Jason Bourne: Siêu điệp viên điển trai trở lại và lợi hại hơn xưa
Sự tái hợp của bộ đôi Matt Damon và đạo diễn Paul Greengrass đã đem tới cho khán giả một siêu phẩm hành động đỉnh cao đồng thời vén bức màn bí mật về thân phận thật của Jason Bourne.
Jason Bourne lần đầu tiên xuất hiện trong tiểu thuyết The Bourne Identity của nhà văn Robert Ludlum. Cuốn sách nhanh chóng được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và đồng thời cũng đưa Bourne vào danh sách những điệp viên luôn được mong chờ nhất mỗi khi ra rạp bên cạnh các tượng đài lớn như Jame Bond, Ethan Hunt.
Bộ đôi Matt Damon và đạo diễn Paul Greengrass đã thành công cùng cùng thương hiệu này trong suốt ba phần phim. Phần thứ tư mang tên The Bourne Legacy. Nội dung được dẫn dắt bởi “Hawkeye” Jeremy Renner vì Matt Damon từ chối quay lại. Tuy nhiên, các sự kiện chính của bộ seri vẫn liền mạch và không bị ngắt quãng nên đối với khán giả chưa theo dõi những phần phim trước sẽ không bị quá nhiều ảnh hưởng.
Trong phần phim mới nhất này Jason Bourne (Matt Damon) đang tiến gần hơn tới cái đích cuối. Câu trả lời rõ ràng nhất về thân phận, cái chết của người thân, những chương trình đào tạo bí ẩn của chính phủ.Sau những năm tháng bị truy đuổi như một kẻ phản quốc, Bourne sống ẩn dật dưới thân phận một đấu sĩ tự do.
Trong khi đó, Nicky Parsons (Julia Stiles) với những thông tin được đánh cắp từ CIA đã thuyết phục Jason Bourne hỗ trợ. Cô yêu cầu anh giúp đỡ tổ chức hacker đối mặt với những thế lực mờ ám thuộc tổ chức CIA nhằm phanh phui sự thật về các dự án bẩn thỉu, trong đó bao gồm cả danh tính thật sự của Bourne. Hành động của Nicky đã khiến CIA phải cảnh giác.
Một chiến dịch mới do Heather Lee (Alicia Vinkerder) chỉ huy được thành lập với mục đích xóa sổ Bourne và đem thông tin mật trở về. Tuy nhiên trong quá trình điều tra cô đã nhận ra những điểm vô lý và hành vi đáng ngờ của giám đốc CIA Robert Dewey (Tommy Lee Jones) nên bí mật đi những nước cơ riêng trái ý các sếp lớn với tham vọng quy hàng Bourne một cách tâm phục khẩu phục. Kế hoạch thêm một lần nữa bị xáo trộn khi sát thủ (Vincent Cassel) tham chiến nhằm giải quyết mối tư thù với Bourne.
Ở tuổi 45, Matt Damon vẫn cống hiến cho người xem những pha hành động vô cùng đẹp mắt
Bối cảnh phim đặt trong giai đoạn Châu Âu đang trong thời kì hỗn loạn. Sự sụp đổ của thị trường tài chính, những cuộc biểu tình trải dài khắp các quốc gia tạo nên một bầu không khí căng thẳng, kịch tính khó rời mắt. Vì đề tài là điệp viên nên nội dung phim theo rất sát những sự kiện thời sự đương thời, từ chảo lửa biểu tình Athen Hy Lạp tới vụ Snowden, Wikileak khi dám phanh phui một loạt những hồ sơ bí mật trên truyền thông đại chúng. Rút kinh nghiệm từ phần thứ 4 bị giới chuyên môn chỉ trích vì nội dung quá nặng khó tiếp nhận với số đông công chúng, Jason Bourne đã có sự thay đổi rõ rệt. Nội dung phim dung hòa tốt được cả hai yếu tố hành động và chính trị. Thoại ngắn, các pha rượt đuổi dần dập, đấu súng diễn ra gần như liên tục.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, Matt Damon chỉ thực hiện vỏn vẹn 25 câu thoại trong phim, phần còn lại của thời lượng người xem chủ yếu tập trung cho các pha hành động không ngừng nghỉ. Đường phố bị cày nát bởi bạo loạn và màn đuổi bắt đỉnh cao. Phong cách dựng phim với mạnh nhanh, luôn bố trí những góc máy cận để người xem cảm nhận được độ chân thực nhất có thể, từng uy lực của cú đấm hay đơn giản là tiếng xe bọc thép đang phát tan tành những vật cản khó chịu chặn đường. Những pha đuổi bắt từ lâu đã thành thương hiệu của Bourne đồng thời là “quân bài tẩy” cảm xúc giúp giữ chân được khán giả cho đến phần phim bây giờ. Không phải ngẫu nhiên mà ba phần đầu tiên của Bourne đều được các trang đánh giá phim ghi nhận chất lượng nội dung ngang nhau và không có dấu hiệu xuống dốc.
Video đang HOT
Phim cũng đề cập đến vấn đề xâm phạm các quyền riêng tư khi sử dụng mạng xã hội. Thông qua hình ảnh ẩn dụ là tập đoàn Deep Dream đang sở hữu một dịch vụ với 1,5 tỷ người sử dụng, khán giả sẽ không khỏi hồ nghi và tự vấn, liệu chúng ta đang có đang sống trong một thế giới thực sự riêng tư và an toàn? Trớ trêu thay Deep Dream lại bán rẻ chữ tín của mình cho các nhân vật quyền lực cao hơn như CIA nhằm giám sát, quản lý đời sống riêng tư của từng cá nhân. Chi tiết này gắn liền với hành động “đi đêm” của một loạt các ông lớn công nghệ ngoài đời thực với các cơ quan tư pháp cao cấp nhất nhì thế giới đã bị phanh phui.
Jason Bourne đầu tư và chăm chút hình ảnh rất kĩ càng. Việc tái hiện chân thực cuộc biểu tình trước quốc hội tại thủ đô Athen là một ví dụ điển hình nhất. Tiếng la ó trong cuồng loạn, những ngọn lửa bùng cháy từ những quả bom xăng hay cuộc đụng độ không khoan nhượng giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình. Chưa dừng lại ở đó phim còn trở thành một màn biểu diễn công nghệ tân tiến của CIA. Chỉ qua vài cú bấm chuột, một vài thuật toán họ có dễ dàng có được manh mối hay đối tượng mình cần.
Những cảnh rượt đuổi trên đường phố cũng là một phần không thể thiếu được đạo diễn Paul Greengrass khai thác triệt để trong Jason Bourne
Trong khi đó, Bourne chỉ có thể chuẩn bị cho mình một vỏ bọc tốt, kỹ năng chiến đấu tinh nhuệ được tôi luyện qua nhiều lần sinh tử. Cuộc đối đầu giữa hai bên trở nên bất ngờ với nhiều nút thắt mở kịch tính, rất có thể chỉ sau một cái chớp mắt khó đoán ai là là con mồi, ai là kẻ đi săn. Bourne là biểu tượng của lòng ái quốc, niềm tự hào tối cao mà người Mỹ thường ca ngợi. Khác với chất lãng tử, lịch thiệp của Bond. Anh luôn giải quyết công việc bằng một trí thông minh sắc sảo đầy toan tính và một nắm đấm lạnh lùng sẵn sàng ra tay với bất kỳ ai.
Matt Damon trở lại vào vai Jason Bourne là một điều đáng mừng cho người hâm mộ. Ở tuổi 45 anh vẫn giữ được phong độ với một thân hình lí tưởng, cơ bắp đẹp đẽ, khuôn mặt lạnh lùng hoàn toàn phù hợp vào vai điệp viên. Mặc dù rất cố gắng để diễn tả một nhân vật bị day dứt bởi quá khứ và ám ảnh trước cái chết của người thân thì những gì Matt Damon thể hiện chỉ là một khuôn mặt trầm tư, đôi phần vô cảm.
Có lẽ vì mạch phim chuyển quá nhanh, quá ưu ái cho những pha hành động nên phần diễn tả nội tâm chỉ còn là yếu tố tô vẽ giúp tổng thể phim trở nên hợp lý hơn. Trường hợp này tương tự với các nhân vật còn lại, ở mỗi người sẽ luôn xuất hiện những điểm vô lý đột ngột. Tuy vậy, “kẻ ác” Robert Dewey và tay sát thủ có phần tròn trịa và đủ sức nặng để đối trọng Bourne, chỉ tiếc cách diễn tiến và suy nghĩ của các phe mang đậm tư tưởng cá nhân và lãng xẹt.
Jason Bourne vẫn sử dụng một số bản nhạc cũ, ca khúc kết thúc quen thuộc mở ra một tương lai về sự xuất hiện tiếp theo của chàng điệp viên này. Một bộ phim đáng xem, không quá khó khăn với người mới và đủ hài lòng với người hâm mộ kỳ cựu
Theo My Lan / Trí Thức Trẻ
Giới phê bình chia rẽ vì 'Siêu điệp viên Jason Bourne'
Đang là tác phẩm ăn khách nhất phòng vé và được khán giả chấm điểm A, nhưng phần phim mới về Jason Bourne xem ra lại không được lòng giới phê bình trên Rotten Tomatoes.
The Bourne Identity (2002) - 83%: Thương hiệu Bourne ra đời năm 2002, thổi luồng gió mới đến cho dòng phim hành động điệp viên. Có một điều thú vị là The Bourne Identity ra rạp sauDie Another Day (2002) chỉ đúng hai tuần lễ. Khi ấy, tập phim 007 cuối cùng của Pierce Brosnan bị chê là chứa đựng nhiều cảnh hành động quá phi lý, đồng thời gây tranh cãi lớn khi có nội dung cốt truyện liên quan tới Bắc Triều Tiên.
