ISW: Nga cân nhắc về một ‘chương trình hành động nguy hiểm nhất’ trong xung đột Ukraine
Động thái xây dựng lực lượng quân sự của Nga ở Belarus đang bị nhìn nhận như là một phần trong kế hoạch của Moskva, nhằm mở ra cuộc tấn công miền Bắc Ukraine, trong đó có thể tập trung vào thủ đô Kiev.
Binh sĩ Ukrainia trên xe tăng T-72 làm nhiệm vụ tại thành phố Bakhmut, miền Đông Ukraine, ngày 21/12. Ảnh: AFP
Đó là những đánh giá mới nhất vừa được Viện Nghiên cứu Chiến tranh ( ISW), tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, đưa ra ngày 23/12.
Hiện tại các chính phủ phương Tây lo ngại Nga muốn mượn sức mạnh của Belarus để tăng tốc trên chiến trường Ukraine, thay vì mục đích diễn tập và huấn luyện quân sự đơn thuần.
Tạp chí Newsweek cũng dẫn lời một số nhân vật đối lập Belarus nói rằng những nỗ lực lôi kéo Belarus can dự trực tiếp hơn vào cuộc xung đột sẽ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ.
Mỹ và các đồng minh trong khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang hết sức cảnh giác trường hợp Belarus được sử dụng làm bàn đạp cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, đặc biệt là khi binh lính và thiết bị quân sự của Nga đang tập trung trên lãnh thổ Belarus, giáp biên giới với Ukraine.
Mặc dù Minsk vẫn tránh tham gia trực tiếp vào cuộc chiến này, nhưng đó cũng là cơ hội “ngàn vàng” để Tổng thống Lukashenko thử nghiệm khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước mình.
ISW nói rằng Moskva đã cân nhắc về một “chương trình hành động nguy hiểm nhất” (MCDOA) mới từ hồi tháng 10 và nhiều khả năng việc Nga tăng hiện diện quân sự ở Belarus là lời báo hiệu về kế hoạch của một cuộc tấn công mới.
Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy Moskva đang chuẩn bị một lực lượng tấn công ở Belarus hay âm mưu tiến quân vào Ukraine từ nước láng giềng của cả hai nước này.
IWS cho rằng điều đó ít nhất không thể xảy ra vào mùa đông này, do cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Ngày 26 – 27/12, dự kiến Tổng thống Putin sẽ gặp Tổng thống Lukashenko ở St. Petersburg nhân cuộc họp của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), nhóm các quốc gia hậu Xô Viết do Moskva lãnh đạo.
ISW nhận định các cuộc đàm phán này sẽ thúc đẩy hoạt động thông tin của Nga xung quanh MDCOA, ngay cả khi cuộc họp này không hỗ trợ trực tiếp cho quá trình chuẩn bị.
Theo tổ chức tư vấn của Mỹ, loạt sự kiện của nhóm CIS được thiết kế để thiết lập tính hợp lý cho MCDOA và là diễn biến tiếp theo sau thông báo của Bộ Quốc phòng Nga rằng họ có một bệnh viện dã chiến ở Belarus, nơi có thể phát đi tín hiệu chuẩn bị chiến đấu.
Ông Franak Viacorka, cố vấn chính trị của lãnh đạo phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya, nói với Newsweek rằng khả năng Belarus tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine vẫn còn rất thấp.
Video đang HOT
Vị cố vấn này tin rằng ông Lukashenko sẽ tiếp tục cung cấp sân bay, bệnh viện, lãnh thổ, thông tin tình báo và hỗ trợ chính trị cho Nga, nhưng cùng lúc đó sẽ làm mọi thứ có thể để quân đội Belarus không phải trực tiếp hành động.
Theo ông Viacorka, hiện số lượng binh sĩ và thiết bị của Nga ở Belarus chưa đủ để tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine từ Belarus, nhưng họ sẽ có thể triển khai trong một vài tháng tới.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận về cáo buộc kể trên.
Những tuần gần đây, Belarus đã công bố một loạt hoạt động quân sự, trong đó có hoạt động kiểm tra khả năng sẵn sàng và đợt triển khai quân đội Nga tới nước này.
