KCNA: Hàng triệu thanh niên Triều Tiên nhập ngũ giữa căng thẳng với Hàn Quốc
Truyền thông CHDCND Triều Tiên đưa tin nhiều người trẻ, trong đó có sinh viên và cán bộ đoàn thanh niên, đã nộp đơn nhập ngũ giữa căng thẳng với Hàn Quốc.
Thanh niên Triều Tiên ký đơn nhập ngũ hoặc trở lại quân đội trong hình ảnh được công bố hôm 16.10. ẢNH: REUTERS
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 16.10 đưa tin khoảng 1,4 triệu thanh niên CHDCND Triều Tiên đã đăng ký mới hoặc tái nhập ngũ từ ngày 14-15.10.
Bài báo chỉ trích việc nhiều máy bay không người lái (UAV) từ Hàn Quốc bay sang rải truyền đơn, đẩy “tình hình hình căng thẳng đến bờ vực chiến tranh”.
Triều Tiên tuần trước cáo buộc Hàn Quốc điều UAV qua Bình Nhưỡng để rải “một lượng lớn” tờ rơi chống Triều Tiên. Sau đó, Triều Tiên đã cho nổ tung các tuyến đường bộ và đường sắt liên Triều ở phía miền bắc của giới tuyến vào ngày 15.10 và cảnh báo rằng Hàn Quốc sẽ “phải trả giá đắt”.
Những người trẻ tuổi, trong đó sinh viên và cán bộ đoàn thanh niên, đã nộp đơn xin nhập ngũ, quyết tâm chiến đấu trong một “cuộc chiến tranh thiêng liêng tiêu diệt kẻ thù bằng vũ khí của cách mạng”, theo KCNA. Bài báo dọa rằng nếu xảy ra chiến tranh, Hàn Quốc “sẽ bị xóa khỏi bản đồ”.
Theo Reuters, Triều Tiên trước đây từng đưa ra những thông tin về việc thanh niên nhập ngũ vào những thời điểm căng thẳng dâng cao. Năm ngoái, truyền thông nhà nước đưa tin khoảng 800.000 người tình nguyện nhập ngũ để chống Mỹ.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS-Anh), Triều Tiên có khoảng 1,28 triệu binh sĩ tại ngũ và khoảng 600.000 binh sĩ dự bị.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chưa bình luận về bài báo trên của KCNA, nhưng đã cảnh báo rằng nếu Triều Tiên gây tổn hại đến sự an toàn của người dân Hàn Quốc, ngày đó sẽ là “ngày kết thúc của chế độ đó”.
Video đang HOT
Trong ngày 16.10, thứ trưởng ngoại giao các nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp báo sau khi hội đàm tại Seoul và lên án mạnh mẽ Triều Tiên vì “cố tình gây căng thẳng” bằng cách tuyên bố UAV xâm nhập và đóng cửa giới tuyến phía nam.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay 7 quốc gia trong đó có Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ đưa ra cơ chế chung mới nhằm theo dõi sự vi phạm những lệnh cấm vận đối với Triều Tiên.
Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Hàn Quốc Kim Hong-kyun cho rằng Triều Tiên “tiếp tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong nhiều lĩnh vực” liên quan tên lửa hạt nhân, giao dịch vũ khí, trộm cắp tiền trên mạng thông qua tin tặc và chuyển tiền bất hợp pháp qua các tàu trên biển. Bình Nhưỡng chưa bình luận về cáo buộc này.
Bán đảo Triều Tiên nóng rực, xung đột toàn diện có thể xảy ra?
Các động thái leo thang căng thẳng gần đây giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Một đoạn đường bộ và đường sắt đã bị phá hủy dọc theo khu vực biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên hôm 15/10 (Ảnh: Reuters).
Triều Tiên đã cho nổ tung một phần đường Gyeongui và Donghae phía bắc Đường phân giới quân sự (MDL) vào hôm 15/10, một động thái được coi là nhấn mạnh cam kết cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc. Hai tuyến đường này vốn được coi là biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Động thái của Triều Tiên diễn ra sau những phát ngôn gay gắt qua lại giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc triển khai máy bay không người lái rải truyền đơn ở thủ đô Bình Nhưỡng và cảnh báo sẽ cắt đứt toàn bộ đường nối với Hàn Quốc.
Triều Tiên tuyên bố nếu Hàn Quốc tiếp tục đưa máy bay không người lái xâm nhập không phận thủ đô Bình Nhưỡng, nước này sẽ coi đó là "hành động tuyên chiến" của Hàn Quốc.
Trước đó, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên thả hàng trăm bóng bay chứa rác sang Hàn Quốc. Để đáp trả việc Triều Tiên thả bóng bay chứa rác, quân đội Hàn Quốc đã dùng loa phóng thanh ở dọc biên giới 2 nước kể từ tháng 7 để chỉ trích Bình Nhưỡng.
Loạt động thái căng thẳng trên đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia láng giềng trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khó có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào Hàn Quốc, vì điều này sẽ dẫn đến sự trả đũa mạnh mẽ từ lực lượng vượt trội của liên minh Mỹ - Hàn.
