John McCain bị người Mỹ “mắng tơi bời” vì chê Tướng Giáp
Là một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, tôi tôn trọng tướng Giáp hơn John McCain rất nhiều.
Ngày 6/10, Thượng nghị sỹ, cựu ứng viên Tổng thống John McCain đã có bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal. Bài viết kể về 2 lần vị nghị sỹ này được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam và tranh thủ “chữa thẹn” cho việc ông ta đã từng lái máy bay ném bom miền Bắc Việt Nam, bị bắn rơi và bị bắt sống khi nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch – Hà Nội vào năm 1967.
Với tiêu đề “Ông ấy đã đánh bại chúng tôi trong một cuộc chiến nhưng chưa bao giờ thắng chúng tôi trong một trận đánh”, John McCain đã mượn lại ý của tướng William Westmoreland (cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ) biện minh cho thất bại của quân đội Mỹ ở chiến trường Việt Nam với đại ý là “khác với các tướng lĩnh của Mỹ, Tướng Giáp được quyền mất nhiều quân hơn nên mới chiến thắng”.
Ngay lập tức, bài báo này của ông John McCain đã nhận được hàng trăm bình luận, phản hồi của độc giả trên trang Wall Street Journal. Đa số độc giả cho rằng đây là một bài báo vô nghĩa và nó càng thể hiện sự yếu kém của chính bản thân ông thượng nghị sỹ và của chính phủ Mỹ.
Một độc giả có tên Kenneth Deardorff viết: “Là một cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở chiến trường Việt Nam, tôi tôn trọng tướng Giáp hơn ông John McCain rất nhiều. Tướng Giáp được gọi là “Napoleon đỏ” trong khi thượng nghị sĩ McCain, John Kerry… đang tiêu diệt nước Mỹ của chúng tôi thông qua các chiêu bài chính trị hoặc “các cuộc chiến tranh bằng mọi phương tiện”.
Bình luận của độc giả có tên Kenneth Deardorff
Với một bình luận rất dài, độc giả Douglas Tornese viết: “Tôi không có ác cảm đối với tướng Giáp. Ông đã làm những gì cần phải làm cho đất nước của mình. Nhưng tôi nhận thấy có vấn đề là các chính trị gia Mỹ đã và đang đưa thanh niên của đất nước này vào chỗ chết ở nước ngoài mà không có lý do chính đáng nào khác ngoài việc phục vụ cho sự nghiệp chính trị của họ… Tôi hoàn toàn tin rằng nếu Obama là Tổng Thống Mỹ trong Thế chiến II, ông ta sẽ nói chính xác quân Đức ở đâu và khi khi nào các lực lượng đồng minh sẽ tấn công vào bờ biển Normandy. Tại sao tôi nói vậy? Bởi vì khi đó ông ấy sẽ biết chính xác họ cần bao nhiêu binh sĩ và chính xác còn lại bao nhiêu người khi rút lui. Trong một cuộc chiến tranh, khi cuộc sống đang bị đe dọa, liệu sinh mạng có còn ý nghĩa gì nữa? Hoặc bước vào cuộc chiến để giành chiến thắng, hoặc chấp nhận một cuộc sống mạo hiểm (không biết sống chết lúc nào)…”
Không khó để nhận ra hàm ý sâu xa trong bình luận của độc giả này. Ông ta nhắc đến cuộc tấn công đổ bộ vào bờ biển Normandy (Pháp) mà liên quân Mỹ – Anh và đồng minh đã thực hiện năm 1944. Khi chiến dịch này kết thúc, gần 60.000 quân đồng minh đã thiệt mạng trong khi quân phát xít Đức chết khoảng 23.000 người. Nếu nói theo kiểu lập luận của ông John McCain và trước đó là tướng Westmoreland, phải chăng khi đó tướng lĩnh Mỹ – Anh đã quá “dốt” nên mới thiệt hại nhiều gấp 3 lần đối phương? Trong bình luận này của độc giả Douglas Tornese, người ta cũng nhìn thấy hình bóng câu nói “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Video đang HOT
Đó là một sự xấu hổ mà kinh nghiệm của mình tại Việt Nam không dạy Thượng nghị sĩ McCain rằng Hoa Kỳ nên tránh xa những cuộc chiến tranh vô nghĩa
Trong một bình luận khác, độc giả ký tên là Arthur Sido viết: “Đó là một sự xấu hổ mà kinh nghiệm của mình tại Việt Nam không dạy Thượng nghị sĩ McCain rằng Hoa Kỳ nên tránh xa những cuộc chiến tranh vô nghĩa. Chúng tôi đã phải tham gia những cuộc chiến kiểu vậy gần hết cuộc đời mình và cùng với đó là tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, khiến những thanh niên Mỹ bị tàn tật suốt đời”.
Với một thái độ có vẻ khá giận dữ, độc giả Lee Zehrer viết: “Đó là một tuyên bố ngu ngốc… bởi một kẻ ngốc. John McCain sẽ ban cho đất nước này một đặc ân nếu ông ta nghỉ hưu ngay từ bây giờ”.
Có vẻ như vẫn chưa “thỏa mãn” nên sau đó, chính độc giả Lee Zehrer lại quay lại và bình luận thêm một câu: “Ông ta (John McCain) đã làm rụng 3 cái máy bay (là tài sản của chính phủ) và tôi nghĩ là ông ta phải được cho đi học bay lại”.
Trong sự nghiệp của mình, ông McCain đã mất 3 cái máy bay. Tất cả mọi người nếu có vấn đề về kỹ năng bay sẽ bị đánh giá và phán xét bởi các quan chức Hải quân. Một chiếc máy bay của ông McCain đã suýt đánh chìm cả chiếc hàng không mẫu hạm. Nhưng khi cha của ông ấy là một Đô đốc, liệu ai có quyền đặt ra câu hỏi ấy? – độc giả Lee Zehrer viết.
Độc giả James M. Smith viết: “Nếu mọi người thực sự muốn được tự do làm chủ đất nước mình và không bị một thế lực nước ngoài nào thống trị, các bạn sẽ làm gì ngoài chiến đấu đến hơi thở cuối cùng?”.
“Mỹ đã can thiệp vào chính trị Việt Nam và hỗ trợ một cuộc đảo chính giết người chống lại một chính phủ được dân bầu, sau đó leo thang chiến tranh dựa trên những lời nói dối (sự kiện Vịnh Bắc Bộ). Cuộc chiến tranh đã được tiến hành một cách tàn bạo ( bằng chất độc da cam, và các cuộc thảm sát ở những làng quê) để đổi lại 50.000 lính Mỹ đã thiệt mạng”, độc giả Mark Whitton bình luận.
Độc giả Stephen Keith viết: “Làm thế nào bạn có thể giành chiến thắng mọi trận chiến, nhưng thua cả một cuộc chiến tranh? Bởi chúng ta không biết mục tiêu của mình là gì khi chiến đấu… Bạn không thể giành chiến thắng nếu bạn thậm chí không biết lý do tại sao bạn đang cầm súng. Người Việt Nam đã biết chính xác họ chiến đấu vì cái gì còn chúng ta thì không. Thất bại là điều không thể tránh khỏi”.
“Tôi phi công lái bay máy bay trực thăng ở chiến trường Việt Nam và chứng kiến sự gia tăng hoạt động của các lực lượng Việt Cộng. Nhưng các phương tiện truyền thông Mỹ khẳng định đường mòn Hồ Chí Minh không tồn tại và nhiều người Mỹ đã cả tin tin. Hơn nữa, tôi cũng đã chứng kiến các phương tiện truyền thông của Mỹ đã liên tục phát đi những tin tức giả mạo”, Raymond Klett nói.
Độc giả David Pelino trả lời bài viết của ông John McCain: “Việt Cộng đã can đảm, kiên quyết và đã đánh bại cả Pháp và Mỹ. Ông McCain hãy trả mọi thứ về đúng bản chất thực sự của nó đi”.
Theo Xahoi
Khúc vĩ thanh của thời bình
Hai người lính năm xưa hội ngộ trên đất Mỹ (ảnh do nhân vật cung cấp).
36 năm, kể từ sau cuộc đối đầu định mệnh đã cướp đi đôi tay và ước mơ được bay của phi công Nguyễn Hồng Mỹ, hai người lính già và cũng từng là kẻ thù không đội trời chung mới có cơ hội gặp lại nhau.
Nguyễn Hồng Mỹ - người đại diện cho chiến tuyến Việt Nam và Daniel Edwards Cherry - cựu lính lái không lực Mỹ - đã tái ngộ trong sự hòa trộn của biết bao cảm xúc. Nhưng tuyệt nhiên, giữa hai con người ấy không hề tồn tại sự than trách, oán hận. Họ cùng nâng ly chúc mừng, kể nhau nghe chuyện xưa, chuyện nay và cùng chung nỗi khát khao được bay...
Người mắc nợ ký ức
Nguyễn Hồng Mỹ sinh năm 1946, tại Nghệ An. Năm 1965, khi đang học năm thứ nhất Đại học Kinh tế, theo tiếng gọi của cách mạng, ông đã gia nhập đội huấn luyện bay tại Liên Xô trong suốt 3 năm liền. Lúc đó, ông mới tròn 19 tuổi. Hoàn thành khóa huấn luyện, Nguyễn Hồng Mỹ trở về Việt Nam và tham gia chiến đấu tại chiến trường Nghệ An. Với tài năng và sự nhanh nhạy, ngay sau lần thứ 2 xuất kích, ông đã rượt đuổi F-4 từ Hòa Bình đến tận Thanh Hóa và hạ gục đối thủ, trở thành lính phi công đầu tiên bắn rơi F-4 của Mỹ trong năm 1972.
Nhưng, 26 tuổi, ông đã phải chia tay với giấc mơ bay khi bị thương trong một trận chiến trên không phận vùng núi phía bắc. Khi ấy ông đang điều khiển chiếc MIG 21 thì bị 16 chiếc F-4 của địch quây kín. Một trong số đó đã bắn trúng máy bay của ông. Do bộ phận bảo vệ tay không làm việc nên ông Mỹ bị gãy cả hai tay và chỉ kịp dùng hết sức bình sinh lao ra ngoài, trước khi máy bay phát nổ. "Vừa thoát ra ngoài được vài mét, một ánh sáng chói lòa và tiếng nổ lớn vang lên đã đẩy cả tôi và chiếc dù văng ra xa. Máy bay địch vẫn đảo vòng quanh để dò la" - ông Mỹ nhớ lại.
Về sau, ông Mỹ được quân ta tìm thấy ở tận vùng núi Hoà Bình với đôi tay gãy nát. Lúc đầu khúc xương gãy được gắn bằng một chiếc nẹp sắt, nhưng khi bay trở lại, chỉ cần bẻ lái chiếc MIG quen thuộc là chiếc nẹp lại gãy làm đôi. Lần mổ thứ hai, các bác sĩ phải dùng một mảnh xương hông để nối 2 đoạn xương lại. Một giấc mơ bay không kéo dài, chỉ chừng mấy trăm giờ bay cộng với 3 năm huấn luyện để rồi cả phần đời còn lại sống trong niềm khát khao được làm chủ bầu trời khi cầm lái.
Ở chiến tuyến bên kia, giống như ông Mỹ, người lính phi công điều khiển chiếc F-4 bắn vào chiến đấu cơ MIG 21 của ông Mỹ luôn sống day dứt với câu hỏi về người lính, kẻ thù trên chiếc MIG 21 năm xưa bị ông hạ. Qua tìm kiếm từ nhiều kênh và nhận được sự trợ giúp từ nhiều phía, sau hơn một tháng nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng năm 2008, hai người lính già lần đầu tiên gặp lại nhau sau 36 năm đụng đầu trên không.
Đêm trước ngày gặp gỡ, Nguyễn Hồng Mỹ không sao ngủ được. Căn gác nhỏ đầy cây bỗng dưng trống trải. Những mảng tối loang lổ gợi ông Mỹ nhớ về giấc mơ bay, mùi khói cháy trong ngày bị bắn, gương mặt đồng đội hy sinh và những ước đoán về người đứng bên kia chiến tuyến. "Trong tôi, khi ấy có một cảm giác phân vân không lý giải được. Phải xác định thái độ với Cherry ra sao, hận thù hay bè bạn?".
Nhưng, tất cả những ước đoán ấy đi qua rất nhanh, khi Cherry đến. Giờ, với Nguyễn Hồng Mỹ - viên cựu phi công Mỹ - người đã bắn rơi máy bay của ông hơn 30 năm về trước - không còn là kẻ thù. Với ông, Cherry là bạn.