Các cuộc diễn tập trên đã khiến giới chức Ukraine và phương Tây cho rằng Nga có thể đang lên kế hoạch tấn công vào Ukraine thông qua lãnh thổ Belarus.
Ngày 22/12, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết các cuộc tập trận gần đây không nhằm vào Ukraine và bác bỏ thuyết âm mưu liên quan động thái triển khai lực lượng vũ trang Belarus tại biên giới.
Về phần mình, Điện Kremlin phủ nhận ý kiến cho rằng ông Putin muốn thúc đẩy Belarus đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc xung đột.
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những thông tin như vậy là vô căn cứ và ngớ ngẩn.
Lý do Nga và Ukraine tập trung lực lượng, biến Bakhmut thành chiến trường ác liệt nhất hiện nay
Từ quan điểm quân sự, Bakhmut không có ý nghĩa chiến lược, nhưng giờ đây Bakhmut đã trở thành chiến trường chính với việc cả Ukraine và Nga đều đổ quân, xe tăng và pháo binh về đây.
Lính pháo binh Ukraine ở tiền tuyến Bakhmut tháng 11/2022. Ảnh: Getty Images
Đạn pháo của Nga dội xuống ngày càng gần hơn khi bà Ludmyla Bondarenko và bà Zoya Shilkova, mặc áo khoác lông bên ngoài nhiều lớp quần áo, ngồi trên chiếc ghế dài bên ngoài khu chung cư của họ, hít thở không khí trong lành vào một buổi chiều lạnh giá giữa những gì còn sót lại ở Bakhmut, thành phố miền đông Ukraine.
Tại một giao lộ gần đó, quân đội Ukraine đã sử dụng cần cẩu để đặt các tấm bê tông, gia cố cho khu phố. Ba chiếc xe tăng mới đến gầm rú chạy qua, với những lá cờ màu xanh và vàng phấp phới trên tháp pháo. Có thể nghe thấy tiếng súng máy ngắt quãng từ xa giữa những tiếng pháo nổ.
Bà Bondarenko, 76 tuổi, nói khi chỉ vào miệng hố gần đó do một quả đạn pháo để lại: "Chúng tôi đã quá quen với việc đó rồi, không còn chú ý nhiều nữa. Nó đã diễn ra trong nhiều tháng. Khi nào mới kết thúc đây?"."Có lẽ sẽ không bao giờ kết thúc," bà bạn Shilkova, 75 tuổi, trả lời.
Khu căn hộ của họ không có hệ thống sưởi, điện hay nước sinh hoạt từ nhiều tháng nay. Thực phẩm có sẵn duy nhất là từ các tình nguyện viên. "Đó là một thảm họa nhân đạo. Đó là cách chúng tôi đang sống", bà Bondarenko nói.
Người phụ nữ gạn nước mưa trong vũng, gần tòa nhà bị pháo kích hư hại nặng ở Bakhmut, Ukraine. Ảnh: AFP/Getty Images
Các lực lượng Nga và Ukraine đã giao tranh để giành giật Bakhmut, một thành phố 70.000 dân trước xung đột, nổi tiếng với rượu vang sủi tăm, trong gần sáu tháng nay.
Tiếng súng nổ hàng ngày đã biến trung tâm thành phố một thời thanh lịch thành một chuỗi các mặt tiền bị phá hủy nham nhở, vô số mảnh vỡ vương vãi trên đường phố giữa những chiến hào mới đào và hàng rào chống tăng.
Quân Nga đã tiến đến vùng ngoại ô phía Đông của Bakhmut vào đầu tháng 7/2022, sau cuộc tấn công thành công của họ, chiếm được thành phố Lysychansk và Severodonetsk gần đó. Kể từ đó, làn sóng xung đột đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Kiev ở những nơi khác trong nước, khi các lực lượng Ukraine đánh bật quân đội Nga khỏi các khu vực rộng lớn ở Kharkiv, Donetsk và Kherson vào tháng trước.
Giờ đây, Bakhmut đã trở thành chiến trường chính của cuộc xung đột, với việc Ukraine và Nga đều đổ quân, xe tăng và pháo binh vào một cuộc tập trung hỏa lực hiếm thấy kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu khoảng 10 tháng trước. Ukraine và các nước phương Tây cho rằng lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga đã tham gia tấn công Bakhmut, bên cạnh hàng nghìn tân binh mà Moskva mới động viên hồi tháng 10.
