Israel và Jordan ký ý định thư hợp tác phục hồi hệ sinh thái sông Jordan
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Chính phủ Israel và Jordan ngày 17/11 đã ký một ý định thư hợp tác nhằm phục hồi hệ sinh thái và phát triển bền vững dòng sông Jordan, vốn là biên giới tự nhiên giữa hai nước.
Một đoạn sông Jordan. Ảnh tư liệu: AFP
Văn bản đã được ký kết bên lề Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP27 đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Sharrm el-Sheikh của Ai Cập. Đại diện phía Israel là Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường Tamar Zandberg, trong khi đó đại diện phía Jordan là Bộ trưởng Bộ Nguồn nước và Thủy lợi Mohammed Al Najer.
Theo Bộ Bảo vệ môi trường Israel, việc khôi phục dòng sông Jordan là mục tiêu ưu tiên của cả hai nước do giá trị sinh thái to lớn cùng các di sản về lịch sử và tôn giáo phong phú cũng như đối với ngành du lịch. Thỏa thuận này là bước đi nhằm cụ thể hóa Phụ lục 4 trong Hiệp ước hòa bình Israel – Jordan ký năm 1994, trong đó có các điều khoản liên quan hợp tác môi trường ở sông Jordan.
Video đang HOT
Theo truyền thông Israel, thỏa thuận bao gồm nội dung phục hồi hệ sinh thái thủy sinh, chống ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm chất thải nông nghiệp, kiểm soát dịch bệnh, lập các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực cần bảo vệ, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản lịch sử gắn liền với dòng sông.
Theo thỏa thuận, hai nước cũng cam kết xử lý ô nhiễm trên lãnh thổ của mình thông qua việc xây dựng các cơ sở xử lý nước thải, kết nối các khu dân cư dọc theo bờ sông với các cơ sở xử ly nước thải này; cải thiện chất lượng nguồn nước trước khi đổ vào dòng sông để ngăn ô nhiễm môi trường; nhất trí thúc đẩy nông nghiệp bền vững; chú trọng trọng điều tiết nguồn phát thải nông nghiệp và giảm sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Cũng trong khuôn khổ thỏa thuận, hai nước sẽ lập kế hoạch phát triển du lịch ở hai bờ dòng sông và nghiên cứu thành lập một trung tâm nghiên cứu và học thuật khu vực nhằm khôi phục các dòng phụ cấp nước cho dòng chính của sông Jordan.
Trước đó hồi tháng 7, Chính phủ Israel đã thông qua một kế hoạch lớn nhằm cải thiện môi trường một đoạn của sông Jordan, với mục tiêu khôi phục hệ sinh thái thiên nhiên phong phú và phát triển du lịch. Đoạn sông này dài 37km, hoàn toàn nằm trong phần lãnh thổ Israel quản lý, từ Biển Galilee đến Suối Bezek. Tuy nhiên, dòng suối này lại chảy vào Bờ Tây nên kế hoạch cần có sự hợp tác của Chính quyền Palestine (PA) và khoảng 60.000 người Palestine đang sinh sống ở Thung lũng Jordan.
Sông Jordan là một dòng sông linh thiêng, có ý nghĩa quan trọng với 3 đức tin của các tín đồ Abraham. Đây cũng là địa điểm thu hút nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo hành hương hàng năm.
COP27: Thêm hàng chục quốc gia tham gia hiệp ước cắt giảm khí methane
Ngày 17/11, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký hiệp ước Cam kết Methane toàn cầu nhằm giảm khí methane, tăng khoảng 50 quốc gia tham gia so với thời điểm sáng kiến này được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow (Scotland, Anh) vào năm ngoái.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 6/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters trước thông báo trên, phó đặc phái viên Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu, ông Rich Duke, cho biết tính đến nay, đã có 95% quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ký cam kết cắt giảm khí methane. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia phát thải lớn, vẫn chưa tham gia hiệp ước này. Ông Duke bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ ký kết hiệp ước Cam kết Methane toàn cầu trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh COP28 ở Dubai vào năm tới.
Cho đến nay, 50 trong số các nước ký hiệp ước này đã công bố các chiến lược chi tiết nhằm giảm khí methane.
Dự kiến, trong ngày 17/11, tại COP27 đang diễn ra ở thành phố Sharm el Sheikh (Ai Cập), Mỹ và EU sẽ công bố các sáng kiến khác theo Cam kết Methane toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề phát thải trong các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, nông nghiệp và chất thải. Trong số các sáng kiến này có nỗ lực nhằm giúp các nông dân sản xuất nhỏ lẻ tại Việt Nam, Kenya, Rwanda, Tanzania, Uganda, Costa Rica, Uruguay, Colombia và Pakistan giảm khí thải methane trong hệ thống chăn nuôi và sản xuất sữa bò của họ. Một chương trình khác hướng đến việc hỗ trợ 70 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu lên men ruột - quá trình tiêu hóa trong đó một số động vật tạo ra khí đốt và nguồn khí phát thải methane lớn nhất trong ngành nông nghiệp.
Mỹ và EU cũng cho biết tổ chức phi lợi nhuận Carbon Mapper chuyên theo dõi khí methane bằng vệ tinh sẽ lập một bản đánh giá cơ bản khí thải methane toàn cầu từ các bãi chôn lấp và các bãi rác.
Cam kết cắt giảm 30% khí methane gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ này được xem là một tiêu chí quan trọng trong số các nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì mức tăng nhiệt của Trái Đất không vượt quá 1,5 độ C - ngưỡng nhiệt độ mà các nhà khoa cho khuyến nghị cần phải duy trì để tránh những tác động tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu.
COP27: Vẫn chia rẽ về vấn đề then chốt, bất mãn với sự điều hành thiếu rõ ràng của Chủ tịch Hội nghị COP27 dự kiến sẽ kết thúc sau 24 giờ nữa, nhưng các bên vẫn chia rẽ về một số vấn đề then chốt, đặc biệt nhiều quốc gia không hài lòng với các bước điều hành thiếu rõ ràng sau khi xem xét dự thảo văn bản do Chủ tịch COP27 đề xuất. Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các...