Israel và kế hoạch tấn công Iran
Nguy cơ Israel tấn công Iran tạm thời được hóa giải nhưng Tel Aviv được cho là đã chuẩn bị và thậm chí tập dượt sẵn sàng để hành động khi cần thiết.
Chiến đấu cơ Israel trong một cuộc trình diễn tại căn cứ không quân Hatzerim ở miền nam nước này – Ảnh: Reuters
Một cuộc tấn công của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran sẽ như thế nào? Đây là một trong những câu hỏi kéo theo nhiều hệ lụy nhất trong các vấn đề quốc tế suốt phần lớn thập niên qua và lời giải đáp có thể là tác nhân kích hoạt một cuộc chiến tranh giữa 2 cường quốc quân sự tại khu vực Trung Đông.
Israel đã tiến gần đến một hành động tấn công chương trình hạt nhân của Iran đến mức nào? Và nếu Israel tung một đòn tấn công phủ đầu vào những cơ sở hạt nhân của Iran, một chiến dịch như thế có thể diễn tiến ra sao?
Đích ngắm Fordow
Một bài báo gây chú ý của phóng viên kỳ cựu Adam Entous trên báo Mỹ The Wall Street Journal mới đây đã cung cấp một lời giải đáp khả dĩ. Theo Entous, Israel đã hoạch định một cuộc tấn công táo bạo của lính biệt kích nhằm vào cơ sở hạt nhân Fordow của Iran vào đầu những năm 2010.
Fordow là nơi tập trung 2.700 máy ly tâm dùng cho hoạt động làm giàu uranium và nằm sâu bên trong một ngọn núi tại căn cứ của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). “Các máy bay chở hàng sẽ đáp xuống Iran và những biệt kích Israel đi theo sẽ làm nổ tung các cửa và xâm nhập vào trong thông qua lối đi có mái che của Fordow. Người Israel muốn phá hoại cơ sở hạt nhân quan trọng này từ bên trong”, nhà báo Entous viết, dẫn lời một quan chức cao cấp của Mỹ.
Vào năm 2011, Israel đã tỏ rõ sự nghiêm túc với kế hoạch xâm nhập không phận Iran trong tiến trình chuẩn bị tấn công nước này. Lo lắng tăng cao ở Nhà Trắng sau khi giới chức cấp cao của Mỹ nhận được thông tin tình báo rằng các máy bay của Israel đã bí mật vào ra không phận của nước Cộng hòa Hồi giáo hồi năm 2012, trong một nỗ lực được Washington xem là hành động tập dượt cho một cuộc tấn công của lực lượng biệt kích Israel vào cơ sở Fordow.
Video đang HOT
Cuộc tập dượt này cũng đồng thời thể hiện ý đồ cũng như năng lực quân sự của Tel Aviv với chính quyền Mỹ khi đó đang trong quá trình khơi mở các cuộc đàm phán hạt nhân bí mật với Tehran thông qua Oman. Và người được Nhà Trắng ủy thác thực hiện sứ mệnh này là ông John Kerry, khi đó còn là thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, người Mỹ cũng không xem thường nguy cơ xảy ra một cuộc không kích của Israel nên đã điều chỉnh sự bố trí phòng thủ tại vùng Vịnh bằng việc điều một tàu sân bay thứ hai đến đó, theo The Wall Street Journal.
Cho đến thời điểm thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào tháng 7 qua, một cuộc tấn công nhằm vào Iran của Israel đã trở thành một trong những kịch bản giả định khơi gợi tò mò nhưng cũng gây lo ngại nhất trong nền chính trị thế giới. Giới chức Israel thường lập luận rằng nước họ có đủ khả năng tung ra một cuộc tấn công vốn sẽ phá hủy hoặc làm tê liệt đáng kể nhiều cơ sở hạt nhân của Iran.