Vào năm 2020, Triều Tiên đã cho nổ một văn phòng liên lạc do Hàn Quốc xây dựng ở phía bắc biên giới chung để đáp trả việc Hàn Quốc rải truyền đơn qua biên giới. Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên vẫn tránh được kịch bản xung đột.
Theo chuyên gia Konstantin Asmolov tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tương đối thấp, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có thêm sự leo thang.
"Khả năng cao là sẽ không có chiến tranh. Bởi vì cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul đều không muốn chiến tranh. Bình Nhưỡng hiểu rằng chiến tranh sẽ đồng nghĩa đối đầu với Mỹ. Seoul cũng không muốn chiến tranh vì tên lửa siêu vượt âm của Bình Nhưỡng sẽ bay vào Seoul trong vòng 5 phút", ông Asmolov cho biết.
Andrey Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul, nhận định việc Triều Tiên phá hủy các tuyến đường nối với Hàn Quốc không phải là một vụ việc quá nghiêm trọng để có thể dẫn tới chiến tranh.
Theo ông Lankov, không có hoạt động giao thông nào trong những năm qua trên các tuyến đường bị Triều Tiên phá hủy. Do vậy, những vụ nổ như vậy mang tính biểu tượng nhiều hơn trong chiến dịch của Triều Tiên nhằm xóa bỏ mọi thứ liên quan đến ý tưởng thống nhất hai miền.
Giáo sư Kang Dong-wan, giảng viên khoa học chính trị và ngoại giao tại Đại học Dong-a ở Busan, cũng hoài nghi về khả năng nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
"Tôi hoài nghi về khả năng tình hình sẽ leo thang đến mức chiến tranh. Triều Tiên đang lợi dụng xung đột quân sự để tăng cường sự gắn kết nội bộ", Giáo sư Kang cho biết.
Triều Tiên đã kích nổ một phần các tuyến đường Gyeongui và Donghae ở biên giới chung với Hàn Quốc (Ảnh: Bloomberg).
Các nhà phân tích đánh giá rằng, các hành động trả đũa qua lại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cho thấy họ đang bị mắc kẹt trong một "trò chơi" đấu trí, khi cả hai bên đều không muốn nhượng bộ trước.
"Không bên nào muốn nhượng bộ vào thời điểm này", giáo sư Kim Dong-yup tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nói.
"Tôi nghi ngờ khả năng Triều Tiên có thể phát động một cuộc chiến tranh toàn diện. Họ nhận thức rõ những hậu quả nghiêm trọng mà một cuộc xung đột như vậy sẽ mang lại", giáo sư Kim Dong-yup dự đoán.
Theo giáo sư Nam Sung-wook, giảng viên về nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, những lời hăm dọa gần đây về hoạt động của máy bay không người lái Hàn Quốc trên không phận Triều Tiên nhiều khả năng vẫn chỉ là một "cuộc khẩu chiến".
"Bởi vì Seoul và Bình Nhưỡng biết rằng họ không thể chịu được hậu quả của một cuộc chiến tranh toàn diện, nên ít có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân", giáo sư Nam Sung-wook nhận định.
Edward Howell, nhà nghiên cứu Quỹ Hàn Quốc tại tổ chức Chatham House, nói rằng bất chấp sự cứng rắn trong các tuyên bố được đưa ra, sự leo thang ngày càng tăng hiện nay "là một phần trong chiến lược của Triều Tiên, đó là chiến lược bên miệng hố chiến tranh".
Chuyên gia Howell nói rằng Triều Tiên thường tăng cường các hành động khiêu khích trong những năm bầu cử tổng thống tại Mỹ. "Họ muốn thử nghiệm và xem liệu Mỹ có nhượng bộ họ hay không", ông nói.
Chuyên gia Cheong Seong-chang tại Viện nghiên cứu Sejong cho biết: "Sự chú ý hiện giờ chuyển sang việc liệu Triều Tiên sẽ đáp trả bằng cách gửi máy bay không người lái vào Hàn Quốc hay sẽ có hành động cứng rắn nếu máy bay không người lái xâm nhập vào lãnh thổ của họ một lần nữa hay không".
Triều Tiên có thể sẽ tiến hành các hành động mạnh dọc biên giới nếu Hàn Quốc tái diễn các vụ xâm nhập bằng máy bay không người lái", chuyên gia Cheong nhận định.
Giáo sư Kim Dong-yup nói thêm rằng, vì vẫn có sự ngờ vực lẫn nhau, nên Seoul "cần cân nhắc chiến lược về cách quản lý cuộc khủng hoảng" với Bình Nhưỡng.
KCNA tiết lộ định vị của Hàn Quốc trong Hiến pháp sửa đổi của Triều Tiên Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Quốc hội nước này đã sửa đổi Hiến pháp, trong đó xác định Hàn Quốc là "quốc gia thù địch". Triều Tiên cho nổ tung đoạn đường Donghae nối với Hàn Quốc vào trưa ngày 15/10. Ảnh: Yonhap News "Đây là biện pháp tất yếu và hợp pháp, được thực hiện theo yêu...