Iran từng là đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ thế nào, trở thành kẻ thù ra sao?
Iran từng là quốc gia quân chủ chuyên chế thân Mỹ, giống như các quốc gia Trung Đông ngày nay, nhưng những bất ổn xã hội sâu sắc đã khởi nguồn cuộc Cách mạng Hồi giáo, dẫn đến hơn 4 thập kỷ đối đầu Mỹ-Iran.
Mỹ và Iran từng là đồng minh thân cận ở Trung Đông.
Iran từng là mái nhà của một trong những nền văn minh cổ xưa nhất trên Trái đất, với lịch sử có khu dân cư từ những năm 7000 trước Công nguyên. Đế chế Iran bước vào giai đoạn cực thịnh trong thời đại Đồ sắt, với sự xuất hiện của triều đại Achaemenid.
Đế chế Achaemenid là nền văn minh duy nhất trong lịch sử chiếm tới 40% dân số thế giới. Vào thời điểm năm 480 trước Công nguyên, Đế chế Achaemenid kiểm soát vùng đất có 49,4 triệu người sinh sống, so với tổng số dân trên thế giới khi đó là 112,4 triệu người. Đó cũng là thời điểm người Ba Tư thể hiện sự thống trị trên quy mô toàn cầu.
Sau này, các đế chế Ba Tư dần suy yếu, chịu ảnh hưởng văn hóa Hồi giáo. Tính đến năm 2017, Iran có 82 triệu dân, trong đó số người theo Hồi giáo chiếm tới 99,4%, chủ yếu là Hồi giáo dòng Shia theo chủ nghĩa ôn hòa.
Bước vào thời kỳ hiện đại, Iran giống như các quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ khác, trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh quyền lực và tài nguyên giữa các cường quốc như Anh, Pháp, Đức, Mỹ và Liên Xô.
Từng là đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ ở Trung Đông
Việc phát hiện mỏ khí đốt khổng lồ năm 1908 ở Khuzestan đã thu hút mối quan tâm đặc biệt của đế quốc Anh với khu vực này. Trong giai đoạn Thế chiến 1, Iran trở thành nơi Anh, Liên Xô và đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) cạnh tranh quyền lực.
Vua Iran Mohammad Reza Pahlavi (phải) gặp Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower.
Đến năm 1919, vì những vấn đề trong nước, Liên Xô rút lui, Anh độc chiếm Iran và muốn lập chính quyền bảo hộ xứ Ba Tư, nhưng không thành công.
Mâu thuẫn giữa đế quốc Anh và người Iran càng sâu sắc vì vấn đề dầu khí. Công ty Dầu Anh-Iran (AIOC) giữ độc quyền khai thác dầu tại Iran, đem phần lớn lượng dầu khai thác được về Anh, trong khi người Iran chỉ nhận được phần nhỏ.
Sau Thế chiến 2, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa phát triển mạnh tại khu vực Trung Đông mà Iran không phải là ngoại lệ. Bất mãn với tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận dầu mỏ, người Iran bắt đầu hình thành tư tưởng quốc hữu hóa AIOC.
Năm 1951, Mohammed Mosaddeq – nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc được bầu làm Thủ tướng Iran. Chính phủ Mosaddeq bắt đầu có những động thái kiểm soát quyền lực của vua Mohammad Reza Pahlavi.
Pahlavi là vị vua thân phương Tây, đưa người Iran đến với những tiến bộ văn minh của phương Tây thời kỳ đó. Nhưng đối với một quốc gia Hồi giáo như Iran, việc bị phương Tây hóa và đế quốc thâu tóm hết tài nguyên là điều không thể chấp nhận được.
Video đang HOT
Năm 1953, quân đội Iran, với sự hậu thuẫn và viện trợ tài chính của Mỹ, đã lật đổ chính phủ của Thủ tướng Mohammed Mosaddeq, lấy lại quyền lực cho vua Pahlavi. Đây cũng là lần đầu tiên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thực hiện thành công một nhiệm vụ thay đổi chế độ ở quốc gia nước ngoài.
Đáp lại sự giúp đỡ của Mỹ, vua Iran Pahlavi đã giao hơn 40% số mỏ dầu của Iran cho các công ty Mỹ. Iran kể từ đây xích lại gần Mỹ hơn bao giờ hết, thậm chí trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, theo BBC.
Khung cảnh Iran trước khi Cách mạng Hồi giáo bùng nổ.
