xâm phạm và thắt chặt kiểm soát của IS đối với cư dân”.
Theo New York Times, hoạt động đưa người bí mật trốn đi giờ trở thành một ngành “công nghiệp” nở rộ. Các tuyến đường đến và đi khỏi Raqqa vẫn hầu như được mở, nhưng mọi người phải trông cậy vào những kẻ buôn lậu, để có được giấy chứng minh giả và đưa họ qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người khác thì dựa vào chính các tay súng IS để giúp họ trốn chạy. Một phụ nữ lớn lên tại Raqqa và bị ép gia nhập IS sau khi nhóm này chiếm đóng thành phố đã nhờ một người bạn trong hàng ngũ nhóm để giúp mình và người anh em họ thoát ra ngoài. Tay súng đó đã đưa được họ qua các chốt kiểm soát của IS êm xuôi.
Những tài liệu tuyên truyền được IS tung ra mới đây cho thấy nhóm này đặc biệt lo ngại về tình trạng người dân bỏ chạy, cũng như những tổn thất việc này có thể gây ra cho “thanh thế” của tổ chức.
Hồi tháng 9, IS tung ra các video tuyên truyền, nhắm tới những người di cư, kêu gọi họ hãy tới và gia nhập, thay vì bỏ chạy tới châu Âu như những “kẻ ngoại đạo”. Đoạn video có mục đích củng cố hình ảnh “nhà nước” của IS như một nơi sống lý tưởng, và nhấn mạnh những hiểm nguy người tị nạn phải đối mặt trên hành trình tới các nước châu Âu.
“Nhóm tuyên bố đã tạo ra miền đất lý tưởng cho người Hồi giáo, thế nhưng người Hồi giáo lại lũ lượt bỏ chạy”, Daveed Gartenstein-Ross, một nhà phân tích chống khủng bố tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ bình luận. “Một nhà nước thực sự lẽ ra phải có khả năng cung cấp dịch vụ cho cư dân của mình”.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Mạng lưới thu thuế tỏa như chân rết của IS
Bằng đội ngũ thu thuế đông đảo, IS đang tìm cách đánh thuế lên mọi hoạt động kinh tế của người dân trong vùng kiểm soát.
Bên trong một cửa hàng ở sào huyệt Raqqa của IS tại Syria. Ảnh: Reuters
Khi các thủ lĩnh IS tuyên bố áp thuế tôn giáo gọi là zakat mùa hè năm ngoái, Mansour, một chủ tiệm tạp hóa 26 tuổi ở miền đông Syria phải xin hoãn trả thuế để tìm cách làm khống sổ sách kế toán.
Một tuần sau, 4 phiến quân IS xông vào cửa hàng của anh, ra lệnh cho anh ra ngoài để họ tự kiểm kê hóa đơn và tính toán giá cả bán lẻ trong cửa hàng. 5 giờ sau, việc kiểm kê hoàn tất, và mức thuế zakat mà Mansour phải nộp cho IS là 32.500 lira Syria (khoảng 108 USD).
"Chúng bảo tôi 'mày là kẻ dối trá...làm sao mày làm ăn được nếu mày không đóng thuế zakat'?" Mansour kể với Financial Times (FT) thông qua một trang mạng xã hội. Giống với những người ở lãnh thổ do IS kiểm soát, Mansour đề nghị không nêu danh tính thật để đảm bảo an toàn cho mình.
Một cuộc điều tra của FT cho thấy số tiền IS có được từ việc đánh thuế, tống tiền và tịch thu tài sản ở các vùng lãnh thổ kiểm soát gần tương đương với lợi nhuận mà phiến quân thu về từ việc bán dầu lậu.
Các quan chức tình báo phương Tây, các cựu thành viên IS và người dân đang sinh sống ở khu vực do IS kiểm soát cho biết thuế và thuế phí cũng như tiền từ tịch thu tài sản được phiến quân dùng để trả các khoản lương hậu hĩnh cho các tân binh và thanh toán các dịch vụ công cộng như vệ sinh đường phố và trợ cấp lương thực.
IS áp thuế mọi lĩnh vực trong nền kinh tế trên lãnh thổ nhóm này kiểm soát và kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm. Sau nhiều tháng phỏng vấn các quan chức, những nhà phân tích và người dân trên thực địa,FT khám phá ra rằng tiền thu từ thương mại, nông nghiệp, kiều hối, thậm chí là các khoản tiền trả lương của chính phủ Iraq, tất cả đều chảy vào túi tiền của IS.
"Không có bất kỳ nguồn tiền nào mà không bị đụng đến bởi đây là mạch máu cho nền kinh tế của chúng", Omar, một cựu chỉ huy quân nổi dậy Syria đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói.
