Israel đối mặt với các cuộc tấn công dồn dập ở cả phía Nam và phía Bắc
Trong hai ngày liên tiếp, biên giới phía Bắc và Nam của Israel đều bị tấn công dồn dập.
Khói bốc lên sau một vụ tấn công bằng rocket từ Liban xuống cao nguyên Golan, ngày 13/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ The Times of Israel, quân đội Israel cho biết các tay súng Palestine ở Gaza đã phóng ít nhất 20 quả rocket vào các cộng đồng biên giới của Israel ngày 1/7. Đây là đợt tấn công lớn nhất từ Dải Gaza trong ít nhất 7 tháng.
Nhóm Jihad Hồi giáo Palestine đã nhận thực hiện vụ tấn công.
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cuộc tấn công xuất phát từ khu vực Khan Younis ở phía Nam Dải Gaza, nơi quân đội Israel đã hoạt động trước đó.
Hệ thống phòng không Vòm Sắt đã bắn hạ một số rocket, trong khi những quả rocket khác tác động đến miền Nam Israel. Binh sĩ Israel đang pháo kích các địa điểm phóng rocket bằng pháo.
Chính quyền các cộng đồng dân cư ở biên giới thông báo không có thương tích hoặc thiệt hại trong vụ tấn công.
Còi báo động đã vang lên ở Ein Hashlosha, Kissufim, Nirim, Sufa, Sde Avraham, Dekel, Yated, Holit và Nir Oz. Nhiều cộng đồng gần biên giới Gaza được sơ tán.
Trong đợt tấn công lớn gần đây nhất xuất phát từ Gaza hồi tháng 1, có ít nhất 25 quả rocket lao về phía thành phố Netivot ở phía Nam Israel. Vào tháng 5, Hamas đã bắn 10 quả rocket từ Rafah ở miền Nam Gaza vào miền Trung Israel.
Cuộc tấn công lớn ngày 1/7 xảy ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant khẳng định trong chuyến thăm Rafah một ngày trước đó rằng nhóm Hamas không thể phục hồi trước áp lực mà các hoạt động của Israel gây ra. Theo ông Gallant, bị cắt nguồn cung cấp vũ khí, Hamas đang tan vỡ và không còn thời gian. Trước đó, Israel đã chiếm được cửa khẩu biên giới Rafah liền kề với Ai Cập và phát hiện 25 đường hầm buôn lậu vũ khí dọc theo ranh giới này. Đây là những đường dẫn chính mà Hamas sử dụng để tuồn lậu vũ khí vào Dải Gaza.
Ngoài đối phó với rocket của các tay súng Palestine ở mặt trận phía Nam, Israel còn phải đối phó với Hezbollah ở mặt trận phía Bắc.
Hệ thống phòng không của Israel đánh chặn rocket phóng từ Liban ngày 27/6/2024. THX/TTXVN
Video đang HOT
Trước đó, ngày 30/6, Hezbollah đã tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào căn cứ xe tăng ở miền Bắc Israel. Trên Telegram, Hezbollah khẳng định: “Các đơn vị kháng chiến Hồi giáo sử dụng thiết bị bay không người lái chiến đấu để tấn công khu vực triển khai lữ đoàn xe tăng số 188 của quân đội Israel gần Revaya. Hậu quả là một trung tâm chỉ huy và doanh trại của các binh sĩ thuộc tiểu đoàn xe tăng đã bị tấn công”. Theo Hezbollah, vụ tấn công đã gây ra hỏa hoạn tại cơ sở này. Ngoài ra, Hezbollah còn sử dụng rocket dẫn đường chống tăng để tấn công các đội tuần tra cơ giới ở Ein Iron, Manara và Metula.
Trong một bài đăng khác trên Telegram, Hezbollah thông báo 3 tay súng của lực lượng này đã thiệt mạng trong các cuộc đột kích của Israel vào các tiền đồn ở miền Nam Liban. Cụ thể, Israel đã tiến hành không kích vào các vị trí gần Houla, cũng như các khu vực gần Rab Thalathine và al-Teibi. Ngoài ra, pháo Israel còn nã ít nhất 40 phát đạn vào lãnh thổ Liban.
Sau các cuộc đột kích của Israel, Hezbollah đã pháo kích vào trụ sở và doanh trại của sư đoàn bộ binh số 91 của Israel tại khu định cư biên giới Biranit. Theo Hezbollah, cuộc pháo kích gây thương vong cho phía Israel.
Ngoài ra, 18 binh sĩ Israel đã bị thương trong ngày 30/6 do vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái ở cao nguyên Golan.
