Jack Grealish là nan đề của tuyển Anh
Chọn hay không chọn Jack Grealish vào đội hình chính thức tuyển Anh là vấn đề khó giải quyết đối với người Anh từ trước giải đấu và trong giải đấu.
“Bóng đá thực sự là một trò chơi đơn giản, chỉ cần chuyển bóng trong 60 phút, đưa Grealish vào sân và giành chiến thắng”, trang ESPN nhận định về thắng lợi 2-0 của tuyển Anh trước Đức ở vòng 1/8 Euro 2020. Cách diễn đạt này khá giống với câu nói của Gary Lineker: “Bóng đá là trò chơi của 22 người và kết quả là người Đức”.
Grealish vào sân, và nhanh chóng để lại dấu ấn. Anh hoạt động xông xáo, mang tới sinh khí mới cho đội nhà. Nhưng ngay cả khi bùng nổ trước đối thủ truyền kiếp, tài năng này có được chọn đá chính trước Ukraine ở tứ kết hay không, thì đó vẫn là bí ẩn.
Grealish liệu có được xuất phát chính khi tuyển Anh gặp Ukraine? Ảnh: Reuters.
Không bao giờ chiều hết được dư luận
Chọn hay không chọn Jack Grealish vào đội hình tuyển Anh? Điều này sẽ không là nan đề nếu tiền vệ của Aston Villa chơi bóng tệ hại. Như vậy, HLV Gareth Southgate sẽ cất anh kín trên ghế dự bị và không còn CĐV nào kêu gào nữa.
Nhưng Grealish lại chơi tốt khi có mặt trong đội hình xuất phát trận gặp CH Czech, kiến tạo bàn thắng duy nhất trong trận đấu. Anh cũng chơi tốt khi vào sân thay người ở trận gặp Đức, đặt dấu ấn trong cả 2 bàn thắng.
Điều này sẽ không là nan đề nếu Southgate cứ bịt tai trước những lời kêu gào từ các CĐV. Có nhiều HLV mà chính kiến của họ bị lắc lư theo dư luận.
Khi dư luận đòi hỏi thì đó là một thứ sức ép không dễ chịu chút nào. Cũng nhiều khi dư luận đúng, ví dụ như việc đòi Gareth Southgate chuyển đổi thành hệ thống 3-4-3 khi đối đầu với Đức.
Có một câu nói thú vị rằng “Mọi cầu thủ hình như hay hơn khi anh ta không được đưa vào đội hình”, để nói về sức ép của dư luận. Khi anh ta không được thi đấu, dư luận sẽ tô vẽ anh ta lộng lẫy hơn để nói rằng “HLV ơi, ông đang sai quá đấy!”
Cũng có một câu khác như sau: “Nếu nghe dư luận thì bóng đá phải đổi luật từ 11 sang 15 cầu thủ mới đủ để HLV lựa chọn”. Có thể sau khi đòi hỏi có được Grealish trong đội hình xuất phát, dư luận lại tiếp tục đặt câu hỏi: “ Sao Jadon Sancho lại không có cơ hội xuất trận nhỉ? Jude Bellingham thì sao?”
Các bệnh nhân người Anh
Trường hợp của Grealish cũng như của Paul Gascoigne tại World Cup 1990 và của David Beckham tại World Cup 1998. Nhưng Gascoigne thì thành công còn Becks thất bại.
Năm 1990, tân binh 23 tuổi Gascoigne chơi hay trong trận giao hữu giữa Anh với Tiệp Khắc, và được ông Bobby Robson chọn đi dự World Cup. “Gazza” trước đó chỉ chơi vài trận giao hữu, chưa đá trận đua tranh nào, nhưng ông Robson vẫn quyết định đưa cầu thủ này vào đội hình chính ở World Cup. Điều đó giải tỏa sức ép cho cả 2 người, và Gazza trở thành ngôi sao trẻ của giải đấu.
Video đang HOT
Năm 1998, HLV Glenn Hoddle gạt Beckham ra khỏi đội hình xuất phát để lấy chỗ cho Darren Anderton. Beckham có phong độ không tốt trong khi Anderton tấn công tốt và luôn sẵn sàng tham gia vào việc phòng thủ bên hành lang phải.
Trận thứ ba gặp Colombia, Beckham được đưa vào đội hình chính, ghi bàn từ cú sút phạt hàng rào khá đẹp và được tin dùng cho trận vòng 16 đội gặp Argentina. Bi kịch đã đến với Beckham ở trận đó khi hành vi ngớ ngẩn của anh cộng với tiểu xảo của Diego Simeone đã khiến bản thân bị thẻ đỏ. Đội Anh chơi thiếu người từ phút 47 và thua Argentina trong loạt sút luân lưu.
Người hâm mộ Anh luôn kêu gào HLV Gareth Southgate sử dụng Jack Grealish, người có phong cách thi đấu rất sáng tạo. Ảnh: Reuters.
Cầu thủ sáng tạo thường bị hy sinh
Bóng đá là môn chơi mà ở đó CĐV luôn muốn thấy sự sáng tạo và chiến thắng. Tức là cả hai thứ. Nên họ luôn kêu gào phải cho cầu thủ sáng tạo họ yêu thích vào sân. Còn với HLV thì thắng quan trọng hơn, như vậy mới giữ được việc.
Thường thì một cầu thủ sáng tạo là đủ với đội hình, hai trở lên là mất cân bằng trong đội bóng. Nhiều nghệ sĩ, ít thợ cả thì việc không thành.
Có HLV còn không muốn có cầu thủ sáng tạo trong đội. Có HLV muốn cầu thủ này vừa sáng tạo, vừa phải đạt các hiệu suất lao động khác. Nên họ thường hy sinh các cầu thủ sáng tạo. Và đó là lý do để dư luận kêu gào.
Tại World Cup 1970, HLV tuyển Italy, ông Ferruccio Valcareggi, luôn bị đặt dưới sức ép phải dùng cầu thủ Gianni Rivera, một kiểu cầu thủ số 10, vừa mới giành danh hiệu Quả bóng Vàng năm 1969. Trong khi đó, ông lại thích một số 10 khác là Sandro Mazzola hơn. Sau cùng, Valcareggi dùng người kiểu staffetta (chạy tiếp sức) cho mỗi người thi đấu một hiệp.
Đến World Cup 1982, HLV Enzo Bearzot để Vua phá lưới Serie A Roberto Pruzzo ở nhà và chọn Paolo Rossi, người hầu như không thi đấu trong 2 năm vì bị cấm thi đấu do liên quan đến cá độ bóng đá. Rossi năm đó chơi hay ở 3 trận sau cùng của giải, trở thành Vua phá lưới giải với 6 bàn, giúp Italy vô địch, và giành Quả bóng Vàng năm 1982.
Nhưng Rossi không ghi bàn trong 4 trận đầu tiên. Nếu từ đầu Bearzot mang Pruzzo tới Tây Ban Nha, chắc chắn dư luận sẽ đòi ông phải đưa Pruzzo vào sân sau khi chứng kiến Rossi kém cỏi. Và Rossi không có cơ hội để lập kỳ tích ở các trận sau.
Ở World Cup 1990, Roberto Baggio chỉ là cầu thủ dự bị, nhưng anh luôn tỏa sáng mỗi khi vào sân, dẫn đến việc cuối vòng bảng, HLV Azeglio Vicini phải bỏ rơi cặp tiền đạo chính thức Gianluca Vialli và Andrea Carnevale để lấy chỗ cho Baggio và Toto Schillaci.
Rồi năm 1998, nước Italy chia 2 phe: phe Baggio và phe Alessandro Del Piero, vận động để cho cầu thủ của họ có xuất đá chính bên cạnh Christian Vieri. Gần đây, các HLV Antonio Conte, Giampiero Ventura luôn được đòi hỏi phải tạo ra hệ thống thi đấu cho phép Jorginho, Marco Verratti, Lorenzo Insigne thi thố.
HLV Southgate đã sử dụng Grealish trong trận gặp Đức. Nhưng đó là trận đấu Grealish chỉ vào sân từ ghế dự bị.
Bất chấp dư luận hay khôn khéo?
Tại Euro 2008, HLV Tây Ban Nha, ông Luis Aragones, khiến nhiều người tức giận khi loại các cựu binh Raul Gonzalez và David Albelda ra khỏi đội. Ông nói đội bóng do ông quyết hết, nhất định không nghe ai. Tây Ban Nha lần đầu vô địch một giải lớn sau nhiều năm chờ đợi.
Đến Euro 2012, HLV Vicente Del Bosque để trung phong Fernando Torres ngồi ghế dự bị, sử dụng Cesc Fabregas như một số 9 ảo. Tây Ban Nha vô địch, HLV này chiến thắng dư luận. Kết quả biện minh cho phương tiện.
HLV Luis Enrique năm nay không gọi Sergio Ramos và Iago Aspas lên tuyển khiến nhiều người căm ghét. Sau trận hòa 0-0 với Thụy Điển, Enrique lại bị dư luận kêu gào phải thay Alvaro Morata bằng Gerard Moreno.
Trận gặp Ba Lan, ông đưa cả Moreno và Morata vào sân, Morata ghi bàn, đội bóng tấn công khởi sắc hơn, dù Moreno đá hỏng cú phạt đền. Rõ ràng, Enrique không đối đầu, mà khôn khéo hơn với dư luận.
Về trường hợp của Grealish, có lẽ do trận gặp Đức, Southgate phải hy sinh anh để lấy thêm chỗ cho 1 trung vệ trong sơ đồ 3-4-3. Ở trận tứ kết tới với Ukraine, Grealish khả năng có chỗ ngay từ đầu khi tuyển Anh quay về sơ đồ 4-2-3-1. Dư luận không phải lo.
Bức tường vô hình ngăn cách Grealish và Southgate
Sau trận đấu mờ nhạt với tuyển Scotland, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các CĐV về việc HLV Gareth Southgate phải đưa tiền vệ Jack Grealish vào đội hình xuất phát.
Các CĐV cho rằng Grealish cần phải có mặt để châm bóng cho Harry Kane ghi bàn. "Tam sư" không thể để trung phong số một của họ (Kane - PV) đơn độc ở tuyến trên.
Kane là chân sút giỏi, nhưng anh cần được tạo đủ cơ hội để thi thố. Để chân sút này cứ phải lùi xuống phía sau để kiến tạo bóng lên sẽ là sự lãng phí.
Jack Grealish là mẫu cầu thủ cá tính. Ảnh: Reuters.
Nan đề Grealish ở tuyển Anh
Trước một Scotland nặng về phòng thủ, thật khó hiểu với sự thận trọng của Southgate khi ông xếp cả 2 tiền vệ phòng thủ Calvin Phillips và Declan Rice chơi đến hết trận đấu mà không đưa thêm cầu thủ tấn công vào. Trong khi đó, Southgate lại rút Kane khỏi sân phút 74, cứ như thể việc cả đội không chơi hiệu quả và ngôi sao Tottenham không ghi bàn là lỗi riêng của anh.
Chuyện giữa Southgate và Grealish là thế nào?
Nó khá phức tạp, nhiều sắc thái và dường như có một bức tường vô hình ngăn cách họ. Những người nắm sát tình hình đội tuyển Anh tiết lộ một thực tế: Southgate chưa bao giờ thoải mái nói chuyện với Grealish như với các cầu thủ khác trong đội.
Và có những lúc Grealish bắt đầu cảm thấy anh sẽ không bao giờ có cơ hội được khoác áo tuyển Anh chừng nào Southgate còn ngồi ghế HLV.
Grealish đã sớm là cầu thủ nổi bật, nhưng đến khi anh 25 tuổi, Southgate mới cho tiền vệ này cơ hội lần đầu thi đấu cho "Tam sư". Một phần khiến Southgate không sớm tin Grealish là vì khi còn ở đội U21 Anh, Grealish và HLV Aidy Boothroyd bất hòa với nhau, thậm chí có lúc không nói chuyện với nhau. Giữa ban huấn luyện đội U21 Anh và Southgate luôn là mối quan hệ đồng minh thân cận.
Grealish cũng là cầu thủ có tính cách khá màu sắc, có lẽ không hợp với phong thái khắc khổ, nghiêm nghị của Southgate. Anh từng bị gọi là "CovIdiot" khi không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Grealish từng bị cấm lái xe, bị phạt 82.500 bảng sau khi lái chiếc xe Range Rover gây tai nạn trong thời gian dãn cách xã hội. Lúc gây tai nạn, tiền vệ này đi hai chiếc dép xỏ ngón khác nhau ở hai chân.
Grealish còn là thành viên của nhóm chat trên WhatsApp với các cầu thủ James Maddison, Dele Alli, ben Chilwell, Ross Barkley. Họ đặt tên nhóm là "The Avengers" (Những kẻ báo thù) theo tên một bộ phim phong cách Marvel và thường ăn mừng bàn thắng bằng cách dùng các ngón tay ra dấu chữ A.
Có thể đó là một trò đùa vô hại, nhưng với những người nhạy cảm, "báo thù" là báo thù ai? Có phải những người đã không quan tâm gọi họ vào đội tuyển Anh?
Liệu HLV Southgate có tin dùng Grealish ở trận gặp CH Czech? Ảnh: Reuters.
Dùng Grealish vào đâu hợp lý?
Tất nhiên Southgate là người ngưỡng mộ tài năng, lối chơi thông minh, cách bẻ khóa hàng thủ đối phương sáng tạo của Grealish. Nhưng có vẻ như Southgate chưa biết xếp Grealish vào đâu trên sân.
Ở Aston Villa hai mùa bóng qua, Grealish xuất phát bên cánh trái và được phép tấn công tự do từ vị trí đó. Southgate thấy rằng anh cần phải cạnh tranh với Raheem Sterling, Jadon Sancho, Marcus Rashford.
Grealish cho rằng sai khi xếp anh vào cùng loại với 3 cầu thủ trên. Bản thân là loại cầu thủ có thể thiết đặt nhịp điệu chơi bóng ở trung tâm, giống vị trí số 10 như Maddison, Alli và Mason Mount. Nếu muốn dùng Grealish vị trí này, Southgate sẽ phải điều chỉnh sơ đồ chiến thuật một chút.
Nhưng chủ yếu là Southgate lo ngại năng suất hoạt động khi không có bóng của Grealish. Ông muốn cậu học trò phải gây sức ép nhiều hơn lên đối thủ khi tuyển Anh không cầm bóng, đó lại là điều Mount làm rất hiệu quả.
Không cần chơi ở vị trí số 10, Mount cũng có thể chuyền những đường bóng sát thủ như đường bóng giúp Chelsea hạ Manchester City trong trận chung kết Champions League.
Những cầu thủ chơi tự do như Grealish thực sự là của hiếm trong bóng đá. Những HLV như Pep Guardiola, Thomas Tuchel, Jurgen Klopp có lẽ không thể chọn một cầu thủ không tuân theo một vai trò được chỉ định sẵn với sự kỷ luật cao và phù hợp với tập thể cả đội.
Ở Aston Villa, Grealish có thể là "ban nhạc một người", kiểu cầu thủ "đưa bóng cho anh ta và anh ta sẽ tạo ra điều kỳ diệu". Nhưng ở các đội bóng lớn, liệu anh có thể thích nghi như một con ốc trong cỗ máy?
Đó là điều Southgate chưa tin tưởng về Grealish, cũng là lý do ông chưa đưa anh vào đội hình xuất phát ở 2 trận đầu tiên. Liệu trận cuối vòng bảng, khi Anh đã chắc chân có suất vào vòng sau, Southgate có muốn thử hỗn hợp Grealish với Kane?
Dấu hỏi cho Grealish ở tuyển Anh Jack Grealish thi đấu rất nỗ lực trong trận giao hữu giữa tuyển Anh và tuyển Áo. Song, khả năng anh được điền tên vào đội hình xuất phát tại Euro 2020 vẫn còn để ngỏ. Ở tuổi 25, Grealish chuẩn bị có giải đấu lớn đầu tiên trong màu áo tuyển Anh. Tấm vé dự Euro 2020 là phần thưởng xứng đáng...