Tương lai của Bakhmut rất quan trọng đối với Prigozhin, ông chủ của Wagner, người từng ca ngợi Wagner là lực lượng chiến đấu tốt nhất của đất nước và cam kết sẽ chiếm được thành phố này.
Binh sĩ Ukraine bắn súng cối về phía đối phương tại Bakhmut. Ảnh: AP
Với Tổng Tư lệnh lực lượng liên hợp Nga tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine", Tướng Sergey Surovikin, trận chiến Bakhmut cũng là một bài kiểm tra quan trọng. Được bổ nhiệm vào đầu tháng 10, Tướng Surovikin đã biện minh cho việc rút quân khỏi Kherson vào tháng trước một phần bằng cách viện dẫn nhu cầu sử dụng lực lượng được rút cho các hoạt động tấn công ở những nơi khác.
Fedir Venislavskiy, một thành viên của Ủy ban An ninh quốc gia, quốc phòng và tình báo của Quốc hội Ukraine, nhận xét: "Surovikin phải thể hiện một số chiến thắng sau khi được bổ nhiệm. Điều mà giới lãnh đạo quân sự và chính trị Nga vô cùng mong muốn là chiếm được Bakhmut. Và đó là lý do tại sao cả Surovikin và Prigozhin đều dốc toàn lực vào đó."
Tính toán của Ukraine cũng không hoàn toàn dựa trên cơ sở quân sự. Bởi nếu Bakhmut thất thủ, thị trấn Chasiv Yar nằm ngay phía Tây của nó có thể cung cấp một tuyến phòng thủ thuận tiện cho 40% khu vực Donetsk do Ukraine kiểm soát mà Nga tuyên bố đã sáp nhập.
"Từ quan điểm quân sự, Bakhmut không có ý nghĩa chiến lược", chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine, Đại tá Oleksandr Syrsky, cho biết trong một lần xuất hiện trên truyền hình Ukraine trong tháng 12 này. "Nhưng, nó lại có ý nghĩa tâm lý".
Một cuộc rút lui khỏi Bakhmut sẽ báo hiệu Ukraine mất thế chủ động sau bốn tháng tiến công ổn định, trong khi nâng cao tinh thần của Nga và khiến việc theo đuổi các cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine ở Donetsk và khu vực Luhansk gần đó trở nên khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao, trong ba tuần qua, Ukraine đã mạnh mẽ đưa quân và thiết bị mới vào khu vực này.
Trong phần lớn cuộc giao tranh ở Bakhmut, Ukraine thường cố gắng tránh các trận đánh dàn quân, nơi cả hai bên đều tập trung nguồn lực của mình, nhận thức được rằng kiểu chiến tranh này có thể mang lại lợi thế cho Nga.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky (phải) trao huy chương Nhà nước cho một binh sĩ trong chuyến thăm của ông tới Bakhmut, ngày 20/12. Ảnh: AFP/Văn phòng TT Ukraine
"Một số điều khiến chúng tôi mạnh mẽ, chẳng hạn như tính độc lập, chủ động, khả năng hành động ngay cả khi không có mệnh lệnh rõ ràng, cũng có thể trở thành điểm yếu của chúng tôi khi nhiều đơn vị ở cùng một địa điểm và mỗi đơn vị lại có quan điểm riêng", Mykola Volokhov, một chỉ huy đơn vị trinh sát máy bay không người lái Terra, nói. Đơn vị của Volokhov được điều đến Bakhmut từ mặt trận Kherson trong tháng này. "Kết quả ở Bakhmut sẽ phụ thuộc vào khả năng phối hợp giữa các lực lượng của chúng tôi", Volokhov nói thêm.
Một phần khác quyết định trận chiến Bakhmut là những gì xảy ra trên mặt trận Kreminna-Svatove ở phía Bắc, nơi các hoạt động tấn công của Ukraine đã bị sa lầy theo đúng nghĩa đen do điều kiện thời tiết khiến họ không thể vượt qua những con đường lầy lội. Tuy nhiên, các chỉ huy Ukraine cho biết, nhiệt độ đang giảm kéo dài có thể sẽ làm mặt đất đóng băng và cho phép các lực lượng Ukraine tiếp tục đẩy mạnh về phía Đông.