Trong khi đó, theo đánh giá của báo Yedioth Aharonot của Israel, Hezbollah có các thiết bị và công nghệ quân sự rất nguy hiểm. Lực lượng này có năng lực quân sự cao, có các thiết bị cũng như công nghệ nguy hiểm như tên lửa chính xác và thiết bị bay không người lái tiên tiến. Sự xâm nhập của hàng trăm thiết bị bay không người lái từ biên giới Liban cho thấy các cơ quan an ninh và quân sự của Israel chưa sẵn sàng đối đầu với những thiết bị này.
Tờ báo nhận định rằng quân đội Israel đang loay hoay tìm kiếm giải pháp chống các mối đe dọa từ Hezbollah.
Mặc dù chịu áp lực từ cả hai mặt trận, nhưng ngày 27/6, Chỉ huy Không quân Israel – Thiếu tướng Tomer Bar – tuyên bố sẽ sớm đánh bại Hamas ở Dải Gaza trong thời gian tới, sau đó Israel sẽ chuyển sang mục tiêu tiếp theo là Hezbollah. Ông tuyên bố: “Chúng ta đang ở giữa cuộc chiến dài nhất trong lịch sử kể từ chiến tranh giành độc lập… Chúng ta đã chiến đấu gần 9 tháng không ngừng nghỉ, không mệt mỏi… Hamas ở Gaza sẽ sớm bị đánh bại… Chúng ta sẵn sàng đối mặt với Hezbollah ở phía Bắc”.
Bên cạnh đó, ông Bar cũng khẳng định Israel có đủ phương tiện, năng lực và kiên nhẫn để thực hiện các mục tiêu trên.
Đầu tuần này, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel – Trung tướng Herzi Halevi – nhận định Hamas sẽ sớm bị đánh bại nhưng không phải theo cách tiêu diệt hết tay súng, mà theo cách làm tan rã mạng lưới của lực lượng này.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel có thể bị áp đảo trong cuộc chiến toàn diện với Hezbollah
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) nổi tiếng của Israel có nguy cơ bị áp đảo trong các cuộc tấn công mở màn nếu cuộc xung đột toàn diện với Hezbollah nổ ra.
Khói lửa bốc lên sau vụ pháo kích ở làng Aita al-Shaab, miền Nam Liban ngày 8/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang The Guardian (Anh), đánh giá trên do giới chức Mỹ đưa ra vào cuối tuần trước, tương tự phân tích gần đây của các chuyên gia Israel và Mỹ. Quan điểm này được đưa ra trong bối cảnh có lo ngại cho rằng cuộc chiến của Israel với Hezbollah có thể leo thang nguy hiểm hơn nhiều so với cuộc chiến với Liban năm 2006.
Kể từ năm 2006, Hezbollah - lực lượng phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới - đã nâng cấp đáng kể kho vũ khí và năng lực quân sự - bao gồm mua thiết bị bay không người lái tự sát, tăng cường năng lực tên lửa phòng không và bổ sung đáng kể tên lửa với số lượng ước tính từ 120.000 đến 200.000 hệ thống.
Giới chuyên gia cho rằng quy mô kho tên lửa của Hezbollah và học thuyết tác chiến sử dụng chúng trong một cuộc xung đột lớn với Israel có thể là thách thức lớn nhất.
Trước năm 2006, phần lớn kho vũ khí của Hezbollah bao gồm hàng chục nghìn tên lửa không dẫn đường - cả tầm ngắn và tầm xa. Kể từ năm 2006, lực lượng này đã trang bị hàng trăm tên lửa đạn đạo dẫn đường, có khả năng phóng từ các boongke kiên cố và từ bệ phóng di động.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Hezbollah ngày càng sử dụng thiết bị bay không người lái hiệu quả, bao gồm cả vũ khí tự sát mà hệ thống phòng không hiện tại của Israel đang phải vật lộn để đối phó.
Dự án nghiên cứu kéo dài 3 năm của Viện Chống khủng bố thuộc Đại học Reichman tại Israel, hoàn thành không lâu trước cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, kết luận rằng Hezbollah có thể phóng tới 3.000 tên lửa mỗi ngày, tốc độ này có thể duy trì trong tối đa 3 tuần. Mục tiêu chính là khiến hệ thống phòng không của Israel phải sụp đổ.
"Kỳ vọng của công chúng và một bộ phận đáng kể giới lãnh đạo - cho rằng Không quân và các hệ thống tình báo hiệu quả của Israel sẽ thành công trong việc ngăn chặn hầu hết các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel - sẽ bị phá vỡ. Nhiều người cũng có niềm tin rằng mối đe dọa trả đũa của Israel hoặc một cuộc tấn công đáng kể của Israel vào các tài sản quan trọng của Liban sẽ buộc Hezbollah phải ngừng bắn hoặc làm suy yếu đáng kể khả năng tiếp tục tấn công lãnh thổ Israel", dự án cho biết.