Tiềm năng phát triển Iran khi đó là rất lớn bởi trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Dưới thời vua Pahlavi, bộ mặt đất nước Iran có những thay đổi tích cực, có phần giống các nước phương Tây.
Iran thời kỳ này xích lại gần Mỹ đến mức lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev còn ra lệnh ám sát vua Iran, vì không ký hiệp ước không gây chiến với Liên Xô. Đổi lại, Mỹ đã không ngừng viện trợ kinh tế và quân sự vào Iran suốt những năm 1950, 1960 và 1970. Xương sống của lực lượng không quân Iran suốt một thời gian là các máy bay và khí tài quân sự Mỹ.
Nhưng sự thiếu giáo dục của lực lượng lao động và khoảng cách quá lớn với cơ sở hạ tầng công nghiệp và kỹ thuật là rào cản khiến vua Pahlavi không thể biến Iran thành một quốc gia phương Tây đúng nghĩa. Việc vua Pahlavi thay đổi bộ luật cho phụ nữ quyền bình đẳng trong vấn đề hôn nhân là một trong những giọt nước tràn ly khiến cộng đồng Hồi giáo Iran phẫn nộ.
Những năm 1960, lãnh tụ Hồi giáo Iran Ayatollah Khomeini nổi tiếng với tư cách là một người khôi phục nền Hồi giáo dòng Shia ở Iran. Năm 1971, vua Pahlavi không biết mối đe dọa ngày càng lớn trong nội bộ xã hội Iran, vẫn tổ chức lễ kỷ niệm 2500 năm thành lập Đế quốc Ba Tư một cách linh đình và xa hoa, thậm chí người bản địa Hồi giáo không được tham gia.
“Trong khi những người ngoại quốc đang chè chén với thứ thức thuốc bị cấm trong đạo Hồi thì người Iran không chỉ không được tham sự lễ hội, mà một số còn bị chết đói”, những giáo sĩ Iran bày tỏ sự bất bình, khi ở nhiều nơi trên đất nước xảy ra hạn hán.
Sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, thành thị và nông thôn ở Iran càng khoét sâu vào những mâu thuẫn xã hội sâu sắc, mà đến đỉnh điểm là cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Ngày 16.1.1979, vua Pahlavi cùng gia đình buộc phải lên máy bay rời Iran để đến Ai Cập sống lưu vong, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế ở Iran.
Đến kẻ thù “không đội trời chung”
Hai tuần sau, giáo chủ Ayatollah Khomeni từ Pháp trở về Iran trong sự chào đón của hàng triệu người ủng hộ. Nhờ giành được sự ủng hộ của quân đội và đa số, giáo chủ Khomeni chính thức thành lập nước Cộng hoà Hồi giáo.
Việc Iran thay đổi chính quyền thân Mỹ một cách chóng vánh khiến Washington không kịp trở tay, nhưng cũng không đối đầu ngay lập tức.
Vụ bắt cóc con tin, xâm chiếm Đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979 đã phủ bóng đen trong quan hệ hai nước.
Quan hệ căng thẳng Mỹ-Iran bắt đầu vào tháng 11.1979, khi các sinh viên Iran bắt cóc 63 con tin Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, với cáo buộc cho rằng đây là “hang ổ của gián điệp”.
Trong nhiều tháng, Mỹ sử dụng nhiều biện pháp đấu tranh ngoại giao nhằm yêu cầu Tehran trả tự do cho công dân nhưng bất thành. Tháng 4.1980, Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter phê chuẩn quyết định đưa biệt kích Delta vào thủ đô Iran, nhằm giải cứu con tin nhưng không thành công.
Sau thất bại trên, chính quyền Carter đã áp đặt cùng lúc hàng loạt biện pháp cấm vận, trừng phạt khắt khe chống Iran. Đến năm 1981, Iran mới trả tự do cho các công dân và nhân viên Đại sứ quán Mỹ. Quan hệ ngoại giao Mỹ-Iran bước vào giai đoạn đóng băng.
Về phần Iran, nước này liên lạc ngoại giao với Mỹ thông qua Pakistan, còn Thụy Sĩ đóng vai trò là quốc gia thay mặt của Mỹ ở Iran.
Trải qua hơn 4 thập kỷ chịu cấm vận của Mỹ, nền kinh tế và quân sự Iran gặp không ít khó khăn. Quân đội Iran cho đến nay vẫn phải sử dụng các máy bay F-4 và F-14 có từ thời thân Mỹ, trong khi các máy bay tự sản xuất vẫn có dấu ấn của công nghệ Mỹ.
