Israel áp dụng chiến lược để buộc Hamas từ bỏ miền Bắc Gaza
Tình hình nhân đạo khẩn cấp tại Gaza đang gia tăng, với hàng chục nghìn cư dân phải di dời, trong khi điều kiện sống trở nên khắc nghiệt và thiếu thốn.
Trẻ em nhận thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn Jabalia, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức) ngày 16/10, cuộc tấn công mới nhất của Israel vào Jabaliya, một trại tị nạn ở phía Bắc Gaza, đã khiến cộng đồng quốc tế và người dân địa phương dấy lên mối lo ngại rằng Israel đang triển khai chiến lược “đầu hàng hoặc chết đói”.
Chiến lược này nhằm buộc phong trào Hamas phải từ bỏ quyền kiểm soát ở miền Bắc Gaza thông qua việc cưỡng chế di dời cư dân và phong tỏa khu vực.
Cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã gây ra một tình trạng nhân đạo khủng hoảng tại Jabaliya. Mohammed, cư dân nơi đây, cho biết tình hình vô cùng nguy hiểm: “Họ yêu cầu chúng tôi rời đi, nhưng không có thời gian. Khu vực này bị bao vây và bị bắn phá”.
IDF đã ra lệnh cho mọi người rời khỏi khu vực, dựa trên thông tin tình báo cho rằng Hamas đang nỗ lực tái tổ chức lực lượng tại đây. Điều này dẫn đến việc khoảng 50.000 người đã phải di dời chỉ trong hai tuần.
Video đang HOT
Tình hình ở phía Bắc Gaza hiện đang “khủng khiếp”. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), khoảng 84% lãnh thổ tại đây đang nằm trong “lệnh sơ tán”. Các cư dân đã phải sống trong điều kiện khắc nghiệt, thiết thốn thực phẩm và nước uống, khi mà nhiều khu vực không thể tiếp cận do giao tranh.
Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế lo ngại rằng chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza đang phản ánh một kế hoạch được gọi là “đầu hàng hoặc chết đói”. Kế hoạch này, do một nhóm sĩ quan đã nghỉ hưu đề xuất, nhằm mục đích buộc Hamas phải đầu hàng bằng cách tạo ra áp lực lớn lên dân cư còn lại ở phía Bắc Gaza.
Theo kế hoạch, dân cư sẽ được lệnh di dời về phía Nam, trong khi khu vực phía Bắc sẽ bị phong tỏa hoàn toàn. Bất kỳ ai ở lại sẽ bị coi là kẻ thù và nguồn cung cấp sẽ bị chặn.
Sự phong tỏa và các cuộc tấn công quân sự đã dẫn đến thiếu thốn nghiêm trọng về lương thực, nước uống và dịch vụ y tế. Các bệnh viện ở Gaza đã phải đóng cửa và dịch vụ cấp cứu không thể hoạt động trong những khu vực có giao tranh ác liệt.
Muhannad Hadi, điều phối viên nhân đạo cho vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đã lên tiếng báo động về tình trạng này: “Kể từ ngày 1/10, chính quyền Israel đã ngày càng cắt đứt nguồn cung cấp thiết yếu cho miền Bắc Gaza”.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, đã bày tỏ lo ngại về chiến lược này của Israel, cho rằng đây là một hành động vi phạm nghiêm trọng các quy định quốc tế về nhân quyền. Trong khi đó, quân đội Israel đã phủ nhận những cáo buộc này, khẳng định rằng hành động của họ nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia trước mối đe dọa từ Hamas.
Dù có lệnh sơ tán, nhiều người dân vẫn quyết định ở lại. Những người như Aya Tawfik, một y tá tình nguyện, đã chạy trốn cùng gia đình, nhưng vẫn cảm thấy không an toàn ở nơi mới. “Chúng tôi không muốn đi về phía Nam, điều kiện ở đó rất khắc nghiệt”, cô cho biết. Nhiều người dân Gaza hiện đang sống trong lo sợ không chỉ về sự sống còn mà còn về tương lai của chính họ. Họ sợ rằng sẽ không bao giờ được trở về nhà và sẽ phải sống trong tình trạng tị nạn vĩnh viễn.
Israel giải thích lý do tiếp tục chiến dịch trên bộ vào phía Bắc Gaza
Trong bối cảnh mọi sự chú ý của thế giới đang đổ dồn về Liban sau khi lực lượng Israel tăng cường các cuộc tấn công vào phong trào Hezbollah, Israel tiếp tục hoạt động trên khắp Gaza và một lần nữa tuyên bố tập trung vào phía Bắc dải đất bị phong tỏa này.
Binh sĩ Israel tuần tra tại khu vực biên giới với Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đài truyền hình CNN, quân đội Israel cho biết họ đã bao vây trại tị nạn Jabalya, phía Bắc Gaza và phát động một chiến dịch trên bộ mới, sau khi nhận thấy các dấu hiệu cho thấy Hamas đang tái hợp nhóm bất chấp gần một năm giao tranh khốc liệt trên lãnh thổ này.
Chỉ trong hai ngày 5-6/10, Israel đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ phía bắc Gaza, bao gồm các "cơ sở lưu trữ vũ khí, cơ sở hạ tầng ngầm và các địa điểm cơ sở hạ tầng quân sự bổ sung" của Hamas.
Ít nhất 25 người được xác nhận đã thiệt mạng sau khi các cuộc không kích của Israel nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo và một trường học ở trung tâm lãnh thổ Gaza. Israel cho biết vào thời điểm đó, các thành viên lực lượng Hamas có mặt trong cả hai tòa nhà.
Trong một tuyên bố, quân đội cho biết họ đã phát hiện sự hiện diện của các thành viên Hamas trong khu vực, cũng như những nỗ lực của nhóm này nhằm tái xây dựng khả năng hoạt động trong khu vực.
Về phần mình, cánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn Al-Qassam, cho biết họ đã tham gia vào các cuộc giao tranh ác liệt với Israel ở phía Bắc Gaza.
Jabalya là trại tị nạn lớn nhất ở Gaza. Đây là một trong những mục tiêu đầu tiên Israel nhắm tới trong phản ứng các cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas một năm trước.
Trong chiến dịch lần này, Israel cho biết quân đội nước này đã ban hành một lệnh sơ tán mới đối với những người đang lánh nạn tại đây và nói thêm chiến dịch sẽ mở rộng phạm vi ra khu vực nhân đạo ở Al-Mawasi. Hàng chục gia đình trong khu vực đã thu dọn đồ đạc và tháo chạy sau những cảnh báo mới nhất từ quân đội Israel.
"Sáng nay mọi người phải bỏ lại nhà cửa và không biết đi đâu, mang theo một số đồ đạc đơn giản. Không có phương tiện di chuyển. Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ suốt đêm", Abu Alaa Asaf, một người dân sống tại Beit Lahiya, chia sẻ. Một số người dân ở phía Bắc Gaza từ chối sơ tán vì không còn nơi nào an toàn trong khu vực.
Cuộc tấn công mới nhất của Israel vào Gaza diễn ra ra vào đêm trước ngày tròn 1 năm Hamas tấn công xuyên biên giới vào phía Nam Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người khác bị bắt làm con tin. Sau cuộc tập kích, Israel đã tiến hành một chiến dịch trên bộ quy mô lớn vào Gaza, khiến hơn 41.000 người thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Xung đột Hamas - Israel bước sang tháng thứ 12 Tính đến ngày 7/9, xung đột giữa Phong trào Hamas và Israel tại Dải Gaza đã bước sang tháng thứ 12. Hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy giao tranh sẽ sớm chấm dứt tại vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải này. Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 30/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN...