Israel bị lôi vào “lò lửa” Trung Đông?
Căng thẳng đang diễn ra giữa Ả Rập Saudi, Lebanon và Iran đã khiến toàn bộ khu vực chìm trong căng thẳng, trong lúc Israel có nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc chiến với Hezbollah – phong trào nổi dậy Hồi giáo theo dòng Shiite ở Lebanon.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cuối tuần rồi cáo buộc Ả Rập Saudi muốn đẩy Israel chiến tranh với Lebanon, đồng thời cảnh báo Israel không can thiệp vào chuyện riêng của Hezbollah. Theo đài Deutsche Welle, Ả Rập Saudi và Israel không có mối quan hệ ngoại giao nhưng họ có kẻ thù chung là Iran.
Người ủng hộ theo dõi bài nói chuyện của thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah qua màn ảnh ở Beirut – Lebanon Ảnh: REUTERS
Hezbollah là tâm điểm cuộc khủng hoảng đang bủa vây Lebanon và làm rúng động khu vực. Khi bất ngờ tuyên bố từ chức thủ tướng Lebanon, ông Saad Hariri – được Ả Rập Saudi hậu thuẫn – đã đổ lỗi cho Hezbollah làm theo lời Iran. Thậm chí, Ả Rập Saudi còn cáo buộc Hezbollah tuyên chiến với vương quốc này ngay khi Mỹ gia tăng áp lực lên Iran và áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Hezbollah, bị Washington xem là tổ chức khủng bố.
“Đây là cuộc xung đột giành quyền thống trị của 2 thế lực lớn trong khu vực: Iran và các đồng minh Shiite, chẳng hạn như Hezbollah, chống lại liên minh Sunni do Ả Rập Saudi đứng đầu” – chuyên gia Israel Shaul Shay nhận định.
Trong khi đó, căng thẳng tiếp diễn ở biên giới phía Bắc Israel. Giới phân tích nhận định chỉ một tính toán sai lầm có thể gây ra một cuộc xung đột mới. Chuyện Israel chuẩn bị cho một cuộc chiến mới với Hezbollah không hề là chuyện bí mật, chỉ chưa rõ thời điểm xảy ra. Tuy nhiên, mối quan tâm chiến lược của Israel hiện tập trung vào các diễn biến ở miền Nam Syria.
Israel rõ ràng không muốn Iran hiện diện lâu dài ở Syria bởi vì điều đó cho phép tầm ảnh hưởng của Tehran đến gần Israel hơn về mặt địa lý. Trong suốt 6 năm xung đột ở Syria, Israel tuyên bố sẽ không can dự trừ khi các lằn ranh đỏ bị vượt qua.
Video đang HOT
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman vừa khẳng định Israel sẽ không cho phép trục Shiite thiết lập một trung tâm chỉ huy mặt trận ở Syria. Thêm vào đó, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố hành động từ chức thủ tướng Lebanon của ông Hariri là “lời cảnh tỉnh cộng đồng quốc tế hành động chống lại sự gây hấn của Iran đang biến Syria thành Lebanon thứ hai”.
Chưa hết, Israel hôm 12-11 tuyên bố sẽ không bị ràng buộc bởi thỏa thuận ngừng bắn ở Nam Syria mà Mỹ, Nga và Jordan đạt được cuối tuần qua. Các bộ trưởng nước này tỏ ý sẽ tiếp tục chiến dịch không kích ở Syria khi cần.
Thỏa thuận trên yêu cầu tất cả tay súng nước ngoài tại Syria, kể cả các lực lượng Iran, phải rời khỏi Syria. Thế nhưng, Bộ trưởng Hợp tác khu vực Israel Tzachi Hanegbi cho rằng thỏa thuận vẫn chưa đi đủ xa trong việc buộc các lực lượng thân Iran rời xa khu vực biên giới với Israel.
Theo Lục San
Người Lao động
Hé lộ tài liệu mật lý giải khủng hoảng Qatar
Các thỏa thuận mật giữa Qatar và các nước vùng Vịnh mới được công bố, giúp lý giải khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất Trung Đông nhiều thập kỷ.
Nội dung thỏa thuận mật mới được CNN công bố. Ảnh: CNN.
Qatar đã ký kết một chuỗi thỏa thuận với các láng giềng vùng Vịnh năm 2013 và 2014, trong đó cấm ủng hộ phe đối lập và các nhóm thù địch ở những nước này cũng như tại Ai Cập và Yemen. Sự tồn tại của các thỏa thuận đã được biết đến trước đây, nhưng nội dung tài liệu được giữ bí mật do tính nhạy cảm của vấn đề và do các nguyên thủ nhất trí một cách bí mật.
CNN hôm 10/7 đưa tin sau khi thu thập được tài liệu độc quyền từ một nguồn tin trong khu vực có quyền tiếp cận văn bản.
Các nước vùng Vịnh cáo buộc Qatar không tuân thủ hai thỏa thuận, điều này lý giải nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất Trung Đông trong nhiều thập kỷ.
Thỏa thuận đầu tiên được viết tay ngày 23/11/2013, do Quốc vương Arab Saudi, Qatar và Kuwait ký. Nó đề ra các cam kết tránh can thiệp nội bộ các nước vùng Vịnh khác, trong đó có cấm hỗ trợ tài chính và chính trị cho các nhóm hoạt động chống chính phủ.
"Thỏa thuận Riyadh" đề cập cụ thể đến việc không hậu thuẫn nhóm Anh em Hồi giáo cũng như không ủng hộ các nhóm đối lập tại Yemen có thể đe dọa những nước láng giềng. Các đồng minh vùng Vịnh nhiều lần cho rằng Qatar hậu thuẫn nhóm Anh em Hồi giáo.
Để biện minh cho việc cô lập Qatar hồi tháng trước, các nước vùng Vịnh cáo buộc Doha ủng hộ tài chính cho Hezbollah và những nhóm khủng bố khác, bên cạnh việc hậu thuẫn Anh em Hồi giáo ở Ai Cập.
Trong thỏa thuận đầu tiên, các nước cũng thề không ủng hộ "truyền thông đối kháng", ý chỉ Al Jazeera, đài truyền hình vệ tinh có trụ sở ở Qatar, được chính phủ tài trợ. Các nước vùng Vịnh cáo buộc đài này ủng hộ những nhóm đối lập tại các nước trong khu vực như Ai Cập và Bahrain.
Thỏa thuận thứ hai có tiêu đề "tối mật", ghi ngày 16/11/2014, có thêm sự tham gia của Quốc vương Bahrain, Hoàng tử Abu Dhabi và Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Nó đề cập cụ thể đến cam kết của các bên ký kết về việc ủng hộ sự ổn định của Ai Cập, trong đó có việc ngăn Al Jazeera trở thành nền tảng để các nhóm, cá nhân thách thức chính phủ Ai Cập.
Sau khi thỏa thuận được ký, Al Jazeera đã cho dừng một kênh chuyên phủ sóng ở Ai Cập có tên Al-Jazeera Mubashir Misr.
Một tài liệu bổ sung cho thỏa thuận năm 2013 cũng được các ngoại trưởng ký kết. Nó bao gồm điều khoản cấm ủng hộ Anh em Hồi giáo cũng như các nhóm bên ngoài tại Yemen và Arab Saudi đe dọa an ninh và sự ổn định của các nước Hồi đồng Hợp tác vùng Vịnh, nhóm 6 nước bao gồm Arab Saudi, UAE, Bahrain và Qatar.
Các nước vùng Vịnh phát tuyên bố chung, Qatar đáp trả
Sau khi CNN đăng bài, Arab Saudi, Bahrain, UAE và Ai Cập phát tuyên bố chung, cho rằng việc đăng tải thỏa thuận "chắc chắn xác nhận Qatar không tuân thủ cam kết và vi phạm hoàn toàn những lời cam kết".
Trong tuyên bố gửi tới đài truyền hình Mỹ, Qatar cáo buộc chính Arab Saudi và UAE phá vỡ tinh thần thỏa thuận Riyadh, theo đuổi "một cuộc tấn công chủ quyền Qatar mà không bị thách thức".
4 nước áp lệnh trừng phạt Qatar ngày 5/6, cáo buộc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, ủng hộ Iran và Anh em Hồi giáo, can thiệp nội bộ. 4 nước cho rằng Doha đã cam kết không can thiệp chính trị các nước láng giềng trong thỏa thuận năm 2013. Qatar bác bỏ cáo buộc, cho hay 4 nước đang cố áp quan điểm của mình lên chính sách đối ngoại của nước này.
Trọng Giáp
Theo VNE
Kuwait cảnh báo 'hậu quả không mong muốn' tại vùng Vịnh Quốc vương Kuwait cho rằng khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sẽ dẫn tới nhiều hậu quả xấu nếu không được giải quyết. Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber al-Sabah. Ảnh: Reuters. "Thật khó khăn cho chúng tôi, thế hệ đã xây nên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cách đây 37 năm, khi thấy sự bất đồng giữa các thành viên...