Iran và Israel cùng thách thức chính sách Trung Đông của Mỹ?
Chính quyền Biden đang phải đối mặt với những thách thức trong việc kiểm soát tình hình ở Trung Đông, khi Israel có khả năng rơi vào một cuộc xung đột đa mặt trận với Hezbollah và Iran.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc gặp ở Tel Aviv ngày 18/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Mới đây, Hussein Ibish, học giả cao cấp tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Arab và là chuyên gia về các vấn đề Mỹ cho tờ The National (UAE) nhận định rằng, chính sách của Mỹ tại Trung Đông đang gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt sau các sự kiện xảy ra vào ngày 7/10/2023.
Các hành động quyết đoán từ cả hai phía: đối tác thân cận nhất của Mỹ, Israel, và đối thủ chính, Iran, đang làm lung lay mục tiêu kiềm chế xung đột ở Gaza mà Washington đã đặt ra.
Cả Iran và Israel dường như đều đang thúc đẩy khu vực này hướng tới một cuộc xung đột đa mặt trận, điều mà Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực ngăn chặn.
Sau ngày 7/10, chính quyền Biden đã xác định rằng lợi ích của Mỹ có thể chịu đựng những hậu quả phát sinh từ cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên, Washington lo ngại rằng việc bị kéo vào một cuộc xung đột toàn diện sẽ mang lại nhiều rủi ro không thể lường trước.
Để kiềm chế sự leo thang của xung đột, Tổng thống Biden đã dành sự ủng hộ cho việc Israel tự do hành động ở Gaza, với hy vọng rằng điều này sẽ giúp họ giữ ổn định tại Liban. Trong thời gian từ tháng 8/2024 trở về trước, chính sách này dường như đã có hiệu quả. Mặc dù xuất hiện nhiều điểm nóng ở Syria, Iraq, và các vụ tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ từ lực lượng Houthi ở Yemen, Israel vẫn chủ yếu tập trung vào Gaza mà không làm gia tăng xung đột tại Liban.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thách thức lớn nhất đối với chiến lược của Mỹ lại đến từ chính Israel. Ngay sau các cuộc tấn công ngày 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã kêu gọi một cuộc tấn công lớn chống Hezbollah, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Biden kêu gọi Thủ tướng Netanyahu tập trung vào Hamas. Israel và Iran đều nhận thấy rằng Tehran đã hưởng lợi từ tình hình tại Gaza, trong khi Israel đang cần một chiến thắng để phục hồi uy tín của các cơ quan an ninh quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu này, Israel dường như cho rằng việc tập trung vào Hezbollah, lực lượng quân sự hùng mạnh thân Iran, sẽ mang lại cơ hội cao hơn. Trước đó, Israel đã có những hành động thận trọng nhằm gia tăng áp lực lên Hezbollah, làm cho Washington cảm thấy lo ngại nhưng không dám can thiệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, sự chú ý của Israel đã chuyển hướng trở lại phía Bắc, nhắm trực diện vào Hezbollah.
Cụ thể hôm 30/9 vừa qua, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên bộ qua biên giới phía Nam của Liban, nhằm đánh bật Hezbollah ra xa khỏi khu vực biên giới. Các quan chức Israel mô tả cuộc tấn công này là giới hạn về quy mô, nói rằng sẽ không có chiếm đóng lâu dài, mặc dù các quan chức đã từ chối tiết lộ binh sĩ Israel sẽ tiến sâu vào Liban đến đâu hoặc chiến dịch này sẽ kéo dài bao lâu.
Trước đó, cả Israel và Hezbollah đều không thực sự quan tâm đến các thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đề xuất. Israel yêu cầu Hezbollah rút quân khỏi biên giới, trong khi Hezbollah yêu cầu một lệnh ngừng bắn tại Gaza. Để tăng cường sức ép, Israel đã liên tục tấn công các vị trí của Hezbollah và Iran ở Syria.
Hành động không kích của Israel đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng quân sự của Hezbollah, đồng thời gây ra thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng và các thiết bị quân sự quan trọng của Iran. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Washington hiểu rằng những cuộc phiêu lưu quân sự như vậy dễ bắt đầu nhưng khó có thể kết thúc. Tehran cuối cùng cũng đã phản ứng lại bằng cách thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel đêm 1/10 vừa qua. Dù được cho là không thành công, nhưng Israel có khả năng sẽ không dễ dàng chấp nhận lời kêu gọi kiềm chế từ Mỹ và tuyên bố có hành động đáp trả.
Rõ ràng là, Mỹ hiện đang bị mắc kẹt giữa việc muốn kiểm soát Israel và nguy cơ bị kéo vào cuộc xung đột với Iran. Nếu Israel tiếp tục các hành động quyết liệt và Iran cũng không nhượng bộ, cơn ác mộng về một cuộc chiến tranh khu vực đa mặt trận có thể xảy ra, buộc Washington phải can thiệp để bảo vệ Israel.
Tình hình leo thang này đang tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với lợi ích và mục tiêu của Mỹ, đồng thời có thể làm sụp đổ hoàn toàn chính sách của chính quyền Biden đối với cuộc khủng hoảng ở Gaza.
