Kathmandu – rực rỡ sắc màu Nam Á
Kathmandu, thủ đô của Nepal là nơi bắt đầu để khám phá đất nước và con người Nepal, nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo, điểm dừng chân của khách du lịch sau chặng đường dài mệt mỏi chinh phục dãy Himalaya, đỉnh núi Everest cao nhất thế giới hay những cung đường nổi tiếng.
Bảo tháp Boudhanath.
Quảng trường hoàng gia Durbar
Kathmandu ngày nay có 3 quảng trường Durbar được UNESCO công nhận là di sản thế giới, gồm Kathmandu Durbar Square, Patan Durbar Square và Bhaktapur Durbar Square. Đây là quảng trường trung tâm của 3 tiểu vương quốc của người Newar thời xưa ở Nepal. Mỗi Durbar Square đều có rất nhiều đền đài, tượng thần, cung điện… được xây dựng từ vật liệu chủ yếu là gạch nung, gỗ và đá với tông màu đỏ trầm nổi bật. Các khung cửa sổ gỗ được chạm khắc tinh xảo, các ngôi đền tứ giác nhiều tầng có chóp nhọn rất đặc biệt.
Kathmandu Durbar Square nằm ở trung tâm thành phố và còn có tên gọi khác là Hanuman Dhoka Durbar Square, bởi ngay cổng vào hoàng cung có tượng thần khỉ Hanuman. Tại đây có trên 40 đền đài được xây dựng từ thế kỷ XII tới thế kỷ XVIII. Trung tâm của quảng trường là ngôi đền Maju Deval được xây dựng vào năm 1690, bên trong đền có một linga rất nổi tiếng của thần Shiva nên ngôi đền này còn được gọi là đền Shiva. Đây là nơi ở của Kumari, còn gọi là Nữ thần đồng trinh. Kumari được coi là hóa thân sống của nữ thần Taleju, được nhận sức mạnh cũng như quyền năng của vị nữ thần này. Vì vậy, công cuộc tuyển chọn Kumari từ các bé gái rất khắt khe và nữ thần chỉ xuất hiện vào dịp lễ cúng tế.
Bhaktapur Durbar Square là khu phức hợp hoàng gia của vương quốc Bhaktapur cổ, bao gồm 4 quảng trường lớn: Quảng trường hoàng cung, Taumadhi, Dattatreya và quảng trường gốm. Điều thú vị ở nơi này là chiếc “chuông chó sủa” trong đền thờ Vatsala, mỗi lần rung chuông thì tất cả chó trong làng sẽ sủa vang. Ngoài ra, Bhaktapur còn nổi tiếng với cổng vàng và cổng sư tử với những hình tượng chạm khắc nổi tinh xảo và xa hoa.
Patan Durbar Square là quần thể kiến trúc đỉnh cao của người Newar, với các công trình kiến trúc chạm khắc gỗ tinh xảo, tháp chuông lớn cùng với sân quảng trường được lát gạch đỏ đặc trưng. Patan là một trong những trung tâm của Hindu giáo và Phật giáo lâu đời nhất ở Nepal. Các công trình tráng lệ ở Patan được xây dựng chủ yếu từ thế kỷ XIV tới thế kỷ XVIII, đặc biệt là dưới thời trị vì của vua Siddhinarsingh Malla.
Đền thờ Krishna Mandir, nơi quan trọng nhất tại quảng trường, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Shikhara từ Ấn Độ. Các hình vẽ chạm khắc đá ở trước đền và trên trần miêu tả lại những truyền thuyết cổ xưa của sử thi Mahabharata nổi tiếng.
Đền thờ Krishna Mandir ở Patan Durbar Square.
Bảo tháp Boudhanath linh thiêng
Boudhanath là chốn tâm linh của Phật giáo Nepal và là bảo tháp lớn nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Công trình được xây dựng từ thế kỷ VII, được trùng tu nhiều lần và hoàn thành vào thế kỷ XIV. Đây là điểm đến quan trọng trong tuyến đường hành hương của người dân Nepal và Tây Tạng. Bảo tháp Boudhanath màu trắng cao 36m, mỗi phần của tháp có ý nghĩa khác nhau.
Phần đế được xây dựng giống như một mandala (hình vẽ biểu thị vũ trụ). Thân tháp có hình đôi mắt đức Phật được vẽ ở cả bốn phía, bên dưới là ký hiệu số 1 – theo tiếng Nepal biểu tượng cho sự hợp nhất của Phật giáo. Bên trên là kim tự tháp 13 bậc tượng trưng cho sự tu tập để tiến đến giải thoát. Mái vòm và chóp nón được mạ vàng kết hợp với lọng biểu tượng hoàng gia cao quý. Quanh tháp là cờ Phật giáo màu sắc rực rỡ và cờ cầu nguyện lungta với những câu chú tung bay trong gió. Cờ cầu nguyện có 5 màu – tượng trưng cho 5 nguyên tố cơ bản: Màu vàng tượng trưng cho đất, xanh lá tượng trưng cho nước, đỏ tượng trưng cho lửa, trắng tượng trưng cho gió, xanh da trời tượng trưng cho không gian.
Bảo tháp gắn liền với hình ảnh của Quan thế âm Bồ Tát nên viền quanh tòa tháp có 108 tượng hóa thân của ngài. Khách hành hương sẽ đi quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, chạm tay vào bánh xe luân xa, tượng Bồ Tát và cầu nguyện. Xung quanh bảo tháp là khoảng không gian rộng lớn để đi bộ với nhiều quán cà phê, cửa hàng lưu niệm và nhà hàng ẩm thực. Năm 1979, bảo tháp Boudhanath đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và vẫn được bảo tồn cho đến nay.
Kathmandu là một trong những thủ đô đẹp nhất khu vực Nam Á. Đến đây, bạn sẽ có những cảm xúc trái ngược đan xen: Trầm trồ trước những đền đài, cung điện tinh xảo; thú vị trước những khu chợ, nhịp sống mang đậm bản sắc Nam Á; chán nản trước cảnh đường phố bụi bặm và đông đúc; ngạc nhiên bởi các phong tục cổ xưa còn lưu lại cho tới bây giờ… Thế nhưng, chính những điểm trái ngược này lại khiến Kathmandu trở nên thu hút và bất cứ ai tới đây cũng đều có ấn tượng khó quên.
Đặc sắc kỳ quan kiến trúc Nepal
Nằm lơ lửng trên cao giữa những đỉnh núi mù sương phủ đầy băng tuyết và khắp nơi là những cánh rừng bạt ngàn cùng thung lũng hoa khoe đầy hương sắc. Nepal không chỉ hấp dẫn vì khung cảnh trữ tình, diễm lệ mà còn bởi những phong cách kiến trúc đền thờ cũng kỳ vĩ tựa đồi núi, vươn cao sừng sững làm nấc thang lên trời. Cũng vì thế, từ xưa quốc gia này đã được gọi là xứ sở cổ đại của các vị thần.
Video đang HOT
Là một cái nôi của nhiều tôn giáo như đạo Phật, đạo Hindu, ở đâu cũng thấy những công trình thờ tự tráng lệ, ấn tượng. Kiến trúc đền đài Nepal có 3 loại: tháp pagoda nhiều tầng, tháp stupa hình bát úp và tháp shikhara mô phỏng đỉnh núi thiêng.
Cả 3 loại đều có dạng tháp, ngụ ý thân thể của các vị thần dưới trần gian. Tháp pagoda là kiểu kiến trúc nổi bật nhất trong các đền đài cổ xưa của Nepal còn tồn tại. Đó là một tòa nhà có nhiều lớp mái vểnh ra, xếp chồng lên nhau, thuôn dần với những vì kèo trạm trổ đẹp mắt.
Trong khi tháp pagoda bay bổng, thì bảo tháp (stupa) lại cho cảm giác an vị nhờ đặc điểm là một bán cầu gối trên một đế vuông, và ở đỉnh có các cột xếp dạng lọng. Bên cạnh chúng là tháp dạng núi hay kim tự tháp khắc họa thế giới hùng vĩ là nơi ở của các vị thần, trong đó có nhiều phù điêu, tượng đài đồ sộ.
Thứ nhất là quần thể đền thờ Pashupatinah bên bờ sông Bagmati và giữa lòng thủ đô Kathmandu. Ngôi đền chính Maha Shivaratri, theo kiểu tháp pagoda, đã xuất hiện từ thế kỷ V, được tu bổ từ thế kỷ XIII, là một đền thờ Hindu lâu đời, linh thiêng nhất nước.
Năm 1979, cả đền và khu vực quanh nó đã được UNESCO công nhận là Di sản nhân loại. Pashupatinah chính là một hóa thân của Shiva, vị chúa tể của muôn loài, và là một trong 3 thượng đẳng thần quan trọng nhất của người Hindu tạo nên sự sống, phát triển và hủy diệt. Ngài được tôn thờ muôn nơi, song đặc biệt tại Nepal còn có tên Pashupatinah và là vị thần hộ quốc.