Khi IS tràn vào vùng đất mới, điều đầu tiên nhóm này làm là tịch thu tài sản để sung quỹ, phong tỏa ngân hàng, chiếm giữ nhà của các quan chức Iraq ở đó. Ở mỗi tỉnh, IS thành lập và điều hành bộ phận "thu giữ chiến lợi phẩm chiến tranh", phụ trách tính toán giá trị tài sản thu được và trích 1/5 số này thưởng cho các chiến binh tham gia vào hoạt động. Các mặt hàng phi quân sự được bày bán ở "chợ chiến lợi phẩm" ngay tại địa phương, nơi các thành viên IS được phép mua với giá khoảng một nửa.
Một chiến binh IS kiểm tra các lọ nước hoa trong một cửa hàng ở Raqqa. Ảnh:Reuters
"Bạn có thể mua bất cứ thứ gì: cánh cửa, tủ lạnh, máy giặt, ôtô, bò và đồ gia dụng. Tất cả là vì lợi nhuận", một chủ cửa hàng gần chợ chiến lợi phẩm ở Salihiyeh, một ngôi làng ở biên giới Syria-Iraq, nói.
Tài sản từ hoạt động trên chỉ là nguồn thu một lần, nên IS đang tìm cách đảm bảo các nguồn thu nhập dài hạn bằng các hoạt động thu thuế như zakat và một loạt các thuế khác.
Theo số liệu thống kê do các quan chức Iraq và nông dân Syria cung cấp, thuế tôn giáo trên ngũ cốc và vải bông giúp IS thu được trên 20 triệu USD mỗi năm. Nếu tính cả các kho ngũ cốc của chính phủ mà nhóm thu giữ, IS nắm trong tay 200 triệu USD.
Ở biên giới tây nam của Thổ Nhĩ Kỳ, có đến 600 xe tải xếp hàng nối đuôi nhau hàng ngày chở thực phẩm và vật liệu xây dựng vào Syria. Một vài lái xe và lái buôn nói rằng hầu hết hàng hóa này đi qua khu vực quân nổi dậy, tránh đi qua lãnh thổ do quân đội Syria kiểm soát và hướng thẳng đến các khu vực do IS cai trị.
"90% hàng hóa của chúng tôi bán ở đây là để phục vụ IS, bởi họ có sức mua rất lớn", Marwan, người mang dầu ăn, chất tẩy rửa và gạo vào lãnh thổ IS, nói.
Qua 5 năm nội chiến, ông phải hối lộ hàng ngày khi đi qua các trạm kiểm soát của quân nổi dậy và cả quân đội chính phủ lập trên đường. Với IS, ông nhanh chóng trình giấy xác nhận đã đóng thuế zakat và được đi qua.
Các xe tải từ Iraq đi vào lãnh thổ IS kiểm soát bị đánh thuế khoảng 140 triệu USD/năm, theo tính toán của các lái xe và các nhà phân tích Iraq.
Abu Mohammed, một lái buôn bán rau quả từ lãnh thổ quân nổi dậy sang các khu vực IS kiểm soát, cho biết một vài người bạn của anh chuyển sang buôn bán ở lãnh thổ của IS vì làm ăn ở đó an toàn hơn. "Bạn có thể mở toang kho hàng mà không lo bị ăn trộm dù chỉ là một cái kẹp ghim. Tất cả bạn phải làm là đóng thuế zakat", người này cho biết.
IS áp dụng một khung thuế zakat chung trên toàn lãnh thổ nhóm kiểm soát. Với doanh nhân và người dân giàu có, bất kể họ điều hành một công ty hay chỉ là một người lái xe tải, họ phải đóng thuế zakat tương đương 2,5% vốn. Với nông dân, IS thu 5% trị giá cây trồng có tưới nước và 10% với cây vào mùa mưa. Tuy nhiên, việc thu thuế cũng có thể linh hoạt. Một vài thủ lĩnh IS yêu cầu làm việc thay vì đóng tiền: các bác sĩ ở đông Syria không phải đóng thuế zakat nhưng phải tình nguyện một lần mỗi tuần đến làm việc ở các bệnh viện của IS.
Nông nghiệp là một trong những nguồn thu thuế zakat béo bở nhất, chủ yếu là các sản phẩm sơ chế như lúa mì, lúa mạch và bông. Nông dân Iraq cho biết họ nộp thuế zakat khi chăn nuôi và trồng trọt, trong khi nông dân Syria cho biết rất nhiều nhân viên thu thuế của IS tính toán giá thị trường và bắt đóng khoản tiền tương đương.
IS đặc biệt chú ý đến diện tích đất mỗi nông dân được canh tác. Nhóm này khuyến khích nông dân báo cáo về sản lượng nông sản của nhau để tính toán khoản thuế họ phải đóng là bao nhiêu.
Azzam, một nông dân trồng lúa mì, lúa mạnh và rau quả ngoại ô Mosul nói rằng anh rất sửng sốt về số lượng thành viên IS tham gia vào quá trình thu thuế.
