Iran chỉ rõ hai vấn đề còn tồn tại với Mỹ trong đàm phán hạt nhân
Ngày 16/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết Iran vẫn còn hai vấn đề tồn tại với Mỹ trong các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Tehran đã ký với Nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức).
Các đại biểu tại vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna, Áo. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ông Abdollahian nêu rõ Mỹ và Iran có 4 vấn đề thuộc lằn ranh. Hai vấn đề gần như đã được giải quyết và còn tồn tại hai vấn đề khác, trong đó có sự đảm bảo về kinh tế.
Hồi đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Iran đã tổ chức cuộc họp chuyên đề với một số quan chức cấp cao của nước này, trong đó có Phó Tổng thống Iran phụ trách các vấn đề kinh tế Mohsen Rezaei, để thảo luận về các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Tehran. Cuộc họp do Bộ trưởng Abdollahian chủ trì đã thảo luận về hậu quả của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt các nước, trong đó có Iran.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Abdollahian cho rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đi ngược lại các quyền con người, cũng như tất cả các chuẩn mực quốc tế. Ông Abdollahian nhấn mạnh Chính phủ Iran sẽ tiếp tục nỗ lực để vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt và gỡ bỏ chúng thông qua các cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna của Áo.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington và Tehran đã ở gần tiến tới việc nhất trí khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện ( JCPOA), về việc hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.
Trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định hai bên đã tiến tới gần một thỏa thuận tiềm năng, mặc dù vẫn chưa đạt được lúc này. Ông Price cũng kỳ vọng các bất đồng còn tồn tại sẽ có thể được thu hẹp.
Người phát ngôn Nhà Trắng cũng bác bỏ tuyên bố của Iran rằng còn hai vấn đề chưa được tháo gỡ giữa hai nước. Ông Price cũng chỉ rõ những vấn đề này có thể vượt qua, mặc dù cuộc đám phán nhằm khôi phục JCPOA kéo dài gần 1 năm qua “đang ở giai đoạn rất mong manh”. Theo quan chức này, chỉ còn ít thời gian bởi những bước tiến trong hạt nhân của Iran đang hướng tới việc phát triển vũ khí hạt nhân và điều này có thể làm xói mòn bất kỳ thỏa thuận nào.
Ngày 11/3 vừa qua, các nhà đàm phán châu Âu, Iran và Mỹ đã tạm dừng vòng đàm phán mới nhất và trở về nước để tham vấn. Từ tháng 4/2021, các bên đã tổ chức 8 vòng đàm phán để khôi phục JCPOA. Các cuộc đàm phán được đánh giá đang đi đến giai đoạn cuối nhưng vẫn chưa đạt thỏa thuận.
EU đánh giá tích cực về vòng đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 14/1 nói rằng việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran vẫn "khả thi" trong bối cảnh các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) đã tiến triển trong một "bầu không khí tốt hơn".
Quang cảnh vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày 27/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu sau một hội nghị không chính thức của các ngoại trưởng EU, ông Josep Borrell nói: "Chúng tôi đang đi đến chặng cuối của một quá trình dài... có một bầu không khí tốt hơn kể từ Giáng Sinh - dù trước đó, tôi đã rất bi quan. Giờ thì tôi tin rằng việc đạt được thỏa thuận là khả thi".
Trong khi đó, một nguồn thạo tin tiết lộ rằng nhiều vấn đề liên quan đến một loạt nội dung vẫn chưa được giải quyết trong các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Nguồn tin này cho biết ở tất cả các phần của dự thảo thỏa thuận "đều có những vấn đề vẫn đang được xem xét" đồng thời đánh giá thêm rằng mặc dù các cuộc đàm phán đang diễn ra đúng hướng, nhưng thách thức lớn nhất là các bên không có đủ thời gian cho các bất đồng.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5 1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức). Theo thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt Iran được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, sau đó Iran bắt đầu thu hẹp các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Các bên đã tiến hành đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận. Các cuộc đàm phán mới đây nhất được tiến hành vào cuối tháng 11/2021. Mỹ chỉ tham gia gián tiếp vào các cuộc đàm phán này. Ngày 9/1 vừa qua, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhận định các cuộc đàm phán đang tiến gần tới một "thỏa thuận tốt", nhưng việc sớm đạt được thỏa thuận phụ thuộc vào các bên còn lại. Ngoại trưởng Abdollahian cho biết Iran không muốn kéo dài đàm phán, đồng thời nhấn mạnh "điều quan trọng là chúng tôi phải bảo vệ các quyền và lợi ích của đất nước mình".
Iran đánh giá tích cực về các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 20/12 cho biết các bên tham gia đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo) vừa qua đã thống nhất các văn bản, trong đó có kết hợp quan điểm của Iran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN...