‘Jingle Bells’, bài hát Giáng sinh bất tử
Gần 200 năm qua, những giai điệu kinh điển của nhạc sĩ James S. Pierpont vẫn luôn mang đến sự ấm áp, rộn ràng cho hàng triệu người trong ngày Chúa ra đời.
Trong bài hát không có một từ “Christmas” hay “Noel” nhưng mỗi khi những câu hát, nốt nhạc đầu tiên của Jingle Bells cất lên, ai cũng cảm thấy rạo rực một không khí Giáng sinh. Ra đời từ năm 1840, đây là ca khúc mà nhạc sĩ James S. Pierpont, người Mỹ, sáng tác dành riêng cho dịp Lễ Tạ ơn. Tuy nhiên, Jingle Bells lại bị nhầm thành nhạc Giáng sinh do biểu diễn thành công lần đầu tiên vào tối 24/12. Từ đó về sau, bài hát này đã trở thành nhạc phẩm gắn liền với ngày Chúa sinh ra và được phổ biến trên toàn thế giới.
“…Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh what fun, it is to ride
In a one horse open sleigh
Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh what fun, it is to ride
In a one horse open sleigh…”
Phần điệp khúc mở đầu cho bài hát thể hiện cảm xúc tươi vui, rộn ràng và dễ đi vào cảm xúc người nghe. Trong đêm Giáng sinh, những tiếng chuông nhà thờ dường như ấm áp, vang vẳng hơn mọi ngày. Người người tấp nập đi trên phố sắm sửa đồ trang trí cho cây thông và những món quà rực rỡ sắc màu. Trẻ em diện áo ấm chơi đùa, viết những lá thư gửi tới Ông già Noel và hồi hộp chờ đợi cỗ xe tuần lộc xuất hiện trong đêm Giáng sinh.
Tên ban đầu của Jingle Bells là One Horse Open Sleigh nhưng qua thời gian đã được sửa lại thành Jingle Bells. 20 năm sau lần trình diễn đầu tiên của James S. Pierpont cùng dàn đồng ca nhà thờ ở New England (Mỹ), Jingle Bells trở thành bản nhạc hát dạo mùa Giáng sinh phổ biến nhất và có sức ảnh hưởng mãnh liệt cho tới ngày hôm nay.
“…Dashing through the snow
In a one horse open sleigh
O’er the fields we go
Laughing all the way
Bells on bob tails ring
Making spirits bright
What fun it is to laugh and sing
A sleighing song tonight…”
Video đang HOT
Giáng sinh về đem theo những bông tuyết trắng xóa, những cơn gió lạnh buốt thổi qua những ánh đèn lung linh, mờ ảo trên khắp nẻo đường. Giáng sinh luôn là dịp để mọi người trở về nhà, tận hưởng niềm vui và sự ấm áp bên gia đình. Những bữa ăn tràn ngập tiếng cười, cây thông Noel với đủ các vật trang trí cùng những món quà gây tò mò, những ly rượu vang nồng nàn trong cái se buốt của mùa đông, khung trời đêm hàng vạn ánh sao rạng ngời, những lời chúc an lành… Jingle Bells là sự tổng hòa của tất cả hình ảnh đó và lay động tâm thức trong mỗi con người vào mùa lễ hội cuối năm.
Jingle Bells còn khiến những tâm hồn xa xứ tìm thấy hơi ấm trong dịp Giáng sinh khi xa nhà bởi những giai điệu này, lời ca này là không có khoảng cách về ngôn ngữ hay văn hóa. Đó là tài sản chung của nhân loại. Đêm Noel ngồi nhâm nhi ly café bốc khói nghi ngút bên vệ đường, ngắm cái giá rét của mùa đông hòa vào thứ ánh sáng vàng ấm áp của những ngọn đèn lung linh và hòa mình vào giai điệu của Jingle Bells.
Giáng sinh luôn là thời khắc kỳ diệu nhất trong năm, đem tới sự lắng đọng trong những phút giây đẹp đẽ nhất của mùa đông. Giáng sinh có thể đem theo những niềm vui và gợi lại cả những nỗi buồn, nhưng đó luôn là ngày mà ai cũng có quyền nghĩ về những gì mình yêu quý và tìm sự bình yên theo những cách riêng. Tổng thống thứ 30 của nước Mỹ, Calvin Coolidge, từng nói: “Giáng sinh không chỉ là một khoảng thời gian hay một mùa tiết mà đó còn là một trạng thái của tâm hồn, với sự bình an và hạnh phúc”.
“…A day or two ago
I thought I’d take a ride
And soon Miss Fanny Bright
Was seated by my side
The horse was lean and lank
Misfortune seemed his lot
We got into a drifted bank
And then we got upsot…”
Jingle Bells đã được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ và được thể hiện bởi hàng trăm nghệ sĩ theo những phong cách khác nhau. Tại Việt Nam, chẳng ai còn nhớ bài hát này du nhập vào từ thời điểm nào, chỉ biết rằng phiên bản của nhóm nhạc người Đức, Boney M, đã đi sâu vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ hàng thập kỷ qua. Không quá mạnh mẽ, ồn ào, Jingle Bells của Boney M. là sự hứng khởi, rộn ràng mà tất cả đều muốn có trong ngày Giáng sinh. Ca khúc này cũng từng được dịch ra tiếng Việt và biểu diễn trong nhiều chương trình ca nhạc của hải ngoại ngày trước nhưng không có phiên bản nào đáng nhớ như của Boney M.
Mỗi mùa Giáng sinh về, Jingle Bells lại được ngân vang trên khắp các con phố và khiến không ít người nghe vô thức phải lẩm nhẩm theo: “Jingle bells, jingle bells, jingle all the way…”. James S. Pierpont không chỉ tạo nên một bài hát Giáng sinh đơn thuần, mà còn làm nên cả một biểu tượng văn hóa vĩ đại trong đời sống tinh thần hàng triệu người trên thế giới vào mỗi dịp lễ hội cuối năm. Không có rào cản nào về không gian, thời gian, ngôn ngữ, Jingle Bells đơn giản là một món quà mà bất kỳ ai cũng có quyền được nhận vào đêm Giáng sinh.
Kỳ Phong
Theo VNE
Lật bí ẩn của các ca khúc Giáng sinh
Cứ vào dịp Giáng sinh, giai điệu của các ca khúc như Jingle Bells, Last Christmas, Silent Night... lại vang lên. Nó đã trở nên quen thuộc với hàng triệu người trên khắp thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về xuất xứ của những ca khúc này.
Jingle Bells
Jingle Bells có lẽ là ca khúc Giáng sinh phổ biến nhất. Đối với hàng triệu người, trong dịp Giáng sinh, ca khúc này cũng quan trọng giống như ông già Noel, con nai Rudolph, cây thông, thiệp mừng, quà tặng.... Tuy nhiên, điều "trớ trêu" là sự ra đời của ca khúc này lại chẳng liên quan gì tới Giáng sinh cả.
Jingle Bells là sáng tác của James S. Pierpont - một người sinh trưởng tại thị trấn Medford, bang Massachusetts (Mỹ). Vốn là một người có năng khiếu âm nhạc nên anh nhà thờ giao cho việc sáng tác một ca khúc đặc biệt trong dịp Lễ tạ ơn.
Khi đứng trên cửa sổ nhà mình ở số 87 đường Mysitc, James nhìn thấy mấy người thanh niên trong vùng đang lái những chiếc xe trướt tuyết từ trên đồi cao đổ xuống. Họ ăn mặc, nai nịt thật ấm để chống lại cái lạnh thấu xương của thời tiết khi đó. Không chỉ đứng nhìn, James S. Pierpont còn ra ngoài, tham dự cuộc vui với những thanh niên này.
Sau khi kết thúc cuộc vui, James S. Pierpont trở về nhà. Ngồi cạnh lò sưởi ấm áp, trong đầu anh vang lên những giai điệu vui nhộn. Ngay lập tức, anh băng qua những con đường phủ đầy tuyết để đến nhà bà Otis Waterman - người duy nhất ở thị trấn Medford có đàn dương cầm. Và thế là ca khúc "Chiếc xe một ngựa trượt băng ra đời". Nó được biểu diễn lần đầu tiên trong ngày Lễ tạ ơn ở nhà thờ Medford vào năm 1840.
Tuy nhiên, bài hát đề cập đến cảnh đua xe ngựa trượt băng, lối hẹn hò của những cặp tình nhân và những trò cá cược ấy lại trở thành ca khúc gắn liền với Lễ Giáng sinh. Ngày nay, nó được cả thế giới biết tới với tên gọi Jingle Bell
Ca khúc Jingle Bells
Silent Night
Một ngày mùa đông năm 1818, cha Josephi Mohr - một linh phục phụ tá tại nhà thờ Thánh Nicolas ở miền Boberndorf nước Áo đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng của thánh lễ Giáng sinh. Tới lúc dọn dẹp thánh đường, cha Mohr mới phát hiện ra chiếc dương cầm của nhà thờ bị hư hỏng nặng, không thể sửa chữa được. Đúng lúc đó, cha nhớ tới bài thơ có tên Still Nacht! Heilige Nacht!(Đêm yên lặng! Đêm thánh!) mà cha sáng tác vài năm trước.
