Kẻ khống chế con tin đã thăm dò nhiều lần khu tập thể
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) cho biết, Trần Thanh Bình, kẻ khống chế con tin, khai mua dao, súng từ Lào Cai đem về Hà Nội để đi cướp tài sản. Bình đã đến khu nhà E6 Thanh Xuân Bắc thăm dò nhiều lần trước khi gây án.
Trước đó, sáng 16/9, Trần Thanh Bình (SN 1986, trú tại Quảng Ninh) đã dùng dao khống chế 5 con tin tại căn hộ 401 nhà E6, tập thể Thanh Xuân Bắc. Tại đây, đối tượng dùng dao dọa đâm chết những người có mặt trong nhà nếu dám kêu cứu.
Trần Thanh Bình (trái) tại cơ quan điều tra
Quá trình giằng co với đối tượng, bà Đỗ Thị Ánh Hồng (SN 1966, chủ nhà) đã bị thương ở tay… Chỉ đến khi Giám đốc Công an Hà Nội – Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung trực tiếp vào gặp động viên, thuyết phục, Bình mới chịu buông hung khí đầu hàng.
Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp Trần Thanh Bình, đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục để ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng.
Sắm súng, bình xịt hơi cay đi cướp
Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội cho biết rõ hơn, khi ý đồ bị bại lộ, Trần Thanh Bình đã rất khôn ngoan, yêu cầu gặp vợ con thay vì đòi nạn nhân đưa tài sản.
Đại tá Dương Văn Giáp cũng cho hay, ngoài con dao hung khí gây án, khi thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở trọ của Trần Thanh Bình tại quận Long Biên (Hà Nội) vào ngày 16/9, cảnh sát thu giữ 1 súng bắn đạn bi cùng hơn 100 viên đạn, 1 bình xịt hơi cay, 1 côn 3 khúc. Qua đấu tranh khai thác, bước đầu Trần Thanh Bình khai mua số dao, súng trên ở Lào Cai với ý định mang về Hà Nội tìm cơ hội cướp tài sản để lấy tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Trước khi dùng dao khống chế 5 con tin tại tòa nhà E6 Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Bình đã “tăm tia” khu tập thể này nhiều lần, bắt đầu từ ngày 30/8, nhằm tìm các gia đình sơ hở để cướp tài sản. Tuy nhiên, khi bị Bình rút dao dọa giết, các nạn nhân đã kêu cứu và một số người dân sống gần đó chạy sang.
“Làm việc với cơ quan điều tra, Bình cũng thừa nhận vì nạn nhân tri hô và có người chạy sang nên Bình biết ý đồ cướp tài sản đã bại lộ, không thể thực hiện được nữa nên chuyển hướng đòi gặp người nhà thay vì đòi tài sản nhằm đánh lạc hướng. Điều này thể hiện sự ranh mãnh của đối tượng” – đại tá Dương Văn Giáp nói.
Cuộc đấu trí với hung thủ của Giám đốc Công an Hà Nội
Video đang HOT
PV Tiền Phong hỏi, 10 phút đối mặt Trần Thanh Bình trong căn hộ 401, Giám đốc Công an Hà Nội đã dùng lời lẽ gì khiến nghi phạm buông vũ khí, ngoan ngoãn ra hàng, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nói: “Thực ra không phải 10 phút, tôi đã phải thuyết phục đối tượng rất lâu, nhưng thôi các anh đừng đăng báo, điều quan trọng nhất là các con tin đã được an toàn…”.
Tìm hiểu qua một số cán bộ điều tra, được biết trên đường đến hiện trường, Thiếu tướng Chung đã nói chuyện 4-5 cuộc qua điện thoại với Bình, phân tích hành vi vi phạm của Bình, yêu cầu không được gây ảnh hưởng đến con tin, nếu buông vũ khí ra đầu thú sẽ được hưởng khoan hồng như thế nào…
Bình yêu cầu được gặp vợ con trước khi buông vũ khí, song ông Chung vừa mềm mỏng, vừa cương quyết, yêu cầu Bình đầu thú trước và hứa sẽ tạo điều kiện cho hung thủ được gặp vợ con.
Tiếp đó, Trần Thanh Bình yêu cầu gặp trực tiếp Giám đốc Công an Hà Nội mới ra đầu thú. Đến nơi, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung mặc thường phục, một mình vào gặp Bình, bên ngoài lực lượng cảnh sát hình sự ém sẵn.
Chỉ khoảng 10 phút sau, đã thấy vị Giám đốc Công an Hà Nội đi ra xe ô tô, bên cạnh là hai người đàn ông. Một trong hai người đó là Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội, đang khoác tay một thanh niên lạ mặt – chính là Trần Thanh Bình. Một kết cục bất ngờ, chưa từng thấy trong những vụ giải cứu con tin nghẹt thở.
Đại tá Dương Văn Giáp cho biết thêm, khi cùng lực lượng cảnh sát hình sự dắt Bình đi xuống tầng một, đưa lên xe ô tô của mình về trụ sở công an, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung còn tìm hiểu tâm lý của Bình để phục vụ việc điều tra. Khi được Giám đốc Công an Hà Nội động viên, hỏi lý do Bình bỏ nhà đi, Bình nói bức xúc vì đi làm mãi mà không được đi học, chỉ được làm bảo vệ. Trong khi đó, bản thân Bình đang nợ nần, gia đình đã trả hộ cho 110 triệu đồng…
Bình cũng cho biết, bản thân luôn tự ti vì bản thân chỉ làm bảo vệ, trong khi vợ làm công nhân. Đã nhiều lần, Bình nói với gia đình xin cho Bình được làm công nhân nhưng không được thỏa mãn. Khoảng 10 ngày trước, Bình bỏ nhà đi và cầm theo 4 triệu đồng với ý định tìm một công việc “hoành tráng” hơn trên Hà Nội… Đến sáng 16/9, Bình gây án.
Theo Lê Dương – Công Minh (Tiền Phong)
Chuẩn bị sẵn hung khí gây án: Trần Thanh Bình là đối tượng nguy hiểm
Từ những diễn biến, thông tin sự việc trong phòng 401 nhà E6 tập thể Thanh Xuân Bắc, như đối tượng gây án người tỉnh ngoài; hành vi phạm tội tăng dần độ manh động, từ gây thương tích đến khống chế phụ nữ, trẻ em...Giám đốc CATP Hà Nội đã đưa ra 2 mục tiêu quan trọng đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại hiện trường: thuyết phục đối tượng buông hung khí và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các con tin.
"Sắm" súng bắn bi, côn và bình xịt hơi cay
Thời điểm Trần Thanh Bình khống chế các con tin trong phòng 401, thậm chí đến khi đối tượng đã "yên vị" ở số 7 Thiền Quang, vẫn có người dân nghĩ rằng đối tượng này vào nhầm nhà và chỉ vì muốn gặp người cô tên là Bé, nên mới có hành động manh động như vậy.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Võ Hồng Phương - Phó trưởng Phòng CSHS, người theo sát di biến động của kẻ bắt cóc con tin, đối tượng Trần Thanh Bình không hề "nhầm lẫn" và "tình cờ" chút nào. "Anh ta luôn giữ thái độ khá bình tĩnh, lạnh lùng suốt thời gian cố thủ trong phòng 401; và rất quanh co khi khai báo tại CQĐT", Thượng tá Phương cho biết.
Đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng CSHS thẩm vấn đối tượng Bình, chiều 17-9
Bản khai đầu tiên tại số 7 Thiền Quang lúc hơn 11h ngày 16-9, Trần Thanh Bình một mực khai việc giữ các con tin vì muốn gây sức ép với người nhà, cơ quan chức năng, để được gặp vợ, con từ Quảng Ninh lên. Hơn 2 tiếng sau đó, Trần Thanh Bình đã phải thành thực hơn, khi CQĐT công bố kết quả khám xét khẩn cấp nơi thuê trọ của anh ta tại một nhà nghỉ bình dân ở phố Nguyễn Sơn, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên.
Tại phòng trọ này, cơ quan Công an thu được 1 khẩu súng bắn đạn bi, 15 túi nilon đựng hàng trăm viên bi sắt, 1 chiếc côn tam khúc và 1 bình xịt hơi cay. Số hung khí này, cùng với con dao nhọn Bình sử dụng khống chế các con tin, được anh ta mua trước đó 1 tháng tại cửa khẩu trên Lào Cai. Chắc chắn, ý đồ mua, tàng trữ hung khí không chỉ đơn thuần được gặp vợ con.
Kẻ bắt giữ con tin (giữa) bị đưa về trụ sở số 7 Thiền Quang
Sự lạnh lùng và những tính toán của Trần Thanh Bình cũng thể hiện trong quá trình kể từ khi anh ta xuất hiện ở cầu thang nhà E6. 1h sáng ngày 15-9, Bình mò về ngủ ở chiếu nghỉ tầng 3 khu tập thể này. Nhưng vì muỗi quá, anh ta di chuyển lên tầng trên để tiếp tục ngủ. Quãng 5h45, nghe tiếng mở cửa lạch cạch trên tầng 4, Bình chồm dậy. Người mở cửa và đi xuống cầu thang chính là bà Hồng. Vừa nhận ra có bóng người, bà Hồng đã bị Bình ập vào, đẩy ngã phệt xuống đất. Lưỡi dao nhọn lập tức gí vào cổ. Bà Hồng hốt hoảng vùng vẫy kêu cứu, đã bị lưỡi dao sắc cứa đứt tay.
Trần Thanh Bình tiếp tục dùng dao khống chế, bắt bà Hồng quay lên nhà, lúc này đang có 2 chị ruột bà Hồng, tên là Hạnh, Hương, và 2 cháu gái sinh năm 2002, 2003. Mặc cho những người trong nhà van xin được đưa bà Hồng đi băng bó vết thương, đối tượng Bình bắt 2 bé gái ngồi tựa lưng vào nhau, rồi dùng dây sạc điện thoại di động trói cánh khuỷu các bé. Đúng lúc này, vẳng lên tiếng còi xe cảnh sát. Thông tin sự bất thường trong phòng 401 đã được người dân xung quanh báo đến cơ quan Công an.
Đối tượng Bình quát bà Hồng đi ra ngoài, một mặt đi tìm người cô của anh ta tên là Bé, đồng thời nói với lực lượng Công an anh ta chỉ vào nhầm nhà. "Thả" bà Hồng ra ngoài, Bình bắt bà Hạnh chốt cửa. Lợi dụng sơ hở, bà Hạnh đã chạy thoát được. Như lên cơn điên, Bình nhào ra chốt cửa, rồi dùng dao khống chế 1 cháu gái đi vòng các gian trong phòng để kiểm soát xem có lối nào có thể bị lực lượng Công an đột nhập. Khi đã chắc chắn chỉ có duy nhất lối cửa ra vào, kể từ lúc ấy, Bình tuyên bố nếu ai đến gần cửa phòng, sẽ hạ sát con tin. Mọi cuộc nói chuyện, anh ta thực hiện qua điện thoại.
Yêu sách của kẻ bắt con tin
Giải cứu con tin có hai cách. Một, lực lượng chức năng đột kích, tấn công kẻ bắt cóc. Hai, dùng biện pháp thuyết phục. Trong vụ án này, địa thế phòng 401, đặc biệt diễn biến tâm lý rất khó đoán của Trần Thanh Bình, và sự an toàn của con tin phải được đặt lên hàng đầu; do đó, Giám đốc CATP chỉ đạo các lực lượng chủ động biện pháp thứ hai. Khoảng 7h, sau hơn 1 tiếng đồng hồ cố thủ, trước sự thuyết phục kiên trì của lực lượng chức năng, đối tượng Bình đã thả 1 bé gái. Động thái này của Bình có thể cũng nằm trong toan tính, bởi quá nhiều con tin sẽ khó khăn hơn để kiểm soát hiện trường. Thả 1 con tin, trong tay y vẫn còn 1 bé gái và bà Hương, 54 tuổi.
Số hung khí CQĐT thu giữ của đối tượng Bình
Liên tục trong thời gian khống chế 2 con tin còn lại, Bình kề dao vào cổ con tin, dắt ra những vị trí có thể quan sát bên ngoài, để vừa "cảnh báo" lực lượng làm nhiệm vụ, vừa biết được diễn biến xung quanh. Kẻ bắt cóc con tin yêu sách lực lượng chức năng phải "đuổi' hết báo chí khỏi hiện trường, yêu sách phải đưa vợ con y từ Quảng Ninh về Hà Nội, cho gặp mặt. Song có 1 yêu sách mà lực lượng giải cứu con tin căng như dây đàn, đó là đối tượng muốn 1 bữa cơm tươm tất! Gặp mặt vợ con và ăn bữa cơm, phải chăng Bình đã quyết định làm điều gì dại dột? Ăn bữa cơm ngon giống như bữa cuối của tử tù?
Con dao đối tượng dùng khống chế các con tin; và khẩu súng bắn đạn bi
Nhận được báo cáo về diễn biến bất thường này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP đang ở Học viện Quốc phòng quyết định trực tiếp đến hiện trường. Thông qua điện thoại của một trong các con tin đang bị giữ, Giám đốc đã thuyết phục đối tượng Bình để Giám đốc vào gặp y. Bất ngờ trước đề nghị của Giám đốc CATP, nhưng đối tượng Bình cũng chịu đồng ý. Lúc ấy khoảng 10h20. Người ra mở cửa phòng là bà Hương. Bên trong, tên Bình vẫn kè kè con dao, bên cạnh bé gái 10 tuổi. Căn phòng đối diện phòng 401, tổ công tác đặc biệt của lực lượng giải cứu đã sẵn sàng xử lý chỉ một chuyển động nhỏ. Mỗi tích tắc trôi qua như dài cả năm. Và rồi, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung bước ra ngoài trước. Trần Thanh Bình cúi gằm mặt đi theo sau, tay không vũ khí. Đến lúc ấy, bà Hương và cô cháu gái mới ôm chầm lấy nhau, òa khóc trong phòng. Tất cả đã an toàn!
Rất có thể, bị hại đã là người khác!
Lời khai của Trần Thanh Bình cùng những tài liệu CQĐT thu thập được cho thấy, kẻ bắt cóc con tin từng có những toan tính khác, trước khi gây ra vụ việc tại nhà E6 tập thể Thanh Xuân Bắc.
Lập gia đình năm 2011 rồi đẻ liền 2 con, công việc ở 1 công ty kho vận tại TP Uông Bí thu nhập thấp, những áp lực ấy khiến Trần Thanh Bình nảy sinh tâm lý chán chường, lao vào cờ bạc. Giữa năm 2013, Bình đứng trước khoản nợ cả gốc lẫn lãi là 30 triệu đồng. Tháng 8-2014, số nợ lên đến hơn 100 triệu, và gần 10 người là "chủ nợ" của Bình. Thời điểm này, Bình nghỉ việc, rồi bắt đầu bỏ nhà đi lang thang, nói dối gia đình là đi xin việc. Chuyến đi đầu tiên, Bình "xách" của nhà 1 chiếc xe máy, 1 máy tính xách tay và hơn 4 triệu đồng. Ngay sau đó, Bình bán chiếc máy tính được 3 triệu đồng, bán xe máy được 3,5 triệu đồng, nhưng người mua chỉ trả 2 triệu đồng, do chưa có đăng ký. Từ Quảng Ninh, kẻ bắt cóc lên Phú Thọ, Lào Cai, mua số hung khí gồm súng bắn đạn bi, dao, côn tam khúc. Đi "tìm việc" gần 1 tháng, khi tiền đã tiêu hết, Bình mò về nhà.
Ngày 30-8, Bình lại rời nhà "đi tìm việc", mang theo toàn bộ hung khí, cùng số tiền chắt vét các nơi được gần 6 triệu đồng. Điểm đến lần này của Bình là Hà Nội. Anh ta thuê nhà trọ bình dân ở đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên. Hơn 10 ngày ở Hà Nội, số tiền mang theo nhanh chóng cạn kiệt. Bình đã phải thế chấp giấy phép lái xe, vay của chủ nhà nghỉ 400.000 đồng. Và đến ngày 14-9, trong túi Bình không còn đủ tiền để ăn 1 bữa cơm. Suốt cả ngày 15-9, Bình đi xe buýt, đi bộ đến quận Thanh Xuân, vào Cổ Nhuế (Từ Liêm) rồi vòng về Tân Triều (Thanh Trì), đến đêm quay lại khu tập thể Thanh Xuân Bắc. Dao nhọn mang theo, Bình khai nhận đi lang thang tìm "con mồi" để "trấn" tiền, nhưng không gặp được. Rạng sáng ngày 16, ôm bụng đói và cơn bí bách tiền nong, Bình mò đến cầu thang nhà E6, rồi gặp bà Hồng...
Người dân hồi hộp dõi theo quá trình giải cứu con tin
Không thể lường được hậu quả gì sẽ xảy ra, nếu Thiếu tướng Giám đốc CATP không bước vào căn phòng 401, trực tiếp gặp và thuyết phục Bình. Đến phút cuối cùng của sự căng thẳng tột độ này, đối tượng Bình đã chọn và nghe theo yêu cầu của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung. Một sự lựa chọn hợp lý nhất cho bản thân anh ta.
Rất nhiều người dân ở khu vực này hồi hộp theo dõi diễn biến sự việc. Và khi Giám đốc CATP bước ra, cùng đối tượng Bình đi phía sau, tay đã không còn con dao nhọn; mọi người ồ lên như một phản ứng tự nhiên. Cảm giác nhẹ nhõm, hân hoan bao trùm cả khu phố.
Theo ANTD
Tướng Chung một mình thương thuyết với kẻ bắt cóc như thế nào? Một mình bước vào căn phòng có 2 con tin đang bị khống chế, chỉ chưa đầy 10 phút đối diện kẻ bắt cóc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã khuất phục được đối tượng bằng sự thương thuyết khôn khéo của người đứng đầu Công an Hà Nội. Khoảng 6h15 sáng 16/9, bà Đỗ Thị Ánh Hồng (SN 1966, trú tại phòng...