Vì có ý nghĩa to lớn, ngay từ ngày đầu thành lập, Maha Shivaratri đã được dựng rất cầu kỳ, mà nổi bật là có hai tầng mái trang nhã, tương ứng với hai tầng nhà, được chế tác hoàn toàn bằng vàng và đồng cùng nhiều phù điêu gỗ. Nó cũng có 4 mặt hay 4 cánh cửa dwar bằng bạc cùng một ngọn tháp gajur vàng trên chóp.
Toàn quần thể gồm 2 phần: vòng trong để thờ cúng, còn vòng ngoài cho dạo chơi trong những khu vườn và dưới những tòa tháp lồng lộng. Có tất thảy 492 điện thờ, 15 Shivalaya (ban thờ thần Shiva) và 12 Jyotirlinga (bệ thờ sinh thực khí) bao quanh Maha Shivaratri.
Kasthamandap cũng là một đền đài thú vị ở Kathmandu, tuy rằng xinh xắn và chỉ làm bằng gỗ, lợp đất nung. Tọa lạc giữa Quảng trường Hanuman Dhoka, tòa tháp vươn lên với 3 tầng mái và được cho là làm từ nguyên một cây cổ thụ.
Lúc đầu, nó là một từ đài phục vụ cho các buổi tế linh thiêng, nhưng sau đó đã chuyển thành đền thờ thánh Gorakhnath, vị thần bảo vệ trâu bò, và được xây bởi một tín đồ Phật giáo Mật tông vào thời Malla. Ra đời vào thế kỷ XVI dưới hình thức pagoda, đây có lẽ là một tòa nhà gỗ cổ xưa nhất thế giới, đồng thời là đền thờ đông vui nhất thủ đô vì xung quanh là chợ.
Chuyện kể rằng một lần trong đám rước guru Machhindranath, Gorakhnath, một đệ tử của ngài đã cải trang xuống trần dạo chơi và bị một nhà sư phát hiện. Nhà sư này cầu xin thần cứu giúp. Thể theo lời ước tăng nhân, một cây sala vĩ đại đã mọc lên tại địa điểm của ngôi đền bây giờ và được đẵn xuống xây điện. Từ đây, về sau cũng có cái tên Kathmandu, thủ đô Nepal.
Mặc dù nằm trong một làng nhỏ (Changu), 4 bề là ruộng đồng và rừng rậm thuộc quận Bhaktapur, cách Kathmandu 22 km, song Changu Narayan không chỉ là một đền thờ lâu đời nhất cả nước mà còn là công trình tôn giáo đẹp nhất, có ý nghĩa lớn lao nhất đối với lịch sử thung lũng Kathmandu.
Nó đã có mặt ở đây từ thế kỷ V, do dân gian xây dựng, song về phong thái thì đậm nét hoàng gia, với nhiều mảng trang trí mỹ lệ. Nói chung, kiến trúc của đền là pagoda, có 2 tầng, 4 mặt mạ vàng rất rực rỡ, hơn thế còn tọa lạc trên một nền đá cao và đỉnh đồi hoành tráng. Theo một dòng chữ khắc đá thì đền được dành cho thần Visnu, một trong 3 tối đẳng linh thần, và thị hiện dưới dạng Narayana, đấng sáng tạo thời đại mới.
Ở khắp nơi đều thấy sự tôn sùng Visnu. Cụ thể là trên giằng đỡ mái có phù điêu 10 hóa thân của ngài, và ở 4 mặt công trình là 4 dãy thần thú gồm sư tử, voi, garuda, griffin, sarabha đều là vật cưỡi của Visnu.
Tiếp đó là những pho tượng rải khắp sân, trong đó có Visnu nửa người nửa sư tử, còn gọi Narsingha hoặc Visnu dưới dạng thần lùn sáu tay sau này biến thành khổng lồ Vamana, rồi phù điêu Visnu 10 đầu, 10 tay...
Qua các ghi chép trên cột garuda và các bài thơ shloka trên đá, Changu Narayan còn là một nơi lưu giữ được những kinh văn cổ nhất, cũng như một đền thờ sớm nhất của đạo Hindu tại Kathmandu.
Bao hàm nhiều đền đài đa dạng là các quảng trường Durbar, xưa kia là sân điện hoàng cung, gắn với các nghi lễ tôn giáo, cung đình mà tiêu biểu là Quảng trường Hanuman Dhoka hay Quảng trường lớn Kathmandu.
Tại đây, vào thế kỷ III đã thấy các cung điện và thế kỷ XVI nối kết với nhà dân và làm một bảo tàng kiến trúc. Nó cũng có hai vòng, bên trong là cố cung của các đời vua Shah và Malla đến thế kỷ XIX, và bên ngoài là vô số đền thờ dạng pagoda như Kumari Ghar, Shiv-Parbati, Bhagwati, Jagannath, Mahadev.