Tờ The New York Times đưa tin vào tháng 10.2012, Israel đã phá hủy một cơ sở vũ khí có liên quan đến Iran ở Khartoum, thủ đô của Sudan, cách biên giới của Israel một khoảng xa tương tự các cơ sở hạt nhân quan trọng nhất của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Bên thứ ba
Tạp chí Mỹ The Atlantic trước đó cũng đăng bài trình bày những điều kiện tất yếu cho một cuộc tấn công thành công của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran. Theo tác giả Jeffrey Goldberg, do Israel không có oanh tạc cơ chiến lược nên các chiến đấu cơ của nước này phải sử dụng không phận Ả Rập Xê Út để bay đến Iran trong khi phải đảm bảo nhiên liệu được nạp đầy đủ để quay trở về căn cứ.
Một số máy bay của Israel có thể phải đáp xuống Ả Rập Xê Út để tiếp nhiên liệu, hoặc thậm chí sử dụng một căn cứ tạm thời trên sa mạc làm điểm tập kết. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu trong đợt tập dượt ra vào không phận Iran hồi năm 2012 như phát hiện của tình báo Mỹ mà tờ The Wall Street Journal đã đề cập, các máy bay của Israel có băng qua không phận của Ả Rập Xê Út hay không.
Bài báo của cây bút Entous không giải đáp câu hỏi trên, nhưng hồi tháng 2 năm nay, trang tin Washington Free Beacon dẫn nguồn từ kênh truyền hình Channel 2 của Israel cho biết Ả Rập Xê Út “sẵn sàng cho phép” chiến đấu cơ Israel bay qua lãnh thổ nước này để oanh tạc các cơ sở hạt nhân của Iran khi cần thiết.
Cả Tel Aviv lẫn Riyadh có chung mối lo ngại chiến lược đối với việc Tehran không ngừng khuếch trương ảnh hưởng trong khu vực cũng như khả năng nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này. Mối lo của Israel tập trung vào những lời đe dọa xóa sổ Nhà nước Do Thái của giới lãnh đạo tại Tehran, trong khi Ả Rập Xê Út, vương quốc theo đạo Hồi dòng Sunni, coi Iran thuộc dòng Hồi giáo Shiite là đối thủ. Theo nguồn tin trên, Tel Aviv và Riyadh chia sẻ cho nhau thông tin tình báo liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran và đều “đứng ngồi không yên” trước những nhượng bộ của phương Tây trong thỏa thuận hạt nhân được thương thảo với Iran.
Hậu quả khó lường
Như nhận định của cây bút Goldberg, với Israel, chỉ tập kích các cơ sở hạt nhân của Iran không thôi là chưa đủ. Sứ mệnh của Nhà nước Do Thái còn phải bao gồm hoạt động trên bộ nhằm thu thập bằng chứng về một cuộc không kích thành công.
Những hậu quả của một cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào các cơ sở của Iran, vốn có thể cần đến một chiến dịch quân sự tinh vi nhất trong lịch sử Israel, là không thể đoán định. Có thể một cuộc tấn công vào lãnh thổ Iran sẽ khơi mào vòng xoáy bạo lực, trong đó những chiến binh ủng hộ hoặc có liên hệ với Iran sẽ tấn công các lợi ích của Israel và Mỹ, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ tung những đòn tấn công vào các mục tiêu của Ả Rập Xê Út để trả đũa sự hợp tác giữa nước này với Israel, và các tay súng Hezbollah thân Iran ở Li Băng mở cửa kho chứa 200.000 rốc két để dội xuống Nhà nước Do Thái.
Hoặc có thể Iran do lo ngại sẽ không vội vàng trả đũa mà cố gắng hạn chế thiệt hại sau một đòn tấn công trực tiếp vào một trong những cơ sở chiến lược quan trọng nhất của nước này. Cơ sở cho nhận định này là việc Iran cho đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng” về những vụ xâm nhập không phận mà Israel bị cáo buộc đã thực hiện cách đây 3 năm, qua đó cho thấy rõ ràng Israel đã “bắt bí” phòng không Iran. Các nước láng giềng của Iran là Iraq thời Saddam Hussein và Syria đã không trả đũa khi Israel tung đòn không kích phá hủy các lò phản ứng hạt nhân của các nước này lần lượt vào các năm 1981 và 2007.
Tuy nhiên, giới chức chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama có đủ lo ngại về hậu quả khó lường từ một cuộc tấn công của Israel vào Iran nên đã biến việc ngăn chặn một hành động như thế từ đồng minh “khó bảo” ở Trung Đông thành một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Theo tiết lộ trong bài báo của Entous, Mỹ đã không cung cấp thông tin cho Israel về tiến độ đàm phán với Iran do lo ngại Tel Aviv có thể toan tính phá hoại các cuộc thương thảo hoặc dùng một đòn tấn công để phủ đầu một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Iran.
Như bài báo trên tờ The Wall Street Journal đã chỉ rõ, việc giới chức Israel đã suy nghĩ nghiêm túc về việc tấn công Iran xảy ra vẫn chưa lâu, nên rủi ro Tel Aviv bất ngờ điều máy bay xâm nhập lãnh thổ Iran và làm gia tăng căng thẳng với đồng minh hàng đầu không thể bị xem nhẹ. Bởi lẽ ngay sau khi thỏa thuận Iran được ký kết, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tuyên bố Israel “sẽ làm điều phải làm” nhằm bảo vệ nhà nước và nhân dân Do Thái, theo báo Anh Financial Times.
Tờ The Washington Times đầu tháng này đưa tin chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton có đủ bằng chứng về sự bảo trợ của Iran cho một vụ đánh bom khiến 19 binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Ả Rập Xê Út vào năm 1996. Tuy nhiên, tài liệu được giải mật từ kho lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ cho thấy Washington khi đó đã quyết định giữ kín vụ việc xảy ra tại doanh trại Khobar Towers ở Dharan để tránh áp lực đòi hỏi phải có hành động đáp trả mạnh mẽ.
Cũng theo tài liệu này, vào năm 1999, chính quyền Clinton đã gửi mật thư đến Tổng thống Iran khi đó là Mohammad Khatami để khẳng định Mỹ biết rõ thủ phạm là ai. Theo giới chức Mỹ, chính lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bắt tay với tổ chức Hezbollah thực hiện vụ đánh bom.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Châu Âu công bố lộ trình bỏ cấm vận với Iran
Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực, hãng tin AFP cho hay.
Công nhân Iran trước nhà máy điện hạt nhân - Ảnh minh họa: Reuters
Trưởng bộ phận chính sách đối ngoại của EU, ông Federica Mogherini ngày 18.10 cho biết liên minh đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran, tuy nhiên quyết định sẽ chỉ hiệu lực khi Tehran thực hiện đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận.
"Đây là bước ngoặt quan trọng khác đưa chúng ta đến gần hơn với việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân được ký hồi tháng 7.2015 và chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ thỏa thuận này", ông Mogherini phát biểu trong một thông cáo chung với Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif. Ngày 18.10 cũng là ngày bắt đầu thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran.
Iran và 6 cường quốc hạt nhân thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức đạt được thỏa thuận được xem là lịch sử về chương trình hạt nhân của Tehran. Theo đó, Iran sẽ từng bước cắt giảm chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc giảm trừng phạt cấm vận kinh tế của EU và Mỹ.
"Iran giờ đây sẽ bắt đầu thực hiện những cam kết liên quan đến chương trình hạt nhân của mình với mục tiêu là thực hiện đầy đủ và hiệu quả những cam kết đó", thông cáo cho biết.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh cho nội các xem các bước cần thiết để bãi bỏ cấm vận đối với Iran.
Một nguồn tin ngoại giao phương Tây nói với AFP rằng cấm vận của EU đối với Iran dự kiến sẽ được xóa bỏ vào cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2016 khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận Iran thực hiện đúng cam kết của mình.
Minh Quang
Theo Thanhnien
EU sẽ giảm nhẹ cấm vận Iran Giai đoạn 1 của thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran được ký hồi giữa tháng 7 tại thủ đô Vienna của Áo đã chính thức có hiệu lực vào ngày 18.10, theo Đài France Info. Đàm phán hạt nhân Iran tại Lausanne, Thuỵ Sĩ ngày 20.3.2015 - Ảnh: Reuters Tehran và nhóm P5 1 (Anh, Đức, Mỹ, Nga,...