Ít xáo trộn kỳ review quý II
Cuối tuần này, 2 quỹ ETF ngoại là Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE) sẽ chốt dữ liệu sử dụng đợt tái cơ cấu danh mục (review) quý II-2019. Theo giới phân tích, so với các lần trước đây không có nhiều xáo trộn trong đợt review này.
Đối với những CP đã nằm trong danh mục của VNM ETF, tiêu chí đặt ra để CP không bị loại khỏi danh mục, là tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng dành cho NĐTNN (tỷ lệ room nước ngoài còn lại) phải lớn hơn 5%; quy mô vốn hóa thị trường lớn hơn 75 triệu USD; giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong 3 tháng gần nhất đạt tối thiểu 0,2 triệu USD tại ít nhất 2/3 kỳ review gần nhất (tại kỳ xem xét và trong 2 kỳ review gần nhất); giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất lớn hơn 0,6 triệu USD hoặc có ít nhất 200.000 CP giao dịch hàng tháng trong vòng 6 tháng gần nhất (hoặc 1 trong 2 kỳ review liền trước).
Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), với các tiêu chí trên, nhiều khả năng NT2 (CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2) và DPM (Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất & dầu khí) sẽ bị loại khỏi danh mục của quỹ VNM ETF trong kỳ review lần này, do 2 mã CP này vi phạm các tiêu chí về thanh khoản và quy mô vốn hóa của quỹ.
Đối với những CP nằm ngoài danh mục của VNM ETF, muốn được chọn vào rổ phải đáp ứng các tiêu chí đặt ra, gồm tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng dành cho NĐTNN phải lớn hơn 10%; quy mô vốn hóa thị trường lớn hơn 150 triệu USD và giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất lớn hơn 1 triệu USD. Nếu NT2 và DPM bị loại, số lượng CP trong danh mục của VNM ETF sẽ giảm xuống còn 23 mã.
Như vậy, quỹ sẽ phải thêm mới 2 CP để đáp ứng đủ số lượng CP tối thiểu trong danh mục là 25 CP. Trong kịch bản này, dù chưa đáp ứng được tiêu chí về thời gian giao dịch, nhưng POW (Tổng CTCP Điện lực dầu khí Việt Nam) nhiều khả năng sẽ là CP được VNM ETF lựa chọn, bởi vốn hóa của CP này khá lớn.
Bên cạnh đó, PVS (Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam) có thể sẽ là CP thứ 2 được quỹ thêm mới trong kỳ tái cơ cấu danh mục lần này.
Đối với FTSE, khả năng không có CP nào bị loại ra khỏi danh mục trong kỳ review lần này. Tuy nhiên, ở chiều thêm vào, nhiều khả năng POW sẽ là CP được thêm mới vào danh mục của quỹ FTSE ETF, do CP này hiện đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đề ra. Nếu dự báo này chính xác, POW sẽ chiếm tỷ trọng 1,6% trong danh mục FTSE và được quỹ này mua vào hơn 8,2 triệu CP.
Video đang HOT
Trước đó, POW đã được MSCI Frontier Markets Index thêm vào rổ, sau khi loại 14 mã CP Argentina ra khỏi danh mục, do TTCK của quốc gia này được nâng hạng từ Frontier Markets lên Emerging Markets trong đợt review quý II. Việc Argentina nâng hạng sẽ giúp các thị trường còn lại (bao gồm Việt Nam) được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier Markets Index.
Sau đợt cơ cấu này, số lượng CP trong rổ MSCI Frontier Markets Index sẽ giảm xuống còn 95 CP, bao gồm 11 CP đến từ Việt Nam, gồm VIC (Vingroup), MSN (Masan), VCB (Vietcombank), HPG (Hòa Phát), STB (Sacombank), BVH (Bảo Việt), GAS (PV Gas), BID (BIDV), VNM (Vinamilk), SAB (Sabeco) và POW. Danh mục mới sẽ có hiệu lực từ sau khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 28-5.
Trong đợt review quý II, dự báo 2 quỹ ETF này cũng sẽ mua thêm và bán bớt nhiều mã CP có tác động đến chỉ số, như VNM, MSN, BVH, HPG, STB, VCB, VRE (Vincom Retail), VHM (Vinhomes), PLX (Petrolimex), NVL (Novaland). Trước đây, việc bán ra các CP trong danh mục của 2 quỹ ETF này thường có tác động tới diễn biến giá trên thị trường.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc dự báo kết quả thay đổi của các quỹ khá chính xác, nên các NĐT đã có chuẩn bị và thực hiện trước khiến tác động của đợt review không còn lớn. Thêm vào đó, do thanh khoản thị trường tăng cao, đặc biệt tại nhóm CP vốn hóa lớn, khiến mức độ ảnh hưởng khi bán ra không lớn, nhanh chóng được hấp thụ chỉ trong vòng 1-2 phiên.
Thảo Nguyên
Theo saigondautu.com.vn
Tuần qua, khối ngoại mua ròng đột biến hơn 5.700 tỷ đồng
Cùng với thanh khoản thị trường tăng khá mạnh, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài tuần qua khá sôi động, tuy nhiên tác nhân chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận khủng cổ phiếu lớn VIC. Qua đó, khối ngoại đã có tuần mua ròng đột biến lên tới hơn 5.700 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện 4 phiên bán ròng và duy nhất 1 phiên mua ròng ngày 21/5. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 34,35 triệu đơn vị, giá trị 5.149,18 tỷ đồng; trong khi tuần trước bán ròng 21,17 triệu đơn vị, giá trị 648,29 tỷ đồng.
Trong đó, khối này đã mua vào 142,75 triệu đơn vị với tổng giá trị mua vào đạt 9.376,83 đồng (tăng mạnh 122,39% về lượng và 262,47% về giá trị so với tuần trước); và bán ra với khối lượng 108,4 triệu đơn vị, giá trị 4.227,65 tỷ đồng (tăng gần 27% về lượng và 30,68% về giá trị so với tuần trước).
Trong khi đó, trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 3,07 triệu đơn vị, giảm mạnh 80,64% so với tuần trước; tổng giá trị là mua ròng 142 tỷ đồng, trong khi tuần trước bán ròng 318,16 tỷ đồng.
Cụ thể, khối này đã mua vào với khối lượng 7,82 triệu đơn vị, giá trị 280,99 tỷ đồng (tăng 43,22% về lượng và tăng 160,68% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 10,89 triệu đơn vị, giá trị 138,99 tỷ đồng (giảm 48,92% về lượng và 67,37% về giá trị so với tuần trước).
Tương tự, trên thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2 phiên và bán ròng 3 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 7,88 triệu đơn vị, giá trị 428,48 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng 1,87 triệu đơn vị, giá trị 28,93 tỷ đồng.
Trong đó, khối này đã mua vào 12,91 triệu đơn vị, giá trị 549,88 tỷ đồng (tăng gấp gần 3,9 lần về lượng và tăng gấp gần 4,3 lần về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng hơn 5,03 triệu đơn vị, giá trị 121,4 tỷ đồng (tăng 11,54% về lượng nhưng giảm 8,62% về giá trị so với tuần trước).
Tổng cộng trên cả 3 sàn, khối ngoại đã mua ròng 39,16 triệu đơn vị, giá trị lên tới 5.719,66 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng gần 38,9 triệu đơn vị, giá trị 995,38 tỷ đồng.
Nhìn lại diễn biến mua bán tuần qua:
Trên sàn HOSE, đột biến giao dịch nhà đầu tư nước ngoài tuần qua đến từ thỏa thuận khủng cổ phiếu VIC trong phiên 21/5. Vì vậy, VIC cũng là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với khối lượng 50,76 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 5.733,52 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 2, cổ phiếu PDR được mua ròng gần 3,88 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 87,46 tỷ đồng.
Trái lại, cổ phiếu VNM bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất về giá trị đạt 196,81 tỷ đồng, tương đương khối lượng 1,48 triệu đơn vị. Tiếp đó, HPG bị bán ròng 123,3 tỷ đồng (3,77 triệu đơn vị).
Còn xét về khối lượng, cổ phiếu PVD dẫn đầu danh mục bán ròng với hơn 4,07 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 105,78 tỷ đồng.
Trên sàn HNX cũng có giao dịch đột biến khi PVI liên tiếp được mua ròng mạnh và cũng là cổ phiếu dẫn đầu danh mục trong tuần vừa qua, với khối lượng hơn 7,04 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 255,11 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 2, cổ phiếu BCC chỉ được mua ròng 129.600 đơn vị, giá trị 1,16 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu PVS về giá trị đạt 59,1 tỷ đồng, tương đương khối lượng 2,42 triệu đơn vị. Còn HUT dẫn đầu danh mục bán ròng mạnh về khối lượng với gần 3,67 triệu đơn vị, giá trị 12,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số mã bị bán ròng mạnh khác như SHS bị bán ròng 2,68 triệu đơn vị, giá trị 31,23 tỷ đồng; NTP bị bán ròng 518.989 đơn vị, giá trị 18,2 tỷ đồng...
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Cổ phiếu dầu khí quay lại giai đoạn "hoàng kim"? Có rất nhiều cơ sở để chỉ ra rằng nhóm cổ phiếu dầu khí đang quay lại giai đoạn "hoàng kim" và là một trong những cổ phiếu hứa hẹn đóng vai trò nâng đỡ chỉ số chứng khoán VN-Index. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng kể từ tháng 3 đến...