Iran cử tàu khu trục đến Biển Đỏ sau khi Mỹ đánh chìm 3 tàu của Houthi
Trong một động thái được dự báo sẽ khiến tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ leo thang, Iran đã điều động một tàu khu trục tới khu vực, một ngày sau khi Hải quân Mỹ phá hủy và đánh chìm ba thuyền nhỏ của lực lượng Houthi.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mason (DDG 87) của Mỹ di chuyển ở Vịnh Aden vào ngày 25/11/2023. Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo hãng tin UPI, truyền thông nhà nước Iran đưa tin tàu khu trục Alborz đã di chuyển qua eo biển Bab El-Mandeb nằm giữa giữa Biển Đỏ và Vịnh Aden trong ngày 1/1. Eo biển này đóng vai trò là tuyến đường hàng hải và thương mại chiến lược.
Sự xuất hiện của tàu khu trục Iran ở Biển Đỏ diễn ra một ngày sau khi trực thăng của Hải quân Mỹ đánh chìm ba chiếc thuyền chở các tay súng Houthi. Giới chức quân sự Mỹ cho hay các tàu của nước này đã ứng cứu sau khi nhận được một cuộc gọi khẩn từ một tàu chở hàng.
Theo Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, lực lượng Houthi đang tấn công một tàu thương mại của công ty vận tải biển Maersk. Sau khi thấy lực lượng Mỹ, Houthi bắt đầu bắn vào trực thăng trên tàu USS Dwight D. Eisenhower và tàu khu trục USS Gravely.
Video đang HOT
“Tàu chở hàng container MAERSK HANGZHOU đã gọi hai cuộc gọi khẩn trong vòng chưa đầy 24 giờ, báo cáo bị tấn công bởi 4 tàu nhỏ của Houthi”, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ viết trong một bài đăng ngày 31/12/2023 trên nền tảng xã hội X.
“Các trực thăng của Hải quân Mỹ đã bắn trả để tự vệ, đánh chìm ba trong số bốn chiếc thuyền nhỏ và tiêu diệt thủy thủ đoàn. Chiếc thuyền thứ tư đã bỏ chạy khỏi khu vực. Không có thiệt hại nào về nhân sự hoặc thiết bị của Mỹ”, thông báo nêu rõ.
Về phần mình, người phát ngôn của Houthi Yahya Saree cho biết 10 người trên thuyền của Houthi đã chết hoặc mất tích, đồng thời lực lượng kêu gọi người Yemen, người Arab và người Hồi giáo sẵn sàng cho mọi phương án khi đối đầu với sự leo thang của Mỹ.
Kể từ tháng 11/2023, Biển Đỏ ghi nhận gần 20 vụ tấn công vào tàu thương mại đi qua khu vực khiến một số công ty vận tải biển phải từ bỏ tuyến đường này hoàn toàn. Lực lượng Houthi tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu vào các con tàu hướng tới Israel sau khi vòng xoáy bạo lực bùng nổ tại Dải Gaza do Hamas tấn công vào miền Nam Israel vào ngày 7/10/2023 buộc Israel tiến hành chiến dịch quy mô lớn đáp trả.
Trước căng thẳng leo thang, Mỹ đã thành lập một liên minh có tên gọi Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng vào tháng trước để bảo vệ các tuyến đường biển. Liên minh đa quốc gia nhằm bảo vệ tàu chở hàng đã nhận được sự ủng hộ từ Hy Lạp, bên cạnh 8 quốc gia khác, bao gồm Anh và Italy.
Ngày 1/1, cựu nhà ngoại giao và sĩ quan quân sự Mỹ Joel Rayburn đã cảnh báo Tehran rằng việc nước này tiến vào Biển Đỏ sẽ không gạt được Mỹ ra một bên, đồng thời cáo buộc Iran tiếp tục tạo điều kiện cho các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận tải biển quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.
Trước những cáo buộc của Mỹ rằng Iran có liên quan đến việc lên kế hoạch tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ của lực lượng Houthi tại Yemen, Tehran luôn liên tục phủ nhận.
Loạt nước 'quay xe', không gia nhập liên minh Biển Đỏ mới thành lập
Chỉ chưa đầy 1 tuần Mỹ thành lập một liên minh 10 nước có tên gọi "Chiến dịch bảo vệ thịnh vượng" (OPG), Pháp, Italy và gần đây nhất là Tây Ban Nha đã tuyên bố rút khỏi lực lượng.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ USS Carney đi qua Kênh đào Suez, Ai Cập ngày 18/10/2023. Ảnh: Hải quân Mỹ
Trước đó, vào ngày 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố kế hoạch thành lập một liên minh đa quốc gia để bảo vệ hoạt động vận tải trên Biển Đỏ. Trong chuyến công du tới Trung Đông, nhà quan chức quân sự hàng đầu cho biết liên minh sẽ có sự tham gia của Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.
Đến ngày 21/12, Lầu Năm Góc tuyên bố 20 quốc gia đã đồng ý tham gia liên minh nhưng ít nhất 8 quốc gia tham gia từ chối nêu tên công khai.
Tuy nhiên, một số nước tỏ ra không hài lòng trước sự thông báo đầy bất ngờ của Mỹ. Họ cho biết các nỗ lực mà họ giúp bảo vệ giao thông thương mại của Biển Đỏ chỉ là một phần của các thỏa thuận hải quân hiện có chứ không phải nằm trong khuôn khổ liên minh mới do Mỹ thành lập.
Trong một thông báo ngày 24/12, chính phủ Tây Ban Nha và người phát ngôn của Bộ Quốc phòng nước này cho biết họ sẽ không tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu bảo vệ các tàu hàng đi qua Biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công của Houthi ở Yemen. Mặc dù lý do cụ thể không được đưa ra nhưng truyền thông Tây Ban Nha đưa tin nguyên nhân dẫn tới quyết định nước này không tham gia liên minh xuất phát từ vấn đề chính trị trong nước. Thủ tướng Pedro Sanchez đang trong quá trình thành lập liên minh và cần sự ủng hộ của đảng cánh tả cực đoan Sumar, vốn phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết họ ủng hộ các nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đỏ và khu vực xung quanh, đồng thời cho biết họ đã hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, các tàu sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy của Pháp. Paris cũng không cho biết liệu có triển khai thêm lực lượng hải quân tại khu vực hay không. Hiện Pháp có căn cứ hải quân ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và 1.500 quân ở Djibouti. Khinh hạm Languedoc của nước này đang ở Biển Đỏ.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Italy cho biết họ sẽ cử tàu khu trục hải quân Virginio Fasan tới Biển Đỏ để bảo vệ lợi ích quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của các chủ tàu hàng Italy. Tuy nhiên, nước này khẳng định đây là một phần trong các hoạt động hiện có của họ và không phải là một phần của OPG.
Trong vài tuần gần đây, lực lượng Houthi đã tấn công một số tàu thuyền thương mại trên Biển Đỏ, gây gián đoạn các hoạt động vận tải hàng hóa quốc tế. Lực lượng này cho biết đây là hành động phản đối các cuộc tấn công của Israel nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza và sẽ chưa dừng lại cho đến khi nào Israel ngừng tấn công Gaza. Để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Houthi, Mỹ đã phối hợp với các đồng minh lập liên minh. Khi thông báo về sự ra đời của liên minh, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder, cho biết các lực lượng liên minh sẽ đóng vai trò tuần tra Biển Đỏ và Vịnh Aden để đáp ứng và hỗ trợ khi cần thiết các tàu thương mại đang đi qua khu vực quốc tế quan trọng này. Mỗi quốc gia sẽ đóng góp trong khả năng của mình. Một số nước sẽ cử tàu, một số khác sẽ đóng góp nhân lực hoặc hình thức khác.
Mỹ phát cảnh báo tới Iran sau loạt vụ tấn công trên Biển Đỏ Mỹ cho rằng Iran đã can thiệp sâu vào kế hoạch tấn công các tàu thương mại trên Biển Đỏ mà lực lượng Houthi đang thực hiện, cũng như cung cấp hỗ trợ cho lực lượng này. Thời gian qua, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen đã tăng cường các cuộc tập kích tàu thương mại đi qua Biển Đỏ,...