Iran chở 450 tấn thực phẩm tới Qatar
Hãng hàng không quốc gia Iran Air đã điều 5 máy bay chở rau quả tới Qatar, khi các nước láng giềng cắt đứt quan hệ với Doha.
Iran thông báo sẽ chuyển lương thực đến Qatar nếu Doha vẫn có nhu cầu. Ảnh minh hoạ: Alarabiya
“Đến nay có 5 máy bay mang theo thực phẩm như hoa quả, rau tươi tới Qatar, mỗi máy bay chở khoảng 90 tấn, một máy bay khác sẽ được gửi đi tiếp”, AFP hôm nay dẫn lời Shahrokh Noushabadi, phát ngôn viên của hãng Iran Air nói.
Theo Noushabadi, Iran cũng tiếp tục chuyển hàng tới Qatar khi Doha vẫn có nhu cầu, tuy nhiên không nói rõ đây là hàng viện trợ hay xuất khẩu.
Cùng lúc, ba tàu với 350 tấn thực phẩm cũng sắp rời cảng Iran để đến Qatar, hãng tin Tasnim dẫn lời quan chức địa phương cho biết.
Video đang HOT
Động thái của Iran diễn ra khi Arab Saudi, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất ( UAE), Ai Cập và Yemen, hôm 5/6 tuyên bố cắt đứt tất cả các quan hệ với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở khu vực gần đây.
Iran đã thúc giục Qatar và các nước láng giềng đối thoại để giải quyết bất đồng.
Trong một diễn biến khác, Iran đã mở không phận cho khoảng 100 chuyến bay của Qatar mỗi ngày, sau khi các nước cấm máy bay Qatar hoạt động. Các chuyến bay mới đã làm tăng lưu lượng hàng không của Iran khoảng 17%.
Khánh Lynh
Theo VNE
Iran đề nghị đưa lương thực sang Qatar bằng đường biển
Tehran cho biết có thể xuất khẩu lương thực sang Qatar bằng đường biển trong lúc Doha bị cô lập ở vùng Vịnh.
Người Qatar đổ xô tới siêu thị để mua lương thực. Ảnh: Doha News
Reza Nourani, chủ tịch hiệp hội xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Iran được hãng thông tấn Fars hôm nay dẫn lời cho biết nước này có thể đưa lương thực sang Qatar trong vòng 12 tiếng, trong bối cảnh nước này bị Arab Saudi và các nước Arab cô lập.
Iran và Arab Saudi là các đối thủ trong khu vực, hai nước ủng hộ các phe đối lập trong những cuộc chiến ở Syria và Yemen.
Arab Saudi, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập hôm 5/6 đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vì Doha "ủng hộ phiến quân Hồi giáo và Iran". 5 nước khác sau đó cũng quyết định cắt quan hệ với Qatar.
Qatar chỉ có biên giới đất liền duy nhất với Arab Saudi, phải dựa nhiều vào nhập khẩu lương thực, đa phần từ các quốc gia vùng Vịnh. Ngược lại, Qatar xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 896 triệu USD sang Arab Saudi, theo thống kê của Liên Hợp Quốc năm 2015.
Kênh truyền hình Al-Jazeera trước đó cho biết nhiều xe tải chở lương thực cho Doha hiện phải xếp hàng ở biên giới, chưa thể vào Qatar. Xuất khẩu của Qatar, gồm máy móc, thiết bị điện tử và vật nuôi bằng đường bộ sang Arab Saudi cũng bị ảnh hưởng.
Việc Arab Saudi cắt quan hệ với Qatar cũng là tin xấu cho ngành công nghiệp dịch vụ, gồm các khách sạn và tài xế taxi ở Doha. Người Arab Saudi thường sang Qatar nghỉ sau lễ của người Hồi giáo Ramadan.
Để tránh tình trạng dân chúng sợ hãi do khan hiếm hàng hóa, chính phủ Qatar ra tuyên bố các tuyến chở hàng đường thủy và đường không vẫn được duy trì để nhập khẩu. Chính quyền cam kết dùng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến xã hội và nền kinh tế.
Vị trí địa lý của Qatar ở vùng Vịnh. Đồ họa: BBC
Văn Việt
Theo VNE
Đế chế truyền thông Qatar trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh Tập đoàn Al Jazeera có khả năng định hướng dư luận khu vực của Qatar trở mục tiêu công kích của các nước láng giềng trong khủng hoảng. Nhân viên trong trụ sở Al Jazeera tại Doha, Qatar hôm 8/6. Ảnh: AP Al Jazeera trở thành mục tiêu trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh khi các nước láng giềng muốn Qatar đóng cửa...