IS rao bán nô lệ tình dục trên Facebook
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) công khai rao bán nô lệ tình dục trên Facebook với giá 8.000 USD nhưng đã bị mạng xã hội này xoá bỏ các thông tin sau vài giờ.
Trong bức ảnh được đăng trên Facebook, cô gái trẻ ở tuổi 18 với nước da màu oliu và mái tóc rũ xuống mặt dường như đang cố mỉm cười, nhưng không nhìn vào ống kính người chụp. Dòng chú thích bên dưới bức ảnh chỉ đề cập đến một thông tin duy nhất: Cô gái này đang được bán.
“Gửi những người anh em đang nghĩ đến việc mua nô lệ, giá của cô gái này là 8.000 USD”, phiến quân Abu Assad Almani viết trên Facebook ngày 20/5.
Người đàn ông đăng hình ảnh thứ hai chỉ vài giờ sau đó. Trong ảnh là một cô gái trẻ với khuôn mặt xanh xao và đôi mắt đỏ hoe ầng ậng nước, kèm chú thích: “Một nô lệ khác, giá cũng 8.000 USD. Có ai mua không ?”.
Một người phụ nữ Yazidi từng bị IS bắt giữ làm nô lệ trong vài tháng. Ảnh:Washington Post
Almani được cho là mang quốc tịch Đức và là phiến quân của IS tại Syria. Ngoài đăng ảnh rao bán nô lệ, Almani còn khuyên bạn bè trên Facebook “kết hôn” hoặc đến lãnh thổ của IS ở Iraq và Syria. Tên này còn tham gia bình luận về giá bán 8.000 USD.
“Lý do gì mà cô ta có giá đó? Cô ta có gì đặc biệt không?”, một tên hỏi về người phụ nữ trong bức ảnh thứ hai.
Video đang HOT
“Không. Cung và cầu làm nên cái giá đó”, Almani đáp.
Theo Washington Post, các bức ảnh ngay lập tức đã bị Facebook gỡ bỏ chỉ sau vài giờ.
Hành động bất thường này của IS cho thấy những mối nguy hiểm rình rập hàng trăm phụ nữ bị IS bắt giữ làm nô lệ tình dục. IS chưa từng đăng ảnh tù nhân nữ để chào bán công khai trên mạng cho đến sự việc ngày 20/5.
Trong những tháng gần đây , các trang mạng xã hội của nhóm phiến quân có nhiều tài khoản mua bán nô lệ tình dục, cũng như thông tin về quy định ngã giá. Chúng bao gồm các chủ đề như liệu có thể quan hệ với tù nhân chưa dậy thì hay không và một nô lệ có thể bị đánh đập ở mức độ như thế nào.
Nhiều trẻ em người thiểu số Yazidi cũng trở thành nạn nhân của IS. Ảnh: New York Times
Các thủ lĩnh IS từng nhiều lần sử dụng kênh truyền thông xã hội như Facebook và Twitter để chiêu mộ phiến quân và truyền bá tư tưởng Hồi giáo. Trong năm qua, các công ty Mỹ đã tìm cách chặn nhiều tài khoản và bài viết của phiến quân ngay khi chúng bị phát hiện.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết nhóm phiến quân Hồi giáo bắt giữ khoảng 1.800 phụ nữ và các bé gái ở các thị trấn của người Yazidi tại Iraq và Syria. Sau nhiều lần phủ nhận, vào năm 2015, phiến quân IS đã thừa nhận sử dụng nô lệ tình dục.
Khi nhóm khủng bố đối mặt với áp lực lớn ở Iraq và Syria, phụ nữ bị giam cầm cũng phải chịu đựng đau khổ khi bị bán như món hàng để đổi lấy tiền mặt, sống trong cảnh thiếu lương thực, thuốc men và đối mặt với cái chết hàng ngày vì các cuộc tấn công quân sự.
Theo Zing News
Thế giới hiện đại vẫn còn 45 triệu nô lệ
Cả thế giới hiện có trên 45 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em là nô lệ, cao gấp nhiều lần so với những con số thống kê trước đây, với 2/3 số nô lệ tập trung ở châu Á-Thái Bình Dương.
Một nô lệ trẻ em ở Haiti. YOUTUBE
Con số 45 triệu nô lệ trên thế giới được đưa ra trong nghiên cứu Chỉ số Nô lệ Toàn cầu năm 2016 mới công bố ngày 31.5 của tổ chức Walk Free Foundation (WFF) do tỉ phú người Úc Andrew Forrest sáng lập, theo AFP.
WFF tổng hợp thông tin từ 167 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiến hành 42.000 cuộc phỏng vấn bằng 53 thứ tiếng để đưa ra con số trên; họ cũng tìm hiểu xem chính phủ các quốc gia đã có những động thái gì nhằm ngăn chặn vấn nạn nô lệ thời hiện đại.
Con số 45 triệu nô lệ này cao hơn 28% so với con số ước tính cách đây hai năm.
Nô lệ hiện đại là tình trạng bóc lột một cá nhân, khiến người này không thể thoát thân vì bị đe dọa, hành hạ, áp bức, theo WFF.
Một nô lệ được giải cứu ở ngoại ô thủ đô New Delhi, Ấn Độ. REUTERS
Ngoài ra, một người cũng được xem là nô lệ nếu họ bị bắt làm việc trên các tàu cá để trừ nợ và không được phép về nhà, hoặc bị bắt bán làm người giúp việc, bị ép làm gái mại dâm trong các nhà thổ.
Theo WFF, Ấn Độ có số người trở thành nô lệ cao nhất thế giới với 18,35 triệu người và đứng hàng đầu trong năm quốc gia châu Á có nhiều nô lệ trên thế giới. Sau Ấn Độ là Trung Quốc với 3,39 triệu nô lệ, Pakistan (2,13 triệu nô lệ), Bangladesh (1,53 triệu nô lệ) và Uzbekistan (1,23 triệu nô lệ).
Khoảng 124 quốc gia trên thế giới đã xem hành động buôn người là tội phạm hình sự, tuân thủ nghị định thư Liên Hiệp Quốc về chống buôn người, và 96 nước có kế hoạch hành động chống buôn người và nô lệ hiện đại.
WFF kêu gọi chính phủ các nước có những biện pháp cứng rắn hơn để chấm dứt nạn nô lệ hiện đại. Ông Forrest cho biết: "Tôi tin rằng các lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức dân sự trên thế giới đóng vai trò quan trong cuộc chiến chống nạn nô lệ thời hiện đại".
WFF cho hay Croatia, Brazil và Philippines là ba quốc gia có nhiều động thái tích cực chống nô lệ hiện đại kể từ khi tổ chức này công bố nghiên cứu Chỉ số Nô lệ Toàn cầu 2014. WFF đồng thời lưu ý Ấn Độ cũng đang có nhiều bước tiến đáng kể trong cuộc chiến này.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
"Tên lửa vác vai" bắn lưới tóm UAV Sky wall100 có hình dáng như tên lửa vác vai, bắn ra một tấm lưới đặc biệt tóm gọn máy bay không người lái cỡ nhỏ. Với đặc tính gọn nhẹ, ít tiếng ồn, dễ điều khiển nên phương tiện bay không người lái cỡ nhỏ luôn làm đau đầu các nhà quân sự khi nó xâm phạm các khu vực nhạy cảm...