Italy tố 300 người Trung Quốc liên quan vụ “rửa” 4,5 tỉ euro
Các công tố viên Italy vừa cáo buộc chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc tại thành phố Milan và gần 300 cá nhân có liên quan tới các vụ việc rửa tiền.
Cáo buộc của các công tố viên tại Florence cho biết đã có khoảng 4,5 tỉ euro (5,1 tỉ USD) được chuyển từ Italy về Trung Quốc. Theo họ, đó là số tiền có được từ những hoạt động kinh doanh bất chính như mại dâm, làm hàng giả, trốn thuế và bóc lột lao động.
Hãng thông tấn hàng đầu của Italy là Ansa cho biết, 4 quản lý cao cấp của Ngân hàng Trung Quốc sẽ bị buộc tội trong vụ việc này.
Video đang HOT
Theo các nhà điều tra, kể từ năm 2007 đến 2010, thông qua chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc tại Milan, 4,5 tỉ euro nói trên đã được giao dịch. Ngân hàng Trung Quốc nhận được khoản hoa hồng 758.000 Euro từ các giao dịch đó.
Cũng theo Ansa, với hàng triệu giao dịch chuyển tiền diễn ra với giá trị mỗi lần chuyển dưới mức 2.000 Euro đã khiến các nhà điều tra tiến hành xem xét vì nhận thấy có dấu hiệu rửa tiền.
Phía Ngân hàng Trung Quốc và chính phủ nước này chưa có phản hồi về vụ việc.
Theo Tuổi Trẻ
Thủ tướng ban hành kế hoạch hành động chống rửa tiền
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020.
Theo kế hoạch, sẽ triển khai các nội dung hành động về xác định các rủi ro và phát triển các chính sách và hợp tác trong nước; rửa tiền và tịch thu tài sản; tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh minh họa
Áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho khu vực tài chính và phi tài chính được chỉ định; tăng cường tính minh bạch và sự sẵn có của các thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi của các pháp nhân và thỏa thuận pháp lý; thiết lập quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền và các biện pháp tổ chức khác; hỗ trợ hợp tác quốc tế...
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan từ năm 2015 đến 2020 phải xây dựng cơ chế tập trung xử lý thông tin liên quan đến rủi ro quốc gia trong các lĩnh vực; tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền theo Bộ luật Hình sự.
Xây dựng và ban hành các hướng dẫn liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền, tài trợ khủng bố; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự... và các văn bản liên quan; đưa nội dung liên quan đến thanh tra về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố vào định hướng chương trình thanh tra hàng năm cho toàn ngành...
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về việc xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền; tham gia chương trình phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đồng thời, bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm và tham nhũng; tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế; khẳng định lập trường và cam kết chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhằm phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Theo D. Tùng (Khám phá)