Kẻ giết bạn và 30 năm trốn chạy
30 năm lẩn trốn, chăm chỉ tu dưỡng với 1 gia đình hạnh phúc, gã vẫn phải sa lưới …
Sau khi bắn chết đồng nghiệp, gã bỏ trốn khỏi địa phương. Vào miền Nam, gã thay tên đồi họ, lấy vợ, sinh con. Gã cứ tưởng rằng vụ án sẽ nằm yên trong quá khứ và không ai tìm được Đặng Hữu Tuấn năm xưa. Nào hay, ba mươi năm sau, lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm Công an Quảng Nam đã đưa gã về quy án…
Mâu thuẫn từ việc đi… tiểu bậy!
Gã tên thật là Đặng Hữu Tuấn, sinh năm 1957, quê quán thôn 4, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Gã và Trịnh Văn Tuấn (SN 1960, quận 3, Đà Nẵng) cùng là công nhân Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Vì chưa có gia đình nên gã sống tại khu tập thể của ga Nông Sơn (xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn), còn Trịnh Văn Tuấn do công việc nay đây mai đó nên hai vợ chồng dựng ngôi nhà tạm gần khu tập thể của ga để ở. Mặc dù cùng tên nhưng gã và Trịnh Văn Tuấn không cùng chí, cùng tâm. Gã làm ở bộ phận đại tu đường sắt, còn Trịnh Văn Tuấn làm ở bộ phận duy tu. Tính tình gã nóng nảy, còn Trịnh Văn Tuấn cũng không phải là người ôn hòa nên trong chuyện trò, hai người không hợp nhau.
Ngày 10/8/1983, nhóm công nhân đường sắt tại ga Nông Sơn tổ chức buổi tiệc nhỏ, trong đó có cả gã và Trịnh Văn Tuấn. Trong lúc đang nhậu, gã buồn đi tiểu. Thay vì có mặt chị em phụ nữ nên giữ ý tứ thì gã cứ… vô tư đứng tiểu trước mắt mọi người. Thấy thế, Trịnh Văn Tuấn bực mình lắm nhưng cũng cố kìm nén. Khi về đến khu tập thể, Trịnh Văn Tuấn nhắc lại việc gã đi tiểu “bất lịch sự” và bảo “đáng lý ra tao đánh mày lúc ở ngoài quán nhưng sợ mất mặt mày nên tao không đánh”, sẵn có hơi men, gã quay sang lớn tiếng chửi thề. Trịnh Văn Tuấn hăm dọa “mi đợi đó, tao sẽ giết mi”. Hai bên cãi cọ nhau ầm ĩ cả khu tập thể, có sự chứng kiến của nhiều công nhân. Thế nhưng thay vì khuyên giải hai người thì có một số người lại “đổ thêm dầu vào lửa” để họ đánh nhau, còn có cả người ném đá vào gã.
Nguyên nhân sự việc thì nhỏ nhưng nỗi tức giận trong lòng gã lại lớn và nóng như lửa đốt. Gã nung nấu ý định giết Trịnh Văn Tuấn cho hả giận. Biết Công ty có một khẩu súng AR15 để tại phòng trực ga Nông Sơn, thế là chiều ngày 15/8/1983, gã đến phòng trực để tìm phương tiện trả thù. Khi thấy gã lấy khẩu súng, biết có sự chẳng lành, một nam công nhân của công ty tên Thịnh đã giằng lấy cây súng ném qua của sổ. Vùng thoát ra khỏi bàn tay níu giữ của đồng nghiệp, gã nhảy qua cửa sổ nhặt lấy cây súng đi tìm “đối thủ”.
Cái chết oan từ phát súng 30 năm trước…
Chỉ vài bước chân, gã đã vào ngôi nhà tạm mà anh Trịnh Văn Tuấn đang ở. Lúc đó, anh Tuấn vừa ăn cơm xong và ra ngoài sân ngồi hóng mát. Từ phía sau, gã dùng báng súng bổ mạnh vào đầu anh Tuấn. Bất ngờ bị đánh đau, anh Tuấn quay lại thấy gã thì biết ngay rằng mình đang gặp nguy hiểm. Ngay tức thì, anh Tuấn tìm đường tháo chạy. Thấy anh Tuấn chạy, gã liền giương súng bóp cò. Một tiếng nổ vang lên khô khốc, anh Tuấn đổ gục xuống. Mọi người xung quanh chạy đến và đưa anh Tuấn vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã không kịp…
Trong nước mắt, chị Nguyễn Thị Thu (SN 1960, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), vợ anh Trịnh Văn Tuấn kể, dù đã 30 năm trôi qua nhưng chị vẫn nhớ như in buổi chiều kinh hoàng ấy. Lúc đó chị vừa sinh đứa con đầu lòng được 9 tháng tuổi và đang ở nhà chồng. Vừa nghe bạn của anh Trịnh Văn Tuấn nói “thằng Tuấn nó giết chồng em rồi Thu ơi”, mặc cho đứa con nhỏ khóc, chị vội vàng lao ra khỏi nhà chạy đến bệnh viện. Bác sĩ bảo, do bắn với cự ly gần nên viên đạn xoáy trong người, vỡ thành nhiều mảnh làm tổn thương đến nhiều bộ phận tim, phổi… nên không cứu được chồng chị.
Đặng Hữu Tuấn 30 năm trước và bây giờ
Thay tên đổi họ để trốn truy nã
Video đang HOT
Sau khi gây án, Đặng Hữu Tuấn bỏ trốn vào Đồng Nai, trú tại ấp 6, xã Lô 25, quận Thống Nhất. Ngày 1/9/1983, Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) phát lệnh truy nã toàn quốc số 180/LTN đối với Đặng Hữu Tuấn về tội giết người. Thừa biết mình đang bị truy nã, Đặng Hữu Tuấn đã tạo cho mình một vỏ bọc khá an toàn. Gã đến chính quyền địa phương nơi đây khai báo mất chứng minh nhân dân và xin đăng ký làm lại với tên Đặng Quang Tường, sinh ngày 5/11/1955. Sau một thời gian ngắn, Đặng Hữu Tuấn được chính quyền sở tại cho nhập khẩu. Gã luôn có ý thức không vi phạm pháp luật, bởi một khi đã bị “sờ gáy” thì quá khứ tội lỗi sẽ bị lôi ra ánh sáng. Trong quá trình sống ở Đồng Nai, làm công nhân Nhà máy thủy điện Trị An và TP Hồ Chí Minh sau này, gã luôn thể hiện là một công dân tốt, hiền lành, không mâu thuẫn, va chạm với ai. Cũng chính vì thế, không ai nghi ngờ Đặng Quang Tường đã từng cầm súng giết người và đang có lệnh truy nã.
Thời gian đầu vào Đồng Nai, gã cũng được nhiều cô gái yêu thích. Tuy nhiên, gã vẫn một lòng với cô N.T.N mà gã đã yêu thương từ ngày sống ở quê nhà. Sau khi thay tên, đổi họ và tạo dựng được cuộc sống an toàn, gã liên lạc với N và bảo người yêu vào sống với mình. Dù biết gã mang trọng tội, dù biết sống với gã cũng như ngồi trên đống lửa nhưng vì mối tình quá sâu nặng, N đã rời bỏ gia đình vào sống với gã.
Với bản tính của người miền Trung cần cù, chăm chỉ và tiết kiệm, chẳng bao lâu vợ chồng gã tạo dựng được cơ ngơi đàng hoàng. Họ cũng sinh được 2 người con xinh xắn, ngoan ngoãn. Nhiều người khen số gã may mắn và chẳng có gì phải ước ao thêm nữa. Nhưng trong lòng gã vẫn thầm ước, giá không có tiếng súng năm xưa. Phải, nếu không vì nóng nảy, bồng bột và cạn nghĩ thì gã không gây nên cái chết cho đồng nghiệp. Cũng bởi tội ác chính mình gây ra mà gã phải sống cuộc đời không phải là gã. Mỗi khi ai hỏi gã quê ở đâu, mỗi khi các con hỏi về ông bà nội, ngoại, gã đau nhói trong lòng và cố tìm cách lờ đi. Gã nhớ cha mẹ lắm. Đau đớn nhất là lúc cha mẹ mất gã cũng không thể về để chịu tang. Cũng có lúc gã muốn đầu thú để khỏi phải sống chui, sống nhủi, khỏi phải lo sợ. Nhưng rồi gã lại không có can đảm. Bởi giết người sẽ đền tội. Nghĩ đến nhà lao và pháp trường, gã lại tiếp tục chọn cuộc sống của Đặng Quang Tường chứ không phải là Đăng Hữu Tuấn.
Sống ở Đồng Nai một thời gian vợ chồng Đặng Hữu Tuấn bàn tính chuyển về TPHCM. Vì nơi này vừa dễ làm ăn, vừa an toàn hơn do đất chật, người đông, dân tứ phương định cư nhiều nên khó ai phát hiện ra chân tướng của gã. Năm 1992, vợ chồng gã chuyển lên sinh sống tại 29/29/7, đường Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình. Với một số vốn liếng nhỏ, vợ chồng gã mở quán bán cà phê. Ngày tháng trôi qua, hai con của gã cũng lần lượt vào Đại học. Hơn nửa tháng trước, vợ chồng gã còn bàn nhau việc mua sắm để đón Tết Quý Tỵ. Gã có ngờ đầu năm nay gã lại đón Tết phía sau song sắt…
Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát!
Đầu năm 2012, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục lên kế hoạch “tầm nã” Đặng Hữu Tuấn. Các trinh sát kể, việc tìm ra Đặng Hữu Tuấn là cả một quá trình khó khăn. Vì đã 30 năm trôi qua, hình dáng con người sẽ thay đổi. Hơn nữa, những kẻ bị truy nã thường thay tên, đổi họ và lánh nạn ở những nơi không có người thân thích để tránh sự truy tìm của cơ quan Công an. Đặng Quang Tường – kẻ bị tình nghi không hề giống tấm ảnh của Đặng Hữu Tuấn mà các anh mang theo, lại là người có hộ khẩu hợp pháp ở Đồng Nai. Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm và sự thông minh, kiên trì, các trinh sát đã xác định được rằng, Đặng Quang Tường chính là Đặng Hữu Tuấn đã gây án 30 năm trước tại xã Điện Thọ. 16 giờ ngày 16/1/2013, khi các trinh sát cùng Công an địa phương vào nhà hỏi đúng tên mình bằng giọng Quảng, Đặng Hữu Tuấn toát cả mồ hôi. Biết rằng vải thưa không che được mắt thánh, Đặng Hữu Tuấn đã thành khẩn nhận tội. Ngày 19/1/2013, Đặng Hữu Tuấn được di lý về Quảng Nam và giao cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Thu lúc chị đang sửa soạn nhà của để đón Tết Quý Ty. Trịnh Văn Phúc, con trai anh Tuấn và chị Thu đến nay đã 30 tuổi, vừa có gia đình. Nhắc đến chồng, chị Thu không khỏi xót xa. Chồng chị mất năm chị mới 23 tuổi, dù sau đó có nhiều người ngỏ lời nhưng chị vẫn thủ tiết, thờ chồng và nuôi con đến bây giờ. Năm 2010 chị được Công ty cho nghỉ hưởng chế độ hưu trí. Trong 30 năm qua, vừa làm mẹ vừa làm cha, chị đã nếm biết bao khổ cực. Chị kể, khi biết tin Công an Quảng Nam đã bắt được kẻ giết chồng chị, cả đêm chị không ngủ. Cuối cùng, pháp luật đã đưa tên thủ ác ra ánh sáng, hương hồn của chồng chị cũng được an ủi nơi chín suối…
Theo 24h
Hành trình xuất ngoại bắt đối tượng truy nã quốc tế
Hành trình dẫn độ đối tượng truy nã, rồi chuyện xuất ngoại sang Liên bang Nga, Trung Quốc... đã đánh dấu bước tiến mới trong công tác truy bắt đối tượng truy nã.