Tháng 9.1980, chiến tranh Iran – Iraq nổ ra, lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, muốn lợi dụng tình hình khó khăn của Iran để đưa Iraq trở thành thế lực mới ở Trung Đông.
Cuộc chiến kết thúc với kết quả bất phân thắng bại, nhưng tạo cớ cho hải quân Mỹ tăng cường hiện diện ở khu vực. Năm 1988, với lý do tàu chiến trúng phải mìn Iran ở eo biển Hormuz, quân đội Mỹ đã phát động chiến dịch quân sự, phá hủy hai giàn khoan dầu của Iran, đánh chìm 6 tàu chiến, chiếm một nửa hạm đội tác chiến của hải quân Iran khi đó.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.
Chỉ vài tháng sau, không rõ vô tình hay cố ý mà tàu chiến Mỹ đã phóng tên lửa bắn rơi máy bay chở khách A-300 của Iran ở eo biển Hormuz, khiến toàn bộ 290 người thiệt mạng. Mỹ thừa nhận sai lầm nhưng đổ lỗi cho Iran vì “cho máy bay thương mại hoạt động ở vùng chiến sự”.
Năm 2006, Iran bắt đầu phát triển công nghệ hạt nhân, làm giàu uranium phục vụ cả mục đích quân sự và phi quân sự. Iran cho rằng vũ khí hạt nhân sẽ giúp quốc gia này bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước sự gây hấn của Mỹ.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, quan hệ Mỹ-Iran có phần khởi sắc với thỏa thuận hạt nhân, cho phép Iran phát triển hạt nhân ở mức giới hạn, không đủ để chế tạo vũ khí. Mỹ cũng dỡ bỏ cấm vận kinh tế với Iran.
Tháng 5.2018, sau một năm cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi hiệp ước thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Trump rất không hài lòng khi Iran kiếm được nhiều tiền hơn từ dầu mỏ, và ngay sau đó là các lực lượng Iran xuất hiện ở Syria và Iraq, hậu thuẫn các lực lượng quân sự chống Mỹ trên khắp Trung Đông.
Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang lên một tầm cao mới vào tháng 4.2019, khi Mỹ thông qua điều luật coi Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) là khủng bố. Điều luật này cho phép Mỹ dọn đường mở chiến dịch quân sự chống Iran. Vài tháng sau, Iran bắn rơi máy bay không người lái Mỹ với cáo buộc máy bay này xâm phạm không phận.
Mỹ, Anh và Iran kể từ đó liên tục có hành động đáp trả lẫn nhau. Giới quan sát nhận định, một cuộc chiến tranh Mỹ và các đồng minh với Iran sẽ rất tàn khốc, gây thương vong lớn, thậm chí có thể khơi mào Thế chiến 3. Có thể nói, Iran hiện tại là cái “gai trong mắt” lớn nhất của Mỹ, hơn cả những vấn đề căng thẳng thương mại với Trung Quốc hay Triều Tiên.
Theo Danviet
Tin nóng thế giới: Mỹ trả giá đắt vì làm điều này với Iran
Trong 40 năm qua, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã cho thấy rằng họ sẽ không buông tay ngồi chờ mà sẽ đánh trả kẻ thù, thậm chí còn là những đòn nặng hơn. Quyết định này khiến Chính phủ Mỹ phải trả giá đắt và người dân Mỹ chịu tốn kém.
Sau khi Mỹ quyết định đưa Khối Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC - đơn vị tinh nhuệ của Lực lượng Vũ trang Iran) vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài, Tehran đã thực hiện bước đi đáp trả: công bố đưa Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách miền Trung (CENTCOM) vào danh sách tương tự.
Tổng thống Hassan Rouhani cho biết quyết định của Mỹ coi lực lượng tinh nhuệ của Iran là "nhóm khủng bố" là một sai lầm.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Hasan Shemshadi, chuyên gia quân sự gần gũi với IRGC, phóng viên chiến trường của Iran ở Syria-Iraq, và ông Seyed Hadi Afgahi, nhà chính trị học Iran, chuyên gia về các nước Trung Đông, cựu nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Iran ở Beirut, đã cho ý kiến về tình hình ở Trung Đông sau hành động như vậy của phía Mỹ và Iran.
Theo lời chuyên gia Shemshadi, Mỹ đang nắn gân xem Iran có phản ứng thế nào sau tuyên bố của Washington. Ngoài ra, vốn đã thực hiện các chiến dịch chống quân đội của Tehran ở Iran, Syria và Vịnh Ba Tư, giờ đây khi tuyên bố IRGC là tổ chức khủng bố, Mỹ có thể nói rằng họ chiến đấu chống bọn khủng bố.
"Điều đó sẽ gây rắc rối cho vị thế của Mỹ ở Trung Đông. Họ sẽ không thể di chuyển quanh khu vực và đến Vịnh Ba Tư như đang làm bây giờ và giáng đòn gây thiệt hại cho lực lượng quân sự của Cộng hòa Hồi giáo Iran, núp sau đạo luật "đấu tranh với tổ chức khủng bố" mà vẫn không bị trừng phạt. Trong 40 năm qua, nước Cộng hòa Hồi giáo đã cho thấy rằng họ sẽ không buông tay ngồi chờ mà sẽ đánh trả kẻ thù, thậm chí còn là những đòn nặng hơn. Quyết định này khiến Chính phủ Mỹ phải trả giá đắt và người dân Mỹ chịu tốn kém".
Chuyên gia Afgahi cho rằng không một nước nào có quyền gọi quân đội của một quốc gia khác là "khủng bố", bởi điều này trái ngược với các quy định quốc tế.
Như phản ứng tự vệ, Iran cũng có thể công bố đội quân của Hoa Kỳ là "khủng bố", từ đó xác định cách đối xử với đội quân như vậy.
Ông Afgahi nhấn mạnh rằng quân đội Iran hiện diện ở cả Iraq và Syria, nơi họ giáng những đòn nặng gây thiệt hại đau đớn cho bọn khủng bố.
Ông lưu ý: "Israel và Mỹ sợ rằng quân đội Syria sẽ tiến đến biên giới Gollan và Palestine. IRGC hiện diện tại đây theo lời mời và đã bẻ gãy kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm lật đổ chế độ ở Syria và Iraq trong khi hỗ trợ bọn khủng bố ở đó. Điều thú vị là, chính Mỹ đang thực hiện những hành vi khủng bố, bắt đầu bằng vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, cho đến hỗ trợ I*, đấy là chưa kể đến việc người Mỹ đã tạo ra tổ chức khủng bố này. Chính là thế lực đã phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm bùng ra cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, bây giờ Mỹ tuyên bố rằng IRGC là những tên khủng bố!"
Chuyên gia nhấn mạnh rằng nếu chiến tranh nổ ra sẽ thu hút tất cả các bên tham gia xung đột, cả "mặt trận kháng chiến" và cả những nước đứng về phía Iran lẫn các nước dưới sự bảo trợ của Mỹ:
"Bất cứ hành động nào của Mỹ nhằm đốt nóng cuộc khủng hoảng chống Iran đều sẽ dẫn đến căng thẳng trong tình hình. Nếu Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự ở vịnh Ba Tư để tấn công Iran, chúng tôi sẽ lập tức có phản ứng đối xứng đích đáng", - chuyên gia Afgahi kết luận.
Trả lời cho câu hỏi liệu có thể coi quyết định như vậy của Washington là nỗ lực nhằm đánh lạc hướng chú ý khỏi những thất bại của Mỹ trong khu vực hay chăng, ông Shemshadi nói rằng chính Mỹ cũng đã thừa nhận rằng bất kể mọi khoản đầu tư và tốn phí, họ đã bị thua cuộc trong khu vực:
"Iran là "cây vĩ cầm thứ nhất", đóng vai trò lĩnh xướng dẫn dắt ở Trung Đông, còn Mỹ khó chấp nhận thực tế đó. Họ gặp rất nhiều vấn đề trong khu vực, cũng như vô số mâu thuẫn nội bộ, và có lẽ chủ đề này là một trong những phương cách để tháo gỡ những vấn đề tích tụ".
Theo Danviet
Kế hoạch giết vợ của ông chồng "đạo đức giả" Khi kết án Stephen Allwine mức tù chung thân không ân xá, tòa án Mỹ nhận định đây là sát thủ "lạnh lùng, có tính toán". Tối 13/11/2016, chiếc xe của gia đình nhà Allwine từ từ dừng lại trước cửa ngôi nhà ở bang Minnesota. Cậu bé 9 tuổi nhảy xuống, vội vã chạy vào nhà. Như thường lệ, cậu tìm mẹ...