Tòa nhà bị phá hủy sau vụ không kích của Israel xuống Jannata, Liban. Ảnh: THX/TTXVN
Song theo đánh giá năng lực tên lửa của Hezbollah do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Mỹ, thực hiện, việc tìm kiếm và phá hủy năng lực tên lửa và rocket của Hezbollah sẽ cần đến một nỗ lực tấn công trinh sát khổng lồ.
"Kho rocket và tên lửa của Hezbollah cũng bao gồm tên lửa tầm xa. Chúng cũng có khả năng được sử dụng chủ yếu cho mục đích gây sức ép - với việc Hezbollah thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào các trung tâm dân cư của Israel để làm suy yếu sự ủng hộ của Israel đối với cuộc chiến này", đánh giá cho hay.
Dù vậy, các chuyên gia tin rằng thách thức nghiêm trọng nhất có thể là số lượng lớn tên lửa bắn theo từng đợt được cố tình thiết kế để áp đảo các hệ thống phòng không của Israel.
"Sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với hệ thống phòng không của Israel khi phải đối đầu với kho vũ khí tên lửa rộng khắp từ phía Bắc", ông Seth G Jones, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Washington, cho biết vào tuần trước. Ông đồng thời nhắc lại những cảnh báo từ các quan chức Lầu Năm Góc.
Tuần trước, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với CNN rằng: "Chúng tôi đánh giá rằng ít nhất một số khẩu đội Vòm Sắt sẽ bị áp đảo".
CNN cũng đưa tin rằng Israel đang di chuyển thêm các vũ khí phòng không về phía Bắc.
Israel có khoảng 10 khẩu đội Vòm Sắt, mỗi khẩu đội có khoảng 4 bệ phóng riêng biệt, được kết nối với một hệ thống radar phát hiện tên lửa đang bay tới. Tuy nhiên, giống như tất cả các hệ thống khác, Vòm Sẳ bị giới hạn về mặt vật lý bởi số lượng mối đe dọa có thể tấn công cùng lúc.
Hơn nữa, khả năng tên lửa nâng cấp của Hezbollah cũng gây ra cảnh báo về mối đe dọa đối với khả năng phục hồi dân sự của Israel, thúc đẩy các kế hoạch ứng phó với thương vong hàng loạt nếu chiến tranh nổ ra. Không phải ai cũng tin rằng giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Israel có thể đối phó với tất cả các rủi ro đó.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tại Bet Hillel, Israel ngày 21/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một hội nghị vào tuần trước, ông Shaul Goldstein, Giám đốc điều hành của Noga, đơn vị quản lý hệ thống điện của Israel, cảnh báo: "Chúng tôi chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến thực sự. Tất cả cơ sở hạ tầng của chúng tôi không ở trong tình trạng tốt".
Mỹ và Pháp đang dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Israel và Hezbollah, trong bối cảnh lo ngại căng thẳng leo thang và các cuộc giao tranh ở biên giới có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện.
Hôm 21/6, Bộ ngoại giao Kuwait cảnh báo công dân nước này tránh đi du lịch đến Liban và kêu gọi những người đã đến quốc gia này nên rời đi. Theo một nguồn tin, các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Biden đã nói với một phái đoàn Israel tại Washington rằng Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ an ninh trong trường hợp xảy ra xung đột rộng lớn hơn.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi các bên cần "lý trí và sáng suốt" để tránh những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra cho khu vực và thế giới.
Khói bốc lên tại Safed, Israel khi hệ thống phòng không nước này đánh chặn rocket từ Liban ngày 13/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tại thành phố Gaza, hàng chục người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào 2 địa điểm đông dân cư. Theo các báo cáo ban đầu trên phương tiện truyền thông Israel, các vụ đánh bom nhằm ám sát một chỉ huy cấp cao của Hamas.
Về phần mình, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã tấn công các địa điểm cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas.
Theo ông Ismail al-Thawabta, Giám đốc văn phòng truyền thông chính phủ do Hamas điều hành, các cuộc không kích đã tấn công khu phố al-Shati và quận al-Tuffah, gây ra các vụ nổ lớn, khiến 38 người thiệt mạng. Hamas chưa bình luận về tuyên bố Israel đã tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự của họ.
Mỹ lo ngại hệ thống Vòm Sắt của Israel sẽ bị Hezbollah áp đảo Các quan chức Mỹ thực sự lo ngại rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban, lực lượng này có thể áp đảo hệ thống phòng không của Israel ở phía Bắc, kể cả hệ thống phòng không Vòm Sắt. Nỗi lo về Vòm Sắt Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt...