Kẻ bắt cóc con tin ở Sydney từng bị Iran truy nã
Iran từng yêu cầu dẫn độ Man Haron Monis, kẻ bắt cóc con tin trong quán cafe ở Sydney, từ 14 năm trước nhưng phía Australia từ chối giao người do không có thoả thuận dẫn độ.
Man Haron Monis, kẻ chủ mưu vụ bắt cóc con tin kéo dài 16 giờ ở quán cafe Lindt, Sydney. Ảnh: EPA.
Man Haron Monis khi đó bị truy nã vì tội lừa đảo, BBC dẫn lời tướng Ismail Ahmadi Moghaddam, lãnh đạo lực lượng cảnh sát Iran, hôm qua phát biểu trước báo giới.
“Năm 1996, Monis là quản lý của một công ty du lịch và có hành vi lừa đảo”, tướng Moghaddam cho hay. “Sau đó hắn tới Malaysia rồi sang Australia dưới một cái tên giả”. Monis được biết đến với cái tên “Manteqi” ở Iran.
Monis xin tị nạn chính trị để được tị nạn ở Australia nhưng đây chỉ là “một vở kịch”, tướng Moghaddam nói, đồng thời cho biết thêm rằng “cảnh sát Australia từ chối dẫn độ Monis bởi Tehran không có thỏa thuận dẫn độ tội phạm với Canberra”.
Trong khi đó, chính phủ Australia thông báo đang điều tra nguyên nhân Monis được tại ngoại dù có nhiều tội danh khác. Monis từng hoạt động tôn giáo nhưng nhà chức trách chưa có bằng chứng cho thấy hắn có liên quan tới các phong trào Hồi giáo quốc tế.
Năm 2009, Monis phải ra tòa vì gửi thư xúc phạm tới các gia đình của những binh sĩ Australia đã hy sinh. Năm 2013, hắn tiếp tục bị kết án vì là đồng phạm trong vụ giết hại vợ cũ và được nộp tiền bảo lãnh. Ngoài ra, Monis còn đối mặt với hơn 40 cáo buộc tấn công tình dục và hành vi thiếu đứng đắn.
“Monis đã ‘kịch liệt bác bỏ’ các cáo buộc về tấn công và đồng phạm giết người”, luật sư từng bào chữa cho Monis nói.
Video đang HOT
Monis được xác định là kẻ chủ mưu trong vụ bắt cóc con tin tại một quán cafe ở Sydney hôm 15/12. Tên này cùng hai con tin đã thiệt mạng khi lính đặc nhiệm vũ trang hạng nặng sáng sớm qua đột kích vào quán cafe, chấm dứt cuộc khủng hoảng con tin kéo dài hơn 16 giờ.
Như Tâm
Theo VNE
Kẻ bắt cóc Sydney 'bị cô lập và không còn gì để mất'
Monis, kẻ thực hiện vụ bắt cóc con tin trong quán cafe tại trung tâm Sydney "luôn bị cô lập và không còn gì để mất nên mới có thể thực hiện một hành động quá khích và tuyệt vọng đến vậy", luật sư cũ của hắn nhận xét.
Man Haron Monis, tay súng chủ mưu trong vụ bắt cóc tại quán cafe Lindt, Sydney. Ảnh: Business Insider
Cái tên Man Haron Monis, tay súng chủ mưu vụ bắt giữ con tin trong suốt 17 tiếng tại quán cafe Lindt, trung tâm Sydney, không còn quá xa lạ đối với nhà chức trách Australia.
Trước khi bị bắn chết trong cuộc đột kích của cảnh sát vào rạng sáng qua, "hắn sở hữu một hồ sơ dài các tội danh liên quan tới hành vi bạo lực, đắm chìm trong chủ nghĩa cực đoan và có tâm thần bất ổn", CNN dẫn lời Thủ tướng Australia Tony Abbott nói.
Monis, hay Sheikh Haron, 50 tuổi, tự nhận mình là một giáo sĩ đạo Hồi, chuyên gia về "chiêm tinh học, số học, thiền định và ma thuật hắc ám", đồng thời có khả năng "hàn gắn tâm linh".
Năm ngoái, hắn thừa nhận là người đã viết thư miệt thị gửi tới gia đình, người thân của những binh sĩ Australia hy sinh ở Afghanistan, và bị kết án 300 giờ lao động công ích. Monis gọi đây là "những bức thư chính trị". Những lá thư này rất "tàn bạo, độc ác và gây tổn thương sâu sắc", một viên thẩm phán tối cao thời điểm đó nhận xét.
Cũng trong khoảng thời gian này, Monis bị cáo buộc là tòng phạm trong vụ giết hại vợ cũ Noleen Hayson Pal, nhưng được cho tại ngoại. Người ta phát hiện Pal chết với nhiều vết đâm trên cơ thể, xác của cô còn bị đem đi thiêu.
"Họ nên nhốt hắn lại và ném chìa khóa đi", NBC dẫn lời Ayyut Khalik, cha đỡ đầu của Pal nói. Ông cho biết thêm Monis nhiều lần đánh đập Pal, ép cô phải mặc hijab cả ngày. Đây là loại trang phục đặc trưng của phụ nữ Hồi giáo. Hắn còn cấm cô không được nói chuyện với "người ngoài".
Hồi tháng 4, thanh tra về tội phạm tình dục bắt giữ Monis và buộc hắn tội tấn công tình dục một phụ nữ ở tây Sydney vào năm 2002, theo SMH. Tiếp tục điều tra mở rộng, người ta còn phát hiện thêm 6 nạn nhân khác của Monis. Báo cáo của cảnh sát cho hay, khi thực hiện những hành vi này, Monis dùng tên Mohammad Hassan Manteghi.
Trước khi tới Australia và được cho phép tị nạn chính trị, Monis cũng phải đối mặt với những cáo buộc hình sự khác. Sinh ra ở Iran, hắn trốn chạy khỏi đất nước vào năm 1995 sau khi bị truy nã vì tội lừa đảo, hãng Fars News của Iran đưa tin.
Bị cô lập và không còn gì để mất
Monis thường sử dụng Internet để truyền bá niềm tin cực đoan của mình. Trang Facebook của hắn có tới gần 13.000 lượt "thích". "Hắn thường xuyên đăng tải những tài liệu, hình ảnh đầy tính cực đoan trên mạng", ông Abbott cho biết. Trong vụ bắt giữ con tin, hắn " còn tìm cách che đậy hành động của mình bằng thứ biểu tượng liên quan tới giáo phái chết chóc ISIS", ông nói thêm, sử dụng cách gọi khác của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong các bài viết trên mạng xã hội, Monis thể hiện mình là kẻ theo đuổi tín ngưỡng cực đoan Hồi giáo Sunni. Trên trang web riêng, Monis từng thề trung thành với nhóm khủng bố IS. Hắn tự miêu tả mình là một giáo sĩ Hồi giáo và nhà hoạt động ở Sydney, người "liên tục bị chính phủ Australia cũng như giới truyền thông tấn công và buộc tội sai sau khi bắt đầu chiến dịch gửi thư chính trị từ năm 2007".
Phía trên cùng của trang web Monis đăng tải hình ảnh trẻ em bị giết hại với dòng thuyết minh: "Bằng chứng cho chủ nghĩa khủng bố của Mỹ và đồng minh, trong đó có cả Australia. Kết quả của những cuộc không kích cũng là đây". Một đoạn khác trên trang này phác họa Monis như nạn nhân của một mối thù địch chính trị và so sánh hắn với Julian Assange, ông chủ của WikiLeaks, người từng tuyên bố các cáo buộc về tội phạm tình dục đối với ông có động cơ chính trị.
Tháng trước, Monis tải một đoạn video lên Youtube ghi lại cảnh hắn đứng tại một góc phố với dây xích quấn quanh người, mang theo một tấm biển ghi "Tôi đã bị tra tấn trong ngục tù vì những bức thư chính trị của mình".
Câu nói cuối cùng trên mạng Twitter của Monis mang một thông điệp đầy ám ảnh được đăng đúng vào ngày hắn tấn công quán cafe ở Sydney: "Nếu chúng ta im lặng trước tội ác, ta không thể có một xã hội hòa bình. Càng tranh đấu quyết liệt với tội ác anh sẽ càng yên bình".
Không lâu sau khi liên minh đối lập của ông Abbott thắng cử vào tháng 9 năm ngoái, Monis gửi thủ tướng một bức thư, mời ông tham gia một cuộc thảo luận trực tiếp. Tại đó, hắn sẽ chứng minh rằng "đất nước và người dân Australia sẽ bị tấn công" vì đã tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan.
Theo Guardian, Monis từ lâu đã bị coi là nhân vật phụ trong cộng đồng Hồi giáo ở Sydney. Đây chính là một phần nguyên nhân dẫn tới biểu hiện tự cực đoan hóa của hắn. Bên cạnh đó, sự bất mãn đối với chính phủ cũng là một lý do.
Tuy nhiên, bất chấp những điểm đen trong hồ sơ, hắn vẫn được phép xuất hiện nhiều lần trên truyền hình Australia và thể hiện quan điểm chống phương Tây của mình. Các quan chức tình báo Australia dường như chỉ coi hắn là một kẻ lập dị vô hại chứ không phải một mối nguy hại tiềm tàng.
Manny Conditsis, luật sư cũ của Monis, đánh giá hắn là một người bị cô lập và luôn cảm thấy không còn gì để mất, "chính vì thế mới có khả năng thực hiện một hành động quá khích và tuyệt vọng như thế". "Sự cuồng tín của hắn mạnh đến mức đã che phủ hoàn toàn mọi suy nghĩ khách quan phổ biến", ông nói thêm.
Monis quấn dây xích quanh người, đứng trên phố với tấm biển ghi: "Tôi đã bị tra tấn trong tù vì những bức thư chính trị của mình". Ảnh: Business Insider
Vũ Hoàng
Tổng hợp
Uber bất ngờ tăng giá trong vụ khống chế con tin ở Sydney Công ty Uber (Mỹ), nổi tiếng với dịch vụ taxi dựa trên ứng dụng smartphone, đã đột ngột tăng giá cước taxi khi xảy ra vụ tay súng khống chế con tin trong quán cà phê ở thành phố Sydney, Úc. Ảnh minh họa một người sử dụng ứng dụng Uber trên smartphone - Ảnh: Reuters "Tôi chưa bao giờ thấy giá cước...