“Jurassic World: Fallen Kingdom” Nỗ lực vắt sữa một tượng đài điện ảnh của Universal
Dẫu mang đến bầu không khí nhuốm màu sắc kinh dị lẫn những khía cạnh đậm chất suy tư, nhưng tất cả chừng ấy vẫn chưa đủ để khiến “ Jurassic World: Fallen Kingdom” ( Thế Giới Khủng Long: Vương Quốc Sụp Đổ) trở thành một tác phẩm hay ho, đủ sức kế thừa cái danh xưng huyền thoại ở bản tiền nhiệm năm 1993.
Sẽ ra sao nếu con người có thể “tái sinh” các loài sinh vật cổ xưa đã tuyệt chủng cách đây hàng chục triệu năm trước? Câu hỏi thú vị này được cố nhà văn Michael Crichton trả lời qua cuốn tiểu thuyết Jurassic Park, và được vị đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg chuyển thể thành một trong những bom tấn phiêu lưu viễn tưởng kinh điển nhất trên màn ảnh rộng. Thổi bay mọi rạp chiếu lúc bấy giờ khi đem về hơn 1 tỷ USD, Jurassic Park ( Công Viên Kỷ Jura) nhanh chóng trở thành biểu tượng bất hủ của nền văn hóa đại chúng (pop culture).
Với tham vọng tái khởi động lại thương hiệu ăn khách ấy, hãng Universal đã bắt tay thực hiện Jurassic World ( Thế Giới Khủng Long – 2015). Bộ phim nhận được kha khá đánh giá tích cực từ giới phê bình bên cạnh doanh thu phòng vé rực rỡ. Thừa thắng xông lên, phần hậu truyện Jurassic World: Fallen Kingdom (Thế Giới Khủng Long: Vương Quốc Sụp Đổ) sẽ tiếp tục trình làng khán giả ngay vào cuối tuần này cùng nhiều hứa hẹn thay đổi hấp dẫn.
Khi Chúa Trời muốn xóa sổ khủng long thêm lần nữa
Lấy bối cảnh vài năm sau tai họa khủng khiếp tại công viên Jurassic World, con người giờ đây buộc phải tháo chạy khỏi hòn đảo Isla Nublar và để yên cho lũ khủng long tự do vẫy vùng. Tưởng chừng đó sẽ là kết cục viên mãn đối với những sinh vật thuộc thời kì cổ đại, thế nhưng, một ngọn núi lửa trên Isla Nublar bất ngờ hoạt động mạnh mẽ, đe dọa sự sinh tồn của chúng. Sau khi tiến hành nhiều phiên điều trần, chính phủ quyết định không can dự vào vụ việc, phó mặc lũ khủng long cho bàn tay sắp đặt của số phận.
Không cam tâm nhìn bầy khủng long bị tuyệt diệt, cựu quản lí công viên Clair Dearing (Bryce Dallas Howard) và anh chàng Owen Grady (Chris Pratt) đã tái hợp lại nhằm lên kế hoạch vận chuyển bọn chúng đến địa điểm an toàn. Dưới sự tài trợ từ nhà tài phiệt Benjamin Lockwood (James Cromwell), họ lập tức lên đường sang Isla Nublar cùng đội lính đánh thuê để giải cứu 11 loài khủng long tiêu biểu nhất, đặc biệt là cá thể Velociraptor thông minh tên Blue trước lúc ngọn núi lửa phun trào.
Trớ trêu thay, hai người dần phát hiện ra mình đang vô tình tiếp tay cho một âm mưu đen tối do Ian Malcolm (Jeff Goldblum), tay thư kí gian xảo nhà Lockwood, đứng sau giật dây. Không chỉ dự định đem toàn bộ số khủng long cứu được đi bán đấu giá, hắn còn mong muốn sử dụng DNA ưu việt của Blue nhằm “sản xuất” các sinh vật đột biến gen, mang bản năng giết chóc tương tự con bạo chúa Indominus Rex năm xưa.
Blue, cô nàng khủng long của năm
Sự thay đổi táo bạo về mặt ý tưởng
Fallen Kingdom gây ấn tượng mạnh ngay từ cảnh mở màn bằng tông màu u tối, rùng rợn: trong đêm khuya mưa gió bão bùng, vài tên trộm liều mạng tiến vào hòn đảo Isla Nublar kiếm chác để rồi phải trả giá đắt. Trường đoạn đó gợi nhắc cái cảm giác bồi hồi ở những fan hâm mộ gạo cội, khi con người nhận ra họ vẫn mãi mãi bé nhỏ trước thứ sức mạnh đầy hoang dại của các tạo vật thuở sơ khai. Đồng thời, nó cũng gieo rắc niềm hy vọng nơi khán giả về một phiên bản Jurassic thật khác biệt, thật đáng nhớ.
Bên cạnh đấy, bộ phim còn thể hiện nỗ lực vượt qua cái bóng lớn mà tượng đài Jurassic Park từng xác lập vào thập niên 90. Lúc tham vọng cùng cơn vĩ cuồng ở con người lên tới đỉnh điểm, họ thường tự xem mình ngang hàng với đấng toàn năng. Mặc dù có thể hồi sinh các giống loài đã biến mất khỏi bề mặt trái đất, nhưng họ lại chẳng đủ sức để khống chế nổi mấy “đứa con” này. Thay vì cứ mãi loay hoay quanh cái chủ đề nhàm chán nêu trên, Fallen Kingdom đánh dấu bước chuyển biến thú vị về mặt nội dung, khi vị “Chúa Trời” không thể trốn tránh trách nhiệm đối với những gì do chính mình tạo nên.
Liệu khủng long có xứng đáng nhận được sự đối xử bình đẳng giống mọi sinh vật khác, hay chúng quá nguy hiểm để được phép tồn tại? Thông qua câu hỏi đầy tính triết lý, Fallen Kingdom dẫn dắt người xem dõi theo chuyến hành trình giải cứu giống loài này khỏi thảm họa tuyệt chủng lần thứ hai, cũng như nanh vuốt của bọn buôn lậu độc ác. Hình ảnh con tàu vận tải đưa 11 loài khủng long trở về đất liền, tránh xa ngọn núi lửa Isla Nublar đang bùng nổ dữ dội tựa hồ chiếc thuyền Noah huyền thoại trong kinh thánh. Thế nhưng, nơi con tàu ấy hướng đến lại chẳng hề có tương lai tốt đẹp cho cả lũ khủng long nói riêng lẫn bộ phim nói chung.
Điểm đáng tiếc ở cách xây dựng nội dung lẫn hình tượng nhân vật
Trái ngược với nửa đầu cực kì lôi cuốn, nửa sau tác phẩm bất ngờ lao dốc không phanh. Tổ biên kịch đã phạm phải một sai lầm chí mạng khi dám rời bỏ khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, hùng vĩ ở Isla Nublar rồi thay thế bằng khu không gian chật hẹp, tù túng dưới lòng đất của tòa lâu đài Lockwood. Vì đặc thù địa hình, nên đạo diễn J.A. Bayona chỉ có thể tận dụng hai ba chú khủng long ăn thịt cỡ nhỏ nhằm duy trì yếu tố căng thẳng. Thiếu vắng mấy pha so găng kinh điển giữa các sinh vật to xác, vốn là đặc sản chủ chốt làm nên thương hiệu Công Viên Kỷ Jura, Fallen Kingdom khiến người xem mộ điệu cảm thấy chưa đủ “đã”.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, mạch truyện chính cũng quá sa đà vào việc tâng bốc nhóm anh hùng mà bỏ quên mất lũ khủng long, biểu tượng của tác phẩm. Ngoại trừ cặp đôi chính Claire và Owen vẫn giữ vững phong độ, những nhân vật mới xuất hiện ở Fallen Kingdom phải nói khá là nhạt nhẽo, chủ yếu chỉ đóng vai trò làm nền, giúp vui trong vài tình huống nhất định. Đơn cử như tay hacker Franklin do Justice Smith thủ vai, cậu ta thực sự chẳng làm được trò trống gì ra hồn ngoài mấy lời đùa cợt vô duyên cùng vô số hành động “phản lưới đội nhà”. Đã vậy, anh chàng còn mất hút khỏi câu chuyện giữa chừng, đến tận gần cuối phim mới chịu góp mặt trở lại.
Tôi là ai, đây là đâu? Tại sao lại để khủng long săn đuổi tôi?
Tình trạng phe phản diện cũng chẳng mấy khá khẩm hơn. Với mục tiêu và cá tính đơn giản, tầm thường, gã thư kí Ian Malcolm cùng đám lính đánh thuê trông chẳng khác nào vừa bước ra từ mấy phim hoạt hình thiếu nhi. Họ đã phá nát cái không khí nghiêm túc, nặng trĩu suy tư mà tác phẩm đã cất công gầy dựng ở ngay buổi đầu. Được giới thiệu như cỗ máy giết chóc tàn bạo và hết sức thông minh, con quái vật lai tạo Indoraptor mang tới màn trình diễn dẫu màu mè sắc thái kinh dị nhưng nghèo nàn, dễ dàng bị đánh bại chóng vánh.
Công bằng mà nói, Fallen Kingdom không phải là một tác phẩm tệ. Nó vẫn sở hữu nhiều phân đoạn hành động đẹp mắt, kỹ xảo mãn nhãn cùng với một bầy khủng long chạy loạn xà ngầu. Tuy nhiên, bộ phim đã đi quá xa khi cố gắng đặt ra nhiều câu hỏi triết lý rồi giải quyết chúng bằng tuyến nhân vật có phần thiếu chiều sâu.
Jurassic World: Fallen Kingdom hiện đang được chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
Điểm mặt 7 loài khủng long bá đạo xuất hiện trong "Jurassic World: Fallen Kingdom"
"Jurassic World: Fallen Kingdom" dự kiến sẽ cho ra mắt hàng loạt chủng loại khủng long cực ngầu mà khán giả chưa từng được chứng kiến trên màn ảnh, cùng với đó là sự trở lại của những con thằn lằn to lớn vốn đã quen mặt trong loạt Công viên kỷ Jura.
Jurassic World: Fallen Kingdom (Thế Giới Khủng Long: Vương Quốc Sụp Đổ) là phần phim hậu truyện của loạt Jurassic World sẽ ra mắt khán giả Việt Nam vào tuần tới dưới bàn tay đạo diễn J.A.Bayona.
Điều khiến người ta càng thêm nhấp nhổm chờ đợi bom tấn này là việc nhà sản xuất của Fallen Kingdom đã hứa sẽ mang đến cho fan nhiều khủng long hơn cả 4 phần phim trước đó cộng lại:
"Không còn nghi ngờ gì nữa, tác phẩm sẽ có nhiều khủng long hơn bất cứ phim nào cho đến nay. Chúng tôi có sẵn những con đã xuất hiện từ phần trước, và chúng tôi sẽ thêm vào những loài mà chắc chắn khán giả sẽ thích chúng chẳng hạn như Carnotaurus, Baryonyx, Cinoceratops và Allosaurus. Bên cạnh đó, lũ trẻ con có thể cũng sẽ rất thích con Stygimolich (khủng long đầu dày),trông nó rất đáng yêu và hài hước. Chưa hết đâu, lần này sẽ còn có thêm cả một loài khủng long lai cực ngầu tên là Indoraptor".
Dưới đây là tạo hình và sức mạnh của 7 loài khủng long đáng chú ý nhất trong phần phim Jurassic World: Fallen Kingdom sắp tới.
1. Carnotaurus
Carnotaurus là loài khủng long ăn thịt đáng sợ bậc nhất thời tiền sử, là kì phùng địch thủ của loài T-Rex hùng mạnh. Nó có cấu tạo khá giống với T-Rex, song có một vài đặc điểm nho nhỏ để phân biệt chúng đó chính là cặp sừng rất đặc trưng ở trên đỉnh đầu và hộp sọ ngắn. Chúng cũng có kích thước nhỏ hơn T-Rex.
Tạo hình Carnotaurus trong trailer
Với kích cỡ hộp sọ như vậy, chúng khó mà có thể tấn công những loài khủng long ăn cỏ lớn, bù lại chúng sở hữu tốc độ cùng độ dẻo dai để theo đuổi con mồi nhờ cặp chân to khỏe.
2. Tyrannosaurus (Khủng long bạo chúa)
Chúa tể của các loài khủng long, nếu Tyrannosaurus không phải là số một thì không loài nào là số hai. Để nói lại đôi chút, chắc hẳn các đã nghĩ con khủng long đang gào rú ở phần một kia là Carnosaurus, song các bạn nhầm rồi, cái con đang nằm sõng soài dưới đất kia mới là nó. T-Rex không mất nhiều thời gian để hạ nó, điều đó cho thấy sự bá đạo của con bạo chúa này.
Đứng trên đỉnh của chuỗi thức ăn, nạn nhân của T-Rex không phải là mấy con khủng long nho nhỏ chạy theo đàn nương tựa nhau mà sống. Hắn ta là "thợ săn" thợ săn, tức chuyên đi ăn thịt thú ăn thịt. Chưa gì đã có màn thể hiện quá là ấn tượng như vậy trong trailer rồi thì không có gì để nghi ngờ về khả năng và sức mạnh của nó trong phim.
3. Baryonyx (khủng long mõm dài)
Tạo hình Baryonyx trong Fallen Kingdom
Tiếp tục lại là một loài thú săn mồi dữ tợn khác, Baryonyx. Chúng có kích thước nhỏ hơn Carnosaurus nhưng sở hữu bộ hàm khá dài trông giống cá sấu. Cấu tạo răng của chúng cũng rất đặc biệt khi nó là hình nón chứ không phải kiểu mũi dao như T-Rex, vốn giúp chúa tể thời tiền sử có thể xé thịt một cách dễ dàng. Vì vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng thức ăn chủ yếu của chúng là cá và một số loài khủng long nhỏ.
