IS âm mưu tấn công khủng bố châu Âu bằng vũ khí hóa học
Các thông tin tình báo cho biết IS đang chuẩn bị một cuộc tấn công nhắm vào châu Âu, sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như vũ khí hóa học hoặc sinh học.
Tiêu huỷ vũ khí hoá học. EU cảnh báo IS có âm mưu tấn công châu Âu bằng vũ khí huỷ diệt hàng loạt – Ảnh: Reuters
Theo Kênh truyền hình Nước Nga 24 ngày 7.12, những thông tin này được nêu trong báo cáo của Nghị viện châu Âu, và các chuyên gia tham gia nghiên cứu tổng hợp chúng khuyến cáo EU nên tăng cường các biện pháp an ninh, đặc biệt là tại các mục tiêu chiến lược quan trọng.
Kênh truyền hình Nước Nga 24 cũng nhắc lại, ngay sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố tại Paris, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã dự đoán về các hành động khủng bố tiếp theo. Lúc đó, ông đã cảnh báo EU rằng trong các cuộc tấn công trong tương lai, bọn khủng bố có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học.
Ngoài ra, người đứng đầu các lực lượng cảnh sát EU Rob Wainwright cũng từng cảnh báo về mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố mới mà IS có thể sẽ thực hiện ở châu Âu.
Video đang HOT
Được biết, một tuần sau khi xảy ra vụ khủng bố tại Paris, bộ trưởng nội vụ các nước EU đã tập trung tại Brussels (Bỉ) để bàn về sự hợp tác an ninh vốn chưa được chặt chẽ trong nội bộ liên minh và đề ra một số biện pháp cần thiết để khắc phục. Điều đáng nói, Brussels chính là nơi mà bọn khủng bố chọn làm điểm xuất phát cho các cuộc tấn công khủng bố ở Paris.
Phạm Bá Thủy
Theo Thanhnien
Ông Kim Jong-un trong cuộc loay hoay duy trì quyền lực
Dẫu bị chỉ trích trên mọi bình diện, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ít nhất đang giữ cho thế giới đứng ngoài một thảm họa khó lường, vì kho vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân của Triều Tiên vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.
Đằng sau những hình ảnh "hoành tráng" như thế này là cuộc vật lộn giữ quyền lực của ông Kim Jong-un - Ảnh: AFP
Viễn cảnh rùng mình
Báo Stars and Stripes vừa có bài phân tích về tình hình chính trị hiện nay ở Triều Tiên với nhận định dẫu đã lên cầm quyền được gần 4 năm, ông Kim vẫn đang chật vật củng cố quyền lực, chưa ở thế an tâm mà trụ vững.
Non cả tuổi đời và "tuổi nghề" là bất lợi dễ thấy nhất của ông Kim. Ở những nước yêu chuộng Nho giáo như Triều Tiên, anh chưa đủ "chín" để có thể gọi là một người đàn ông thực thụ nếu anh chưa qua cái mốc 30 tuổi. Còn ông Kim thì lên làm lãnh đạo ở Triều Tiên khi chỉ mới vừa kịp "trở thành người đàn ông". Quãng thời gian để ông tập tành làm chính trị trước đó cũng quá ngắn, vì thế việc ông loay hoay củng cố quyền lực không có gì là lạ. Chỉ có điều cách ông loay hoay khiến người ta phải kinh sợ, ví dụ điển hình nhất là vụ xử tử bộ trưởng quốc phòng bằng súng phòng không.
Cách ông chứng tỏ quyền lực cũng khiến cả thế giới phải lo lắng: phớt lờ mọi lệnh cấm vận mà tiếp tục phát triển bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Chỉ mới cách đây vài ngày, chính quyền Triều Tiên tuyên bố sẽ nối lại hoạt động tại một lò phản ứng hạt nhân và đe dọa dùng sản phẩm tại đây mà tấn công Mỹ và Hàn Quốc.
Nhưng dẫu ở bề ngoài chứng tỏ quyền lực mạnh mẽ như thế, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Kim suốt 4 năm qua và trong thời gian tới là loay hoay giữ chính quyền. Ken Gause, một nhà quan sát Triều Tiên tại CNA - tổ chức nghiên cứu chính sách tại bang Virginia (Mỹ) - nhận xét nếu ông Kim không củng cố vững chắc được quyền lực trong vòng 5 năm tới, tình hình Triều Tiên sẽ càng trở nên bất ổn khó lường.
Những cuộc thử tên lửa tới tấp của Triều Tiên khiến thế giới phải lo lắng - Ảnh: AFP
Kịch bản khó chịu
Và cái khó lường nhất, cũng là kịch bản tồi tệ nhất mà Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều phải tính tới là viễn cảnh chính quyền của ông Kim Jong-un bất ngờ sụp đổ. Dẫu bị chỉ trích trên mọi bình diện, ông Kim ít nhất đang giữ cho thế giới đứng ngoài một thảm họa khó lường, vì kho vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân của Triều Tiên đang nằm trong tầm kiểm soát. Còn nếu ông Kim sụp đổ, nội chiến có thể xảy ra và các loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm của Triều Tiên rất dễ bị thả nổi, sử dụng vô trách nhiệm. Chỉ mới nghĩ đến thôi, người ta cũng đã phải rùng mình.
Trung Quốc, nước có đường biên giới chung với Triều Tiên đến nay vẫn là nước kín tiếng nhất, từ chối thảo luận với Mỹ về việc họ sẽ làm gì nếu chính quyền Triều Tiên sụp đổ. Báo Stars and Stripes trích nhận định của ông Bruce Bechtol, một nhà phân tích về Triều Tiên làm việc tại Đại học cộng đồng Angelo (bang Texas, Mỹ): "Họ (Trung Quốc) không muốn bắn ra bất kỳ một tín hiệu khiêu khích nào về phía chính quyền Bình Nhưỡng".
Trung Quốc từ lâu đã là nước "bảo trợ" hiếm hoi, trong nhiều thời điểm là duy nhất, đối với Triều Tiên, cung cấp thực phẩm và năng lượng cho nước này. Và bất kỳ một diễn biến nào, nhất là ở một đất nước tìm mọi cách phát triển vũ khí hạt nhân nằm ngay sát sườn, đều được Trung Quốc theo dõi rất chặt chẽ. Nhưng theo phân tích của Stars and Stripes, Trung Quốc đang dần mất kiên nhẫn.
Phần lớn các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc là chuẩn bị cho viễn cảnh đối đầu quân sự với Triều Tiên - Ảnh: AFP
Trong vụ nã pháo giữa 2 miền Triều Tiên hồi tháng trước, Trung Quốc đã huy động quân rầm rộ tới vùng biên giới với Triều Tiên. Dù sau đó Trung Quốc bảo rằng đó là hoạt động quân sự "thường lệ", rõ ràng Trung Quốc muốn bắn ra 2 thông điệp: chính quyền Triều Tiên phải lo mà giải quyết sự vụ, và muốn thông báo cho thế giới thấy rằng Trung Quốc luôn để mắt tới tình hình Triều Tiên.
Báo Stars and Stripes phân tích rằng viễn cảnh thống nhất 2 miền Triều Tiên trong tương lai sẽ diễn ra, dù Trung Quốc có thích hay không thích. Tuy nhiên, để cho đến ngày đó, các nước có dính líu lợi ích của quốc gia đang nằm trong quyền lãnh đạo của ông Kim phải tính toán cho kịch bản khó chịu kể trên.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Pháp lo sợ IS đầu độc nguồn nước sinh hoạt ở Paris Hôm 22/11, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia TF1 là "mọi biện pháp phòng ngừa đã được tiến hành" để chống lại nguy cơ IS sẽ tổ chức một cuộc khủng bố bằng vũ khí hóa học và vi sinh. Các nguồn nước uống sạch của Paris cũng được chính quyền đặt trong...