Jack Kirby “cha đẻ” Captain America, công thần thầm lặng của marvel
Khi được hỏi rằng, ai là người có vai trò lớn nhất cho sự thành công của Marvel, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến “bố già” Stan Lee mà quên hẳn một công thần khác.
Ông chính là Jack Kirby, tác giả thầm lặng của hàng loạt nhân vật đình đám của cả Marvel và DC Comics. Ông chính là cha đẻ thực sự của nhân vật Captain America, nhân vật biểu tượng của Marvel thời thế chiến 2. Trong khi danh tiếng và tiền bạc của Stan Lee ngày càng gia tăng thì sức ảnh hưởng của Kirby tại Marvel lại ngày càng suy giảm. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì niềm đam mê vẽ truyện tranh vẫn theo ông đến tận cuối đời.
Jack Kirby sinh năm 1917, tên thật là Jacob Kurtzberf là biên tập viên kiêm họa sĩ vẽ truyện tranh người Mỹ. Jack Kirby thường được vinh danh là bộ mặt của Marvel trong thời điểm mà ông gắn bó và sinh ra nhiều tác phẩm nổi tiếng. Không có gì là quá đáng khi cho rằng, nếu không có Jack Kirby thì cũng chẳng có Hulk, Thor, Captain American, X-men, Fantastic Four, hoặc Avengers.
Lớn lên trong cảnh nghèo khó tại thành phố New York, ông học vẽ nhân vật bằng cách vẽ theo các nhân vật trong truyện tranh và tranh biếm họa. Kurtzberg bước vào ngành công nghiệp truyện tranh khi nó chỉ mới bắt đầu xuất hiện vào những năm 1930 và sử dụng nhiều bút danh trước khi dừng lại tại cái tên Jack Kirby. Năm 1941, Kirby và nhà văn Joe Simon đã tạo ra nhân vật siêu anh hùng Captain America cho Timely Comics, tiền thân của Marvel Comics. Trong suốt thập niên 40, Kirby thường cùng với Simon sáng tác truyện tranh cho các nhà xuất bản.
Sau thời gian phục vụ trong Chiến tranh Thế giới lần 2, Kirby quay về với nghề sáng tác truyện tranh. Ông sáng tác truyện tranh với đủ mọi thể loại khác nhau cho các nhà xuất bản như Archie Comics, DC Comics, và Atlas Comics (sau phát triển thành Marvel Comics). Trong những năm 1960, Kirby đồng sáng tác nhiều nhân vật chính của Marvel Comics, bao gồm Fantastic Four, X-Men, và Hulk, khi cùng hợp tác với Stan Lee. Hai người đã trở thành bộ đôi đắc lực khi tạo nên vô số nhân vật biểu tượng cho Marvel. Tuy nhiên, vì những mâu thuẫn và những chính sách đầy bất công tại Mavel, năm 1970 ông rời bỏ công ty sang đầu quân cho đối thủ cạnh tranh DC Comics.
Trong thời gian làm việc cho DC, Kirby làm việc với một tốc độ đáng kể. Ông nhanh chóng tạo nên hệ thống saga Fourth World, trải dài suốt nhiều bộ truyện tranh. Mặc dù tác phẩm không thành công về mặt thương mại và bị hủy bỏ sau đó, nhưng nhiều nhân vật trong Fourth World đã đóng góp một phần quan trọng vào DC Comics Universe, là nền tảng cho vô số câu truyện của DC về sau.
Mâu thuẫn và câu chuyện hài hước giữa Stan Lee và Jack Kirby
Có thể nói rằng tới tận ngày nay, cuộc tranh cãi xem giữa Stan “The Man” Lee hay Jack “The King” Kirby mới thực sự là người góp công lớn nhất trong xây dựng vũ trụ Marvel vẫn còn rất nảy lửa. Hai người từng là cộng sự đắc lực, tạo nên vô số nhân vật biểu tượng của Marvel. Tuy vậy, không phải lúc nào quan hệ của họ cũng suôn sẻ. Trong khi Stan Lee ngày càng thăng tiến ở Marvel và giữ chức tổng biên tập thì Jack Kirby chỉ sáng tác dưới dạng tác giả freelancer và được trả công khá bèo bọt. Vì vậy mà Lee càng giàu thì Kirby càng nghèo, dù cho danh tiếng của cả 2 nổi như nhau. Thậm chí Stan Lee còn thừa nhận là từng có thời, ông chỉ viết nháp 1 tờ giấy viết sườn cốt truyện rồi đưa cho Jack Kirby và Steve Ditko để từ đó sáng tác lại thành câu truyện cụ thể. Vậy mà Stan Lee lại là người đứng tên tất cả các tác phẩm và hưởng siêu lợi nhuận. Jack Kirby chỉ được đứng tên những câu truyện do ông tự mình sáng tác từ đầu đến cuối.
Đến năm 1970, Marvel đề nghị ký hợp đồng chính thức với Kirby, tuy nhiên điều khoản hợp đồng hết sức vô lý, không cho phép Kirby được đòi quyền lợi pháp lý với các tác phẩm của mình. Đương nhiên Jack Kirby không chịu và bỏ sang DC làm việc.
Tại DC, Kirby đã sáng tác các bộ Mister Miracle, New Gods, Forever People và đảm nhiệm bộ Superman’s Pal Jimmy Olsen đang dang dở. Khi viết bộ Mister Miracle, Kirby đã tạo ra một nhân vật đặc biệt, đó là Funky Flashman.
Funky Flashman, về bản chất là một gã tham lam bất tài, không có khả năng gì đặc biệt, chỉ được cái dẻo mỏ và mưu mô, chuyên đi lừa phỉnh người khác để kiếm lời bất chính. Ngay từ lần đầu xuất hiện, thằng cha này đã tỏ ra là một gã lố bịch rởm đời, và có ngoại hình gần như GIỐNG Y HỆT Stan Lee vào thời điểm đó. Hiển nhiên người đọc có thể hiểu Kirby lấy “cảm hứng” từ ai ngoài đời thực.
Điều thú vị là theo Kirby thú nhận thì ban đầu ông vẽ Funky Flashman để đá đểu một gã khác ở Marvel nhưng không hiểu sao càng vẽ càng ra Stan Lee nên đã theo luôn.
Những đóng góp to lớn của Jack Kirby và giải thưởng vinh dự
Mặc dù trải qua rất nhiệu thăng trầm, bị đối xử bất công hay không được công nhận. Jack Kirby cũng chưa bao giờ vứt bỏ đam mê của mình. Không ai có thể phủ nhận được những đóng góp cực kỳ to lớn của Jack Kirby đến với nền truyện tranh Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Sau những thành tựu trong chặng đường sự nghiệp của mình, Kirby được các sử gia và fan hâm mộ công nhận là một trong những nhà cải cách có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực truyện tranh. Năm 1987, ông là một trong ba người được trao giải thưởng Will Eisner Comic Book Hall of Fame.
Sau khi qua đời ở tuổi 76, tên ông được vinh dự đặt cho giải thưởng Kirby Awards và Jack Kirby Hall of Fame.
Theo người thành công, cmavn
Lịch sử Marvel - từ kẻ phá sản trở thành ông trùm thị trường phim siêu anh hùng
Hãng Marvel vực dậy thần kỳ sau 20 năm, trở thành đế chế phim phong phú nhất, mang lại doanh thu khổng lồ trong lịch sử điện ảnh.
Avengers: Age of Ultron sau hai tuần ra mắt thu về hơn 875 triệu USD tiền vé - trở thành phim ăn khách thứ hai trong năm. Thành công của tác phẩm này giúp toàn loạt phim Marvel hay còn gọi là Vũ trụ điện ảnh Marvel (Marvel Cinematic Universe) trở thành "loạt phim ăn khách nhất mọi thời đại". Tổng doanh thu 11 phim Marvel hiện đạt 7,8 tỷ USD toàn cầu, cao hơn một triệu USD so với loạt ăn khách thứ hai - Harry Potter . Trong vòng năm năm tới, hãng không ngừng mở rộng với hàng loạt dự án bom tấn, đánh vào thị hiếu của khán giả.
Dù vậy trong lịch sử hình thành và phát triển, Marvel từng đối mặt với nguy cơ phá sản.
Hãng truyện tranh bên bờ phá sản
Thành lập từ năm 1939, Marvel ban đầu được biết đến như hãng chuyên sản xuất truyện tranh và các sản phẩm hình ảnh liên quan - Marvel Comics. Trong bốn thập kỷ sau đó, sản phẩm phim của hãng không gây chú ý. Phim Marvel thường phát vào cuối tuần trên sóng các kênh truyền hình Bắc Mỹ. Hãng gần như luôn phải cạnh tranh với công ty hàng đầu khu vực lúc bấy giờ - DC Comics (thành lập năm 1934).
Thập kỷ 1980, sản phẩm điện ảnh duy nhất của Marvel là Howard The Duck (Vịt Howard). Phim thua lỗ nặng khi ra rạp năm 1986. Nhiều dự án chuyển thể truyện tranh siêu nhân lên màn ảnh cũng thất thu. Nguyên nhân được nhà nghiên cứu Sean Howe đưa ra trong sách Marvel Comics: Untold Stories là: công nghệ phim ảnh chưa phát triển và kinh phí đưa các siêu anh hùng lên phim quá cao.
"Captain America" - tác phẩm truyện tranh được chuyển thể thành phim thập niên 1940. Đây cũng là series phim duy nhất ăn khách của hãng Marvel suốt 50 năm sau đó.
Giữa thập niên 1990, khi công nghệ điện ảnh trưởng thành, có thể tái hiện sống động dàn siêu anh hùng truyện tranh Marvel lên phim, thì hãng đứng bên bờ phá sản. Năm 1993, thị trường truyện tranh Bắc Mỹ ở vào thế cung vượt cầu. Doanh thu bán sản phẩm của Marvel sụt giảm hơn 70% khiến công ty mắc nợ nghiêm trọng. Cổ phiếu của hãng trị giá 35,75 USD trong năm 1993 xuống còn 2,38 USD vào năm 1996. Năm 1998, để tồn tại, Marvel phải sáp nhập vào công ty truyện tranh ToyBiz, lấy tên mới là Marvel Entertainment. Avi Arad, một giám đốc của ToyBiz, được ban điều hành công ty mẹ chỉ định làm Giám đốc điều hành mảng phim.
Sau khi đánh giá tình hình, Avi Arad quyết định bán bản quyền sản xuất nhân vật truyện tranh gốc của họ cho các studio lớn để hưởng hoa hồng. Hãng phim Fox đã mua dự án X-Men, Sony mua dự án Spider-Man còn New Line mua bộ ba phim Blade. Tuy vậy, Marvel không thu được nhiều lợi nhuận theo cách làm này. Trong khi hai bom tấn Spider-Man (2002) và (2004) mang về cho hãng Sony hơn 3 tỷ USD, Marvel chỉ nhận 62 triệu USD tiền lời.
Cuối thế kỷ 20, chớm sang thế kỷ 21, Hollywood đua nhau sản xuất phim siêu anh hùng. Theo đà, Marvel lại bán rẻ cho các studio nhiều dự án về các nhân vật truyện tranh. Khi đó, Tổng giám đốc Marvel - Kevin Feige - đã đưa ra quyết định mang tính sống còn một lần nữa: "Đã tới lúc chúng tôi tự làm phim của mình".
Đế chế phim số một thế giới
Năm 2002, Marvel Entertainment mở trường quay mang tên Marvel Studios. Không bán bản quyền nữa, Marvel Studios tự sản xuất phim dựa trên gần 100 nhân vật siêu anh hùng truyện tranh mà họ sáng tạo trong hơn 70 năm. Dự án được chọn khởi động kỷ nguyên Marvel tự sản xuất phim là Iron Man.
"Các nhân vật của Marvel liên kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, nếu Iron Man trở thành thảm họa, chúng tôi cũng phải từ bỏ những dự án phim về các nhân vật còn lại", Kevin Feige chia sẻ. Iron Man được xem là canh bạc lớn và mạo hiểm. Lý do bởi cốt truyện Iron Man xoay quanh một siêu anh hùng ít biết, vai chính được giao cho tài tử Robert Downey Jr - khi đó mang tiếng là "trai hư" ở Hollywood và lần đầu nhận vai chính trong một bom tấn. Bộ phim được làm bởi đạo diễn uy tín nhưng ít nổi tiếng là Jon Favreau.
