Kaketsugi, kỹ thuật vá vết thủng quần áo siêu đẳng của người Nhật
Giống như cái tên, kỹ thuật kaketsugi tập trung vào việc vá hay sửa những vết rách, lỗ thủng trên quần áo và khiến chúng trông như mới, hoặc chưa bao giờ bị hư hỏng.
Một miếng vải rách được sửa bằng kỹ thuật kaketsugi. (Nguồn: Oddity Central)
Kaketsugi, có nghĩa “sự hàn gắn vô hình” trong tiếng Nhật, là một kỹ thuật vá vải tuyệt vời từ Nhật Bản. Người thợ có thể sửa phần vải bị hỏng tốt đến mức bạn thậm chí không thể nhận ra nó từng chịu hư hại.
Với việc thời trang nhanh đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, việc phải vá vải rách gần như không còn phổ biến hay là kỹ năng cần thiết như trước nữa.
Tất của bạn có một vết rách? Chỉ cần ném nó vào thùng rác và mua một đôi mới. Tất rất rẻ và luôn sẵn có. Điều này cũng xảy ra với hầu hết các loại quần áo khác, vì vậy nghề khâu vá bằng kim chỉ đang dần mai một và biết mất.
Nhưng còn những món quần áo đặc biệt thì sao? Điều gì sẽ xảy ra khi một chiếc quần hay cái áo mà ta luôn yêu thích hay có nhiều kỷ niệm cùng bị rách? Chắc chắn bạn không thể đi ra ngoài và tìm vật thay thế món đồ chứa đầy giá trị tình cảm này. Nhưng bạn cũng không thể mặc nó với một lỗ hổng hay vết rách lớn trên đó được. Và đây chính là lúc sự thần kỳ của kỹ thuật kaketsugi trở nên hữu ích.
Tấm vải sẽ trông như mới dù trước đó bị hư hại rất nặng. (Nguồn: Oddity Central)
Giống như cái tên, kỹ thuật kaketsugi tập trung vào việc vá hay sửa những vết rách, lỗ thủng trên quần áo và khiến chúng như mới. Có rất nhiều tư liệu và các cảnh quay trực tiếp về kaketsugi với những kết quả đáng kinh ngạc.
Cách đây vài năm, một phóng sự về kaketsugi phát trên kênh truyền hình SBS của Hàn Quốc đã gây chú ý và được chia sẻ rộng rãi. Phóng sự tập trung chủ yếu vào công việc của một nghệ nhân Nhật Bản có tên Takao Matsumoto. Trong suốt 55 năm, ông Matsumoto đã sử dụng kỹ thuật này để làm mới nhiều bộ quần áo cũ.
Nhưng ông Matsumoto không phải là người duy nhất thông thạo nghệ thuật kaketsugi. Đài NHK của Nhật Bản cũng giới thiệu với công chúng với bộ đôi cha con Kataoka Tesshu và Goto Yoshiko vào năm ngoái.
Có điều chắc chắn là số lượng những người thành thục kỹ thuật này đang giảm dần. Bởi, kaketsugi là một công việc cần sự tỉ mỉ, bắt đầu bằng việc loại bỏ một mảnh vải nhỏ nằm bên trong bộ quần áo, tại vị trí mà dù nó có bị cắt đi thì cũng không ai để ý tới. Sau đó, người thợ dùng dung dịch gốc axeton chải vào mảnh vải để quá trình tháo sợi từ nó trở nên dễ dàng hơn.
Tháo sợi mảnh vải đã được xử lý bước đầu có lẽ là phần khó nhất của kaketsugi. Nhưng những người thợ, đã trở thành bậc thầy trong công việc này, khẳng định rằng việc sử dụng loại vải giống chính xác hoàn toàn vải đã được dùng để may bộ quần áo là yếu tố quan trọng cốt yếu để tiến hành việc khâu vá “vô hình”.
Tiếp theo, những sợi vải sẽ được dùng để khâu lại một cách cẩn thận lỗ thủng hoặc khu vực bị hư hại trên bộ quần áo, từ nhiều hướng và từ cả hai bên mặt vải. Sau khi quá trình may hoàn tất, một chất kết dính sẽ được bôi lên khu vực đã vá.
Việc sửa chữa bằng kỹ thuật kaketsugi đòi hỏi sự tỉ mẩn và gây tiêu tốn rất nhiều thời gian. (Nguồn: Oddity Central)
Cuối cùng, người ta là một lượt trên khu vực được vá bằng kaketsugi. Điều này giúp mặt vải trên bộ quần áo trông phẳng hơn, khiến người ta khó phát hiện lỗ thủng ban đầu. Tới đây, công đoạn sửa chữa đã hoàn tất và bộ quần áo được sửa sẽ trông như mới, không chút tì vết.
Điều thú vị là kỹ thuật “hàn gắn vô hình” này hoạt động hiệu quả trên các lỗ thủng nhỏ có kích thước chỉ vài mm, cũng như với những lỗ lớn có đường kính trên 3 cm. Tuy nhiên các khu vực vải bị hư hỏng lớn sẽ mất nhiều thời gian hơn để sửa chữa. Vết rách hoặc thủng vải càng lớn thì việc sửa chữa càng tốn kém.
Theo trang web của Kimono Totonoe, một công ty tuyên bố đã tuyển dụng nhiều nghệ nhân kaketsugi để sửa quần áo, việc vá các vết thủng có đường kính lớn tới 0,5cm sẽ gây tốn kém khoảng 136 USD. Trong khi đó các vết thủng lớn tới 3cm sẽ gây tốn khoảng 362 USD. Các chi phí trên chưa bao gồm phí vận chuyển tới tay khách hàng.
Với vết thủng lớn hơn nữa, hai bên sẽ phải đàm phán về vấn đề chi phí. Lúc này mức giá sẽ tùy thuộc vào loại vải, cũng như độ phức tạp của công việc sửa chữa.
Nghe qua, kỹ thuật kaketsugi có vẻ là một hoạt động tốn kém. Nhưng bạn chỉ cần nhớ rằng kỹ thuật này thường được dùng để sửa chữa những sản phẩm may mặc đặc biệt, có giá trị tình cảm hoặc lịch sử rất lớn. Cuối cùng thì việc những người thợ dành rất nhiều tâm sức và thời gian để khiến các bộ trang phục trở lại trạng thái nguyên bản cũng là điều làm họ xứng đáng được tưởng thưởng./.
Kỹ thuật trồng nho của người Nhật
Nhật Bản là đất nước nổi tiếng với những loại trái cây đắt nhất thế giới. Năm 2019, một chùm nho Hồng ngọc La Mã (Ruby Roman) được bán với giá 11.000 USD.
Chàng trai trổ tài gót bóng ghi bàn như Ronaldinho Nhận bóng từ đường chuyền của đồng đội, chàng trai biểu diễn kỹ thuật đánh gót bóng vào lưới khiến thủ môn đội bạn bó tay.