Kẻ cực hữu tham gia bạo loạn bị bắt
Tim Gionet, người cực hữu nổi tiếng trên mạng, bị FBI bắt tại Texas ngày 15/1 vì tham gia cuộc bạo loạn ở tòa quốc hội Mỹ hôm 6/1.
FBI ngày 16/1 công bố các tài liệu cho biết Tim Gionet, 33 tuổi, thường dùng biệt danh “ Bánh Alaska”, đã phát trực tiếp 27 phút từ bên trong tòa quốc hội Mỹ trên dịch vụ DLive. Gionet đã không cố gắng che giấu danh tính, có lúc anh ta “quay camera điện thoại lại, chĩa vào mặt mình”.
Tim Gionet. Ảnh: Baked Alaska.
Mặc dù Gionet nói rằng anh có mặt tại tòa quốc hội hôm 6/1 chỉ để tường thuật diễn biến, anh ta đã có một số phát ngôn kích động như: “Những người yêu nước đã kiểm soát!”, “Lũ phản bội, lũ phản bội, lũ phản bội!”, “Nước Mỹ trên hết là điều không thể tránh khỏi, quỷ tha ma bắt lũ người theo chủ nghĩa toàn cầu, chúng tôi sẽ không rời khỏi đây đâu”.
Gionet còn cầm một chiếc điện thoại bên trong một căn phòng ở Đồi Capitol và giả vờ gọi điện cho nhân viên Thượng viện. Khi đối mặt với nhân viên hành pháp, Gionet hét lên những lời lăng mạ.
Hơn 4 giờ bạo loạn ở Đồi Capitol. Video: CNN .
Gionet bị cáo buộc cố ý đi vào và ở lại tòa nhà, khu đất bị hạn chế dù không được cho phép, xâm nhập bạo lực và có hành vi mất trật tự trong khuôn viên Đồi Capitol. Gionet từng là biên tập viên BuzzFeed trước khi trở thành nhà hoạt động cực hữu. FBI đang sử dụng buổi phát trực tiếp của Gionet để truy lùng những người tham gia khác.
Vụ bạo loạn do những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump gây ra tại Đồi Capitol hôm 6/1 khiến 5 người chết, bao gồm một cảnh sát, ít nhất 70 người bị bắt trong tối đó. Hơn 50 cảnh sát bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Giới chức đang điều tra 300 người tham gia bạo loạn.
Tim Gionet giả vờ gọi điện thoại tại tòa nhà quốc hội Mỹ ngày 6/1. Ảnh chụp màn hình.
Hơn 300 kẻ bạo loạn Đồi Capitol bị điều tra
Giới chức Mỹ điều tra hơn 300 nghi phạm từ hình ảnh liên quan vụ bạo loạn Đồi Capitol, nhưng chưa tìm thấy nhiều bằng chứng về âm mưu phối hợp.
Số nghi phạm bị điều tra tăng lên nhanh chóng do các cơ quan hành pháp liên bang nhận được hỗ trợ đáng kể từ vô số bằng chứng từ ảnh chụp, video liên quan đến vụ bạo loạn hôm 6/1, Tổng chưởng lý thủ đô Washington Michael Sherwin ngày 15/1 cho biết.
Dù cuộc điều tra đang "tiến triển về mọi mặt", Sherwin cho hay nhà chức trách tới nay chỉ tìm thấy một số bằng chứng "vụn vặt" cho thấy vụ tấn công là kết quả của một kế hoạch có tổ chức.
Sherwin, người đang giám sát cuộc điều tra, cho biết việc tìm kiếm bằng chứng cho thấy đám đông có người "chỉ huy và kiểm soát" đang được ưu tiên hàng đầu, nhưng cảnh báo việc xem xét toàn diện về tính tổ chức của nhóm bạo loạn "có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng".
Người ủng hộ Trump đối mặt cảnh sát bên trong tòa nhà quốc hội Mỹ ngày 6/1. Ảnh: AFP.
Trước đó, các công tố viên liên bang ở Arizona nộp lên tòa án một số tài liệu cho thấy có "bằng chứng mạnh mẽ" rằng những kẻ bạo loạn có ý định "bắt và ám sát các nghị sĩ". Tuy nhiên, Sherwin cho hay giới chức tới nay "vẫn không có bằng chứng trực tiếp nào" cho thấy những kẻ bạo loạn có ý định bắt và giết người.
Những người tham gia bạo loạn đang bị truy lùng khắp cả nước. Một số người đã ra đầu thú, thuê luật sư và đề nghị cung cấp thông tin về những đồng phạm cùng tham gia tấn công. Trong một số vụ, các nhà điều tra nhận được tin báo từ người nhà hoặc bạn bè của nghi phạm.
Khi được hỏi liệu nhà chức trách có đang xem xét khả năng các nghị sĩ hỗ trợ những kẻ bạo loạn bằng cách cho phép họ vào tham quan tòa nhà quốc hội trước vụ tấn công hay không, Trợ lý giám đốc FBI Steven D'Antuono chỉ nói họ đang "xem xét từng mảnh ghép".
Từ sau cuộc bạo loạn hôm 6/1, các đảng viên Dân chủ đã kêu gọi mở điều tra về nghị sĩ "nội gián" với lý do lượng khách tham quan quốc hội mặc đồ ủng hộ Trump tăng bất thường một ngày trước vụ tấn công.
"Vấn đề này đang được điều tra", phát ngôn viên Cảnh sát Quốc hội Eva Malecki thừa nhận hôm 15/1.
Cuộc điều tra diễn ra sau khi một nhóm hơn 30 hạ nghị sĩ Dân chủ gửi thư tới cơ quan thực thi pháp luật quốc hội hôm 13/1, yêu cầu xem xét lại những người mà họ cho là đáng ngờ đã tới tham quan trụ sở quốc hội. Thư viết rằng những kẻ bạo loạn hôm 6/1 biết "tường tận một cách bất thường" về cấu trúc trong tòa nhà, yêu cầu điều tra mối liên hệ giữa các nhóm tham quan và cuộc bạo loạn.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 15/1 tuyên bố các thành viên quốc hội có thể đối mặt truy tố nếu bị phát hiện "hỗ trợ và tiếp tay" cho bạo động.
Mỹ điều tra nghị sĩ 'tiếp tay' cho những kẻ bạo loạn quốc hội Cảnh sát Quốc hội Mỹ đang điều tra khả năng các nghị sĩ cho phép du khách thăm tòa quốc hội một cách bất hợp pháp trước cuộc bạo loạn. Cuộc điều tra được công bố hôm 15/1 sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thông báo chỉ định Russel L. Honoré, trung tướng quân đội về hưu, dẫn đầu cuộc rà...