Iraq tiết lộ thủ đoạn của mạng lưới đánh bom xe IS
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng giả làm những kẻ say xỉn để qua mặt lực lượng an ninh, lắp cửa sập trên sàn xe nhằm thả bom xuống đường đồng thời sẵn sàng liều chết nếu bị phát hiện.
Nhân viên an ninh Iraq lôi khẩu súng máy giấu ở ghế sau một chiếc xe thu giữ ở Baghdad. Ảnh: AFP.
Cơ quan tình báo quốc gia Iraq (INIS) hôm 15/3 thông báo bắt 31 nghi phạm lên kế hoạch và thực hiện 52 vụ tấn công tại thủ đô Baghdad trong năm 2014 và đầu năm nay. Thủ lĩnh của nhóm này bị bắt khi đang đạp xe đạp ở một khu hạng sang.
“Chúng tôi tổ chức theo dõi trong 6 tháng sau lần đầu phát hiện dấu vết của mạng lưới cần truy lùng”, phát ngôn viên INIS Fahim al-Atraqchi cho biết. “Tiếp đó, chúng tôi thiết lập lực lượng đặc biệt và bắt toàn bộ chúng trong vòng 72 giờ. Tên thủ lĩnh bị bắt khi đang đạp xe đạp ở Mansour”.
Quá trình điều tra cho thấy phiến quân IS vượt qua điểm kiểm soát an ninh bằng cách cố ý phơi bày hàng loạt chai đồ uống có cồn ở ghế sau, al-Atraqchi mô tả lại. “Chúng cố gắng đánh lừa cảnh sát rằng đây chỉ là những kẻ say xỉn, loại bỏ mọi nghi ngờ về việc chúng là phần tử tôn giáo cực đoan”.
INIS thu giữ 10 phương tiện trong đợt truy quét. Toàn bộ số xe đã được gắn chất nổ để thực hiện tấn công hoặc tránh bị bắt sống.
Một sĩ quan cấp cao chỉ ra vị trí các khoang giả trên vài phương tiện và cho xem hàng chục biển số giả. Một số xe hơi có cửa sập trên sàn cho phép nhóm phiến quân có thể thả bom xuống đường mà không cần phải ra ngoài phương tiện, tránh gây chú ý.
“Chúng rất khéo léo”, sĩ quan trên nói.
Theo al-Atraqchi, tổ chức vừa bị triệt phá từng thực hiện nhiều vụ đánh bom ở khu cộng đồng Shiite ở thành phố Sadr City, một trong những mục tiêu thường xuyên nhất ở Baghdad.
Nhóm nghi phạm sử dụng thẻ căn cước giả với thông tin của thành viên các đơn vị tình nguyện Huy động Sức dân (Popular Mobilisation). Chúng còn bị nghi ngờ từng đánh bom khu trung tâm đông đúc ở quận Karrada cùng nhiều khu vực tại Baghdad.
“Bọn ta đang tìm kiếm những mục tiêu có thể chiếm vị trí trên trang nhất”, một nghi phạm bị bịt mắt nói sau khi được sĩ quan tình báo cho phép.
Video đang HOT
Nghi phạm trên khoảng 40 tuổi và là cha của 4 người con. Hắn thú nhận bị cực đoan hóa trong 4 năm ngồi tù ở nhà giam Camp Bucca, miền nam Iraq, nhưng không nói rõ lý do lĩnh án. Camp Bucca cũng là nơi từng giam Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ được cho là thủ lĩnh tối cao của IS.
“Họ (các tù nhân khác) thuyết phục ta cùng nhiều người rằng bọn ta đang bị đối xử bất công và nên tự biết bảo vệ bản thân”, nghi phạm nói. “Ta từng làm việc tại một cửa hàng điện thoại di động và cuộc sống khá tốt. Nhưng khi gia nhập IS, ta dừng nghĩ cho bản thân”.
Thành viên cơ quan tình báo Iraq (phải) đứng gác 31 nghi phạm tại trụ sở tình báo ở thủ đô Baghdad hôm 16/3. Ảnh: AFP.
Giới chức tình báo Iraq công bố hình ảnh 31 nghi phạm. Chúng mặc đồ liền thân màu nâu đứng xếp hàng tại một điểm tạm giữ với các thiết bị chế tạo bom cùng vũ khí trước mặt. INIS không cung cấp tên nghi phạm. Một quan chức giấu tên nói các nhà điều tra đang truy lùng 10 thành viên nữa của nhóm này.
Baghdad có thời điểm trong năm ngoái bị rung chuyển hàng ngày vì đánh bom xe hơi. Tình trạng này trong năm nay bắt đầu có chiều hướng giảm và lệnh giới nghiêm ban đêm được dỡ bỏ tháng trước, sau nhiều năm áp đặt.
“Lý do số vụ tấn công ở Baghdad giảm trong ba tuần qua chính là mạng lưới này bị bắt”, al-Atraqchi nói. Tuy nhiên, việc chặn đứng mạng lưới đánh bom xe hơi cần có thời gian bởi chúng rất khôn khéo tránh các điểm kiểm soát an ninh tại thành phố này.
Như Tâm
Theo AFP
Thủ đoạn làm giàu của tướng trẻ nhất Trung Quốc
Là con trai một trong những người quyền thế nhất quân đội Trung Quốc, Quách Chính Cương được phong quân hàm tướng khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng lại lợi dụng chức quyền cùng vợ tham nhũng.
Quách Chính Cương (giữa). Ảnh: Beijing Chenbao
Hôm qua, quân đội Trung Quốc công bố danh sách 14 viên tướng bị điều tra tham nhũng. Trong đó, đáng chú ý nhất là thiếu tướng Quách Chính Cương, 45 tuổi, phó chính ủy Quân khu Chiết Giang. Theo Caixin, Quách là con trai của thượng tướng Quách Bá Hùng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Quách Chính Cương sinh vào tháng 1/1975, quê tại huyện Lễ Tuyền, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc. Năm 1989, Quách nối nghiệp cha theo đường binh nghiệp. Tướng Quách Bá Hùng khi đó là phó tham mưu trưởng Quân khu Lan Châu, một trong bảy đại quân khu của Trung Quốc.
Với hậu thuẫn từ gia đình, Quách Chính Cương thăng tiến nhanh chóng trong cả quân đội và chính quyền tỉnh Chiết Giang. Quách lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như thường vụ thành ủy Chu Sơn, chính ủy khu cảnh bị thành phố, phó chủ nhiệm chính trị Quân khu Chiết Giang.
Năm 2010, Quách được phong quân hàm đại tá khi chỉ mới 40 tuổi. Ba năm sau, tháng 4/2013, Quách được bổ nhiệm làm chủ nhiệm chính trị quân khu, thường vụ đảng ủy quân khu, rồi được bầu vào Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh khóa 12.
Tháng 7/2014, tờ Mingpao của Hong Kong từng dẫn nguồn tin nội bộ cho biết, Quách Chính Cương và vợ là Ngô Phương Phương bị Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật của quân đội yêu cầu phối hợp điều tra liên quan đến một số vấn đề kinh tế.
Tuy nhiên, đến giữa tháng một năm nay, Quách Chính Cương vẫn được thăng quân hàm thiếu tướng, đảm nhiệm chức phó chỉnh ủy quân khu Chiết Giang. Quách trở thành sĩ quan quân đội sinh sau năm 1970 thứ hai được phong quân hàm tướng. Trước đó có ông Mao Tân Vũ cũng sinh năm 1970, được phong quân hàm thiếu tướng vào năm 2010. Ông Mao là cháu nội của cố chủ tịch Mao Trạch Đông.
Thăng chức chưa đầy một tháng, ngày 10/2, Quách và vợ bị Viện Kiểm sát Quân sự bắt giữ với các cáo buộc tham nhũng, Caixin dẫn nguồn tin nội bộ cho hay. Theo đó, vợ chồng viên tướng này dính líu đến một vụ bê bối đầu tư bất động sản, mà Ngô Phương Phương là nhà đầu tư chính.
Ngày 1/1, gần một trăm người dân tập trung trước cửa trụ sở quân khu Chiết Giang, hô to: "Quách Chính Cương, trả lại tiền". Đoàn người biểu tình là các tiểu thương tham gia dự án Trung tâm điện khí kim loại Hàng Châu.
Một người tham gia cho biết, họ biểu tình tại đây là bởi dự án này xây dựng trên đất thuộc quyền quản lý của quân khu, ngoài ra, chủ dự án, bà Ngô Phương Phương, là vợ của chủ nhiệm chính trị Quách Chính Cương.
Quách Chính Cương là con trai thượng tướng Quách Bá Hùng (giữa), nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Bên trái là tướng Từ Tài Hậu, người đồng cấp với tướng Quách. Ông Từ đã bị điều tra từ năm 2014. Ảnh: SCMP
Năm 2009, Trung tâm điện khí kim loại Hàng Châu từng là dự án trọng điểm được Hội liên hiệp Công thương nghiệp Trung Quốc chỉ định hỗ trợ. Dự án này do Công ty đầu tư Đông Hoàng bỏ vốn 800 triệu nhân dân tệ (130 triệu USD) đầu tư. Chủ công ty là Ngô Phương Phương và mẹ, bà Phương Thủy Anh.
Để huy động vốn xây dựng, công ty của Ngô ký với gần 2.000 tiểu thương Hàng Châu hợp đồng cho thuê gian hàng, với thời hạn hoàn thành dự án là tháng 5/2011. Ngoài ra, các tiểu thương còn ký thêm một thỏa thuận bổ sung, cho công ty thuê lại các gian hàng trong thời gian ba năm sau khi hoàn thành dự án. Theo đó, mỗi năm công ty sẽ trả lãi suất đầu tư, và sau ba năm các tiểu thương có thể rút trọn vốn khỏi dự án.
Thông qua hình thức này, Ngô Phương Phương đã huy động được trên 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 80 triệu USD). Tuy nhiên, đến giữa năm 2011, dự án trên vẫn chưa hoàn thành. Công ty Đông Hoàng đành ký tiếp thỏa thuận với các tiểu thương, đồng ý trả lãi suất như hợp đồng, bất kể dự án có hoàn thành hay không.
Đến giữa năm 2014, sau khi hết thời hạn thỏa thuận, hàng loạt tiểu thương yêu cầu được hoàn vốn, nhưng Công ty Đông Hoàng từ chối trả tiền, với lý do thiếu vốn. "Các hộ tiểu thương rất thất vọng, bởi khoảng cách giữa hai bên ngày càng xa, không có tiếng nói chung", tiểu thương Trần Trại Triều cho biết.
Trong quá trình đàm phán giữa Đông Hoàng và nhà đầu tư, ngoài đại diện của thành phố, còn có đại diện của bộ chỉ huy Quân khu Chiết Giang, bởi dự án trên được xây dựng trên đất sản xuất thuộc quyền quản lý của quân đội.
Theo đó, mỗi năm công ty của Ngô Phương Phương sẽ trả cho quân khu 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) tiền thuê đất. Cũng chính trong thời gian này, Ngô làm thân và có quan hệ tình cảm với Quách Chính Cương, dù bản thân đã có chồng.
Cuối năm 2011, Ngô ly dị. Một năm sau, Ngô Phương Phương và Quách Chính Cương kết hôn và có một con trai. Ngoài dự án trên, cặp vợ chồng này còn đầu tư vào dự án chợ Thụy Phưởng, với hình thức huy động như trên. Dự án này cũng xuất hiện tình trạng chậm hoàn thành và khất nợ nhà đầu tư.
Những tin đồn về việc điều tra Quách Chính Cương từng làm dấy lên câu hỏi liệu tướng Quách Bá Hùng có phải là mục tiêu bị điều tra tiếp theo hay không. Trước đó, người đồng cấp với ông là tướng Từ Tài Hậu đã bị giới chức điều tra tham nhũng. Tuy nhiên, trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, thượng tướng Quách Bá Hùng vẫn nằm trong danh sách các cựu cán bộ cấp cao được lãnh đạo đảng và nhà nước thăm viếng, Xinhua cho biết.
Giới quan sát quân sự cho rằng, việc Bắc Kinh chứng thực thông tin điều tra Quách Chính Cương cho thấy khả năng cao thượng tướng Quách sẽ bị xem xét kỹ lưỡng.
Hôm qua, trong cuộc họp báo trước thềm hội nghị thường kỳ của cơ quan lập pháp Trung Quốc, người phát ngôn Lữ Tân Hoa cho biết thái độ của chính phủ là "kiên quyết không có vùng cấm, phủ sóng toàn diện, không khoan nhượng, nghiêm khắc trừng trị các thành phần tham nhũng".
Đức Dương
Theo VNE
Thủ đoạn làm giàu của tỷ phú mafia đằng sau Chu Vĩnh Khang Xuất thân trong gia đình thị dân, Lưu Hán trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, thông qua việc câu kết với tham quan, đặc biệt là cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Từng là một trong những chính trị gia quyền thế nhất Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang không chỉ là chiếc ô...