Tuy vậy, Iron Man gây chấn động phòng vé và truyền thông Bắc Mỹ cũng như thế giới khi ra mắt năm 2008. Bộ phim thu về hơn 585 triệu USD và được giới chuyên môn ca ngợi nồng nhiệt. Nhà phê bình A. O. Scott của tờ The New York Times nhận định: " Iron Man là một phim siêu anh hùng hay đột biến".
"Iron Man" là phim đầu tiên hãng Marvel sản xuất độc lập và là tác phẩm đầu tiên trong loạt "Vũ trụ điện ảnh Marvel".
Thành công đột phá của Iron Man là bước đi đầu tiên vững chắc trong hành trình Marvel tạo dựng "Vũ trụ điện ảnh Marvel". Các tác phẩm được trình làng sau Iron Man gồm The Incredible Hulk (2008), Thor (2011), Captain America: The First Avenger (2011) đều có phong cách thống nhất. Trong mỗi phim có nhân vật đa chiều, không khí hài hước và hình ảnh mãn nhãn.
Tới năm 2012, siêu anh hùng trong vũ trụ Marvel tập hợp trong bom tấn thứ sáu của hãng mang tên The Avengers. Bộ phim đóng vai trò mấu chốt kết thúc chặng một trong quá trình phát triển Vũ trụ điện ảnh Marvel và thu về 1,5 tỷ USD, trở thành phim ăn khách thứ ba lịch sử điện ảnh, sau Avatar và Titanic.
Từ năm 2013 tới nay, Vũ trụ điện ảnh Marvel được củng cố thêm với Iron Man 3 (2013), Thor: The Dark World (2013), Captain America: The Winter Soldier (2014). Cùng đó, những siêu anh hùng mới được giới thiệu trong các bom tấn Guardians of the Galaxy (2014) và Avengers: Age of Ultron vừa ra mắt. Tháng bảy tới, nhân vật siêu anh hùng Người Kiến sẽ "đổ bộ" màn bạc trong Ant-Man, kết thúc giai đoạn phát triển thứ hai.
Các siêu anh hùng của Marvel đã đươc lên lịch để đến với khán giả trong năm năm tới.
Từ nay đến 2019, siêu anh hùng Marvel sẽ thống trị các mùa hè với ít nhất chín phim gồm Captain America: Civil War (2016), Doctor Strange (2016), Guardians of the Galaxy 2 (2017), Spider-Man (2017), Thor: Ragnarok (2018), Captain Marvel (2018), Inhumans (2019), Avengers: Infinity War.
Joss Whedon, đạo diễn hai tập Avengers và là cố vấn sáng tạo cho cốt truyện chung của toàn loạt Marvel, chia sẻ: "Vũ trụ điện ảnh Marvel độc đáo ở điểm, đây là một phim mở rộng về bề ngang. Phim Harry Potter chỉ có một nhân vật. James Bond cũng chỉ gồm một nhân vật. Nhưng loạt siêu anh hùng của Marvel gồm hàng loạt nhân vật song song. Mỗi phim trong toàn loạt đều liên quan mật thiết về cốt truyện với nhau. Bạn phải xem phim này mới hiểu phim kia. Điều này cũng giúp quảng bá phim cực hữu ích".
Kevin Feige khẳng định: "Mỗi nhân vật của Marvel có tính cách riêng. Thor rất khác với Captain America. Captain America lại rất khác biệt Iron Man. Khi bạn quy tụ các nhân vật này vào cùng một phim, bạn có một câu chuyện tổng hợp rất đa dạng và đặc sắc".
Vũ trụ điện ảnh Marvel giờ đây đã được mở rộng đến mức mà các nhà làm phim khó hình dung trước được. Sức sáng tạo không ngừng và bất ngờ giúp Marvel là hãng phim ăn nên làm ra nhất hiện nay.
Theo người thành công, vnexpress
Captain America - từ chàng trai ốm yếu đến biểu tượng siêu anh hùng của marvel Captain America là một trong những siêu anh hùng nổi tiếng nhất vũ trụ Marvel. Tuy không sở hữu siêu năng lực quá bá đạo như Iron Man hay Captain Marvel, nhưng anh lại chiếm được cảm tình từ khán giả bởi khả năng chiến đấu đối kháng và một trái tim giàu lòng trắc ẩn. Theo người nổi tiếng