Israel cáo buộc Iran đứng sau xung đột Dải Gaza
Quân đội Israel cáo buộc Iran ủng hộ tài chính và công nghệ cho Hamas, cảnh báo sẽ đáp trả hoạt động của Tehran tại Dải Gaza.
“Rõ ràng là dấu tay Iran xuất hiện khắp nơi, xét về tài chính, kiến thức, nhân lực và nguồn lực. Iran là nhà xuất khẩu bất ổn, chết chóc và huỷ diệt số một khu vực”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel Jonathan Conricus nói trên kênh Fox News của Mỹ hôm 23/5.
Quan chức Israel cho rằng Iran đóng vai trò quan trọng trong xung đột gần đây giữa Israel với Hamas ở Dải Gaza. “Chuyên gia Iran đã đào tạo kỹ sư Hamas chế tạo rocket và vũ khí. Nếu không có sự can dự cực kỳ chi tiết của Iran, chúng tôi sẽ không lâm vào tình trạng hiện nay”, Conricus cho hay.
Hệ thống Vòm Sắt Israel (trái) đánh chặn rocket Hamas đêm 14/5. Ảnh: AFP .
Phát ngôn viên quân đội Israel cũng nhấn mạnh lực lượng này quyết tâm đối phó với hoạt động của Iran “cả về địa điểm sản xuất vũ khí, cũng như nhân lực chủ chốt đứng sau các loại rocket phóng vào lãnh thổ Israel”.
Lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh tuần trước cảm ơn Iran hỗ trợ tài chính và quân sự cho nhóm dân quân trong cuộc xung đột 11 ngày với Israel. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei ngày 21/5 kêu gọi các quốc gia Hồi giáo “chân thành ủng hộ người Palestine” thông qua hỗ trợ quân sự, tài chính hoặc trong việc tái thiết Dải Gaza.
Iran được coi là bên bảo trợ quan trọng của Hamas, cung cấp nhiều nguồn lực để nhóm dân quân xây dựng lực lượng và chế tạo vũ khí, nổi bật là kho rocket khoảng 30.000 quả đủ sức đe dọa gần như toàn bộ lãnh thổ Israel. Trang tin Ynet của Israel tháng 8/2018 dẫn nguồn tin Palestine cho biết các khoản hỗ trợ của Iran cho Hamas vào thời điểm đó lên tới 70 triệu USD mỗi năm.
Iran không công nhận nhà nước Israel, luôn ủng hộ Palestine từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hồi đầu tháng chỉ trích Israel “không phải một quốc gia, mà là căn cứ khủng bố”, khẳng định “việc chống lại chế độ chuyên chế này là chống lại áp bức và khủng bố, là nhiệm vụ của mọi người”.
Căng thẳng giữa Israel và Palestine leo thang trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, sau khi Israel hạn chế người Palestine tiếp cận khu vực Thành cổ Jerusalem, đồng thời đe dọa trục xuất nhiều gia đình Palestine sinh sống nhiều năm ở Đông Jerusalem, nhằm lấy chỗ cho người Do Thái định cư, châm ngòi cho đòn tập kích rocket của Hamas từ ngày 10/5.
Các đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” giữa Israel và Hamas khiến 243 dân Palestine và 12 người ở Israel thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hàng nghìn người tại Dải Gaza mất nhà cửa.
Biden hứa bổ sung tên lửa cho Vòm sắt Israel
Tổng thống Mỹ ủng hộ "quyền tự vệ" của Israel, hứa sẽ giúp nước này bổ sung đạn tên lửa cho hệ thống Vòm sắt sau 11 ngày chiến đấu.
"Tôi đã chúc mừng Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong cuộc điện đàm vì đã chấm dứt đụng độ sau chưa đầy 11 ngày. Tôi cũng nhấn mạnh điều từng được khẳng định suốt cuộc xung đột, đó là Mỹ hoàn toàn ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước những vụ tấn công rocket bừa bãi khiến dân thường vô tội thiệt mạng do Hamas và các nhóm khủng bố khác ở Dải Gaza tiến hành", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói hôm 21/5.
Đây là phát biểu đầu tiên của Biden kể từ khi Israel và Hamas thông báo đạt thỏa thuận ngừng bắn với sự trung gian của Ai Cập.
Tổng thống Mỹ gửi lời cảm ơn tới người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, đồng thời cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Israel khôi phục kho dự trữ đạn đánh chặn của hệ thống Iron Dome (Vòm sắt) trong tương lai. "Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án củng cố hệ thống Vòm sắt để bảo đảm an ninh và quốc phòng của Israel trong tương lai", Biden cho hay.
Hệ thống Vòm sắt khai hỏa đánh chặn rocket Hamas đêm 11/5. Ảnh: AFP .
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 20/5 thông báo đã "nhất trí chấp thuận đề nghị của tất cả quan chức an ninh, chấp thuận sáng kiến của Ai Cập về lệnh ngừng bắn chung không cần điều kiện tiên quyết". Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad sau đó xác nhận, nói rằng lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào lúc 2h ngày 21/5 (6h giờ Hà Nội).
Các đợt tấn công rocket khiến 12 người ở Israel thiệt mạng, trong đó có một trẻ em, một người Ấn Độ và hai công dân Thái Lan. Palestine tuyên bố loạt đòn không kích từ Israel đã khiến hơn 230 người thiệt mạng, trong đó có 65 trẻ em, biến các tòa nhà thành đống đổ nát và khoảng 120.000 người phải sơ tán.
Quân đội Israel cho biết trong 11 ngày giao tranh, Hamas và các nhóm vũ trang Hồi giáo khác ở Gaza đã phóng 4.070 quả rocket về phía Israel, phần lớn nhằm vào các khu vực đông dân cư, nhưng hầu hết bị hệ thống phòng không Vòm sắt của nước này đánh chặn. Hiện chưa rõ Israel đã khai hỏa bao nhiêu quả đạn trong hệ thống Vòm sắt để chặn số rocket này.
Chênh lệch chi phí là một trong những điểm yếu của lá chắn Vòm sắt, khi số lượng lớn đạn rocket giá rẻ phóng đến buộc Israel liên tục khai hỏa và làm nguồn cung tên lửa nhanh chóng suy giảm. Israel không tiết lộ chi phí chính xác của mỗi quả đạn, nhưng thông tin trước đây cho thấy tên lửa Tamir của hệ thống Vòm sắt có giá 40.000-100.000 USD/quả.
Khoảng 55% cấu kiện của hệ thống Vòm sắt được sản xuất ở Mỹ và nước này đến nay đã cung cấp tổng cộng 1,6 tỷ USD cho hệ thống đánh chặn của Israel.
Tính năng hệ thống Vòm sắt của Israel. Video: Bloomberg .
Mức giá này thấp hơn nhiều so với các tên lửa phòng không hiện đại, nhưng vẫn đặt ra gánh nặng không nhỏ về chi phí vận hành. Israel phải tốn không dưới 160-400 triệu USD để đối phó với lượng rocket được dân quân Palestine khai hỏa trong 11 ngày qua.
Trong cuộc chiến Israel - Palestine năm 2014, Tel Aviv đã nhận viện trợ khẩn cấp 225 triệu USD từ Washington để tích trữ tên lửa Tamir. Cuộc chiến kéo dài khoảng 7 tuần, trong đó dân quân Palestine phóng không dưới 4.500 quả rocket và đạn cối vào Israel.
Tên lửa Israel đánh chặn hàng chục rocket Hamas Lưới phòng không Israel đồng loạt kích hoạt khi 150 quả rocket được dân quân Hamas bắn về phía nước này, trong bối cảnh căng thẳng với Palestine tăng cao. Bộ Quốc phòng Israel thông báo dân quân Palestine đã phóng 150 quả pháo phản lực (rocket) về phía nước này đêm 10/5, trong đó hàng chục quả đã bị hệ thống phòng...