"Họ đến với đủ loại thành phần, một vài là người Iraq, Syria và thậm chí là người nước ngoài. Họ rất đông và giống như một phái đoàn hộ tống chính phủ vậy", Azzam nói qua điện thoại.
Một trong những nguồn thu lớn nhất trong năm ngoái của IS là từ một nguồn không ai ngờ đến: chính phủ Iraq. Chỉ riêng việc đánh thuế lên các khoản lương chính phủ trả cho viên chức ở thành phố Mosul cũng có thể giúp IS kiếm được 23 triệu USD trong năm nay. Chính phủ Iraq tiếp tục trả lương cho đội ngũ khoảng 400.000 viên chức sinh sống trong các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát suốt hơn một năm nay.
Các thành viên ủy ban tài chính quốc hội Iraq cho biết khoản chi tiền lương cho viên chức lên tới hơn một tỷ USD. IS đã đánh thuế khoản lương này với mức 10-50%. "Không còn cách nào khác là phải cắt các khoản lương này. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác", Haitham al-Juboori, phó trưởng ban tài chính quốc hội Iraq, nói.
Tuy nhiên, các quan chức Iraq ở Mosul đã chỉ trích quyết định trên và cảnh báo rằng việc này sẽ tác động xấu tới người dân. "Người dân sẽ bị nghèo đói và họ sẽ bị đẩy vào vòng tay IS", một viên chức chính quyền chạy trốn khỏi Mosul cho biết.
Kiều hối từ thân nhân ở nước ngoài chuyển cho những người sống dưới sự kiểm soát của IS là nguồn tiền lớn cho phiến quân đánh thuế. Những thân nhân nước ngoài sử dụng hệ thống "hawala", một hệ thống chuyển tiền không chính thức tương tự hệ thống Western Union. Người dân địa phương nói rằng các cây rút tiền hawala trên phố bị phiến quân IS giám sát chặt chẽ và bất kỳ ai đến rút tiền cũng bị đánh thuế.
Nhiều người dân Syria và Iraq sống dưới sự cai trị của IS đã chạy trốn khiến lượng người đóng thuế cho chúng giảm. Ali, một giáo viên tiểu học ở thành phố Mayadeen đã chạy trốn tháng trước cho biết tất cả các bác sĩ, kỹ sư và giáo viên ở thành phố này đã trốn thoát trong mùa hè.
Gần như tất cả mọi hoạt động kinh tế trong vùng lãnh thổ do IS kiểm soát đều bị đánh thuế. Ảnh: Aljazeera
Một quan chức nông nghiệp ở Mosul cho biết chỉ còn khoảng 50.000 héc ta đất nông nghiệp được canh tác trong lãnh thổ IS trong năm nay, ít hơn nhiều so với 75.000 héc ta trong năm ngoái, trong khi số lượng gia súc đã giảm một nửa.
"Nếu đất nông nghiệp tiếp tục bị thu hẹp, sản lượng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và cuối cùng người nông dân sẽ tự bỏ ruộng đất vì họ không thấy có lãi", quan chức trên nói.
Có lẽ do sợ "nhà nước" sẽ sạch bóng dân cư, nên IS đã cố gắng ngăn cản người dân rời đi. IS đã ban hành các lệnh cấm dân cư đi đến "vùng đất của những kẻ ngoại đạo" trừ khi cần điều trị y tế khẩn cấp. Bên cạnh đó, IS buộc phải hạn chế gây áp lực lên những người dân còn lại trên lãnh thổ. Ở những khu vực tiền tuyến và những ngôi làng kiệt quệ, các thủ lĩnh IS chỉ thu một khoản phí nhỏ hoặc buộc phải dỡ bỏ thuế zakat hoàn toàn.
Ali cho biết IS từng tìm cách áp thuế 20.000 lira (khoảng 50 USD) với các sách giáo khoa mới xuất bản hồi đầu năm 2015, nhưng sau đó phải rút lại khi người dân địa phương không cho trẻ đến trường.
Trong chuyến đi mới đây đến lãnh thổ IS, lái buôn Marwan nói rằng ông không thể tin vào mắt mình khi thấy những người nông dân cày trên những cánh đồng ngay cạnh chiến trường. "Bạn sẽ thấy tên lửa bay trên đầu những người nông dân đang cày cuốc ngoài đó. Nhưng nếu họ không làm việc, họ lấy gì để sống?"
Duy Sơn
Theo VNE
Phiến quân IS tuyệt vọng vì thiếu bác sĩ Một phiến quân của Nhà nước Hồi giáo (IS) khẩn thiết kêu gọi các y bác sĩ gia nhập nhóm cực đoan này khi nhiều thành viên mất mạng do không được điều trị đầy đủ. Omar Hussain. Ảnh: Telegraph "Khi cuộc chiến ở Syria nổ ra, nhiều bác sĩ đã bỏ trốn đến sống ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các nước khác....