Iran: Sẽ chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở khu vực
Iran sẽ dẹp bỏ mọi chướng ngại đối với việc thực hiện mục tiêu chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông.
Tham mưu trưởng Liên quân Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Thiếu tướng Hossein Salami. Ảnh: AFP
Ngày 4-1, Tham mưu trưởng Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Hossein Salami tuyên bố sẽ tổ chức “trả thù chiến lược để chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của Mỹ trong khu vực”.
Ông Salami nói hành động đó của Iran là để trả thù cho sự hy sinh của Thiếu tướng Qassem Soleimani – Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc IRGC – trong vụ không kích do Mỹ thực hiện hôm 3-1.
Thiếu Tướng Qassem Soleimani được xác nhận đã thiệt mạng trong vụ không kích rạng sáng 3-1 tại sân bay quốc tế Baghdad (Iraq). Ảnh: AP
Tướng Salami tuyên bố vụ tấn công – mà theo kênh nhà nước IRIB mô tả là “một vụ tấn công khủng bố” – sẽ khơi dậy “một nguồn năng lượng mới bùng cháy với quyết tâm đáp trả mạnh mẽ”.
“Hành động trả đũa sẽ được thực hiện xuyên suốt trong một phạm vi địa lý rộng lớn với những tác động mang tính quyết định” – ông Salami nói tiếp.
Để nhấn mạnh tuyên bố của mình, ông gợi ý tất cả mọi người “nên ghi lại tuyên bố này vì tất cả sẽ được nhìn thấy nó trở thành sự thật”.
Kênh truyền hình nhà nước còn nhấn mạnh Iran sẽ dẹp bỏ mọi chướng ngại đối với việc thực hiện mục tiêu chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông.
Video đang HOT
Rạng sáng 3-1, Mỹ đã bắn nhiều tên lửa vào sân bay quốc tế Baghdad, tiêu diệt Thiếu tướng Soleimani và một số tướng lĩnh Lực lượng Huy động Nhân dân Iraq (PMF). Lầu Năm Góc xác nhận thực hiện vụ không kích theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump.
Cuộc tấn công đã làm cho quan hệ Mỹ-Iran càng thêm căng thẳng và đặt cả Trung Đông trong tình trạng báo động.
Sáng 3-1 (giờ Washington), Bộ Ngoại giao Mỹ phải cảnh báo công dân Mỹ nhanh chóng rời khỏi Iraq và cho dừng hoạt động lãnh sự ở Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.
Trong khi đó, các lãnh đạo Iran, bao gồm cả Lãnh tụ tối cao – Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani, đã thề sẽ trả thù cho cái chết của Thiếu tướng Soleimani.
Ngày 4-1, Tổng thống Trump nghiêm khắc cảnh báo sẽ tiêu diệt 52 mục tiêu ở Iran – tương ứng với 52 con tin Mỹ bị bắt cóc ở Iran năm 1979 – nếu Tehran thực hiện hành động trả đũa Mỹ.
VĂN KIẾM
Theo plo.vn
Lập luận sát hại Soleimani để "tự vệ" của Mỹ gặp phải sự hoài nghi
Chính quyền Tổng thống Trump đã biện minh việc giết một vị tướng hàng đầu của Iran là một hành động tự vệ.
Qassem Soleimani, chỉ huy 62 tuổi của Đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad ngay trong đêm. Cuộc tấn công, theo lệnh của Tổng thống Donald Trump, đã khiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran tăng vọt, với việc các quan chức Iran hứa hẹn sẽ trả thù.
Các lính canh Iran cầm một bức ảnh của cố Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, trong một cuộc biểu tình phản đối việc Mỹ tổ chức không kích giết chết Soleimani, người đứng đầu Đơn vị đặc nhiệm Quds và chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis, trước văn phòng Liên hợp quốc tại Tehran, Iran ngày 3 tháng 1 năm 2020.
Khi các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa và Dân chủ tranh cãi về sự khôn ngoan của cuộc tấn công, một số chuyên gia pháp lý đã đặt câu hỏi liệu Tổng thống Trump có thẩm quyền pháp lý để ra lệnh giết chết Tướng Soleimani trên đất Iraq mà không được sự cho phép của chính phủ Iraq hay không và liệu điều đó có hợp pháp theo luật pháp quốc tế và Hoa Kỳ hay không.
Thủ tướng Iraq cho biết Washington đã tổ chức cuộc tấn công vi phạm thỏa thuận giữ quân đội Mỹ ở Iraq. Một số phe phái chính trị ở Iraq đã đưa ra lời kêu gọi quân đội Mỹ phải bị trục xuất.
Hiến chương Liên hợp quốc thường cấm sử dụng vũ lực tại các quốc gia khác nhưng có một ngoại lệ nếu một quốc gia đồng ý cho nước khác sử dụng vũ lực trên lãnh thổ của mình. Các chuyên gia pháp lý cho biết việc không có sự đồng ý từ Iraq khiến Hoa Kỳ khó có thể biện minh cho vụ giết người.
Giáo sư Oona Hathaway, một chuyên gia luật quốc tế, nói trên Twitter rằng những tình tiết dường như không bảo vệ cho biện minh rằng cuộc tấn công của Mỹ là một hành động tự vệ - hành động được cho là hợp pháp đối với luật pháp Iraq và quốc tế.
Lầu Năm Góc cho biết việc tiêu diệt Soleimani là nhằm ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai, trong khi Tổng thống Trump nói rằng tướng Iran bị nhắm mục tiêu vì ông ta đang lên kế hoạch tấn công vào các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ.
Robert Chesney, một chuyên gia luật an ninh quốc gia tại Đại học Texas thuộc Trường Luật Austin, cho biết lập luận tốt nhất của chính quyền cho Liên hợp quốc đó là tự vệ. Nếu Mỹ nhận ra rằng Soleimani đã lên kế hoạch cho hoạt động iết người Mỹ thì Mỹ có quyền tấn công Soleimani để tự vệ.
Scott Anderson, cựu cố vấn pháp lý cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Baghdad dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói rằng sự biện minh của Tổng thống Trump cho đến nay theo luật quốc tế là kém thuyết phục, nhưng ông có thể cố gắng chứng minh rằng chính phủ Iraq không muốn hoặc không thể đối phó với mối đe dọa do Soleimani đặt ra và điều đó cho phép Hoa Kỳ hành động mà không cần sự đồng ý của Iraq.
Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc bao gồm quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể trước sự tấn công vũ trang. Hoa Kỳ đã sử dụng điều khoản này để biện minh cho hành động ở Syria chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo năm 2014.
Các lực lượng Hoa Kỳ ở Iraq đã chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo, và vẫn còn khoảng 5.000 binh sĩ.
Một thỏa thuận khung chiến lược được ký năm 2008 giữa Washington và Baghdad kêu gọi hợp tác quốc phòng chặt chẽ nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đối với chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, nhưng đã cấm Hoa Kỳ sử dụng Iraq làm điểm phát động tấn công các nước khác.
Theo luật pháp quốc tế, một quốc gia có thể tự bảo vệ mình nếu hành động tương ứng với mối đe dọa. Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về các vụ hành quyết ngoài tòa án, đã đặt câu hỏi liệu cuộc tấn công này có đáp ứng điều kiện này hay không.
Việc nhắm mục tiêu vào Soleimani có vẻ như trả đũa nhiều hơn cho các hành vi trong quá khứ so với dự đoán cho việc tự vệ sắp xảy ra, Agnes Callamard nói. Những lời biện minh rằng những vụ giết người như vậy là hành động hợp pháp được xác định rất đuối lý và thật khó để tưởng tượng bất kỳ điều nào trong số này có thể áp dụng cho những vụ giết người này.
Các nhà lập pháp dân chủ kêu gọi Tổng thống Trump cung cấp thông tin chi tiết về mối đe dọa sắp xảy ra mà ông nói là Soleimani đã lên kế hoạch thực hiện.
"Tôi tin rằng có một mối đe dọa, nhưng việc đó sắp xảy ra như thế nào vẫn là câu hỏi mà tôi muốn được trả lời", Thượng nghị sĩ Mark Warner, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ của Ủy ban Tình báo Thượng viện nói.
Các nhà phê bình khác đặt ra câu hỏi về thẩm quyền của Tổng thống Trump trong việc ra lệnh giết Soleimani theo luật pháp Hoa Kỳ, và liệu ông có nên hành động mà không cần thông báo trước cho Quốc hội.
Trong trường hợp của Soleimani, các lập luận tự vệ của chính quyền có thể xoay quanh việc tiết lộ những thông tin cụ thể về kế hoạch để tấn công người Mỹ sắp xảy ra của Soleimani.
Lý do tự vệ có thể cho phép chính quyền hành động mà không cần phải thông báo trước cho Quốc hội hoặc hành động theo ủy quyền của quốc hội trước khi sử dụng lực lượng quân sự.
Các nhà lập pháp dân chủ không bảo vệ Soleimani, người mà các quan chức Hoa Kỳ nói là phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm người Mỹ, nhưng họ kêu gọi Tổng thống Trump nên tham khảo ý kiến Quốc hội trong tương lai.
"Chính quyền này, giống như tất cả mọi người, có quyền tự vệ", ông Elissa Slotkin - một nhà phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương, từng làm việc ở Iraq, cho biết. "Tuy nhiên, chính quyền phải tham khảo ý kiến Quốc hội ngay lập tức trước khi hành động".
Trâm Anh (theo Reuters)
Theo congly.vn
Nga: Mỹ thể hiện không quan tâm đến phản ứng của thế giới Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad, Iraq, khiến Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tử vong sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng trong khu vực, gây hại cho hàng triệu người. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova....