Kế hoạch số 571: Mưu sát Mao Trạch Đông
Bản kế hoạch tuyệt mật “Kỷ yếu công trình 571″ nhằm mưu giết Mao Trạch Đông không loại trừ việc sử dụng các phương tiện đặc chủng để thực hiện…
Lúc quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đang thời kỳ “trăng mật” – Lâm Bưu nhiều lần nâng Mao Trạch Đông lên “nóc nhà thế giới”, như nói: “Mao Chủ tịch là thiên tài vĩ đại nhất của giai cấp vô sản !” (tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng – Bắc Kinh 5/1966).
Đáp lại, Mao Trạch Đông tuyên bố: Lâm Bưu là người bạn chiến đấu thân thiết và là người sẽ kế tục Mao Trạch Đông làm Chủ tịch đảng. Điều ấy ghi cả vào Điều lệ mới của đảng ở phần “cương lĩnh chung” (tại Đại hội 9 Đảng CSTQ – tháng 4/1969).
Gia đình Lâm Bưu – Diệp Quần. Ảnh tư liệu.
Từ đó “người nhà” của Lâm Bưu bành trướng thế lực ngày một lớn, chiếm 19 ghế lãnh đạo hàng đầu tại 29 tỉnh thành toàn Trung Quốc, giành 54 vị trí làm trưởng hoặc phó của các Đại quân khu… Ảnh hưởng của Lâm Bưu cùng các diễn tiến phức tạp sau hậu trường chính trị với Mao Trạch Đông từ năm 1969 đến đầu 1971 dẫn đến mâu thuẫn giữa hai người tới mức khó hàn gắn.
Phần Lâm Bưu, dầu ngoài mặt luôn luôn chứng tỏ “kiên trì quan điểm Mao Trạch Đông là thiên tài”, cũng như hô hào “tuyệt đối phục tùng Mao Chủ tịch”, nhưng bên trong âm thầm chuẩn bị đảo chánh, nhiều lần nói với vợ mình là Diệp Quần : “Bí quyết đảo chánh ở hai chữ “quyền” và “nhanh”. Các cuộc đảo chánh hiện đại có thể đoạt quyền trong một buổi sớm. Làm đảo chánh cần trả cái giá “đoạt quyền phải nhỏ nhất, nhỏ nhất, nhỏ nhất – thu hoạch phải lớn nhất, lớn nhất, lớn nhất – thời gian thực hiện phải nhanh nhất, nhanh nhất, nhanh nhất”…
Video đang HOT
Ở vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Lâm Bưu bí mật chọn những sĩ quan cao cấp, tin cẩn trong Bộ Tư lệnh không quân và các Quân đoàn tại Thượng Hải, Vũ Hán, Nam Kinh, Hàng Châu tiến tới thành lập Hạm đội liên hợp để giao con trai mình là Lâm Lập Quả làm Tư lệnh. Lâm Lập Quả tốt nghiệp khoa Vật lý Đại học Bắc Kinh năm 21 tuổi (1967), từng được Mao Trạch Đông ưu ái gọi: “tiểu tướng dám nghĩ dám làm”. Vì Lâm Lập Quả táo bạo đưa một lực lượng quân đội dưới quyền bạt nửa ngọn núi Hoàng Dương làm vị trí đặt radar hướng về phía thủ đô Moskva của Liên Xô với khả năng phát hiện nhanh “lúc Liên Xô khởi động phóng tên lửa xuyên lục địa” vào đất Trung Quốc. Năm Lâm Lập Quả 23 tuổi (1969) tư lệnh không quân Ngô Pháp Hiến (phe Lâm Bưu) bổ nhiệm Quả làm Phó chủ nhiệm Văn phòng kiêm Phó Ban tác chiến Quân chủng Không quân và đồng ý cho phổ biến trong nội bộ một nhận định “vượt khung” về Lâm Lập Quả: “Có đủ bản lĩnh của một lãnh tụ, nay biết được rồi chúng ta phải theo suốt đời dù bão táp mưa sa cũng không lùi bước” và “Lâm Lập Quả toàn tài, toàn soái, siêu tài, xứng đáng là người kế tục thuộc thế hệ thứ 3″ (ý nói sau này Lâm Bưu làm Chủ tịch đảng thay Mao Trạch Đông, khi Lâm Bưu rời vị trí sẽ đến Lâm Lập Quả kế vị). Chẳng ngờ các phát biểu trên được “người ngoài cuộc” ghi âm và chuyển đến tận tay Mao Trạch Đông. Nghe xong, Mao Trạch Đông gọi Giang Thanh và những “tùy tướng” tin cẩn đến nghe, rồi phán – đại ý:
- Các người thấy rõ chưa, tôi còn chưa chết, đồng chí Lâm Bưu chưa lên thay mà đã vội vàng lo kiếm người kế tục mình. Chẳng lẽ một đứa trẻ ngoài 20 tuổi như Lâm Lập Quả được tâng bốc lên thành siêu thiên tài, chẳng phải nó là lãnh tụ đương không bỗng mọc ra từ nhà họ Lâm cho đảng ta à?
Mao Trạch Đông quyết định thanh trừng Lâm Bưu.
Lâm Bưu cũng không kém, đưa Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì, Vu Tân Dã, Lý Vĩ Tín nghiên cứu kế hoạch lật đổ Mao Trạch Đông, họp mặt bí mật tại căn hầm tòa nhà số 889 đường Cự Lộ (Thượng Hải) trong ba ngày 21 đến 24/3/1971 vạch sẵn kế hoạch mưu sát Mao Trạch Đông với tên gọi “kỷ yếu công trình 571″. Tài liệu Tân Tử Lăng tường thuật (tóm lược):
Điểm cốt yếu của kế hoạch trên là giết chết Mao bằng cách lợi dụng một cuộc họp cấp cao nào đó để “quăng mẻ lưới bắt gọn”. Hoặc “dùng các phương tiện đặc chủng như hơi độc, vũ khí vi trùng, tên lửa, máy bay ném bom”. Hoặc “dựng cảnh tai nạn ô tô ám sát bắn trực tiếp, bắt cóc để giết Mao Trạch Đông”. Soạn thảo xong, Lâm Bưu sai Lâm Lập Quả thành lập đội huấn luyện quân sự dành cho các cán bộ cơ sở, nhưng thực chất để đào tạo các phân đội cơ động có khả năng chiến đấu mạnh ở Thượng Hải để giành thế thượng phong vào giờ G. Khi hay tin Mao Trạch Đông rời Bắc Kinh để tuần du phương Nam ngày 15/8./971 trên chuyến chuyên xa ( xe lửa), Lâm Lập Quả ra lệnh:
- Hãy ra tay hạ Mao Trạch Đông tại Thượng Hải trên đường ông ta trở về Bắc Kinh trong chuyến khứ hồi bằng ba cách. Một là dùng súng phun lửa và B40 tấn công chuyên xa. Hai là dùng pháo cao xạ 100 ly chỉa nòng bắn thẳng cho cháy rụi. Ba là Vương Duy Quốc phải mang theo súng ngắn xâm nhập lên chuyên xa bắn chết Mao !.
Đến 10/9/1971, Mao Trạch Đông về tới Thượng Hải lúc 18 giờ 10 phút khi trời vừa chập tối và đêm ấy ở luôn trên chuyên xa, không bước xuống sân ga. Trưa hôm sau 11/9, bằng cách nào Vương Duy Quốc (người được giao nhiệm vụ ám sát) đã bước được lên xe lửa, ngồi vào bàn ăn trước mặt Mao Trạch Đông ?.
Theo Một Thế Giới
Mao Trạch Đông mặc quần tắm tiếp Tổng bí thư Khrusev!
