Kế hoạch che giấu tội phạm của cựu công an trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’
Biết rõ hành vi phạm tội của một cá nhân trong vụ án ‘ chuyến bay giải cứu’, thế nhưng cựu cán bộ công an lại hướng dẫn người này khai báo gian dối để che giấu hành vi phạm tội.
Trong số 17 bị can vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2, ông Nguyễn Xuân Thông (cựu cán bộ công an) là người duy nhất bị Viện KSND tối cao truy tố tội che giấu tội phạm.
Người có hành vi phạm tội được ông Thông che giấu là Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa) – người đã bị tuyên phạt 18 năm tù về tội đưa hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở giai đoạn 1 của vụ án.
Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố vụ “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
2 công văn có đóng dấu “mật”
Hồ sơ vụ án cho thấy, ông Thông quen biết với ông Tuấn từ năm 2009. Quá trình quen biết, ông Tuấn thường xuyên gặp gỡ và lôi kéo ông Thông tham gia cùng thực hiện các công việc với mình.
Tháng 6.2021, ông Tuấn trao đổi, bàn bạc với ông Thông về việc đang thực hiện việc tổ chức chuyến bay đưa người lao động Việt Nam ở nước ngoài về nước tránh dịch Covid-19.
Ông Tuấn nói mình có mối quan hệ và nhờ được 4 bộ trong tổ công tác 5 bộ (Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an). Riêng Bộ Công an, ông Tuấn nhờ ông Thông kết nối, tác động đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để giúp các công ty mà ông Tuấn đứng ra làm trung gian sớm được tổ chức chuyến bay.
Viện kiểm sát tối cao truy tố vụ ‘chuyến bay giải cứu’ giai đoạn 2
Cuối tháng 6.2021, sau khi Cục Quản lý xuất nhập cảnh có văn bản đồng ý, một công ty do ông Tuấn kết nối đã tổ chức chuyến bay đưa người lao động từ Đài Loan về tỉnh Hải Dương.
Tiếp đó, từ tháng 7.2021 đến tháng 9.2021, ông Tuấn nhiều lần gửi cho ông Thông ảnh chụp các văn bản về chủ trương, kế hoạch tổ chức các chuyến bay, văn bản đề nghị của một số doanh nghiệp, văn bản của UBND và Sở Y tế TP.Hà Nội đồng ý tiếp nhận, cách ly y tế…
Đáng chú ý, cơ quan tố tụng xác định trong số văn bản mà ông Tuấn gửi cho ông Thông có 2 công văn của Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao đóng dấu “mật”.
Ông Thông đồng ý giúp ông Tuấn, nhiều lần liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhưng không giải quyết được. Ông Thông thông báo lại để ông Tuấn biết. Ông Tuấn nói sang tháng 11.2021 sẽ tiếp tục nhờ. Tuy nhiên, sau đó phát sinh vấn đề mới nên ông Tuấn không thực hiện việc xin cấp phép các chuyến bay nữa.
Kịch bản khai báo gian dối
Tháng 6.2022, ông Tuấn bị điều tra tại giai đoạn 1 vụ án “chuyến bay giải cứu”, nên liên hệ với ông Thông để tìm cách giúp đỡ.
Do trước đây đã giúp ông Tuấn kết nối và tác động với Cục Quản lý xuất nhập cảnh để xin thực hiện các chuyến bay, đồng thời ông Tuấn cũng nhiều lần kể về mối quan hệ với các bộ, ngành, nên ông Thông biết rõ ông Tuấn đang bị điều tra về hành vi đưa hối lộ.
Phiên tòa xét xử các bị cáo vụ “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 1. ẢNH: PHÚC BÌNH
Ngày 19.7.2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có giấy triệu tập ông Tuấn đến làm việc vào ngày 20.7.2022. Ngay trong tối cùng ngày, hai bên gặp nhau.
Ông Thông sau đó gọi điện đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, giới thiệu bản thân công tác tại cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an T.Ư, đề nghị điều tra viên cho ông Tuấn được lùi thời gian làm việc vào ngày khác vì ông Tuấn đang đi công tác tại Nghệ An không về kịp.
Ngày 28.7.2022, ông Tuấn hẹn gặp ông Thông và một số cá nhân khác tại quán ăn gần trụ sở Bộ Công an (số 47 Phạm Văn Đồng, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), với mục đích tư vấn, hướng dẫn giúp ông Tuấn khai báo với cơ quan điều tra theo hướng có lợi cho mình.
Tại buổi hẹn này, ông Tuấn cho biết đã nhận hơn 10 tỉ đồng của một doanh nghiệp để đi đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền và chi phí trong việc xin thủ tục tổ chức chuyến bay.
Tiếp nhận thông tin trên, ông Thông cùng một số cá nhân trao đổi, thảo luận và thống nhất hướng dẫn ông Tuấn không được khai với cơ quan điều tra về số tiền đã nhận. Thay vào đó, ông Tuấn phải khai (gian dối) là số tiền này đã trả lại hết, những nội dung khác thì cứ khai không biết để về suy nghĩ, trả lời sau.
Ngày 3.8.2022, ông Tuấn và một cá nhân khác đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an làm việc, đều khai báo nội dung gian dối về hành vi phạm tội như đã được hướng dẫn.
Sau nhiều lần trốn tránh yêu cầu triệu tập, ngày 18.10.2022, ông Tuấn đã đến làm việc với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, nhưng vẫn giữ nguyên lời khai gian dối.
Ngày 26.10.2022, ông Tuấn bỏ trốn khỏi nơi cư trú, dẫn đến việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an không thi hành được các thủ tục tố tụng như quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam.
Mãi đến cuối tháng 11.2022, cơ quan điều tra phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng mới phát hiện và bắt giữ được ông Tuấn, khi đang lẩn trốn tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Quá trình tạm giam, ông Tuấn tiếp tục khai báo gian dối như đã được hướng dẫn để che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn, cản trở rất lớn cho công tác điều tra.
Kết quả điều tra vụ “chuyến bay giải cứu” sau này cho thấy, ông Tuấn đã đưa hối lộ cho nhiều cá nhân với tổng số 730 triệu đồng và 3.000 USD. Ngoài ra, ông này còn lừa đảo chiếm đoạt hơn 5,6 tỉ đồng của lãnh đạo một doanh nghiệp.
Viện KSND tối cao cáo buộc ông Thông không hứa hẹn trước nhưng khi biết ông Tuấn có hành vi đưa hối lộ mà vẫn hướng dẫn ông Tuấn khai báo gian dối để che giấu hành vi phạm tội.
Hành vi của ông Thông đã gây cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 1. Ông Thông bị truy tố theo quy định tại khoản 1 điều 389 bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.
Giai đoạn 2 vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu công an bị lôi kéo nhúng chàm
Trong quá trình quan hệ, cựu cán bộ công an thường gặp và bị lôi kéo tham gia tác động giúp doanh nghiệp sớm được tổ chức các chuyến bay.
Khi bị điều tra, người này còn hướng dẫn tội phạm khai báo gian dối để đối phó với cơ quan điều tra.
Trong bản kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án "chuyến bay giải cứu" vừa ban hành ngày 2.10, Cơ quan An ninh điều tra (A09) Bộ Công an đề nghị truy tố 17 bị can ở 4 nhóm tội, trong đó ông Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an, bị đề nghị truy tố che giấu tội phạm.
Tác động giúp doanh nghiệp sớm được tổ chức chuyến bay
Theo kết luận điều tra, ông Thông quen biết với Trần Minh Tuấn (bị xử lý ở giai đoạn 1 vụ án "chuyến bay giải cứu) từ năm 2009. Quá trình quan hệ, ông Tuấn thường gặp và lôi kéo ông Thông tham gia các công việc với mình.
54 người đã lãnh án trong giai đoạn 1 của vụ án. ẢNH: K.T
Tháng 6.2021, ông Tuấn kể về việc mình đang tổ chức chuyến bay đưa lao động Việt Nam ở nước ngoài về tránh dịch Covid-19 và "khoe" có mối quan hệ, nhờ được 4 bộ trong tổ công tác 5 bộ giúp đỡ. Còn Bộ Công an, ông Tuấn nhờ ông Thông kết nối, tác động đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08).
Theo đề nghị, ông Thông đã nhờ "A08 kiểm tra, sớm ban hành văn bản đồng ý cho Công ty xây dựng và quản lý nguồn nhân lực Quang Trung (viết tắt là Công ty Quang Trung) được thực hiện chuyến bay. Sau khi có văn bản, Công ty Quang Trung đã tổ chức đưa lao động từ Đài Loan về Hải Dương cách ly vào ngày 30.6.2021", kết luận điều tra nêu.
Tiếp đó, từ ngày 19.7 - 29.9.2021, ông Tuấn nhiều lần gửi ảnh chụp các văn bản về chủ trương, kế hoạch tổ chức các chuyến bay đón công dân về nước; văn bản đề nghị của Công ty TNHH du lịch và sự kiện bầu trời Hà Nội, Công ty TNHH du lịch quốc tế; các văn bản của UBND TP.Hà Nội, Sở Y tế TP.Hà Nội đồng ý tiếp nhận, cách ly y tế đối với công dân Việt Nam theo đề xuất của Công ty TNHH du lịch và sự kiện bầu trời Hà Nội, Công ty TNHH du lịch quốc tế... cho ông Thông qua ứng dụng Zalo. Trong đó, có công văn số 291/BYT-DP ngày 13.7.2021 của Bộ Y tế và công văn số 2528/BNG-LS ngày 27.9.2021 của Bộ Ngoại giao có đóng dấu "Mật".
