IS trên bờ vực phá sản
Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang đối mặt tình trạng thiếu tiền trầm trọng do mất lãnh thổ, nhiều thủ lĩnh cấp cao bị tiêu diệt và các kho tiền dự trữ bị phá hủy.
IS đang trở nên khánh kiệt. Các chiến binh bị cắt giảm một nửa lương bổng, ngừng cấp nước tăng lực và chocolate miễn phí, thả tù nhân với giá chỉ 500 USD và hiện chỉ chấp nhận đồng USD trong khu vực tổ chức này kiểm soát, theo Inquisitr.
Nhóm khủng bố còn bắt người dân ở thành phố Raqqa, Syria, trả thuế và hóa đơn tiện ích theo giá USD ở thị trường chợ đen. Trong khi đó, lượng điện cung cấp cho người dân bị hạn chế, giá thực phẩm tăng cao khiến nhiều người không đủ khả năng chi trả.
Nhiều chiến binh ở thành phố Fallujah không được trả lương. Người dân sống tại Mosul nếu không tuân thủ các quy định về cách ăn mặc sẽ bị phạt tiền thay vì phạt đòn roi.
Không chỉ các mỏ dầu, IS còn bỏ lại nhiều nhà máy chế bom sau khi chạy khỏi khu vực bị không kích. Ảnh: CNN
Newsweek dẫn lời Lisa Monaco, cố vấn chống khủng bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho biết, IS đang đứng trên bờ vực phá sản sau khi liên minh tiến hành nhiều cuộc không kích vào kho dự trữ tiền của chúng.
“Những nỗ lực của chúng tôi đã phát huy tác dụng và gây ảnh hưởng tới nguồn tài chính của nhóm khủng bố”, bà Monaco tuyên bố.
Sự ổn định của IS đang bị đe dọa. Những món tiền thưởng, ưu đãi mà nhóm khủng bố đưa ra nhằm lôi kéo chiến binh nước ngoài, chi tiêu cho các tuần trăng mật và dành cho trẻ em đang cạn kiệt dần, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của những chiến binh cấp thấp, một người dân Syria là Oussama nói với Fox News.
“Nhiều chiến binh cảm thấy thất vọng và sa sút tinh thần”, Oussama cho biết.
Các nguồn cung tại nhiều thành phố do IS kiểm soát bị thiếu hụt khiến lạm phát tăng cao. Đồ vật thiết yếu trở nên khan hiếm trầm trọng, trong đó vũ khí của nhóm khủng bố bị hỏng hóc và cần thay mới do các cuộc không kích.
Video đang HOT
Nhiều người cho rằng, tình trạng khánh kiệt có thể khiến nhóm khủng bố tan vỡ. Một năm trước, một vài chuyên gia cũng dự đoán IS có thể sụp đổ do mô hình tài chính không bền vững và thiếu sự bảo trợ từ nước ngoài.
IS đang mở rộng lãnh thổ sang Libya. Tiến sĩ Azeem Ibrahim nhận định, di chuyển tới một lãnh thổ mới, nhóm khủng bố có thể khai thác và cướp bóc từ người dân để tồn tại.
IS kiếm tiền từ đâu?
IS cần rất nhiều tiền cho các hoạt động duy trì tổ chức, đặc biệt khi vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát có 4-5 triệu người sinh sống.
Theo một nghiên cứu của Rand Corporation, tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu và cố vấn chính sách toàn cầu của Mỹ, IS đã sở hữu khoản tiền khổng lồ là 875 triệu USD trước khi tiến hành các cuộc mở rộng lãnh thổ vào năm 2014, phần lớn bằng cách tống tiền.
Năm 2014, IS cướp gần nửa tỷ USD từ các ngân hàng ở Mosul, Tikrit và Baiji trong cuộc tấn công chớp nhoáng đầu tiên qua biên giới Iraq và Syria. Ngoài ra, nhóm khủng bố cũng thu được hàng nghìn tấn thiết bị quân sự do lực lượng an ninh Iraq bỏ lại, chiếm nhiều mỏ dầu và nhà máy lọc dầu.
Nhiều chiến binh IS tỏ ra chán nản khi IS giảm mức lương bổng do thiếu hụt tài chính. Ảnh: AP
Cuối năm 2014, các nhà máy lọc dầu do IS kiểm soát sản xuất khoảng 50.000 thùng mỗi ngày, trị giá khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Năm ngoái, nhóm cực đoan còn chiếm mỏ phosphate giá trị gần Palmyra, Syria. Phosphate là thành phần quan trọng trong phân bón.
Bên cạnh đó, IS thu giữ lượng lớn tài sản cá nhân, nhà cửa từ những người chạy trốn và chiếm tài khoản ngân hàng của họ. Theo các quan chức Iraq, nhóm cực đoan thu được 100 triệu USD từ việc bán đồ cổ.
Các khoản tiền chuộc và bán nô lệ là những cô gái Yazidi cũng mang lại khoảng 20 triệu USD cho IS. Nhóm khủng bố cũng đánh nhiều khoản thuế rất nặng đối với người dân trong khu vực mà chúng kiểm soát.
Năm 2014, chính phủ Iraq chi hai tỷ USD trong ngân sách cho các tỉnh bị IS kiểm soát. Tuy nhiên, số tiền này cũng chảy vào túi của nhóm khủng bố.
Phát biểu vào tháng 10/2014, quan chức tài chính cấp cao của Mỹ David S. Cohen nhận định IS đã “giàu lên với tốc độ chưa từng thấy”. Giới chức Mỹ ước tính, IS thu về ít nhất 1,5 tỷ USD trong một năm.