Nếu thành công, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho hậu phương quân Nga đang tấn công Bakhmut, có khả năng buộc họ phải rút lui.
Ngược lại, những bước tiến của Nga ở Bakhmut, nếu đến trước, sẽ làm giảm áp lực của Ukraine đối với Kreminna và Svatove.
Cách tiếp cận ban đầu của Nga ở Bakhmut trong mùa hè là dội mưa pháo hạng nặng vào thành phố, trước khi tổ chức tấn công bằng bộ binh. Đó là cách Nga chiếm thành phố Mariupol vào tháng 5, và cách họ chiếm Severodonetsk và Lysychansk vào tháng 6 và tháng 7. Tuy nhiên, nhiều tháng giao tranh ác liệt gần Bakhmut chỉ mang lại những lợi ích hạn chế cho phía Nga.
Một chỉ huy của khẩu đội lựu pháo Akatsiya 152 mm của Ukraine, mang biệt danh là "Captain", nói rằng cường độ hỏa lực của Nga ở Bakhmut những ngày này thấp hơn nhiều so với những gì anh đã trải qua ở mặt trận Kherson trước khi tái triển khai đến đây vào đầu tháng 12.
"Chúng tôi tập trung rất nhiều pháo binh ở đây" - "Đại úy" nói khi một khẩu lựu pháo M109 Paladin do Mỹ sản xuất, đặt phía sau anh khai hỏa. "Và tôi đoán người Nga đang bắt đầu hết đạn."
Binh sĩ Ukraine trong chiến hào ở Bakhmut. Ảnh: NYT
Cố gắng chiếm được các vị trí của Ukraine, lực lượng Wagner đang điều hết làn sóng này đến làn sóng khác các tay súng xông lên.
Trong khi đó, người Ukraine cũng đang gánh chịu thương vong ở đây. Tại một cơ sở y tế tạm thời được thành lập ở ngoại ô thành phố, sau khi bệnh viện dã chiến ở trung tâm Bakhmut liên tục bị pháo kích và đóng cửa, những chiếc túi nhựa đựng thi thể đang chất đống, chờ vận chuyển.
Mặc dù bị quân Nga bao vậy, cho đến nay ít nhất ba con đường tiếp tế chính cho Bakhmut vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Giao thông quân sự ra vào Bakhmut bất cứ lúc nào, với đạn dược, nhiên liệu và thực phẩm được chuyển đến tiền tuyến và binh sĩ luân phiên đổi ca tại các vị trí chiến đấu đến các tiền đồn ở phía sau.
Khoảng 1/10 dân số Bakhmut trước xung đột vẫn ở lại thành phố. Họ gồm nhóm những người ủng hộ Moskva đang chờ Nga tiếp quản, những người quá nghèo, già yếu hoặc ốm yếu không thể rời đi, và những người Ukraine tin tưởng vào khả năng bảo vệ thành phố của quân đội Ukraine.
Tetiana Shcherbak là một y tá điều hành Trung tâm Phục hồi mới của Bakhmut được mở trong một cửa hàng bỏ hoang hồi đầu tháng 12. Ở đó, các tình nguyện viên phân phát trà, cà phê, thức ăn nóng và một số loại thuốc cho người dân địa phương.
Theo Tetiana Shcherba, sự giúp đỡ chính mà mọi người cần ở đây là giúp đỡ về mặt tâm lý và nó không đơn giản chút nào. Ở trung tâm, ít nhất mọi người có thể nói chuyện với nhau, xem tin tức trên TV và điều đó giúp họ dễ dàng tồn tại hơn.
Điện Kremlin lên tiếng về tin đồn 'vô căn cứ', 'ngớ ngẩn' liên quan tới Belarus và xung đột Ukraine Điện Kremlin bác bỏ tuyên bố rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gây áp lực buộc Belarus đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại cuộc gặp ở Minsk ngày 19/12. Ảnh: AFP/TTXVN Theo kênh Al Jazeera, Tổng thống Vladimir Putin đã đến thăm...