Qua trao đổi, ông Tuấn đề nghị ông Thông tiếp tục can thiệp, tác động để giải quyết thủ tục xin cấp phép tổ chức chuyến bay cho Công ty TNHH du lịch và sự kiện bầu trời Hà Nội, Công ty TNHH du lịch quốc tế. Ông Thông đồng ý giúp và nhiều lần liên hệ nhưng không giải quyết được. Ông Tuấn sau đó cũng không tổ chức các chuyến bay nữa.
Đề nghị truy tố 17 bị can ở giai đoạn 2 vụ án 'chuyến bay giải cứu'
Hướng dẫn tội phạm khai báo gian dối
Vẫn theo kết luận điều tra, tháng 6.2022, cảnh sát điều tra giai đoạn 1 vụ án và do bản thân có liên quan nên ông Tuấn đã liên hệ với ông Thông nhờ giúp đỡ. Do trước đó ông Thông đã giúp ông Tuấn kết nối để xin thực hiện các chuyến bay và nhiều lần được ông Tuấn kể có mối quan hệ, "xử lý" được ở 4 bộ (ngoài Bộ Công an) nên ông Thông biết rõ ông Tuấn đang bị điều tra hành vi đưa hối lộ cho các cá nhân để được đồng ý tổ chức các chuyến bay.
Ngày 19.7.2022, A09 gửi giấy triệu tập ông Tuấn 3 ngày sau đến làm việc. Ngay tối 19.7, dù 2 người gặp nhau tại Hà Nội nhưng ông Thông vẫn gọi điện đến A09 giới thiệu bản thân công tác tại Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an T.Ư, đề nghị điều tra viên cho ông Tuấn được lùi thời gian làm việc vào ngày khác vì ông Tuấn đang đi công tác tại Nghệ An không về kịp.
Ngày 28.7.2022, ông Tuấn và ông Phạm Bá Sơn (cấp dưới của ông Tuấn, bị xử lý ở giai đoạn 1 của vụ án) hẹn gặp ông Thông và một luật sư là bạn ông Thông tại quán ăn gần trụ sở Bộ Công an (số 47 Phạm Văn Đồng, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với mục đích nhờ tư vấn, hướng dẫn giúp ông Tuấn và Sơn khai báo với cơ quan điều tra về các nội dung liên quan đến vụ án theo hướng có lợi.
Tại cuộc gặp, ông Tuấn cho biết đã nhận hơn 10 tỉ đồng của bà Phạm Bích Hằng (đã bị xử lý ở giai đoạn 1 của vụ án) để đi đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền và chi phí trong việc xin thủ tục tổ chức chuyến bay cho một số doanh nghiệp của bà Hằng. Ông Tuấn đề nghị ông Thông và người bạn luật sư hướng dẫn nên khai thế nào về việc này cho có lợi.
Ông Thông đã cùng trao đổi, thảo luận và thống nhất hướng dẫn ông Tuấn và Sơn không được khai với cơ quan điều tra về số tiền ông Tuấn đã nhận của bà Hằng để đi đưa hối lộ, mà cần phải khai gian dối là số tiền này ông Tuấn đã trả lại hết cho bà Hằng bằng tiền mặt, có ông Phạm Bá Sơn chứng kiến. Những nội dung khác thì cứ khai không biết để về suy nghĩ, trả lời sau.
Từ sự hướng dẫn này, ông Tuấn nhiều lần khai báo gian dối để che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn, cản trở rất lớn cho công tác điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của ông Tuấn và đồng phạm, cũng như cản trở việc mở rộng điều tra vụ án.
Tuy nhiên, kết quả điều tra, truy tố và xét xử giai đoạn 1 vụ án cơ quan tiến hành tố tụng kết luận ông Tuấn đã đưa hối lộ với số tiền 830 triệu đồng và 3.000 USD; phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi chiếm đoạt gần 5,7 tỉ đồng của bà Hằng.
A09 cũng kết luận ông Thông không hứa hẹn trước nhưng biết ông Tuấn có hành vi đưa hối lộ mà vẫn hướng dẫn khai báo gian dối để che giấu. Hành vi của ông Thông gây cản trở việc điều tra, xử lý vụ án giai đoạn 1. Hành vi này phạm vào tội che giấu tội phạm.
Ẩu đả gây náo loạn làng quê, 6 bị cáo lãnh án tội giết người 6 bị cáo trong 2 nhóm thanh niên ẩu đả gây náo loạn vùng quê Bạc Liêu bị TAND tỉnh này tuyên phạt về tội giết người. Ngày 25.9, TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 6 bị cáo trong vụ ẩu đả gây náo loạn vùng quê về tội giết người. Cụ thể, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn...