Kaliningrad – chốt Nga chặn đà Đông tiến của NATO
Với vị trí chiến lược nằm lọt giữa các nước NATO, Kaliningrad được xem như chốt chặn trong trường hợp nổ ra xung đột.
Ngư dân ở Kaliningrad câu cá khi một tàu chiến trong hạm đội biển Baltic của Nga rời cảng. Ảnh: NYTimes
Bảo tàng hàng hải lại Kaliningrad, lãnh thổ hải ngoại của Nga bên bờ biển Baltic, thường nhộn nhịp khách vào mùa hè, nhưng năm nay nó có nguy cơ mất lượng khách lớn từ các nước láng giềng Lithuania và Ba Lan.
“Họ nói rằng họ không thể đến với chúng tôi vì người Ba Lan và Lithuania bị đánh đập trên đường phố Kaliningrad”, giám đốc bảo tàng đại dương Svetlana G. Sivkova nói và nhấn mạnh đây là lời đồn đại không có cơ sở.
“Chúng tôi phải giải thích rằng điều đó không đúng sự thật, chúng tôi là những người cởi mở”, Sivkova nói thêm.
Kaliningrad, thủ phủ của một tỉnh cùng tên ở cực tây của Nga, từng là trái tim của nước Đông Phổ trước đây. Vùng đất này cũng là nơi người Đức đồn trú suốt 500 năm, trước khi Hồng quân Liên Xô giành quyền làm chủ năm 1945, theo New York Times.
Trong 25 năm đầu sau khi Liên Xô tan rã, Moscow đã nỗ lực để xóa đi hình ảnh của Kaliningrad là nơi đồn trú của các lực lượng vũ trang và đóng cửa với người nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây có dấu hiệu cho thấy điều ngược lại, và các chuyên gia quân sự phương Tây cũng như một số chuyên gia khác đang xem vùng Baltic như “đường đứt gãy” chính trong những căng thẳng giữa Đông và Tây.
Một trong những vụ đối đầu nghiêm trọng nhất những năm qua đã xảy ra hồi giữa tháng, tại vị trí cách Kaliningrad khoảng 70 hải lý, khi hai cường kích Su-24 của Nga sà xuống sát tàu khu trục tên lửa dẫn đường Donald Cook của Mỹ. Washington cho rằng máy bay Nga mô phỏng một vụ tấn công và phản ứng mạnh mẽ.
Trong một vụ việc khác hôm 14/4, một máy bay Nga đã chặn một máy bay do thám Mỹ ở cự ly không an toàn trên biển Baltic, CNN đưa tin.
Trong những năm ngay sau khi Liên Xô tan rã, Moscow từng cố gắng hồi sinh Kaliningrad, vốn nằm cách đại lục Nga hơn 320 km, thông qua quảng bá khu vực này như một “Hong Kong phi thuế quan” của Nga. Các nhà máy sản xuất ôtô, thiết bị điện tử và nội thất từ đó phát triển nhanh chóng.
Đến khi chính quyền tỉnh Kaliningrad đàm phán và đi đến thống nhất việc miễn thị thực đi lại với Ba Lan, điểm bán hàng của tập đoàn nội thất Ikea tại thành phố Gdanks ở Ba Lan trở thành điểm đến của đông đảo người Nga.
Video đang HOT
“Người sống ở Kaliningrad vào các nước châu Âu còn nhiều hơn cả về đại lục Nga”, Ilya Shumanov, đại diện tổ chức chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế tại Kaliningrad cho biết.
Dù vậy, những năm gần đây, nhiều vũ khí hạng nặng đã được đưa tới Kaliningrad, các nhà phân tích cho biết. Trong số đó có hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến S-400, các tên lửa đối hạm tầm trung Bastion. Nga cũng từng tổ chức diễn tập tại đây, với sự tham gia của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskanders, có thể mang đầu đạn hạn nhân.
Tại một phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hồi tháng hai, tướng Philip M. Breedlove, tư lệnh NATO, mô tả Kaliningrad là “vùng đất được quân sự hóa rất cao”, và một “cứ điểm hoàn chỉnh” có thể đẩy lùi các cuộc tấn công đường không, đường bộ hoặc đường biển.
Nguy cơ xung đột
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp quân sự vào Syria, một số người e ngại Nga Moscow có thể can thiệp vào các quốc gia Baltic, gồm Estonia, Latvia và Lithuania, với chính sách bảo vệ những người dân tộc Nga xa tổ quốc. Ba nước này đều từng là các nước cộng hòa trực thuộc Liên Xô cũ, nhưng giờ là thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO.
Một vụ tấn công nhằm vào các quốc gia này sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO. Dù vậy, bất kỳ nỗ lực nào để bảo vệ các quốc gia đó đều sẽ phải vượt qua Kaliningrad, nằm giữa Ba Lan và Lithuania.
Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Đồ họa: NYTimes
Trong một vài cuộc xung đột mà NATO từng can thiệp, họ luôn cho thấy lực lượng vượt trội, các chuyên gia cho biết. Dù vậy, Kaliningrad sẽ hoàn toàn khác. “Cán cân lực lượng tổng thể rất bất lợi cho NATO”, David A. Shlapak, tác giả chính của một nghiên cứu mới đây do tập đoàn quân sự RAND Corporation thực hiện về các nước Baltic, cho biết.
Người Nga ở đây dường như đồng quan điểm với điều này, cho dù họ cho rằng cuộc chiến như vậy khó xảy ra. Tại thị trấn Baltiysk, nơi có hạm đội biển Baltic cùng tiền đồn cực tây của Nga, những ngư dân đứng thành hàng bên kè chắn sóng hầu như chẳng buồn nhìn lên mỗi khi những chiếc tàu hộ tống hiện đại rẽ sóng ra khơi.
Bất kỳ lực lượng NATO nào tấn công Kaliningrad “sẽ bị đánh gãy răng”, một người câu cá nói. Người dân Kaliningrad, đang theo dõi các lực lượng NATO tiến ngày một gần hơn về phía biên giới Nga những năm gần đây, nhìn chung ủng hộ việc tăng cường sức mạnh quân sự.
“Nếu anh là hàng xóm của tôi và lại đứng đó với một chiếc rìu, tôi cũng sẽ phải lấy một chiếc rìu”, bà Sivkova nói. “Nghe thật ngớ ngẩn, nhưng mọi người nói rằng vũ khí đã được đưa tới gần biên giới Nga, do đó, chúng tôi cũng phải có hành động tương xứng”.
Các quốc gia phương Tây ngày càng e ngại về khả năng nổ ra xung đột tại vùng Baltic, khi Tổng thống Putin nhiều lần ra lệnh tập trận quân sự tại khu vực tây bắc Nga. NATO cũng nhiều lần cáo buộc máy bay của Moscow cố ý vi phạm không phận các nước thành viên.
Dù giới chức quân sự và các chuyên gia hai phía cho rằng khó có khả năng xảy ra chiến tranh Nga – NATO, các kế hoạch ứng phó vẫn được triển khai. Thụy Điển và Phần Lan là hai quốc gia trung lập láng giềng với Nga, nhưng nay lại cân nhắc khả năng gia nhập NATO.
Nga, bị cho là yếu thế hơn so với NATO và không thể đối đầu trực diện, có thể sử dụng hai chiến thuật để hạ đối thủ nặng ký hơn, chẳng hạn như “chiến tranh hỗn hợp”, tức là kết hợp giữa chiến tranh thông thường và chiến tranh bất quy tắc, chẳng hạn như đánh về mặt truyền thông.
Đối với Kaliningrad, Nga còn có thể sử dụng một phương pháp khác, đó là tận dụng lợi thế địa lý để tập trung ở đây nhiều vũ khí thông thường hiệu quả cao, đủ nguy hiểm để đầy lùi bất kỳ đối thủ nào.
“Chiến tranh hỗn hợp là một trụ cột trong chính sách quân sự Nga”, một nghiên cứu mới đây về Kaliningrad của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London đánh giá. “Năng lực phòng không và tên lửa dẫn đường là một trụ cột khác”.
Ngoài ra Nga còn có hạm đội biển Baltic. Dù số lượng tàu chiến hiện chỉ còn 190 chiếc so với mức 450 trước khi Liên Xô tan rã, tàu ngầm giảm còn hai chiếc so với 42 trước đó, những năm qua, xu hướng này đã được đảo ngược khi có thêm nhiều tàu hộ tống được bổ sung, IISS cho biết. Hạm đội này đủ mạnh để biến Baltic trở thành một “vạc dầu chết chóc”, IISS viết.
Kaliningrad là nơi hạm đội biển Baltic của Nga đóng quân. Ảnh: Tass
Với người Mỹ, việc đứng ra che chở các nước Baltic đẩy họ vào tình thế phải chọn lựa như những năm Chiến tranh Lạnh, Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow nói. Câu hỏi khi đó từng được đặt ra là liệu Mỹ có chịu hy sinh Chicago để cứu Tây Berlin, chuyên gia. Giả định lúc bấy giờ là nếu Mỹ can thiệp để giải cứu thành phố của Đức trong trường hợp bị Liên Xô chiếm quyền kiểm soát, tên lửa hạt nhân Liên Xô có thể xóa sổ Chicago.
“Câu hỏi trên cũng được đặt ra đối với các quốc gia Baltic”, Trenin nhận xét. “Liệu Mỹ có sẵn sàng mạo hiểm một cuộc xung đột quân sự với Nga vì các nước Baltic hay không, khi biết rõ Nga vẫn là cường quốc hạt nhân. Và khi những sức ép biến thành hành động vũ lực, hạt nhân có thể được đem ra sử dụng”, ông nói thêm.
Với người dân Kaliningrad, họ không lo lắng về chiến tranh nhiều như tình hình kinh tế, đang chịu nhiều bất lợi khi giá dầu giảm mạnh, các lệnh trừng phạt bủa vây cùng đồng rúp yếu. Tiền mất giá mạnh đồng nghĩa người Nga phải giảm mua sắm tại Ba Lan, hạn chế đi xem hòa nhạc tại Lithuania. Họ cũng không còn cảm thấy được chào đón như xưa.
“Nếu bạn nghe tin tức từ Latvia và Lithuania, chúng thật nực cười”, Albert Prokhorchuk, tổng giám đốc hãng du lịch Baltma Tours cho biết. Năm ngoái, công ty của ông đã bị mất khoảng 1/4 trong tổng số 4.500 khách hàng năm vẫn đến từ Đức. “Tổng thống Lithuania về cơ bản đang khuyên người dân hãy xuống hầm ẩn nấp vì người Nga đang tới”.
Dù vậy, người Ba Lan vẫn đi lại qua biên giới để mua xăng dầu giá rẻ, thuốc lá và rượu vodka, dù cảm giác không thoải mái có thể thấy ở cả hai phía.
Trong khi đó, khi được hỏi về cảm giác khi đang sống tại “đường đứt gãy” giữa Đông và Tây, chủ nhà hàng Eugene Makarkhin, 26 tuổi ở Kaliningrad thể hiện sự bất ngờ. “Đó là một câu hỏi kỳ lạ, vì chúng tôi thấy chúng tôi là một cây cầu, không phải là đường đứt gãy”, anh nói.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Máy bay NATO liên tục xuất kích cản Nga vi phạm không phận thành viên Baltic
Trong năm 2015, máy bay NATO đã xuất phát 160 lần cả thảy ở khu vực Baltic để chặn các máy bay Nga vi phạm không phận các thành viên NATO tại đây.
Hai chiếc F-18 của NATO trong một lần cản máy bay Nga ở khu vực Baltic - Ảnh: Reuters
Con số trên do Bộ Quốc phòng Lithuania đưa ra hôm 11.1, cho biết số vụ xuất kích chặn máy bay Nga của NATO đã tăng 14% so với năm 2014 do số lần vi phạm không phận của máy bay Nga gia tăng.
Hãng tin UPI dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Lithuania: "Hoạt động của máy bay quân sự Nga ở Biển Baltic đã gia tăng đáng kể từ năm 2014, giữa các căng thẳng giữa Moscow và phương Tây sau vụ Nga sát nhập Crimea, cũng như ủng hộ các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine".
Cả 3 nước thành viên NATO ở Baltic, cũng là các thành viên Liên Xô cũ: Lithuania, Estonia và Latvia đều không có không quân của riêng mình. Các thành viên NATO khác luân phiên nhau mỗi 4 tháng đưa máy bay đến bảo vệ các nước này. Trong tuần này, máy bay của Tây Ban Nha và Bỉ sẽ đến vùng Baltic để thay thế cho lực lượng không quân của Hungary và Đức.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Nga thiệt hại gì khi vùng Baltic dùng điện của phương Tây? Lithuania, một trong 3 nước vùng Baltic, đã khánh thành 2 đường dây điện nối với mạng lưới của phương Tây vào ngày 14.12. Mạng lưới điện của Lithuania - Ảnh: AFP Điều này đồng nghĩa Lithuania có thể sẽ bớt phụ thuộc vào điện của Nga và một ngày nào đó sẽ khiến Moscow phải lệ thuộc vào mạng lưới điện vùng...