IS nói Jordan không kích làm chết một nữ con tin Mỹ
Tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm qua 6/2 cho biết cuộc không kích của Jordan một ngày trước đó đã làm một nữ con tin người Mỹ thiệt mạng. Phía Mỹ tuyên bố chưa có bằng chứng về cái chết của công dân nước này.
Hãng thông tấn AFP dẫn thông báo của IS cho biết một phụ nữ có tên Kayla Jean Mueller đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát sau khi toà nhà giam giữ cô ở vùng Raqqa (Syria) đổ sập trong vụ không kích của Jordan hôm qua 6/2.
Theo hãng tin BBC, thông diệp của nhóm IS còn nói rằng không có chiến binh Hồi giáo nào bị thương trong vụ đánh bom, “tất cả là nhờ Thánh Allah”.
Trong tuyên bố đăng tải trên mạng hôm qua, phiến quân IS gọi tên cô là Kayla Jean Mueller và nói thêm cả địa chỉ của cô ở bang Arizona (Mỹ), cố ý tăng độ tin cậy của thông điệp.
Cô Mueller bắt đầu đến vùng biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ dân di cư từ năm 2012. Theo AFP, nữ nhân viên cứu trợ 26 tuổi bị bắt hồi tháng 8/2013 tại Aleppo (Syria) sau khi rời một bệnh viện địa phương.
Kayla Jean Mueller (trái) chụp cùng người thân. (Ảnh: BBC)
BBC dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Bernadette Meehan cho biết Nhà Trắng “quan ngại sâu sắc” trước thông tin công dân nữ Mueller thiệt mạng ở Syria. Tuy nhiên ông nhấn mạnh: “Hiện chúng tôi chưa nhìn thấy bất cứ bằng chứng nào xác thực tuyên bố đó”.
Video đang HOT
Nếu thông báo của IS là thật, cô Mueller sẽ là con tin người Mỹ thứ 4 thiệt mạng trong tay nhóm phiến quân. Tuy nhiên, 3 người Mỹ khác là nhà báo James Foley, Steven Sotloff và nhân viên cứu trợ Peter Kassig đã bị nhóm phiến quân chặt đầu.
Hai nhân viên cứu trợ Anh, một cựu nhà thầu và một phóng viên Nhật cũng bị chúng dùng hình thức hành quyết tương tự. Hôm 3/2, IS tung video cho thấy một phi công người Jordan đã bị chúng thiêu sống trong một chiếc lồng sắt.
Jordan đã thề sẽ trả thù nhóm phiến quân đến “long trời lở đất”, ngày 5/2, hàng chục chiến đấu cơ của không quân nước này tiến hành không kích nhằm vào thành trì của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria để trả thù.
Một tuyên bố của các lực lượng vũ trang Jordan cho biết các vụ không kích đã phá hủy các kho vũ khí và các trại huấn luyện của IS. Tuyên bố nói thêm rằng các cuộc tấn công “mới chỉ là sự khởi đầu”.
Trước thông tin con tin người Mỹ chết trong các trận không kích của quân đội Jordan, Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh hôm qua đã bác bỏ tin này và gọi đây là “trò lừa bịp”của bọn khủng bố.
Trong khi đó, tổ chức quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh khẳng định đã có hơn 30 phần tử thánh chiến IS thiệt mạng trong các cuộc không kích của chính phủ Jordan.
Thoa Phạm
Theo Dantri/BBC
66 nhà báo bị sát hại trên thế giới năm 2014
Theo tổ chức Phóng viên không biên giới (RWB), trong năm qua có 66 nhà báo đã bị sát hại dưới nhiều hình thức trong bối cảnh số vụ bắt cóc nhà báo tăng mạnh so với các năm trước.
Hình ảnh nhà báo James Foley bị sát hại trong cuộn băng hình do IS công bố.
Trong báo cáo công bố ngày 16/12, RWB cho biết số vụ bắt cóc các nhà báo đang có xu hướng tăng mạnh và tính chất các vụ sát hại cũng dã man hơn trước.
Điển hình trong số này là vụ các tay súng thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hành quyết hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff. Hai nhà báo này bị giết hại cách nhau 2 tuần, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9, cho thấy rõ sự nguy hiểm của các nhà báo khi đưa tin về các cuộc xung đột hiện nay.
"Hiếm khi có nhà báo nào bị giết hại dã man như trong đoạn băng của IS, khiến thế giới thực sự bàng hoàng", báo cáo viết.
Trước đó, vào tháng 3, nhà báo Sardar Ahmad của hãng tin AFP (Pháp) cũng bị bắn chết cùng vợ và 2 trong số 3 người con, khi các tay súng Taliban đột chiếm một khách sạn ở thủ đô Kabul.
Theo báo cáo của RWB, tính từ năm 2005 đến nay đã có 720 nhà báo bị sát hại. Trong năm qua, mặc dù số nhà báo bị giết giảm nhẹ so với con số 71 người của năm trước nhưng tỷ lệ các nhà báo bị bắt cóc lại tăng 37%, lên 119 người.
Các vụ bắt cóc nhà báo chủ xảy ra tại khu vực chiến sự ở Đông Nam Ukraine, khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Trong số 119 người này có 33 người tác nghiệp tại Ukraine, 29 người ở Libya, 27 người tại Syria và số còn lại ở các nước khác.
"Các nhà báo địa phương bị bắt cóc nhiều nhất, chiếm tới 90%", báo cáo nhấn mạnh, đồng thời cho biết toàn bộ 8 nhà báo bị bắt làm con tin ở Iraq đều là người bản địa và 16 trên 22 nhà báo bị bắt cóc ở Syria là các phóng viên địa phương.
Các cuộc xung đột trên khắp thế giới là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà báo phải tác nghiệp xa nhà. Đơn cử trong năm qua có 47 nhà báo Libya và 37 phóng viên Syria phải tác nghiệp ở nước ngoài.
Những nơi có môi trường tác nghiệp nguy hiểm nhất là Ukraine, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nơi có chiến tranh, xung đột.
Báo cáo của RWB cũng chỉ rõ sự gia tăng bạo lực nhằm vào các nhà báo khiến chất lượng thông tin giảm sút.
"Những kẻ giết người ngày càng man rợ hơn và các vụ bắt cóc tăng nhanh đã làm ảnh hưởng đến việc đưa tin và phản ánh chi tiết các sự kiện đang diễn ra trên thế giới", báo cáo kết luận.
Vũ Anh
Theo Dantri/AFP
Xác định được chính xác địa điểm phi công Jordan bị IS thiêu sống? Một nhóm nhà hoạt động chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) của Syria khẳng định họ đã xác định được chính xác khu vực mà phi công người Jordan bị thiêu sống. RIBSS - tên nhóm hoạt động này - tuyên bố xác định được chính xác vị trí vụ hành quyết bằng cách đối chiếu quang cảnh trong video với...