Iran khẳng định sẽ làm giàu urani kể cả sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân
Iran sẽ tiếp tục làm giàu urani lên mức 20% ngay cả khi thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 được khôi phục và các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này được dỡ bỏ.
Bên trong một lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân Bushehr ở Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là tuyên bố của người đứng đầu Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran Mohammad Eslami đưa ra ngày 25/2.
Hãng thông tấn Fars dẫn lời ông Eslami cho hay Iran tiếp tục làm giàu urani với mức trần tối đa là 60% và nước này sẽ duy trì việc làm giàu urani lên mức 5% và 20% dù các nước dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Thỏa thuận hạt nhân có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện ( JCPOA) được Iran và nhóm P5 1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết năm 2015. JCPOA quy định Iran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%, thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Mức làm giàu urani để chế tạo vũ khí hạt nhân là 90%.
Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90%. Tuy nhiên, đến tháng 5/2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Sau đó khoảng 1 năm, Tehran cũng ngừng một số cam kết hạt nhân và tái khởi động các chương trình hạt nhân của mình. Hiện tại, Iran đang làm giàu urani ở nhiều mức độ khác nhau, cao nhất ở mức 60%.
Từ tháng 4/2021, 8 vòng đàm phán đã được tổ chức tại Vienna giữa Iran với các bên còn lại của JCPOA, bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức, trong khi Mỹ tham gia một cách gián tiếp nhằm khôi phục thỏa thuận lịch sử này. Các cuộc đàm phán đến nay chưa đem lại nhiều kết quả tích cực.
Mỹ cảnh báo Iran về thỏa thuận hạt nhân
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley ngày 19/11 cảnh báo rằng Tehran đang tiệm cận ngưỡng "không thể quay trở lại" để khôi phục thỏa thuận hạt nhân (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) sau khi nước này tăng cường dự trữ urani làm giàu trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc về việc khôi phục JCPOA dự kiến nối lại vào ngày 29/11 tới.
Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về vấn đề Iran, ông Rob Malley. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Ông Malley nhấn mạnh Iran đã tạo ra nguy cơ làm nước này "không thể" đạt được bất cứ lợi ích nào từ việc nối lại JCPOA vốn bị đình trệ kể vào năm 2018 khi Tổng thống Mỹ hồi đó là Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Ông nêu rõ: "Đã tới thời điểm nếu Iran tiếp tục những động thái như vậy, nước này sẽ không thể đạt được lợi ích nào ngay cả khi chúng tôi quay trở lại JCPOA".
Cùng ngày, ông Malley cũng thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu) về những nỗ lực nhằm khôi phục JCPOA và thống nhất lập trường trước vòng đàm phán hạt nhân thứ 7 tại thủ đô Vienna của Áo.
Ông Malley nói: "Ba nước chúng tôi thống nhất mạnh mẽ về sự cần thiết của việc quay trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA. Chúng tôi đang phối hợp cùng nhau nhằm đạt được điều đó bằng cách điều chỉnh các biện pháp tiếp cận khi chúng tôi hướng tới vòng đàm phán thứ 7".
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) mới đây công bố báo cáo cho biết Iran đã tăng lượng urani được làm giàu ở mức cao, bất chấp những cam kết đã đưa ra JCPOA. Theo báo cáo mới nhất của IAEA, tính đến ngày 6/11, kho urani của Iran đã tăng lên hơn 2.489 kg, vượt quá mức cho phép theo JCPOA.
IAEA cho biết thêm hiện tổng số urani làm giàu ở mức 20% của Iran đã tăng lên 113,8 kg, tăng từ mức 84,3 kg vào tháng 9, và lượng urani làm giàu ở mức 60% là 17,7 kg tăng từ mức 10 kg được ghi nhận trước đó.
IAEA thúc đẩy đối thoại với Iran Ngày 12/9, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã đến Tehran để hội đàm với các quan chức Iran. Dự kiến ông sẽ gặp lãnh đạo mới của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami, và sau đó trở về Vienna (Áo) để có cuộc báo tại đây ngay trong ngày. Tổng...