Joe Biden sẽ không ngần ngại tiêm vaccine Covid-19
Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết ông sẽ “không ngần ngại” tiêm vaccine Covid-19, nhưng cũng nhấn mạnh ưu tiên trước hết dành cho những người nguy cơ cao.
“Điều quan trọng là những người có nhu cầu cao nhất phải được tiêm chủng. Tôi sẽ không ngần ngại tiêm vaccine, nhưng cũng muốn làm gương”, ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16/11.
Cùng ngày, hãng dược Moderna công bố dữ liệu sơ bộ thử nghiệm giai đoạn 3. Theo đó, vaccine của hãng có hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 tới 94,5%. Trước đó, Pfizer công bố vaccine hãng hợp tác sản xuất với BioNTech hiệu quả 90%.
“Tôi nghĩ chúng ta đang đi theo một định hướng rõ ràng. Nó rõ ràng với cả cộng đồng quốc tế, các nhà lãnh đạo và giới khoa học đã tập trung vào hai loại vaccine. Chúng dường như đã sẵn sàng cho thời điểm quan trọng, sẵn sàng đưa vào sử dụng. Nếu mọi thứ diễn ra theo định hướng đó, tôi không ngại dùng vaccine”, ông Biden khẳng định.
Song nhiều chuyên gia cảnh báo vaccine không phải “liều thuốc tiên” đưa cuộc sống của con người trở lại bình thường ngay lập tức. Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, khuyến cáo người dân vẫn đeo khẩu trang và tiến hành giãn cách xã hội ngay cả sau khi tiêm chủng.
Video đang HOT
Tổng thống đắc cử Joe Biden trong cuộc họp báo tại Nhà hát Queen, ngày 16/11. Ảnh: CNBC
Ông Fauci cho biết dù cảm thấy tự tin với độ hiệu quả của vaccine, hiện chưa rõ tác dụng của nó đối với từng nhóm đối tượng cụ thể ra sao. Khoảng 5-10% số người được tiêm chủng vẫn có thể nhiễm virus.
Với tình hình chung ở Mỹ, Joe Biden cảnh báo sẽ có thêm nhiều ca tử vong vì Covid-19 nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump không bắt đầu phối hợp với nhóm của ông, lên kế hoạch tiêm chủng cho hơn 300 triệu người. “Nếu phải đợi đến ngày 20/1 để triển khai, chúng ta sẽ chậm trễ hơn một tháng rưỡi. Vì vậy, cần có sự phối hợp ngay bây giờ”, Joe Biden nói.
Thế giới có khoảng hơn 100 loại vaccine đang được phát triển. 12 ứng viên đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Trong đó, Mỹ sở hữu hai vaccine có độ hiệu quả cao nhất, vượt xa tiêu chuẩn của cơ quan quản lý trong nước và cả Tổ chức Y tế Thế giới. Các ứng viên còn lại thuộc về Nga, Đức, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ.
Dư luận Trung Đông và những ảnh hưởng từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020
Dư luận khu vực Trung Đông đang rất quan tâm tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bởi các chính sách của nước này sẽ tác động mạnh mẽ tới an ninh, hòa bình ở khu vực.
Một số nước Arab ôn hòa mong rằng ông Donald Trump sẽ chiến thắng bởi nếu ứng cử viên đảng Dân chủ, Joe Biden chiến thắng sẽ dẫn đến sự thay đổi chính sách ở Trung Đông và làm bất lợi cho họ, nhất là khi các nước này đang có mối quan hệ tốt với chính quyền Donald Trump.
UAE, Bahrain, Sudan, Saudi Arabia và một số nước vùng Vịnh khác muốn ông Donald Trump tái đắc cử để thúc đẩy hòa bình, củng cố quan hệ đồng minh, ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran. Israel cũng ủng hộ một đồng minh thân cận và sát cánh như ông Donald Trump và các thành viên gia đình ông với những gì đã làm cho Israel trong nhiệm kỳ vừa qua. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã thu được hàng triệu USD từ những người Hồi giáo và Do Thái giáo.
Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, người Palestine muốn một tổng thống ôn hòa là ông Joe Biden để tiếp tục theo đuổi khát vọng hòa bình và một nhà nước độc lập. Iran cũng ủng hộ ông Joe Biden bởi chính sách "mềm mại", lựa chọn đối thoại chứ không phải đối đầu và gây sức ép như chính quyền Donald Trump. Một số nước Arab khác như Libya, Syria muốn ông Joe Biden chiến thắng để tránh đối đầu với chính quyền Donald Trump mà họ cho là "hiếu chiến".
Khu vực Trung Đông có tầm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, không chỉ vì tầm quan trọng kinh tế, địa chính trị của khu vực này mà còn vì sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc. Do đó, vẫn có những hằng số chung trong chính sách này dù ai làm tổng thống. Nếu có khác nhau đó chỉ là cơ chế và công cụ thực hiện chính giữa Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ.
Nếu ông Donald Trump thắng cử, chính sách của Mỹ đối với Trung Đông sẽ tiếp tục như cũ với các công cụ cứng rắn, đơn phương và tuân thủ tầm nhìn. Cụ thể với Iran, ông Donald Trump tiếp tục áp dụng chiến lược gây sức ép tối đa. Ông Donald Trump sẽ tiếp tục chứng minh rằng ông là Tổng thống Mỹ thực hiện đầy đủ nhất những lời hứa, ủng hộ Israel, thúc đẩy hòa bình giữa Israel và các nước Arab, tiếp tục thỏa thuận thế kỷ.
Nếu ông Joe Biden thắng, rất có thể chính sách của Mỹ sẽ thay đổi với xu hướng kết hợp các công cụ quyền lực cứng và quyền lực mềm trong việc thực hiện các mục tiêu của mình ở khu vực Trung Đông chứ không phải vũ lực và răn đe như chính quyền Cộng hòa. Với Trung Đông, chính sách của ông Biden dựa trên việc duy trì các mối quan hệ kinh tế, quân sự và chính trị với các đồng minh truyền thống, thúc đẩy sự can thiệp hiệu quả vào Trung Đông và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong việc can thiệp giải quyết các cuộc khủng hoảng của khu vực. Với vấn đề Iran, ông Biden sẽ quay trở lại ký thỏa thuận hạt nhân và sẽ kết hợp chính sách tiềm năng của mình đối với Iran giữa quyền lực cứng rắn,chính sách trừng phạt và đối thoại. Với xung đột Israel - Palestine, ông Biden sẽ tìm kiếm một công thức mới để giải quyết và thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.
Cả ông Donald Trump và ông Joe Biden đồng ý giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực xuống mức thấp nhất có thể, và trong trường hợp cần thiết nên duy trì từ 1.000 - 5.000 binh sĩ từ lực lượng đặc biệt hỗ trợ các nước trong khu vực đối đầu với các nhóm khủng bố./.
Khảo sát ở thế giới Arab: Ông Biden vượt trội so với ông Trump Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Joe Biden, dẫn đầu vượt trội so với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump trong một cuộc thăm dò ở thế giới Arab do Quỹ YouGov của Anh thực hiện. Theo kết quả cuộc thăm dò với hơn 3.000 người ở 18 quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi, gần 39% ưa...