Kamala Harris – bài kiểm tra khả năng lãnh đạo của phụ nữ Mỹ
Là nữ ứng viên phó tổng thống Mỹ da màu đầu tiên, Harris đối mặt vô vàn thách thức để chứng minh khả năng lãnh đạo của phụ nữ.
Tối ngày 19/8, khi thượng nghị sĩ Kamala Harris được đề cử chính thức là ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, bà được giới thiệu trước người dân Mỹ bởi những người phụ nữ trong gia đình. Trong đoạn video giới thiệu, họ gọi bà là “dì”, “mẹ kế” và “chị cả”.
Khi Harris bước lên sân khấu, bà bắt đầu với cái gật đầu về phía những người phụ nữ “tiền bối”, trong đó có Hillary Clinton, Shirley Chisholm và mẹ của bà là Shyamal Harris, người từ Ấn Độ tới Mỹ năm 19 tuổi để theo đuổi giấc mơ chữa ung thư.
Kamala Harris tại Đại hội đảng Dân chủ ở Wilmington, bang Delaware hôm 19/8. Ảnh: NYTimes.
Harris là người phụ nữ thứ 3, nhưng là người da màu đầu tiên, trở thành ứng viên phó tổng thống của một đảng lớn ở Mỹ. Kỳ vọng và lo sợ về khoảnh khắc này đã ám ảnh tâm trí người Mỹ trong hơn 35 năm.
Năm 1984, khi Geraldine Ferraro được chọn trở thành “phó tướng” của Walter Mondale trong cuộc tranh cử tổng thống, truyền thông không biết phải làm gì với bà. Báo chí chính trị xem ứng viên phó tổng thống nữ là “lỗi” xảy ra trong quá trình bình chọn. Phóng viên bày tỏ hoài nghi với cách dùng tên thời con gái của bà Ferraro và không hiểu bà sẽ chăm sóc các con của mình như thế nào.
Khi Ferraro phát biểu chấp nhận đề cử, bà không nói nhiều về việc mình là một phụ nữ, là vợ hay là mẹ. Thay vào đó, bà biến giới tính của mình thành phép ẩn dụ cho biểu tượng của thay đổi, tiến bộ và hiện thực hóa giấc mơ Mỹ.
Video đang HOT
“Chọn một người phụ nữ tranh cử vị trí cao thứ hai của đất nước, bạn đã gửi tín hiệu mạnh mẽ tới tất cả người Mỹ: Không có cánh cửa nào không thể mở. Nếu chúng ta làm được điều đó, chúng ta có thể làm bất kỳ điều gì”, bà Ferraro nói.
“Khi chúng ta nói về tương lai, thông điệp chính là Geraldine Ferraro”, ứng viên tổng thống Mondale khi đó nói.
Trong chiến dịch năm 1984, điều này không chỉ cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ mà còn như điềm báo. “Lựa chọn Ferraro có thể khiến vị trí phó tổng thống trở thành vị trí của phụ nữ”, Lee Atwater, chiến lược gia của tổng thống Ronald Reagan, nhận định.
Thượng nghị sĩ Texas Lloyd Bentsen năm đó còn tự hỏi liệu ông có phải là người đàn ông Anglo – Saxon da trắng cuối cùng được đề cử vào vị trí phó tổng thống.
Tuy nhiên, Ferraro không phải người phụ nữ duy nhất từng được đề cử vị trí cao như vậy. Hillary Clinton thậm chí còn phá vỡ rào cản cao hơn khi trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016. Và Harris năm nay cũng trở thành phụ nữ da màu đầu tiên trở thành ứng viên phó tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ. Sự xuất hiện của phụ nữ trong cuộc đua chính trị lớn này luôn thu hút rất nhiều quan tâm.
Theo nghiên cứu của Quỹ Gia đình Barbara Lee, tổ chức phi lợi nhuận ở Massachusetts, phụ nữ được kỳ vọng sẽ thể hiện tính cá nhân đặc biệt cao để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Cử tri muốn có ứng cử viên nữ tự tin nhưng không được quá coi trọng bản thân. Họ muốn người ấy phải hòa nhập với cộng đồng, chia sẻ những thành công của mình, chứ không phải thâu tóm quyền lực sau chiếc bàn gỗ gụ. Mặc dù cử tri thừa nhận đây là tiêu chuẩn kép không được áp dụng cho ứng viên là nam giới, “họ vẫn tích cực duy trì nó”.
“Tôi biết có những tình huống khó khăn mà cô ấy phải đối mặt”, Clinton nói hôm 19/8.
Năm 1984, Ferraro thận trọng đề cập tới chủ đề gia đình, gật đầu nhanh với chồng và ba con khi kết thúc bài phát biểu. Bà cảnh báo các con gái không được khóc trước báo giới. Sarah Palin, “phó tướng” của ứng viên tổng thống John McCain năm 2008, trong bài phát biểu tại hội nghị toàn quốc đảng Cộng hòa, đã dựa vào hình ảnh “bà mẹ chơi khúc côn cầu” để lật đổ chỉ trích của truyền thông rằng tình mẫu tử có thể ảnh hưởng tới khả năng lãnh đạo của bà.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng tuần trước với tư cách là ứng viên phó tổng thống, Harris đã thể hiện mình là một người mẹ vạn năng, khi chăm sóc con chồng, con đỡ đầu và cả cháu gái. Bà cổ vũ con ở sự kiện bơi lội, nấu bữa tối Chủ nhật và ôm những đứa trẻ. “Tôi có rất nhiều danh hiệu trong sự nghiệp của mình và phó tổng thống sẽ là điều rất tuyệt vời, nhưng ‘mẹ’ luôn là danh hiệu ý nghĩa nhất”, bà nói.
Harris và ứng viên tổng thống Joe Biden tại sự kiện ở Delaware ngày 12/8. Ảnh: NYTimes.
Trong khi các phó tổng thống nam có thể đóng vai “tổng thống trong bóng tối”, như Dick Cheney với tổng thống George W. Bush, hay “bạn tốt” như Biden và tổng thống Barack Obama, các ứng viên nữ thường được thêu dệt thông qua các kịch bản mối quan hệ tình cảm. Ferraro từng được phong là người vợ quốc dân, khi một thời điểm trong chiến dịch, hình ảnh bà ôm hộp bột giặt lớn ra khỏi cửa hàng tạp hóa bị chụp lại. Susan Bixler, cố vấn hình ảnh, thời điểm đó nói rằng chiếc váy cúp ngực cùng chuỗi ngọc trai mà Ferraro mặc hôm phát biểu chấp nhận ứng cử khiến bà giống “cô dâu mới bước vào hôn nhân”.
Theo Michael Grant, nhà bình luận của The San Diego Union-Tribune, nhiều trợ lý của Mondale lo ngại ông có thể nhầm phó tướng Ferraro với vợ của mình. “Nhiều chiến lược gia sợ rằng trong lúc phấn khích trên bục phát biểu, Mondale sẽ nhoài người sang trái theo phản xạ và ôm lấy ứng viên phó tổng thống, thậm chí có thể hôn bà trước khi kịp nhận thức được chuyện gì đang xảy ra”, Grant viết.
Ngay cả trước khi Biden công bố công bố lựa chọn của ông, một liên minh phụ nữ đã thảo luận để dự đoán các cuộc tấn công về giới tính chống lại Harris, cảnh báo truyền thông không nên hoài nghi tham vọng và săm soi ngoại hình của bà.
Harris, người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành ứng viên của đảng lớn, đã khơi nguồn cho nhiều phản ứng gay gắt. Một số nhà bình luận không chỉ hoài nghi về giới tính, cũng như màu da và gốc gác. Giống Ferraro, Harris là con gái của gia đình nhập cư, với mẹ gốc Ấn Độ và bố gốc Jamaica. Nhưng không giống Ferraro, câu chuyện của Harris đã làm hồi sinh nhiều thuyết âm mưu phân biệt chủng tộc từng chống lại tổng thống Obama.
Trên Fox News, người dẫn chương trình Tucker Carlson còn thẳng thừng từ chối phát âm đúng tên của bà. Trong khi ứng viên nữ da trắng được xem như đối tác chính trị cấp dưới và biểu tượng của thay đổi ôn hòa, ứng viên phó tổng thống da màu hiện tại được nhìn nhận một cách tiêu cực: bà hoặc là nữ siêu nhân tự do có thần lực bẩm sinh hoặc là người cực đoan đe dọa chia cắt đất nước. Những ngày đầu sau khi được chọn, Tổng thống Trump đã chỉ trích Harris là người “tồi tệ”, “khủng khiếp”.
Cuộc bầu cử giữa Covid-19 cũng mang lại không ít khó khăn cho Harris. Thông thường, các đại hội đảng thường chật cứng đại biểu, người đại diện cho ý chí của người dân. Những đại biểu này sẽ đứng ra bảo vệ ứng viên mà họ lựa chọn trước các bình luận, chỉ trích của truyền thông. Tuy nhiên, Harris phải phát biểu trong hội trường gần như trống trơn, sau đó quay sang màn hình video khổng lồ, nơi người ủng hộ bà theo dõi và cổ vũ từ xa, để biết nó được đón nhận như thế nào.
Tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Joe Biden tăng mạnh trong nhóm cử tri da màu và gốc Mỹ Latinh
Theo kết quả hai cuộc thăm dò ngày 19/8, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được sự ủng hộ gia tăng đáng kể từ nhóm cử tri gốc Mỹ Latinh và da màu sau khi ông thông báo chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris trở thành đối tác liên danh tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden (trái) và đối tác liên danh tranh cử, Thượng nghị sĩ Kamala Harris trong chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống ở Wilmington, bang Delaware, ngày 12/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ cho biết hai cuộc thăm dò này do Tổ chức Hợp tác Nghiên cứu Người Mỹ gốc Phi (AARC) phối hợp với Cơ quan nghiên cứu các quyết định của người gốc Mỹ Latinh, thực hiện ở 6 bang "chiến địa" trong khoảng thời gian liên danh với bà Harris chính thức được công bố hôm 11/8.
Ông Matt Bareto, người sáng lập Cơ quan nghiên cứu các quyết định của người gốc Mỹ Latinh, cho biết có một sự thay đổi lớn trong tỷ lệ ủng hộ đối với ứng cử viên Biden trong nhóm cử tri da màu và gốc Mỹ Latinh khi bà Harris trở thành liên danh tranh cử của ông Biden. Đây là sự thay đổi thực sự chứ không phải là sự bất thường về mặt thống kê.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Biden trong nhóm cử tri gốc Mỹ Latinh đã tăng 6 điểm % lên 15 điểm trong khi tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Trump giảm 9 điểm %. Sau thông báo lựa chọn liên danh tranh cử của ông Biden, tỷ lệ người nói tiếng Tây Ban Nha cho biết họ sẽ bỏ phiếu hoặc nghiêng về ông Biden tăng lên 65% từ 59% trước đó, trong khi tỷ lệ với Tổng thống Trump giảm xuống 17% từ 26%. Còn đối với cử tri da màu, tỷ lệ ủng hộ ông Biden đã tăng 11 điểm so với trước đó.
Theo giới phân tích, việc bà Harris luôn đứng đầu trong danh sách lựa chọn đối tác tranh cử của ông Biden do bà được cử tri da màu và cộng đồng người nhập cư ủng hộ. Bà Harris được đánh giá cao trong các vấn đề mà cuộc thăm dò dư luận cho thấy là quan trọng đối với người Mỹ gốc Phi hiện nay, đó là giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc, bảo vệ sức khỏe của người dân do đại dịch COVID-19, chăm sóc sức khỏe và cải cách tư pháp. Ngay từ cuộc bầu cử sơ bộ, các cử tri gốc Mỹ Latinh và da màu đã giành sự ủng hộ đối với bà Harris bởi Thượng nghị sĩ bang California đã đấu tranh cho quyền của người nhập cư và gia đình lao động trong suốt sự nghiệp của mình.
Ngoài ra, cuộc thăm dò cũng cho thấy hai nhóm cử tri này đều ủng hộ việc bỏ phiếu bầu cử qua thư, tuy nhiên không hoàn toàn tin tưởng vào quy trình này. Theo đó, 85% cử tri người gốc Mỹ Latin cho rằng cử tri nên được phép bỏ phiếu qua thư nếu muốn, nhưng chỉ khoảng một nửa có ý định làm như vậy. Còn 90% cử tri da màu cũng ủng hộ việc bỏ phiếu qua thư, nhưng cũng chỉ một nửa trong số đó thích lựa chọn này.
Gốc Ấn Độ ảnh hưởng gì tới 'phó tướng' của Biden? Năm 1958, Shyamala Gopalan vượt hàng nghìn kim từ Ấn Độ đến Berkeley, thành phố phía bắc California, để theo đuổi tấm bằng tiến sĩ về dinh dưỡng và nội tiết. Gopalan lúc đó mới 19 tuổi nhưng đã tốt nghiệp sớm Đại học New Delhi. Chuyến đi tới California đánh dấu lần đầu tiên rời Ấn Độ, nơi có bố mẹ và...