Sự xuất hiện của Jason Bourne do Matt Damon thể hiện như "kéo khán giả trở về mặt đất". Nhưng điều đó mang ý nghĩa tích cực khi đạo diễn Doug Liman đã sáng tạo nên hàng loạt cảnh hành động gay cấn, mãn nhãn, nhưng vô cùng thực tế. Bourne không có nhiều "đồ chơi công nghệ" như Bond. Thay vào đó, anh sử dụng bất cứ thứ gì xung quanh làm vũ khí, như chiếc bút bi trong một trường đoạn cao trào của The Bourne Identity.
The Bourne Supremacy (2004) - 81%: Tại Hollywood, có một lời nguyền rằng "phần phim sau luôn dở hơn phần trước". Nhưng may mắn thay, Bourne là một trong số ít các thương hiệu tránh được điều đó. Đạo diễn Paul Greengrass bắt tay thực hiện The Bourne Supremacy, kế thừa và phát huy những gì mà Doug Liman đã làm với phần một.
Khán giả tiếp tục được theo dõi Matt Damon trổ tài trên màn ảnh thông qua những trường đoạn chiến đấu gay cấn đến thót tim. Paul Greengrass chủ động áp dụng kỹ thuật shaky-cam (cho camera đi theo nhân vật) thay vì dùng camera tĩnh, liên tục sử dụng cắt cảnh ngay cả trong các pha hành động. Khán giả cũng được biết nhiều hơn về quá khứ của nhân vật Jason Bourne thông qua tập phim đáng nhớ này.
The Bourne Ultimatum (2007) - 93%: Đạo diễn Paul Greengrass khép lại trilogy (bộ ba) phimBourne bằng cái kết vô cùng đáng nhớ. The Bourne Ultimatum được giới phê bình đánh giá là tập phim hay nhất, chứa đựng kịch bản thông minh, hồi hộp, kịch tính từ đầu cho tới tận phút chót. Câu chuyện về chàng điệp viên mất trí nhớ Jason Bourne dường như đã có thể khép lại từ đây.
Trong số các phim Bourne đã ra mắt, The Bourne Ultimatum là tác phẩm duy nhất được Oscar vinh danh. Tại sự kiện điện ảnh danh giá diễn ra đầu năm 2008, phim có ba lần được xướng tên chiến thắng tại các hạng mục Dàn dựng âm thanh, Hòa âm và Dựng phim xuất sắc.
The Bourne Legacy (2012) - 56%: Cả Matt Damon lẫn Paul Greengrass đều rời bỏ thương hiệu ngay sau phần ba, nhưng Universal thì không muốn dừng lại. Hãng phim đưa ra hướng đi mới táo bạo khi thực hiện tập phim ngoại truyện The Bourne Legacy, xoay quanh nhân vật người hùng mới Aaron Cross do Jeremy Renner thể hiện.
Nhưng Aaron Cross không phải là Jason Bourne và bộ phim của đạo diễn Tony Gilroy bị khán giả thờ ơ tại phòng vé. Giới phê bình không quá nặng lời khi cho rằng The Bourne Legacy cho thấy vẫn còn rất nhiều câu chuyện để kể trong thế giới điệp viên của Jason Bourne và Jeremy Renner là một ngôi sao thực tài. Song, họ phải thừa nhận rằng Legacy còn kém một khoảng rất xa so với ba tập phim trước đó.
Jason Bourne (2016) - 57%: Sau rất nhiều cuộc thương thảo, bộ đôi Damon - Greengrass rốt cuộc cũng đồng ý trở lại thực hiện tiếp một phim Bourne nữa cho Universal. Chính thức ra mắt hôm 29/7, Jason Bourne lập tức trở thành tác phẩm ăn khách nhất tại Bắc Mỹ với 60 triệu USD sau ba ngày trình chiếu. Công chúng hân hoan chào đón chàng điệp viên mất trí nhớ trở lại trong cuộc chiến mới với tổ chức CIA ở thời đại Internet lên ngôi.
Vẫn sở hữu những pha hành động kịch tích, thậm chí là điên rồ như trường đoạn rượt đuổi xe hơi tại Las Vegas ở cuối phim, nhưng kỳ lạ thay, Jason Bourne lại không được lòng giới phê bình. Điểm số của bộ phim lúc này trên Rotten Tomatoes chỉ nhỉnh hơn The Bourne Legacy đôi chút.
Luồng ý kiến tiêu cực cho rằng cốt truyện phim có phần "bôi vẽ" không cần thiết (nhất là tình tiết mới về quá khứ nhân vật chính), và các cảnh hành động dày đặc vô tình khiến tâm lý của Jason Bourne chưa được phát triển đầy đủ. Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng Jason Bournevẫn là điểm sáng của dòng phim giải trí Hollywood trong một mùa hè mà khán giả đã phải chứng kiến không ít những thất vọng.
Theo Zing
'Jason Bourne': Siêu phẩm hành động mùa hè 2016 Nhân vật chàng điệp viên mất trí nhớ của Matt Damon đã trở lại, và lợi hại như xưa. Trailer đầu tiên bộ phim 'Jason Bourne': Phần năm của loạt phim về chàng điệp viên mất trí nhớ Jason Bourne do Matt Damon thể hiện. Jason Bourne (tựa tiếng Việt: Siêu điệp viên Jason Bourne) lấy bối cảnh khoảng một thập kỷ sau...