Kamala Harris – nữ Phó Tổng thống đặc biệt của nước Mỹ
Sau khi nữ chính trị gia, luật sư Kamala Harris giành chiến thắng bầu cử trong liên danh với ông Joe Biden hồi năm ngoái, tên tuổi của bà gắn với những dấu mốc đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (Ảnh: Getty).
“Mặc dù tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí này, nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng”, bà Kamala Harris từng nhấn mạnh trong một bài phát biểu hồi tháng 11/2020 sau khi liên danh tranh cử Joe Biden – Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Với lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021, nữ cựu Thượng nghị sĩ bang California đã làm nên lịch sử với tư cách là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ.
Bà Harris, sinh ngày 20/10/1964 với tên đầy đủ là Kamala Devi Harris, là con của những người nhập cư đến Mỹ. Mẹ bà, Shyamala Gopalan Harris, là người nhập cư từ Ấn Độ. Còn cha bà, ông Donald Haris, là một giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Jamaica.
Bà Harris lớn lên với sự ảnh hưởng sâu sắc của người mẹ gốc Ấn và nền tảng tư duy từ cha mình. Trong suốt quá trình tranh cử, bà Harris thường xuyên đề cập đến việc các hoạt động đấu tranh vì nhân quyền của cha mẹ đã ảnh hưởng tới bà như thế nào.
Nữ chính trị gia Mỹ luôn bày tỏ tình cảm dành cho mẹ, người đã dặn dò bà tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Bà luôn ghi nhớ lời của mẹ: “Kamala, con có thể trở thành người đầu tiên trong nhiều việc, nhưng hãy luôn chắc chắn rằng con không phải là người cuối cùng”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Howard năm 1986 và Đại học Luật Hastings thuộc Viện Đại học California vào năm 1989, bà Harris làm việc tại văn phòng công tố quận Alameda với vị trí trợ lý luật sư. Từ đây, bà đã bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị.
Bà Harris đã phục vụ trong nhiều vị trí công khác nhau tại California. Bà là một trong những nhân vật chính trị nổi bật tại bang này và cũng là một trong những thành viên được yêu thích của đảng Dân chủ trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trong suốt sự nghiệp chính trị, bà Harris đã phá vỡ những rào cản để làm nên lịch sử như: chưởng lý da màu đầu tiên của hạt San Francisco, tổng chưởng lý da màu đầu tiên của bang California, người phụ nữ Mỹ gốc Phi thứ hai và gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ.
Bà Harris từng là một trong những chính trị gia của đảng Dân chủ tham gia tranh cử tổng thống Mỹ 2020 và gây tiếng vang trong giai đoạn đầu của cuộc bầu cử sơ bộ tìm ứng viên đại diện cho đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 cùng năm. Bà đã tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp với các ứng viên tổng đảng Dân chủ, trong đó có ông Joe Biden, trước khi tuyên bố rút lui vào tháng 12/2019.
Tháng 8/2020, bà Harris được ứng viên tổng thống đảng Dân chủ khi đó là ông Joe Biden chọn làm liên danh tranh cử. Trải qua chiến dịch tranh cử quyết liệt và cuộc bầu cử kịch tính, liên danh tranh cử Biden – Harris đã giành chiến thắng và bà Harris tiếp tục có thêm những cái “nhất” khác như người phụ nữ đầu tiên, người gốc Á đầu tiên, người gốc Phi đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ.
Video đang HOT
Đài CNN thậm chí đặt cho bà Harris một danh xưng đầy kiêu hãnh: “Người phá vỡ mọi rào cản”.
“Đó là cách tốt nhất để bắt đầu một ngày mới”
Giống bất kỳ phụ nữ nào theo đuổi sự nghiệp chính trị, bà Harris phải cân bằng cuộc sống cá nhân và lịch làm việc dày đặc. Nói về bí quyết để duy trì sự tập trung và năng lượng bất chấp lịch trình làm việc mệt mỏi, bà Harris từng chia sẻ với cựu Tổng thống Barack Obama trong một cuộc phỏng vấn đăng trên Twitter hồi tháng 9/2020: “Tôi tập thể dục mỗi sáng, bất kể ngủ sớm hay muộn. Đó là cách tốt nhất để bắt đầu một ngày mới”.
Tập thể dục cũng là cách giúp bà tìm thấy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong cuộc phỏng vấn với Lenny Letter vào năm 2015, bà nói: “Tập thể dục buổi sáng giúp máu lưu thông”.
Nấu ăn cũng là cách giúp bà Harris thư giãn.
“Tôi có thể 6 lần lên máy bay trong một tuần nhưng điều khiến tôi cảm thấy bình thường là làm bữa tối cho gia đình vào Chủ nhật”, bà từng nói với trang The Cut . “Nếu tôi đang nấu ăn, tôi cảm thấy đang kiểm soát được cuộc sống của mình”.
Bà Harris kết hôn với ông Douglas Emhoff, hiện là một luật sư nổi tiếng, vào năm 2014. Cặp đôi không có con chung, nhưng ông Emhoff có 2 con từ cuộc hôn nhân trước đó.
Vào những lúc nghỉ ngơi trong ngày, bà cho biết thích trò chuyện qua video với các thành viên trong gia đình. Bà Harris được hai con riêng của chồng yêu mến. Cả hai luôn gọi bà là “Momala”, kết hợp giữa tên Kamala và từ “Mom” (mẹ) vì chúng không thích dùng hai chữ “mẹ kế”.
“Giữ mối quan hệ thân thiết với những người trẻ và cảm nhận thế giới qua con mắt của chúng”, bà từng nói.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu thông điệp từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam cho thấy Mỹ coi trọng vị trí của Việt Nam trong quan hệ song phương, cũng như vị trí của Việt Nam trong khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (Ảnh: Getty).
Trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ đến Việt Nam vào hôm nay, 24/8, sau khi kết thúc chuyến thăm tại Singapore.
Chuyến đi của Phó Tổng thống Harris tới Đông Nam Á là chuyến công du nước ngoài thứ hai và là chuyến công du đầu tiên ngoài châu Mỹ của bà Harris kể từ sau khi nhậm chức hồi tháng 1. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một phó tổng thống Mỹ tới Việt Nam.
Bà Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm khu vực kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm nay. Chuyến công du của bà Harris diễn ra ngay sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines vào tháng trước.
Cam kết của Mỹ với khu vực
Trao đổi với Dân trí , nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng việc 2 quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden liên tiếp tới Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên của họ tới Đông Nam Á cho thấy, Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi trọng vị trí của Việt Nam trong quan hệ song phương với Mỹ, cũng như vị trí của Việt Nam tại khu vực, trong cục diện chung ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris là chuyến công du đầu tiên của nhân vật cấp cao số 2 trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ đầu nhiệm kỳ đến nay, do vậy, dù là đến Việt Nam hay Singapore, bà Harris đều mang thông điệp về quan hệ song phương lẫn thông điệp về khu vực.
Thông cáo của Nhà Trắng cho biết Việt Nam và Singapore là 2 đối tác rất quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ muốn thúc đẩy mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực với Việt Nam và Singapore, từ kinh tế - thương mại cho tới các vấn đề quan tâm của khu vực, trong đó có vấn đề an ninh và trật tự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và ưu tiên luật lệ. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác ứng phó dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh (Ảnh: Đức Anh).
Cựu đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá chuyến thăm của 2 quan chức cấp cao Mỹ gần đây là động thái đặc biệt của chính quyền Tổng thống Biden đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong tổng thể khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dù chính quyền của Tổng thống Biden mới lên nắm quyền 7 tháng, nhưng các quan chức Mỹ đã có chuyến công du cấp cao đầu tiên tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều này cho thấy Mỹ rất coi trọng Đông Nam Á, coi trọng ASEAN trong khuôn khổ chung của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước đây, sau khi lên nắm quyền, các quan chức Mỹ thường công du các nước đồng minh tại Đông Bắc Á trước.
Hai chuyến thăm tới khu vực, dù ở 2 cấp khác nhau nhưng đến gần như cùng một thời điểm, thể hiện rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden muốn khẳng định chính sách cam kết lâu dài, coi trọng hợp tác gắn kết với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sau một thời gian Mỹ tập trung vào các vấn đề nội bộ, định hình các chiến lược, và nhất là sau chuyến công du châu Âu của Tổng thống Biden, đây là cánh châu Á mà Mỹ rất coi trọng. Mỹ muốn bảo đảm lòng tin và sự tin cậy của các nước đối với Mỹ và khi đến khu vực này, cả 2 quan chức Mỹ đều đưa ra những thông điệp của mình bằng những sáng kiến cụ thể.
Ở tầm khu vực, 2 chuyến thăm liên tiếp cho thấy nước Mỹ thực sự thể hiện cam kết ở cấp cao nhất đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, coi trọng Đông Nam Á và ASEAN. Nước Mỹ có khoảng thời gian được cho là xao lãng khu vực Đông Nam Á. Do vậy, 2 chuyến thăm này cũng là một cách thể hiện việc Mỹ thực sự tái cam kết với khu vực. Thông điệp lớn nhất của 2 chuyến thăm là cam kết cấp cao đối với Đông Nam Á trong tổng thể ưu tiên của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hợp tác trên mọi lĩnh vực
Theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, chương trình nghị sự trong chuyến thăm Việt Nam và Singapore của Phó Tổng thống Harris sẽ có những nội dung thực chất, bao gồm vấn đề an ninh khu vực, trật tự dựa trên luật lệ, kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, chuỗi cung ứng kết nối thương mại đang bị gián đoạn, vắc xin và phòng chống dịch bệnh.
Trong chuyến thăm lần này, bà Harris cũng có bài phát biểu chính sách mang thông điệp khu vực tại Singapore và bao quát tất cả các mặt, gồm những định hướng, gợi ý về chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cam kết của Mỹ với khu vực này, chính sách của Mỹ trong việc củng cố hệ thống đồng minh, cũng như cách thức của Mỹ trong cạnh tranh nước lớn, hợp tác xây dựng dựa trên luật lệ và ứng xử với các thách thức trong đó có dịch bệnh, biến đổi khí hậu, kinh tế - thương mại, Biển Đông...
Tại Việt Nam, vấn đề hợp tác trong lĩnh vực phòng chống Covid-19 chắc chắn sẽ được đưa vào và là ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Phó Tổng thống Harris. Đây là vấn đề khẩn cấp của Việt Nam ở thời điểm hiện tại và Mỹ cũng rất coi trọng hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này. Báo chí Mỹ đưa tin, nhiều khả năng bà Harris sẽ dự lễ khai trương văn phòng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Hà Nội trở thành văn phòng chính cho khu vực Đông Nam Á. Đây là một tín hiệu tốt cho Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Trong chương trình viện trợ Covid-19, Mỹ đã đặt ưu tiên cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Việt Nam. Cho đến nay, Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 5 triệu liều vắc xin Covid-19 và 20,8 triệu USD để phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam về vật tư y tế như tủ đông để bảo quản vắc xin.
Ngoài kênh viện trợ của chính phủ, Việt Nam cũng kết nối qua kênh thương mại để đạt thỏa thuận cung cấp vắc xin từ các công ty của Mỹ, kết hợp giữa việc mua vắc xin thành phẩm lẫn chuyển giao công nghệ. Vắc xin và thiết bị y tế là những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần và phía Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ vắc xin và sản xuất vắc xin do Việt Nam nghiên cứu.
Quan hệ phát triển tốt đẹp
Theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, từ đầu năm đến nay, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục đà phát triển tốt đẹp, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hai nước vẫn tiếp tục duy trì trao đổi và tiếp xúc ở cấp cao. Từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Joe Biden, 2 nước đã tiến hành các trao đổi ở cấp bộ trưởng, đặc biệt bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng kinh tế, tài chính thương mại.
Quan hệ kinh tế - thương mại của 2 nước vẫn tiếp tục gia tăng dù trong bối cảnh dịch bệnh. Năm ngoái tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt - Mỹ đạt trên 90 tỷ USD và 6 tháng đầu năm nay đã đạt 53 tỷ USD. Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Hai bên đã cùng nhau tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ song phương, trong đó có lĩnh vực kinh tế - thương mại. Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế thao túng tiền tệ.
Ngoài ra, Mỹ đã chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton nhằm giúp nâng cao năng lực cảnh sát biển của Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ khi họp tại các diễn đàn ASEAN đều coi trọng Việt Nam, tham vấn Việt Nam về vấn đề Biển Đông, Mekong, biến đổi khí hậu...
Tháng 4 năm nay, lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden, một hội nghị trực tuyến cấp cao về biến đổi khí hậu với sự tham gia của 40 nước đã diễn ra và Mỹ cũng mời Việt Nam tham dự.
Những tín hiệu trên cho thấy, dù chính quyền mới tại Mỹ lên nắm quyền, dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng các kênh tiếp xúc, kể cả tiếp xúc cấp cao giữa 2 nước vẫn được duy trì. Quan hệ song phương giữa 2 nước vẫn có tiến triển trên tất cả các mặt. Cách 2 nước xử lý những vấn đề còn khúc mắc và 2 chuyến thăm của quan chức cấp cao trong cùng một thời điểm càng thể hiện rõ sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ.
Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định rằng trong những năm tới, dưới thời Tổng thống Joe Biden, quan hệ song phương Việt - Mỹ vẫn sẽ vẫn tiếp tục đà phát triển tốt đẹp.
Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ khẳng định vị thế Việt Nam Việc bà Harris, phó tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới Hà Nội, cho thấy vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng tầm, theo các chuyên gia. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm nay sẽ tới Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm hai nước Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam 7 tháng sau khi bà nhậm...