Iran “không chặn máy bay của bà Merkel”
Xuất hiện trên hệ thống truyền hình Iran Press TV ngày 1-6, ngoại trưởng nước này phủ nhận những cáo buộc của chính phủ Đức về việc không cho chuyên cơ chở Thủ tướng Angela Merkel bay qua không phận.
Theo Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi, viên phi công lái chuyên cơ đã gửi sai một mã báo hiệu khi liên lạc với các trạm không lưu Iran, dẫn đến việc nước này từ chối cho máy bay tiến vào không phận.
Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi phủ nhận động cơ chính trị sau vụ chuyên cơ Thủ tướng Đức. Ảnh: PressTV
Trước đó một ngày, Đại sứ Iran tại Đức Alireza Sheikh-Attar cũng khẳng định: “Phi công đã gửi nhầm mã lượt về thay vì lượt đi cho trạm không lưu, vì vậy máy bay không được phép vào không phận”.
Video đang HOT
“Không hề có động cơ chính trị sau vụ này. Những sự cố như vậy cũng hay xảy ra ở nhiều nước khác. Chẳng qua là giới báo chí muốn làm căng thẳng tình hình giữa Iran và phương Tây” – ông Sheikh-Attar nói thêm.
Thủ tướng Đức Angela Merkel rời máy bay ở sân bay Deauville-Normandie (Pháp) ngày 26-5. Ảnh: AFP
Cũng theo phía Iran, sự cố trên được giải quyết trong vòng 20 phút, sau đó máy bay của bà Merkel có thể tiếp tục hành trình trên bầu trời Iran. Tuy nhiên, phía Đức đã chọn cách bay vòng qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến Ấn Độ.
Theo Người Lao Động
Iran "cấm cửa" chuyên cơ của Thủ tướng Đức
Chuyến bay đến Ấn Độ của Thủ tướng Đức Angela Merkel bị chậm lại hai giờ do Iran đóng cửa không phận, không cho phép bay ngang qua nước này ngày 31-5.
Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết lệnh cấm của Iran buộc máy bay chở bà Merkel phải bay vòng qua Thổ Nhĩ Kỳ, tốn thêm hai giờ nữa cho hành trình đến New Delhi.
Máy bay chở bà Angela Merkel đến New Delhi trễ hai giờ do bị Iran đóng không phận. Ảnh: IBN
Một phóng viên Reuters đi cùng máy bay với bà Merkel kể rằng Iran rút lại lệnh cho phép bay chỉ một thời gian ngắn trước khi máy bay tiến vào không phận Iran.
Đáng nói là một chiếc máy bay khác chở 4 bộ trưởng của bà Merkel lại không bị Iran làm "khó dễ" và đến Ấn Độ trước cả thủ tướng.
Ông Seibert gọi đây là sự xâm phạm quyền ưu tiên ngoại giao thông thường mà lần đầu tiên Thủ tướng Đức phải "nếm mùi". Đã vậy, đây còn là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà Merkel trên chiếc Airbus A340 Konrad Adenauer mới toanh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel rời máy bay ở sân bay Deauville-Normandie (Pháp) ngày 26-5. Ảnh: AFP
Ngay trong ngày 31-5, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đã triệu Đại sứ Iran để phản đối vấn đề trên. "Cấm Thủ tướng Đức bay qua Iran là việc không thể chấp nhận. Đó là sự thiếu tôn trọng đối với toàn nước Đức" - ông Westerwelle tuyên bố.
Theo Người Lao Động