Ít nhất 27 thành viên thuộc đảng cầm quyền cũ của Bangladesh thiệt mạng
Thi thể các cựu thành viên đảng Liên đoàn Awami của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina đã được phát hiện tại một số thành phố của Bangladesh.
Đụng độ xảy ra giữa hàng chục nghìn người biểu tình và những người ủng hộ Chính phủ Bangladesh ngày 4/8/2024 làm ít nhất 91 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Dhaka Tribune, ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công và bạo lực ở Satkhira sau khi có thông tin bà Sheikh Hasina từ chức thủ tướng rồi rời khỏi Bangladesh ngày 5/8.
Nhà và doanh nghiệp thuộc về các nhà lãnh đạo, nhà hoạt động của đảng Liên đoàn Awam đã bị phá hoại và cướp bóc.
Tại thành phố Cumilla, ít nhất 11 người đã thiệt mạng sau khi bị đám đông tấn công. Sáu người nữa đã thiệt mạng khi nhà của một cựu quan chức Liên đoàn Awami bị đốt cháy.
Các thành viên gia đình của các nhà hoạt động thuộc đảng Liên đoàn Awami cũng nằm trong số những người thiệt mạng.
Vào ngày 5/8, trong bối cảnh hỗn loạn, bà Hasina đã từ chức và rời khỏi Bangladesh. Những người biểu tình đã xông vào nơi ở của bà và tình trạng cướp bóc, đốt phá hàng loạt đã nổ ra trên khắp cả nước.
Chỉ huy quân đội Bangladesh, ông Waker-uz-Zaman, đã xác nhận rằng một chính phủ lâm thời đang được thành lập. Ông kêu gọi chấm dứt bạo lực và hứa rằng chính phủ mới sẽ điều tra tất cả các trường hợp tử vong trong các cuộc biểu tình.
Video đang HOT
Sinh viên đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố của Bangladesh vào đầu tháng 7, yêu cầu bãi bỏ hạn ngạch việc làm cho người thân của những người tham gia cuộc chiến giành độc lập năm 1971. Tình hình ở nước này đã leo thang khi các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn. Các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát trở lại ở thủ đô Dhaka và các thành phố khác của Bangladesh vào ngày 4/8. Theo tờ báo Daily Star, ít nhất 10.000 người đã bị bắt kể từ khi bạo loạn nổ ra. Ít nhất 350 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Tình hình ở Bangladesh đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) tại Bangladesh bày tỏ rất lo ngại trước những thông tin về nhiều vụ tấn công nhằm nhóm thiểu số. Trên mạng xã hội X, Đại sứ EU tại Bangladesh Charles Whiteley nêu rõ những người đứng đầu phái đoàn EU rất lo ngại về nhiều vụ tấn công nhằm vào các nơi thờ tự, các thành viên tôn giáo, sắc tộc thiểu số tại quốc gia Nam Á này. Theo đó, EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, phản đối bạo lực nhằm cộng đồng và bảo vệ quyền con người của tất cả công dân Bangladesh.
Trước những diễn biến bất ổn tại Bangladesh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Bangladesh và hy vọng quốc gia Nam Á sẽ sớm khôi phục ổn định xã hội.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng trong ngày 6/8 thông báo Washington đã ra lệnh di tản các nhân viên chính phủ không thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp và gia đình của họ khỏi Bangladesh trong bối cảnh tình hình bất ổn dân sự đang diễn ra. Trước đó, ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cập nhật cảnh báo đi lại đến Bangladesh, trong đó có lệnh di tản các nhân viên Chính phủ Mỹ không thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp và các thành viên gia đình đủ điều kiện khỏi Dhaka. Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức cảnh báo đi lại liên quan Bangladesh lên “Cấp độ 4 – Không được đi lại” hôm 20/7.
Trong khi đó, truyền thông Bangladesh đưa tin ông Muhammad Yunus, từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2006, sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ lâm thời của nước này.
Theo hãng thông tấn BSS, quyết định được đưa ra tại cuộc họp giữa Tổng thống Mohammed Shahabuddin với người đứng đầu ba cơ quan cùng các thành viên điều phối của Phong trào sinh viên chống phân biệt đối xử để hoàn tất bộ khung của chính phủ lâm thời trong tối 6/8.
Trao đổi với BSS, Thư ký báo chí của Tổng thống Joynal Abedin cho biết Tổng thống Shahabuddin đã nhất trí với đề xuất tại hội nghị và các thành viên khác của chính phủ lâm thời sẽ được hoàn chỉnh trong sự tham vấn với các chính đảng khác.
Cũng theo BSS, phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Shahabuddin khẳng định Bangladesh đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc và để giải quyết vấn đề, chính phủ lâm thời cần phải được thành lập càng sớm càng tốt. Ông cũng hối thúc tất cả các bên cùng nhau chung tay giải quyết khủng hoảng.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Shahabuddin đã giải tán Quốc hội, mở đường cho việc thành lập một chính phủ lâm thời một ngày sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi Bangladesh.
Thủ tướng Sheikh Hasina và cuộc bầu cử tiếp theo
Sau 3 nhiệm kỳ liên tiếp, đây là thời điểm Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cảm thấy lo lắng nhất cho sự nghiệp chính trị của mình.
1. Thủ tướng Sheikh Hasina, năm nay đã 76 tuổi. Bà nắm quyền điều hành Chính phủ Bangladesh từ năm 2009 sau nhiệm kỳ trước đó từ năm 1996 đến năm 2001. Bà là nữ lãnh đạo chính phủ tại vị lâu nhất thế giới hiện nay. Bà thắng nhiều cuộc bầu cử hơn các nữ nguyên thủ nổi tiếng khác như Margaret Thatcher hay Indira Gandhi và đang hướng tới cuộc bầu cử thứ 9 trong sự nghiệp của mình vào tháng 1/2024. Tại đó, bà vẫn đủ tự tin sẽ giành lấy nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp của mình. "Tôi tin tưởng rằng mọi người luôn ở bên tôi", bà Hasina tự tin trả lời Báo Time trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9/2023 khi bà được chọn là nhân vật trang bìa trong tháng của tờ báo này.
Thủ tướng Sheikh Hasina đứng trước bức ảnh người bố của bà.
Bà Sheikh Hasina là con gái của Sheikh Mujibur Rahman, nhà lãnh đạo phong trào độc lập của Bangladesh. Bà bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1975, sau khi cha mình bị ám sát, kế thừa vị trí lãnh đạo đảng chính trị có tên gọi Liên đoàn Awami (AL) do cha mình sáng lập từ đó đến nay để đối đầu với đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) do đối thủ chính trị lớn nhất của mình cũng là một người phụ nữ nổi tiếng khác, bà Khaleda Zia (cựu Thủ tướng Bangladesh giai đoạn 2001-2006) lãnh đạo. Sự cứng rắn của bà Hasina đã giúp bà khuất phục những lực lượng chống đối bao gồm cả quân đội sau cuộc đảo chính từng đẩy bà vào tù tháng 7/2007. Nhờ sự ủng hộ của người dân, bà Hasina đã ra tù và quay trở lại lãnh đạo chính phủ từ sau thắng lợi của cuộc bầu cử năm 2009. Giai đoạn này chứng kiến một thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở quốc gia 170 triệu dân này.
Thành tựu kinh tế của bà Hasina rất ấn tượng. Bangladesh đã đi từ chỗ chật vật để nuôi sống người dân trở thành một nước xuất khẩu lương thực lớn với GDP tăng từ 71 tỷ USD năm 2006 lên 460 tỷ USD vào năm 2022, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Nam Á, sau Ấn Độ. Các chỉ số xã hội cũng được cải thiện, với 98% trẻ em gái ngày nay được học tiểu học. Bangladesh đang chuyển sang sản xuất công nghệ cao, cho phép các công ty quốc tế như Samsung tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Quốc gia này đang nổi lên như một công xưởng của thế giới. Bà Hasina tự hào rằng hiện nay ở Bangladesh "mọi người đều có điện thoại di động" và quốc gia này dự kiến thoát khỏi nhóm các quốc gia kém phát triển nhất của Liên hợp quốc vào năm 2026.
2. Chính trị Bangladesh là một câu chuyện phức tạp. Cựu Tổng thống Sheikh Mujibur Rahman, người được mệnh danh là "Người cha của dân tộc" bị ám sát cùng 17 người thân trong gia đình vào năm 1975 sau một cuộc đảo chính của quân đội. Bà Hasina sống sót vì đang ở châu Âu vào thời điểm đó. Bà chỉ được về nước năm 1978 khi tướng Ziaur Rahman, một lãnh đạo quân đội nổi tiếng từ cuộc chiến giành độc lập trở thành tổng thống và khôi phục nền chính trị tự do. Ông Ziaur Rahman là người sáng lập đảng BNP, hiện do vợ của ông làm lãnh đạo. Ông Rahman cũng bị ám sát bởi một nhóm sĩ quan dưới quyền năm 1981.
Bà Khaleda Zia hiện sức khỏe đã yếu.
Trong nửa thế kỷ, hai gia đình do hai người phụ nữ đứng đầu đã vướng vào một mối hận thù sâu sắc. Cả hai gia đình từng đứng bên nhau trong cuộc đáu tranh giành độc lập nhưng những khúc mắc sau đó đã khiến họ trở thành đối thủ của nhau. Tướng Ziaur Rahman bị cho là có liên quan đến cuộc đảo chính và ám sát ông Mujibur. Cuộc đối đầu chính trị giữa AL và BNP trong 40 năm qua đã khiến họ trở thành hai thế lực như nước với lửa. Họ thay nhau lãnh đạo chính phủ ở đất nước này từ năm 1991 tới nay dù có một giai đoạn ngắn từ 2006-2008 đều bị loại bỏ bởi sự can thiệp của quân đội. Tuy nhiên, sau đó sự nắm quyền của AL trong thời gian dài (14 năm liên tiếp) đã đem đến nhiều chỉ trích vì sự mất dân chủ. Trong 2 kỳ bầu cử gần nhất năm 2014 và 2019, AL đều nhận được hơn 80% phiếu bầu cùng những cáo buộc gian lận.
Trong khi bà Hasina gọi BNP là một "đảng khủng bố", "không bao giờ tin vào dân chủ", nhấn mạnh rằng đảng này được thành lập bởi một lãnh đạo quân đội và người lãnh đạo hiện tại của nó, "Khalid Zia cai trị như một nhà độc tài quân sự". Phe AL nhấn mạnh bạo lực mà những người ủng hộ BNP đã gây ra bằng những cuộc tấn công đốt phá sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2019 là có tổ chức. Ngược lại, BNP chỉ ra sự đàn áp có hệ thống của chính quyền đối với đảng của họ và những cáo buộc chống lại các lãnh đạo của đảng này. Hiện, bà Zia và nhiều lãnh đạo của BNP đang bị quản thúc hoặc bỏ tù vì cáo buộc tham nhũng.
Bạo lực trở thành một phần trong văn hóa chính trị ở Bangladesh.
Thực tế, việc xung đột và đổ máu là điều phổ biến ở Bangladesh. Meenakshi Ganguly, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi nhân quyền châu Á cho biết: "Chính trị Bangladesh thường bao gồm bạo lực đường phố" và "điều đó đúng với tất cả các đảng chính trị lớn". Chính vì thế, mỗi mùa bầu cử luôn trở nên rất hỗn loạn.
3. Chính phủ của bà Hasina có những thành tích kinh tế tốt nhưng không phải không có những điểm khiến cho họ bị chỉ trích. Đại dịch COVID và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến nền kinh tế Bangladesh bị thâm hụt nghiêm trọng vì quá phụ thuộc vào xuất khẩu.
Trong năm tài chính 2021-2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã chậm hơn nhập khẩu 10%. Muinul Islam, một giáo sư kinh tế tại Đại học Coventry, lo ngại rằng thâm hụt thương mại có thể tăng lên trong những năm tới do nhập khẩu đang tăng với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu. "Nhập khẩu của chúng tôi dự kiến đạt 85 tỷ USD năm nay, trong khi xuất khẩu sẽ không quá 50 tỷ USD. Mức thâm hụt thương mại 35 tỷ USD không thể được bù đắp chỉ bằng kiều hối. Chúng tôi sẽ phải đối mặt với khoản thiếu hụt khoảng 10 tỷ USD", vị chuyên gia trên phát biểu. Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng dự trữ ngoại hối của Bangladesh đã giảm từ 48 tỷ USD xuống còn 42 tỷ USD trong 8 tháng qua, lo ngại rằng chúng có thể giảm thêm trong những tháng tới, có nguy cơ dẫn đến phá giá đồng nội tệ của nước này.
Islam cũng chỉ trích chính phủ khi tăng cường đầu tư với những dự án lớn nhưng không hiệu quả mà ông gọi là "dự án voi trắng". Theo Islam, những "dự án không cần thiết" này có thể gây ra rắc rối khi đến thời điểm trả nợ. Ông nói: "Chúng tôi đã vay 12 tỷ USD từ Nga cho một nhà máy điện hạt nhân có công suất sản xuất chỉ 2.400 MW. Chúng tôi có thể trả nợ trong 20 năm nhưng số tiền trả góp sẽ là 565 triệu USD mỗi năm từ năm 2025. Đây là một ví dụ tồi tệ về các dự án voi trắng". Theo ước tính của các khoản vay nước ngoài, tổng cộng, quốc gia này có thể sẽ phải trả 4 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2024. Lạm phát khiến giá cả tăng vọt, đặc biệt là sau những trận thiên tai lớn từ cuối năm 2022 tới nay khiến cho tình hình càng thêm khó khăn. Nazneen Ahmed, nhà kinh tế tại Văn phòng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ở Dhaka cho biết những người nghèo đang chịu thiệt hại nặng nề nhất vì giá cả tăng chóng mặt. Tham nhũng cũng là vấn nạn phổ biến trong chính quyền Bangladesh. Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp Bangladesh đứng thứ 147 trên 180 quốc gia tham nhũng nhất trên toàn thế giới, ở châu Á, họ chỉ đứng trên Afghanistan do chính quyền Taliban lãnh đạo. Đó có lẽ là những nguyên nhân chính khiến cho một làn sóng chống lại chính phủ AL bùng phát trong thời gian gần đây.
4. Những cuộc biểu tình lớn chống chính phủ do BNP phát động đã diễn ra từ tháng 12/2022 tới nay. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình ở thủ đô Dhaka hôm 28/7/2023 với hàng chục nghìn người tham gia yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và nhường chỗ cho chính quyền chuyển tiếp trung lập giám sát cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào đầu năm tới. Các tổ chức quốc tế cũng bày tỏ lo ngại và muốn tham gia vai trò giám sát cho cuộc bầu cử này.
Cuộc bầu cử năm 2024 tại Bangladesh sẽ được giám sát quốc tế.
Thủ tướng Hasina từ chối mọi yêu cầu và chính phủ đã dùng những biện pháp mạnh để dập tắt những cuộc biểu tình này. Hơn 8.000 nhân viên an ninh đã được huy động để giám sát hoạt động này. Chống lại những cáo buộc dành cho mình, bà Hasina tuyên bố "có DNA dân chủ trong máu của mình" khi nói về cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của quân đội và đòi quyền bầu cử cho người dân từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bà Hasina khẳng định: "Quyền bầu cử, quyền ăn uống. Đó là khẩu hiệu của chúng tôi".
Nói về cuộc bầu cử sắp tới, bà Hasina giới thiệu các thùng phiếu và giấy đăng ký có dữ liệu sinh trắc học như là bằng chứng cho cam kết của bà đối với bầu cử tự do. Tuy nhiên, ai cũng biết, với người phụ nữ đã cầm quyền xuyên qua 3 thập kỷ, bà sẽ không dễ dàng để cho những đối thủ loại bỏ mình, cho dù là trong một cuộc bầu cử được giám sát quốc tế
Bangladesh trả tự do cho cựu Thủ tướng Khaleda Zia Ngày 6/8, cựu Thủ tướng Bangladesh Khaleda Zia đã được trả tự do sau nhiều năm bị quản thúc tại gia. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước. Cựu Thủ tướng Khaleda Zia. Ảnh: AFP/TTXVN Theo tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Mohammed Shahabuddin, Chủ tịch đảng Dân tộc Bangladesh (BNP),...