Ngay lập tức, cha Mohr mang bản thảo của bài thơ tới gặp Franz Gruber - một giáo viên làng và đề nghị anh phổ thành nhạc. Chỉ vài giờ trước giáng sinh, ca khúc Still Nacht! Heilige Nacht! được ra đời. Nó được ca đoàn của nhà thờ Thánh Nicolas hát vang với tiếng đệm của đàn guitar.
Vào năm 1839, ca khúc S still Nacht! Heilige Nacht! được chuyển sang tiếng Anh với tên gọi Silent Night. Tuy nhiên, nó được cho là sáng tác của một trong những nhạc sĩ vĩ đại như Bach, Beethoven hoặc Handel. Chỉ tới khi Franz Gruber gửi các báo và các nhà xuất bản âm nhạc bản sao tờ phổ nhạc của mình thì nguồn gốc ca khúc Silent Night mới được làm rõ. Đáng tiếc là cha Mohr qua đời trong cảnh nghèo khó năm 1848 trước khi được công nhận là tác giả bài thơ được phổ nhạc.
Hiện tại, Silent Night được dịch ra hơn 300 thứ tiếng và là một trong những bài hát được yêu thích nhất của mọi thời đại. Tại Việt Nam, Silent Night được nhạc sĩ Hùng Lân "việt hóa" dưới tên Đêm thánh vô cùng.
Silent Night được dịch ra hơn 300 thứ tiếng
White Christmas
White Christmas được Irving Berlin sáng tác cho bộ phim Holiday Inn vào năm 1942. Khi đưa White Christmas vào phim, nhà soạn nhạc Irving Berlin không tự tin cho lắm nhưng Bing Crosby (diễn viên chính trong phim) đã thuyết phục.
Hiện nay, White Christmas đã được thể hiện ở 500 bản phối khác nhau với 25 ngôn ngữ. Ca khúc này cũng được Hiệp hội các nhà xuất bản, tác giả và soạn nhạc Hoa Kỳ (ASCAP) bầu chọn là ca khúc Giáng sinh được trình diễn nhiều nhất lịch sử ghi âm thế giới. Với White Christmas, Irving Berlin đã nhận được giải Oscar dành cho ca khúc phim hay nhất.
White Christmas được rất nhiều các nghệ sĩ biểu diễn trên các sân khấu
Last Christmas
"Chúa ơi, anh từng nghĩ em là người anh có thể gửi trọn trái tim và cuộc đời mình. Còn anh? Khi ấy, anh ngây thơ cho rằng, mình là một bờ vai để em dựa vào mỗi khi muốn khóc" - Giai điệu thổn thức của ca khúc Last Christmas đã khiến nhóm Wham gạt hái được những thành công vang dội.
Khi phát hành vào năm 1984, dù phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ cùng thời nhưng Last Christmas vẫn giành ngôi đầu bảng ở nhiều bảng xếp hạng âm nhạc trên thế giới. Riêng ở Anh, single này bán được hơn 1 triệu bản và trở thành đĩa đơn bán chạy nhất trong lịch sử bảng xếp hạng âm nhạc của xứ sương mù mà không giành vị trí số 1. Một năm sau, nó được phát hành lại trong dịp Giáng sinh và vẫn leo lên vị trí thứ 6. Đã có rất nhiều nghệ sĩ, ban nhạc khác đã hát lại Last Christmas sau này như The Beatles, Crazy Fog, giọng ca R &B Jamelia hay các ngôi sao nhạc pop như H ilary Duff, Ashley Tisdale, Billie Pepper, nhóm nhạc dance là Cascada.
Last Christmas qua giọng ca của nhóm Wham:
We Wish You a Merry Christmas
Với giai điệu và những ca từ đơn giản, We Wish You A Merry Christmas dường như được tất cả các nền văn hóa trên thế giới đón nhận. Ca khúc đã trở thành một phần không thể thiếu được trong những dịp Giáng sinh. Tuy nhiên, cho tới tận thời điểm hiện nay, người ta vẫn không xác định được tác giả cũng như nguồn gốc của bài hát. Theo Hiệp hội các nhà xuất bản, tác giả và soạn nhạc Hoa Kỳ, We Wish You a Merry Christmas có lẽ ra đời tại một vùng đất ở miền Đông nước Anh.
Ca khúc We Wish You a Merry Christmas
Theo PLXH
15 bìa album nhạc Giáng sinh xấu nhất Blake Shelton, CeeLo Green, Justin Bieber, Mariah Carey và cả Lady Gaga đều góp mặt trong danh sách này. 1. "Home for Christmas" (1998) - N'Sync. Có thể đây không phải bức ảnh quảng bá xấu nhất nhưng là hình bìa album bị ghét nhất. Sự thiếu đầu tư, lấy luôn một bức hình cũ rồi thay nền, đính 4 hoạ tiết tầm...