Trong trailer của Fallen Kingdom, có một con Baryonyx đã lẻn vào trong trung tâm nghiên cứu qua đường nước thải và chuẩn bị tấn công hai nhà khoa học. Vì nó rất nguy hiểm nên họ đã tự giam mình trong phòng thí nghiệm dưới lòng đất. Như vậy, có thể thấy Baryonyx cũng khá là khéo léo và linh hoạt với hai chi trước khá phát triển, không chậm chạp vụng về như khủng long bạo chúa.
4. Sinoceratops (Khủng long mặt sừng)
Đây là một loài khủng long ăn cỏ lớn và là một trong những con đầu tiên được tìm thấy trên thế giới. Bên cạnh một cái sừng trên mũi, nó cũng sở hữu một chiếc hình vòm ở trên đỉnh đầu, như trên ảnh. Trong trailer, có cảnh một con Carnosaurus đang chuẩn bị chiến đấu với Sinoceratops, chúng là loài ăn cỏ phổ biến bậc nhất trong thời tiền sử.
Tuy chỉ là khủng long ăn cỏ nhưng chúng cũng có khả năng chiến đấu tương đối đáng kể, chính chiếc sừng trên đầu cho thấy điều đó. Nó đóng vai trò là chiếc khiên che chắc, đồng thời chiếc sừng nhọn hoắt trên mũi cũng có thể tung ra một đòn chí tử. Đừng tưởng anh hiền mà dễ bắt nạt nhé!
5. Allosaurus (Khủng long bạo chúa Allosaurus)
T-Rex và Carnosaurus tuy khỏe nhưng lại có số lượng ít và thường đi một mình, song với Allosaurus, chúng lại cạnh tranh bằng tính bầy đàn. Sở hữu tốc độ nhanh và hàm răng chắc khỏe sắc bén, chúng có thể hạ cả một con khủng long to lớn bằng cách bao vây tấn công và cắn vào chỗ hiểm yếu, chẳng hạn như cổ. Vì vậy, Allosaurus sẽ là đối thủ thường xuyên phải gặp trong phim của đoàn thám hiểm hơn là hai loài trên.
Bộ hàm đặc trưng của Allosaurus
6. Indoraptor (I-Rex)
Các mã DNA để tạo nên Indoraptor
"Đây là một trong những loài thú nguy hiểm nhất từng tồn tại trên Trái Đất" - đó là những gì mà Gunnor Eversol (nhà buôn khủng long) giới thiệu với khán giả trong phim. Nó có trí thông minh để lượn lách né tránh các món vũ khí của con người, sở hữu tốc độ nhanh nhưng với sức mạnh đáng sợ và cuối cùng, khả năng ngụy trang hòa lẫn với môi trường tuyệt vời. I-Rex rất quỉ quyệt, chẳng hạn như nó biết làm giả dấu chân để đánh lừa đội tìm kiếm hoặc giảm thân nhiệt để tàng hình trước camera ảnh nhiệt (loại camera phát hiện vật thể bằng tín hiệu nhiệt vật thể đó phát ra).
Vì thế có thể nói, Indoraptor không phải khủng long mà là một thứ vũ khí sống.
7. Mosasaurus (Thương long)
Đây là loài khủng long được mệnh danh là "T-Rex dưới đại dương", dưới biển thì chúng là bất khả chiến bại. Loài thương long này thường định cư ở sát bề mặt nước, con mồi của chúng khá đa dạng: bất cứ thứ gì vừa cái miệng khổng lồ đó. Trong phần một, người ta phải làm một cái bể cực kì lớn để chứa con quái vật này; tuy nhiên, ao tù thì không thể chứa được chúa tể, trong phần hai con thương long này đã bằng một cách nào đó trốn được ra đại dương.
7 loài trên chỉ là một số trong các loài khủng long đa dạng sẽ xuất hiện trong Jurassic World: Fallen Kingdom. Hãy cùng khám phá thế giới cổ đại đầy nguy hiểm trong phần hậu truyện của Thế Giới Khủng Long ra mắt vào ngày 8/6 tới đây.
Theo Trí Thức Trẻ
Vén màn 7 sự thật thú vị ít người biết phía của "Công Viên Kỷ Jura" Trước khi thưởng thức phần năm của loạt phim "Công viên kỷ Jura" là "Jurassic World: Fallen Kingdom" sẽ được ra mắt tại các rạp vào tháng sáu, chúng ta hãy cũng điểm qua những câu chuyện thú vị bên trong hậu trường của phần phim đầu tiên nhé. Khi ra mắt lần đầu vào năm 1993, bộ phim Jurassic Park (Công viên...