Mùa thu 1958, Mao Trạch Đông đã cao ngạo mặc quần tắm để tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrusev tại bể bơi riêng của mình ở Trung Nam Hải - khác hoàn toàn với những nghi lễ ngoại giao đặc biệt trân trọng mà Khrusev đã dành để nghênh đón Mao Trạch Đông tại thủ đô Moskva cách đó chưa lâu...
Các tác giả cuốn Bốn người vợ của Mao Trạch Đông đã dẫn lời Mao Trạch Đông chỉ trích Giang Thanh: "Con người Giang Thanh đầy rẫy chủ nghĩa cá nhân, thích chơi trội, ra dáng ta đây". Nhưng ở một góc nhìn khác - Tân Tử Lăng (tác giả "Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội", tài liệu đã dẫn ở Kỳ 2), hàm ý nhận định: nếu "chủ nghĩa cá nhân" của Giang Thanh giới hạn ở phạm vi "quốc nội", thì Mao Trạch Đông đã đưa "chủ nghĩa cá nhân" của mình vượt khỏi biên giới Trung Quốc, đến tầm mức "quốc tế" - vì "ông ta nôn nóng muốn làm lãnh tụ của phong trào cộng sản thế giới" - dẫn chứng qua vài sự kiện ngoại giao sau:
Trước ngày thành lập nước CHND Trung Hoa (tháng 7.1949), Lưu Thiếu Kỳ bí mật sang Liên Xô gặp Stalin (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) và được Stalin nêu ý kiến về "trung tâm cách mạng thế giới đã từ phương Tây chuyển sang phương Đông, nay lại chuyển sang Trung Quốc".
Nhận định đó của Stalin là một trong những "đòn bẩy tinh thần" đưa Mao Trạch Đông vào giấc mộng làm lãnh tụ thế giới "tiêu diệt nước Mỹ, lật đổ toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa (...) trở thành người thầy vĩ đại và lãnh tụ vĩ đại của nhân dân cách mạng toàn cầu". Ảo tưởng đó càng củng cố để Mao ngã hẳn sang Liên Xô trong buổi đầu của cuộc hành trình "không bao giờ tới đích" ấy.
Sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa (1.10.1949), việc đầu tiên của Mao là "sang thăm Moskva, mừng thọ Stalin, ký Hiệp ước đồng minh tương trợ Trung - Xô". Khi Stalin từ trần 5.3.1953, Mao cho rằng: "Thượng đế sẽ trao nhiệm vụ lớn cho ông ta, chỉ có Mao đủ tư cách lấp chỗ trống do Stalin để lại" - nên tỏ ra xem thường những nhân vật lãnh đạo cao nhất của Liên Xô sau Stalin - điển hình qua hai sự kiện do Tân Tử Lăng nêu ra:
1. Từ 16 - 19.11.1957, Khrusev (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) chủ trì hội nghị 64 đảng cộng sản và công nhân (trên thế giới). Khi phát biểu, mọi người đều lên bục, riêng Mao cứ ngồi nói tại chỗ, để thể hiện thân phận mình khác người. Mao nói về quan hệ đồng chí, chiến lược sách lược chiến tranh thế giới và tình hình Trung Quốc, bấy giờ một số người lắc đầu nhưng cũng có nhiều người gióng tai nghe, cứ xem Mao như "Lê-nin thời nay". Với quá trình hoạt động truyền kỳ, vị trí lãnh tụ nước lớn, học vấn uyên bác, phong độ lãnh tụ không ai sánh kịp, Mao trở thành trung tâm của hội nghị này. Tuyên ngôn viết: "Liên Xô đứng đầu, nhưng trong hội nghị Mao là trung tâm". Kết thúc mỗi phiên họp, khi Mao đứng dậy mọi người mới đứng dậy và họ đứng yên nhường Mao đi trước. Đó là điều Khrusev không chịu nổi.
Thời điểm đó, Liên Xô đã "tuyên bố thử nghiệm thành công bom H có sức công phá tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ TNT vào 26.11.1955 (...) đưa máy bay ném bom chiến lược TU-16 có thể mang 2 quả bom nguyên tử và hơn 9 tấn bom thông thường vào trang bị cho quân đội (...) và máy bay chiến lược TU-20 có vận tốc tối đa gần 1000km/giờ, có khả năng mang 4 quả bom H và hơn 20 tấn bom thông thường vào năm 1956 (...). Phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Spoutnik vào quỹ đạo trái đất với vận tốc 24.500km/giờ quay vòng quanh trái đất trong 95 phút vào 4.10.1957" - theo tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 2003.
Dầu có thế mạnh vũ lực hơn hẳn Trung Quốc thời ấy như thế - nhưng theo Tân Tử Lăng: "bấy giờ không phải Liên Xô hiếp đáp Trung Quốc, hoặc Khrusev ức hiếp Mao Trạch Đông, mà do Mao cố tình gây ra, nhằm giành giật vị trí minh chủ trong phong trào Cộng sản quốc tế".
Riêng Khrusev tỏ ra "thận trọng khiêm nhường, có gì trục trặc liền giải quyết qua con đường hiệp thương" và đã cử chuyên gia Liên Xô sang giúp Trung Quốc "phát triển vũ khí hạt nhân và công nghiệp quân sự". Nhưng tất cả bắt đầu xấu đi kể từ chuyến viếng thăm Trung Quốc của Khrusev như đề cập dưới đây.
2. Ngày 31.7.1958, Khrusev đến Bắc Kinh, Mao Trạch Đông bất chấp mọi lễ nghi ngoại giao tối thiểu, bố trí hội đàm với nhà lãnh đạo Liên Xô ngay cạnh bể bơi riêng trong Trung Nam Hải. Khi được mời vào, Khrusev thấy Mao mặc quần tắm, khoác khăn tắm, nhàn nhã hút thuốc lá, giống như Quốc vương Roma gặp sứ thần thuộc quốc của mình. Thật khác một trời một vực với sự tôn trọng và lễ nghi đặc biệt mà Khrusev dành cho Mao vào mùa đông 1957 tại Moskva. Cách làm cố ý chọc tức này dẫn tới quan hệ xấu giữa hai nước Trung - Xô". Và buộc Khrusev "tỏ thái độ":
Nguyên khoảng một năm trước buổi Mao "mặc quần tắm" để đón Khrusev, Khrusev đã có thiện chí cử Mikoyan sang TP. Hàng Châu gặp Mao Trạch Đông giữa năm 1957 thông báo về một số thay đổi trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó và được Mao cam kết ủng hộ. Đáp lại "Khrusev đồng ý giúp Trung Quốc phát triển bom nguyên tử, tên lửa, nghiên cứu chế tạo máy bay tiêm kích kiểu mới". Những hứa hẹn của đôi bên chính thức hóa bằng một hiệp định về việc "Liên Xô viện trợ kỹ thuật tên lửa và hàng không cho Trung Quốc" ngày 15.10.1957.
Nhưng do Mao Trạch Đông khiếm nhã, có thái độ ngạo mạn đối với Khrusev như trên (7.1958), cộng với những lý do nội tại khác, Liên Xô đã "quyết định hủy hợp đồng cung cấp mẫu bom nguyên tử và tư liệu kỹ thuật sản xuất bom nguyên tử cho Trung Quốc". Đến đây, sự rạn nứt giữa hai nước khó cứu vãn được, dẫn đến việc Mao Trạch Đông lên tiếng phê phán toàn diện Liên Xô vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lê-nin ! Để rồi, không chỉ "khẩu chiến", mà tranh chấp đã thật sự "nổ lớn" ở vùng biên giới của "hai nước anh em"... (còn nữa)
Theo Một Thê Giới
TQ: Mao Trạch Đông không phải là thần thánh Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên coi Mao Trạch Đông như một thánh nhân không phạm sai lầm. Ngày 26/12, phát biểu trong lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình người dân Trung Quốc nên tiếp thu những lời dạy của Mao nhưng...