Hai người phi công già của 2 chiến tuyến gặp nhau lần đầu (năm 2008) sau hơn 30 năm xa cách (Nguyễn Hồng Mỹ - ảnh phải).
Bay trên đất khách
Suốt thời gian sau đó, những dòng thư và các cuộc điện thoại miên man không muốn ngắt đã nối khoảng cách hai bờ châu lục giữa những người bạn gần thêm. Nhận lời mời của Dan Cherry, ông Hồng Mỹ đã có cuộc hành trình hơn 15 ngày (14.4 - 2.5.2009) sang Mỹ tham dự lễ khai trương công viên Aviation Heritage ở Bowling - nơi Cherry đã gửi lại chiếc phi cơ chiến đấu F-4 đầy duyên nợ khi xưa.
Trong một bức thư gửi cho ông Mỹ trước ngày lên đường, Dan Cherry viết: "Ở đây mọi người đều rất hào hứng về chuyến đi sắp tới của ông đến Mỹ. Rất nhiều người muốn gặp người phi công dũng cảm lái chiếc MIG 21 và nghe câu chuyện của ông (...). Vợ của tôi và tôi sẽ ra đón ông ở sân bay".
Đúng như những gì ông Cherry đã nói, cách tiếp đón nhiệt thành của những người bạn Mỹ khiến ông Hồng Mỹ đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lịch trình 15 ngày đã được lấp đầy bởi những chuyến bay thăm các bảo tàng, tham gia các buổi hội thảo, nói chuyện về chiến tranh Việt Nam, về hàng không... Ông Mỹ say sưa đi và nói với những người bạn mới quen, với thế hệ trẻ nước Mỹ bao điều mà đồng đội đã gửi gắm và trải nghiệm của ông. Ông đang sống cháy rực và truyền lửa sang cả những người xung quanh. Giống như Cherry đã nói trong chương trình The History Channel: "Với tôi, anh ấy mới là anh hùng!".
Điều đặc biệt nhất, niềm đam mê xưa sau khi đã đi qua quá nửa cuộc đời của ông Mỹ lại bất ngờ được nhóm lên. Giấc mơ bay được đánh thức khi ông được tự tay điều khiển chiếc máy bay du lịch nhỏ của Cherry. Viên phi công già thở phào sau khi "nối lại" chuyến bay đầu sau 36 năm không cầm lái. Trước mặt ông vẫn bầu trời trong vắt và ào ào gió, vẫn cái cảm giác lồng ngực ép chặt lại giữa không trung... Nguyễn Hồng Mỹ hướng tầm mắt qua đại dương xanh, vượt xa khỏi ranh giới đất Mỹ để nhìn về tổ quốc. Ông thấy mình trẻ lại. Tuy bay trên đất khách, nhưng ông không hề thấy hận thù hay khói lửa.
Lần sang Mỹ này, ông Mỹ cũng đã có cuộc hội ngộ bất ngờ với người phi công lái chiếc máy bay mà khi xưa trong một trận chiến năm 1972, ông đã bắn rơi. Đây là món quà bất ngờ mà Dan Cherry đã rất vất vả chuẩn bị cho ông trong lần đầu tiên thăm nước Mỹ. "Hồng Mỹ là một vị khách đặc biệt của nước Mỹ!" - không ít người đã thốt lên như vậy khi gặp ông.
Chiến tranh đã khép lại và lùi xa. Ký ức về nó giờ đây chỉ được góp nhặt lại qua các thước phim tài liệu, qua những câu chuyện của những cựu binh còn sót lại. Mỗi thước phim, mỗi câu chuyện đều khắc hoạ một góc cạnh khác nhau để tô vẽ nên một bộ mặt chiến tranh đã đi qua. Hướng tới một tương lai hòa hợp, yên bình là mong muốn của không chỉ những người như Nguyễn Hồng Mỹ, như tướng Daniel Edwards Cherry mà còn là của tất cả những người đã kinh qua nó. Cả hai người họ, đang viết nốt khúc vĩ thanh có hậu cho cuộc đời mình nhưng nó sẽ là khúc dạo đầu tươi sáng của những thế hệ sau này khi mà hận thù hay đau thương không còn hiện diện nữa.
Theo laodong
Việt Nam vinh danh các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tối qua trao bằng khen cho hơn 50 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực đối với xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao bằng khen cho đại diện các tổ...