Nguyên nhân sụp đổ tài chính
Thị trấn hoang vắng al Hawl ở miền Bắc Syria từng là nơi đem lại nguồn tiền lớn cho IS bởi có cơ sở pha chế dầu thô, một nhà máy chế bom và nguồn thuế từ 3.000 dân. Tuy nhiên, nhóm khủng bố buộc phải rời bỏ nơi này vào tháng 11/2015 do các vụ không kích.
Việc rút lui khỏi al Hawl là một ví dụ nhỏ về sự gia tăng các vấn đề trong thành trì của nhóm khủng bố. IS đang mất dần lãnh thổ và các nguồn tài nguyên cũng bị thu hẹp.
Mùa thu năm 2015, liên minh chống IS quyết định tấn công các xe tải, nhà máy và điểm thu gom dầu của IS. Cuối tháng 11/2015, 283 xe chở dầu của nhóm khủng bố bị phá hủy gần thành phố Deir Ezzour, Syria. Bên cạnh đó, IS còn bị ảnh hưởng do sự sụt giảm giá dầu ở thị trường chợ đen.
Đại tá Steve Warren, người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm tác chiến hỗn hợp tại Baghdad, cho biết, lượng dầu mà IS sản xuất tại thời điểm đó giảm xuống còn 34.000 thùng/ngày, trong khi một nguồn tin khác nói rằng con số đó là 20.000 thùng, thấp hơn 60% so với trước đây.
Trong năm 2015, IS mất khoảng 40% lãnh thổ tại Iraq và đông bắc Syria, bao gồm đất nông nghiệp và khu vực chứa mỏ dầu. Một số thủ lĩnh tài chính cấp cao bị giết. Giao dịch qua Thổ Nhĩ Kỳ trở nên khó khăn. Các kho tiền dự trữ bị đánh bom.
Nhóm khủng bố kiếm nhiều tiền nhưng chi tiêu cũng rất nhanh. IS vẫn phải cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, chăm sóc y tế, điện nước, bảo trì đường giao thông và hệ thống nước thải trong lãnh thổ chúng chiếm giữ.
Nhóm cũng phải trả lương cho các quan chức, thậm chí phải trả nhiều hơn sau khi Iraq quyết định không trả lương cho những nhân viên chính phủ làm việc trong khu vực mà IS kiểm soát vào tháng 9/2015.
Theo Zing News
Jordan phá âm mưu tấn công khủng bố của IS
Ngày 2/3, Jordan cho biết đã đập tan âm mưu thực hiện các cuộc tấn công tại nước này của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trang tin Yahoo News cũng cho biết, trong một hoạt động an ninh lớn gần biên giới với Syria đêm 1/3, các lực lượng Jordan đã tiêu diệt 7 chiến binh thánh chiến bị tình nghi.
Hoạt động chống khủng bố của lực lượng an ninh Jordan được bắt đầu từ tối ngày 1/3 tại thành phố Irbid, cách phía bắc thủ đô Amman khoảng 80km. Đây là hoạt động chống khủng bố quan trọng nhất được Jordan tiến hành kể từ khi gia nhập liên minh chống IS với Mỹ hồi năm 2014.
Trong các cuộc đụng độ với những phần tử khủng bố, 1 thành viên lực lượng an ninh Jordan đã thiệt mạng và 3 người bị thương. Giao tranh đã nổ ra suốt vài giờ đồng hồ, cho đến tận rạng sáng ngày 2/3.
Theo cơ quan tình báo Jordan, IS đã lên kế hoạch "tấn công vào các khu vực dân sự và quân sự nhằm gây mất ổn định an ninh quốc gia". Cơ quan này cũng nói rằng, những kẻ khủng bố không chịu đầu hàng và đã kháng cự bằng các loại vũ khí tự động, các chiến binh thánh chiến bị tiêu diệt đều mặc áo khoác có cài bom tự sát.
Lực lượng an ninh Jordan làm nhiệm vụ
22 nghi phạm đã bị bắt giữ và nhiều vũ khí tự động, chất nổ đã bị thu giữ trong hoạt động chống khủng bố trên.
Được biết, một cuộc điều tra trước cuộc tấn công đã dẫn đến việc bắt giữ 13 người khác có liên quan đến các phần tử khủng bố.
Jordan đã siết chặt an ninh dọc biên giới kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu cách đây 5 năm. Nước này đã tăng cường các cuộc không kích nhắm vào IS kể từ tháng 2/2015 sau khi một nhóm cực đoan Sunni thiêu sống một phi công của lực lượng không quân Jordan bị rơi ở Syria khi đang làm nhiệm vụ.
Vương quốc này cũng phải đối mặt với một mối nguy hiểm từ bên trong khi có tới gần 4.000 công dân Jordan đang chiến đấu cho các nhóm chiến binh thánh chiến, chủ yếu là IS. Theo các nguồn tin, hơn 400 người Jordan đã bị giết chết khi chiến đấu trong hàng ngũ những kẻ thánh chiến ở Syria và Iraq kể từ năm 2011. Vân An
Theo_Hà Nội Mới
Nga tự làm mất hợp đồng xe BMP-3 cực lớn Thương vụ gần 1.500 xe chiến đấu BMP3 của Nga với Iraq và Saudi Arabia có nguy cơ đổ vỡ do nhà sản xuất Nga đang đứng trước nguy cơ phá sản. Theo TASS, ngày 29/2, nhà sản xuất xe quân sự BMP của Nga, Kurganmashzavod đã bị tập đoàn cơ điện Kovrov nộp đơn lên toà án tại vùng Kurgan và yêu...