Một quảng trường nữa cũng hay được nhắc đến là Patan Durbar với 130 thượng uyển, 55 đại tự có từ hai tầng trở lên, cùng nhiều tượng thần Parvati và Krisna. Bên cạnh sự tráng lệ, hàng năm còn thấy nhiều lễ hội như Indrajatra, Dashain, Gaaijatra thu hút hàng triệu người.
Một trong những Phật điện uy nghi nhất Nepal là tháp Boudhanath, theo kiểu bảo tháp (stupa), đã ra đời hơn 1.500 năm trước và cách Đông Bắc ngoại ô thủ đô 11 kilômét. Tháp này được xây dựng bởi đức vua Tây Tạng Songsten Gampo, cao đến 35,4 mét dưới dạng một mái vòm trắng khổng lồ, gắn cột vàng lọng báu và vẽ mắt ở tứ phía.
Sở dĩ như vậy, vì người xưa đã có truyền thống dùng hình ảnh chiếc bát khất thực, tấm áo cà sa gấp gọn cùng cây tích trượng Đức Phật hay cầm khi đi truyền đạo, để tạo nên hình tháp, thoạt nhìn như một người đang thiền định.
Stupa được dựng ngay khi Đức Phật viên tịch. Nó cũng lấy cảm hứng từ các vòm động, nơi các ẩn sĩ tu hành, và do có hình tròn thường khắc các bài kệ, vẽ tranh trên vách để chiêm bái, cầu nguyện. Kiến trúc này chính thức được biết từ khi đức vua Ashoka thế kỷ III trCN cho dựng nhiều tháp trên cả vương quốc, và theo triết lý đạo Phật là kết quả của đất, nước, lửa, gió (khí) và trời (vũ trụ). Ở tháp Boudhanath, phần đế cao xếp bậc mandala thể hiện đất, mái vòm kumbha là nước, cột tháp vuông trên mái sắp hình kim tự tháp là lửa, cây cột vàng là gió, những chiếc tán dù trên đỉnh là trời.
Từ tháp vuông lên cây cột có 13 bậc biểu thị những bước đường ngộ đạo. Những cặp mắt ở tháp ngụ ý Phật nhãn hay những hiểu biết của Ngài, còn mũi vẽ ở phía dưới đôi mắt chỉ con đường duy nhất đạt Bồ đề tâm là con đường tu hành. Dưới đáy mái vòm còn có 108 ô cửa, đồng nghĩa với 108 hình ảnh Phật Amitabha là người sẽ đưa ta tới cõi cực lạc. Góp phần tạo nên vẻ đẹp huyền diệu nơi đây, còn có 50 gompa, tu viện Tây Tạng, bao quanh đại tháp.
Nếu trên là một bảo tháp (stupa) tròn xoe độc lập thì Namobuddha, cách Đông Bắc Kathmandu 40 km, lại thuôn dài với 5 tháp nhỏ khác nhau, tượng trưng cho 5 nguyên tố Phật giáo 9 (ngũ uẩn). Nó cũng ngụ ý về thân thể Phật và nơi Phật trong tiền kiếp đã xả thân, xẻ thịt cho một con cọp cái và đàn con ăn. Chuyện kể rằng một lần dạo chơi trong rừng, hoàng tử Mahasattva cùng 3 anh trai trông thấy một con cọp cái vừa sinh 5 cọp con. Nó đuối sức vì sinh nở và đói lả nhiều ngày nên không nhúc nhích nổi.
Thấy cọp, 3 người anh sợ hãi bỏ chạy, chỉ có Mahasattva dừng lại và lấy dao lóc thịt của mình cho chúng ăn. Khi họ quay lại thì chỉ thấy xương và tóc của em trên đất. Chính tại đó, hoàng gia đã cho xây một bảo tháp (stupa) mà nay là Namobuddha, tọa lạc trên sườn đồi Gandha Malla. Men theo sườn tháp, các Phật tử sẽ tới một nơi có cảnh Phật đang hy sinh cho đàn cọp. Tiếp tục lên nữa là cảnh hang hổ đầy xúc động tình mẫu tử, và tại đây mọi người thường nằm xuống nhằm thể hiện lòng từ bi.
Vừa là một tòa tháp đẹp ở phía Tây Kathmandu, vừa gắn liền với sự tích ra đời thung lũng này là Swayambhunath Stupa, còn gọi đền khỉ thần. Trong tiếng địa phương, Swayambhu có nghĩa là tự sinh, tự tạo. Theo truyền thuyết, thung lũng Kathmandu vốn là một hồ lớn và có một đóa sen trên nước. Vẻ đẹp của nó đã chiếu tới Manjusri Bodhisattva, vị bồ tát của trí tuệ, và ngài liền tới xem. Thấy đây sẽ là một thánh địa, bồ tát đã xẻ một đường rãnh, làm nước rút, lộ ra thung lũng ngày nay, còn bông sen biến thành đồi núi và stupa.
Bấy giờ, tóc ngài đã mọc dài nên ngài phải gọt tóc, và từng sợi tóc cũng hóa thành những chú khỉ bác học. Bắt đầu từ thế kỷ V, người ta đã biết tới Swayambhunath nhờ công trình được xây dựng rất đồ sộ và nhiều khỉ thần.
Tựu trung, đây là một tháp lớn màu trắng, với kim tự tháp rát vàng và ở mỗi phương đều có 3 Phật nhãn, hai mắt để dõi khắp thế gian và mắt thứ ba tượng trưng cho trí tuệ. Từ dưới đất dẫn tới đỉnh tháp, có một cầu thang 365 bậc và ngày nào cũng đông nghịt tín đồ hành hương.
Được kiến tạo bởi vua Siddhi Narsingha, đền Krisna cũng là một ví dụ hay nhất của phong cách shikhara Nepal. Xuất hiện năm 1637 ở phía Tây Durbar Patan - Lalitpur, công trình là kết quả của một giấc mơ khi đức vua thấy thần Krisna và vợ hiện linh trước hoàng cung.
Tỉnh dậy, ông liền cho xây một đền thờ để tôn vinh ngài và tiếp tục làm một bản sao trong thượng uyển Sundari Chauk 10 năm sau nhằm tạ ơn thần khi ông thắng trận giòn giã trước ngoại bang, và cứ đến tháng 8 hay tháng 9 lại tổ chức lễ hội kỷ niệm sinh nhật Ngài.
Đền Krisna gồm 3 tầng, 21 tháp được đẽo toàn bộ từ đá, sơn vàng, cũng như có nhiều mảng phù điêu, tượng đài từ đế tới ngọn đặc tả đỉnh núi Sumeru, thế giới thần tiên và ca ngợi thiên nhiên. Nói chung, mỗi ngôi đền theo phong cách shikhara đều có nhiều đỉnh cao thấp, lô xô như những đỉnh núi và hướng tới một đại thần được phụng thờ, song ngoài ra còn thấy nhiều thần linh khác do người Hindu thờ tới hai triệu vị.
Ở đền Krisna này, tầng một được dành cho Krisna, tầng hai - Shiva và tầng ba - Lokeshwor... bên trên tường đá đều khắc họa cuộc đời mỗi thần cùng nhiều trích đoạn sử thi Ramayana.
Mahaboudha lại là một ngôi đền hấp dẫn nữa của Patan theo kiểu shikhara, nhưng hút hồn bởi tháp chính cao lồng lộng, trên đó chia hàng trăm nấc, đồng nghĩa với hàng trăm tầng trời và thần linh, song ở đây là các tôn Phật. Đền đã ra đời từ năm 1585 và lấy tên từ 1.008 viên gạch đất nung, mà mỗi viên đều trạm trổ hình Phật.
Người có ý tưởng này là nhà sư Abhaya Raj Shakya của Patan, sau một dịp viếng thăm đền Mahabodhi ở Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) Ấn Độ, nơi Phật thành đạo, đã có tâm nguyện cất một đại tự thật lớn như đền Mahabodhi song theo phong thái Nepal. Ông được phép đúc tiền, xây đền nhưng vì mất sớm nên con trai là người hoàn tất công trình này.
Dù nhìn ở đâu, đền Mahaboudha cũng rực rỡ, nổi bật trên nền trời. Và khi cận cảnh thì càng ngoạn mục hơn, vì từng centimét là từng nghệ thuật điêu khăc tinh xảo với những viên gạch hoa lá, mây nước, chim thú, Phật ngồi, Phật đứng, Phật nằm, các vị kim cương, hộ pháp...
Sắc hoa mùa hạ trên đường phố Hà Nội Những ngày tháng 5, đường phố Hà Nội lại rực rỡ sắc màu bởi những loài hoa như: Muồng hoàng yến, bằng lăng... đang nở rộ. Giữa tháng 5, hoa muồng hoàng yến bắt đầu nở rộ khoe sắc bên hồ Tây (Hà Nội). Giữa tháng 5, hoa muồng hoàng yến bắt đầu nở rộ khoe sắc bên hồ Tây (Hà Nội). Nhiều...