Tại sao Mỹ không từ bỏ thoả thuận con tin giữa Israel và Hamas?
Mặc dù đối mặt với thất bại liên tục, Mỹ không thể từ bỏ nỗ lực đàm phán thỏa thuận con tin giữa Israel và Hamas vì những lý do chính trị, nhân đạo và chiến lược.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) hội kiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, ngày 19/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 6/9, Mỹ đã liên tục nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận con tin giữa Israel và Hamas, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Tuy nhiên, chính quyền Biden không thể từ bỏ nỗ lực này vì nhiều lý do, bao gồm áp lực chính trị, nhân đạo và những cân nhắc về an ninh khu vực.
Mục tiêu xa vời nhưng không thể bỏ cuộc
Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã nỗ lực tìm cách đạt được thỏa thuận giải thoát con tin ở Gaza, chấm dứt nỗi đau khổ của người dân Palestine và tạm ngừng giao tranh giữa Israel và Hamas. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa bao giờ xa vời đến thế. Quan hệ giữa Mỹ và Israel đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, đặc biệt sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 năm ngoái và phản ứng quân sự mạnh mẽ của Israel tại Gaza.
Việc theo đuổi một mục tiêu chính sách đối ngoại khó đạt được như vậy có thể làm tổn hại đến uy tín của chính quyền Biden. Thất bại trong việc đạt được thỏa thuận không chỉ đe dọa đến những ưu tiên chính sách hàng đầu của Mỹ mà còn gây ra chỉ trích và áp lực chính trị lớn. Các cố vấn cấp cao của Tổng thống Biden hiện đang hoạt động trong một thực tế chính trị khác biệt với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, khi Washington cho rằng thỏa thuận đã gần hoàn thành, trong khi Israel phủ nhận điều này.
Nhưng một trong những lý do Mỹ không thể bỏ cuộc là áp lực từ phía trong nước, đặc biệt khi có những công dân Mỹ bị giam giữ ở Gaza. Cái chết của Hersh Goldberg-Polin, một con tin Mỹ-Israel, càng làm gia tăng áp lực đòi hỏi chính quyền Biden phải hành động. Ngay cả một cơ hội nhỏ nhoi để đạt được thỏa thuận giải cứu con tin cũng mang lại hy vọng lớn và cứu được mạng sống của nhiều người.
Ngoài ra, việc ngăn chặn xung đột lan rộng trong khu vực cũng là mục tiêu quan trọng của Nhà Trắng. Cuộc chiến kéo dài giữa Israel và Hamas có thể gây bất ổn thêm cho Trung Đông và đe dọa lợi ích chiến lược của Mỹ. Đối với chính quyền Biden, chấm dứt cuộc xung đột còn mang động cơ nhân đạo, đặc biệt là khi hàng nghìn thường dân Palestine đã thiệt mạng. Sự tức giận của cử tri Mỹ, đặc biệt là những người tiến bộ và cộng đồng người Mỹ gốc Arab, về thương vong dân sự có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ sắp tới, đặc biệt là tại các bang chiến trường như Michigan.
Thách thức chính trị và quan hệ với Israel
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, Mỹ vẫn chưa sử dụng mọi đòn bẩy với Israel, như hạn chế bán vũ khí để buộc Thủ tướng Netanyahu nhượng bộ. Tổng thống Biden, người nổi tiếng là ủng hộ Israel, không muốn phá vỡ quan hệ đồng minh truyền thống, đặc biệt khi ông lo ngại việc đổ lỗi cho Israel có thể bị hiểu lầm là đứng về phía Hamas.
Đồng thời, việc thúc ép quá mức có thể gây chia rẽ thêm trong nội bộ chính trị Mỹ, đặc biệt khi đảng Cộng hòa đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách của chính quyền Biden.
Về phía Thủ tướng Israel, ông Netanyahu dường như không muốn thực hiện thỏa thuận do các động cơ chính trị nội bộ và chiến lược quốc tế. Ông cho rằng cuộc chiến chống Hamas là một phần của cuộc đấu tranh lớn hơn chống lại Iran và các lực lượng dân quân thân Tehran, điều mà ông cho là sống còn đối với Israel. Những tính toán chính trị của ông Netanyahu, bao gồm cả việc tránh bị chỉ trích vì vụ tấn công của Hamas ngày 7/10 năm ngoái, đã khiến ông khó nhượng bộ trong đàm phán.
Do đó, các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Israel và Hamas đối mặt với nhiều rào cản phức tạp, từ yếu tố lịch sử, tư tưởng đến chính trị. Cả Israel và Hamas đều tin rằng họ đang trong một cuộc chiến sinh tồn, khiến hai bên không muốn lùi bước. Những mâu thuẫn này khiến cả hai không muốn chịu áp lực đủ lớn để thay đổi chiến lược hiện tại.
Iran điều chỉnh chiến lược răn đe? Iran hiện đang đối mặt với áp lực từ cả trong và ngoài nước về việc quyết định trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Dù chính quyền nước này vẫn chưa có hành động cụ thể, các yếu tố phức tạp trong nội bộ và tình hình quốc tế đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiến lược của Iran....