Lực lượng cảnh sát Việt Nam dẫn giải đối tượng truy nã Lê Thị Kim Dung tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai
Năm 2012 quả là một năm đầy sôi động khi nhiều tổ công tác thuộc Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52) phối hợp với Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44), Văn phòng Interpol (C55) đã 5 lần xuất ngoại truy bắt, dẫn độ đối tượng truy nã.
Vượt qua sự cách trở về địa lý, sự khắc nghiệt của thời tiết, sự bất đồng ngôn ngữ, cách đánh án khác nhau, trên hết đó là tinh thần trách nhiệm cao, sự mưu trí, quả cảm... để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truy bắt đối tượng truy nã của lực lượng Cảnh sát Việt Nam. Chiến công đó còn thể hiện sự phối hợp, hỗ trợ từ Cảnh sát các nước, lực lượng Interpol quốc tế và Đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao các nước trong việc bắt giữ, trao trả và hỗ trợ lực lượng Cảnh sát Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nữ cảnh sát dẫn giải đối tượng truy nã đỏ quốc tế
Khi hành khách lên máy bay, bay từ sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội, đi Bắc Kinh - Trung Quốc thì Đoàn công tác đặc biệt đã lặng lẽ ngồi ở hàng ghế cuối, dẫn giải 2 đối tượng truy nã đỏ quốc tế. Thượng tá Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Phòng 4, Cục C52 mở đầu câu chuyện Cảnh sát Việt Nam xuất ngoại bàn giao đối tượng truy nã Su Feng, 41 tuổi và đối tượng Li Yang, 39 tuổi, cùng bị truy nã về tội danh "Buôn lậu tài sản", tham gia buôn lậu hơn 4.500 tấn than chì, với chúng tôi khi anh vừa từ Bắc Kinh về nước.
Cùng tham gia chuyến đi còn có điều tra viên, Thiếu tá Vũ Ngọc Anh, C44 và sự góp mặt của hai nữ Cảnh sát xinh đẹp là Đại úy Đỗ Thị Quỳnh Phương, Phó trưởng Phòng 2 và Trung úy Đặng Thùy Linh, cán bộ Phòng 2, Cục C55.
Đại úy Phương nhớ lại: Áp lực đầu tiên là khi dẫn giải, nhìn thấy 2 đối tượng truy nã người to con, trong đó có một đối tượng truy nã là võ sư mà chị em chúng tôi lại vóc dáng mảnh mai cũng thấy lo lắng đôi chút. Do có kế hoạch từ trước nên chúng tôi đã chủ động hơn trong việc đảm bảo an toàn cho Đoàn công tác, đối tượng truy nã và hành khách trên máy bay. Vì thông thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Anh nên Đại úy Phương và Trung úy Linh đảm nhận luôn việc phiên dịch trong suốt hành trình bay sang Thủ đô Bắc Kinh.
Trên máy bay, từ chuyện lo ăn uống đến trả lời các câu hỏi bằng tiếng Trung Quốc của đối tượng truy nã, Đoàn công tác đã tạo cảm giác yên tâm, đối tượng truy nã không có biểu hiện chống đối nào. Rời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - TP.HCM lúc 6h30 ngày 28/11/2012, chờ nối chuyến tại sân bay quốc tế Nội Bài sang Bắc Kinh - Trung Quốc khoảng 2 giờ, sau đó, đến 15h cùng ngày thì tiếp tục khởi hành sang Trung Quốc. Đến 16h (giờ Trung Quốc) ngày 28/11/2012, tại sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, Đoàn công tác Cảnh sát Việt Nam đã bàn giao hai đối tượng truy nã Su Feng, Li Yang cho phía Cảnh sát Trung Quốc an toàn, theo đúng luật định.
Chuyện xuất ngoại truy bắt, dẫn giải đối tượng truy nã cũng nhiều gian truân. Thượng tá Hà Văn Hường, Trưởng phòng 1, Cục C52 đã trải lòng với chúng tôi khi anh cùng Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng 2, Cục C55 tiếp nhận đối tượng truy nã quốc tế Hoàng Minh Đức, 55 tuổi, trú tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch hàng không từ Bờ Biển Ngà trở về. Hành trình 41 giờ bay gần như liên tục đầy cam go, thử thách.
Khoảng 15h ngày 12/12/2012, sau khi tiếp nhận đối tượng truy nã Đức do Cảnh sát Bờ Biển Ngà bàn giao, đã làm xong thủ tục gửi hành lý, chuẩn bị đưa đối tượng lên máy bay thì bất ngờ một phụ nữ người Việt chạy vào khu vực gửi hành lý kêu khóc. Bộ phận an ninh của hãng hàng không Emirates đã trả lại hành lý không cho Đức lên máy bay vì lo ngại vấn đề an toàn cho chuyến bay EK788M.
Thượng tá Hà Văn Hường kể rằng, đó thực sự là một đêm trắng dài dằng dặc khi chờ đưa đối tượng truy nã về nước. Mọi việc càng trở nên khó khăn hơn khi hãng hàng không chỉ chấp nhận khi có 2 sỹ quan an ninh của hãng đi cùng với chi phí ta phải trả là 12.000 USD.
Cách xa tổ công tác hàng vạn dặm, Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục C52 cũng trằn trọc không ngủ được. Chuông điện thoại của anh đổ dồn dập từ chiều 12/12, khi xảy ra trục trặc tại sân bay Bờ Biển Ngà. Cho đến 5h30 sáng 13/12, sau khi đã xin ý kiến cấp trên nhằm đảm bảo an toàn cho đoàn và tiết kiệm chi phí, Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh quyết định, đoàn đổi lịch trình, đi chuyến bay của Hãng Ethoepian Airline.
" Quá cảnh tại sân bay Suvarnabhumi tại Bangkok, Cảnh sát Thái Lan đã kịp thời hỗ trợ đoàn, đưa đối tượng Đức cấp cứu tại khu vực y tế sân bay khi anh ta có biểu hiện khó thở. Về đến sân bay quốc tế Nội Bài đã là 19h15 ngày 14/12, dẫn giải đối tượng đến Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, cùng lực lượng Cục C44, Cục C55 làm thủ tục bắt giữ đối tượng truy nã, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì nhiệm vụ đã hoàn thành"- Thượng tá Hường bộc bạch.
Đối tượng truy nã Nguyễn Hà Lan (áo trắng ngồi giữa) bị lực lượng cảnh sát Việt Nam bắt giữ tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Những chuyện không có trong hồ sơ vụ bắt trùm cờ bạc Hạnh "sự"
Bị Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) ra lệnh truy nã số 01 ngày 6/2/2009, về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, Nguyễn Thị Hạnh, tức trùm cờ bạc Hạnh "sự", 55 tuổi, trú tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội đã trốn chạy sang Lào. Tại đây, Hạnh đổi tên thành Phommalath Ketsana.
Chuyện Hạnh "sự" thường xuyên từ Lào bay sang Singapore có mặt tại các sòng bài đã được các trinh sát Phòng 4 Cục C52 nắm bắt. Kế hoạch bắt giữ Hạnh "sự" đã được Cục C52 báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm.
Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục, đoàn công tác 4 đồng chí thuộc các lực lượng Cục C52, C44, C55 đã lên đường sang Singapore. Khi Đại sứ quán Lào có công hàm gửi các cơ quan chức năng của Singapore về việc Phommalath Ketsana không phải là người mang quốc tịch Lào, người này đã dùng giấy tờ giả mạo để nhập cảnh vào Singapore, hộ chiếu Hạnh dùng để xuất nhập cảnh đã bị hủy giá trị, tổ công tác đã triển khai nhiều kế hoạch để có thể đưa đối tượng về nước ngay sau khi Hạnh "sự" bị Tòa án Singapore xét xử.
Các điều tra viên nhớ lại, sáng 5/6/2012, ngay sau khi Tòa án Havelock Square tuyên án cho Hạnh "sự" tại ngoại, Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore đã ra lệnh bắt giữ, đồng thời trục xuất Hạnh ra khỏi lãnh thổ Singapore. Hạnh không ngờ rằng, trong những người ngồi dự phiên tòa có mặt một tổ công tác đặc biệt của lực lượng cảnh sát Việt Nam.
Hồi 14h ngày 7/6/2012, Cục Xuất nhập cảnh Singapore đã áp giải Nguyễn Thị Hạnh ra sân bay Changi - Singapore để tiến hành trục xuất đối tượng về Việt Nam. Khi bị trục xuất về nước, Hạnh "sự" đã có phương án đối phó với cơ quan chức năng. Trên chuyến bay đưa Hạnh về nước có khoảng 40 người là đàn em, bạn bè của Hạnh. Nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, Hạnh thường xuyên đổi chỗ ngồi trên máy bay và liên tục vào nhà vệ sinh thay quần áo. Ngồi lặng lẽ ở các hàng ghế khác nhau trên máy bay, 4 sỹ quan cảnh sát vẫn không hề rời mục tiêu bởi trước đó, kế hoạch bắt giữ Hạnh "sự" đã được lãnh đạo Cục C52, C44, C55 bàn thảo kỹ lưỡng.
Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, 7 chiếc xe ôtô chở khoảng 50 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng C52, C44, Cục Xuất nhập cảnh, Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội, An ninh hàng không... đã tập kết tại địa điểm được phân công. Lúc này, do được Hạnh báo trước, hàng chục người chờ đón Hạnh "sự" cũng xuất hiện tại sân bay. Cuộc chạm trán giữa lực lượng bắt Hạnh "sự" và nhóm giải cứu cho Hạnh "sự" là một cuộc đối đầu quyết liệt nhưng do có kế hoạch trước nên mọi việc diễn ra đều suôn sẻ - các trinh sát cho biết.
Khi nhóm đàn em đã mở đường xuống nhà ga, Hạnh "sự" vừa đứng dậy đã lập tức tái mặt khi nghe giọng nói - "Chúng tôi là cảnh sát Việt Nam, yêu cầu chị chấp hành việc bắt giữ, nếu chống đối, chúng tôi sẽ dùng biện pháp mạnh...". Biết không thể thoát tội, Hạnh "sự" đã theo chân các trinh sát xuống nhà ga bằng lối đi đã được tổ công tác chuẩn bị trước. Cho đến nửa đêm, khi Hạnh "sự" đã được đưa vào trại giam an toàn, đàn em của Hạnh mới biết thì đã quá muộn...
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục C52, tính đến tháng 12/2012, có 842 đối tượng truy nã của Việt Nam nghi trốn sang 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 173 đối tượng đã đề nghị Ban Tổng thư ký Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế.
Thông qua kênh hợp tác Interpol, năm 2012, Cục C52 đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt 21 đối tượng truy nã có yếu tố nước ngoài. Thông qua hợp tác về Hiệp định tương trợ tư pháp, Cảnh sát các nước đã phối hợp truy bắt và đề nghị lực lượng cảnh sát truy nã Bộ Công an Việt Nam tổ chức dẫn giải 4 đối tượng truy nã về nước...
Theo xahoi
Giết bạn vì dám rủ vợ mình đi khách sạn Biết bạn mình đã kết hôn nhưng thiếu úy CSGT vẫn nhắn tin bày tỏ tình cảm thương nhớ với vợ của bạn mình. Kết thúc sự việc, người chết, kẻ vào tù. Liên quan đến vụ thiếu úy CSGT bị sát hại tại quán cà phê Thủy Trúc (phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM), ngày 25/1, TAND TP.HCM đã đưa vụ án...