iPhone xách tay trong muôn trùng vây của ông lớn bán lẻ
Từng có thời điểm iPhone chính hãng gần như không có thị phần tại Việt Nam nhưng chỉ sau vài năm, iPhone xách tay đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.
Những ngày gần đây, tin xấu liên tiếp xuất hiện với người buôn bán iPhone xách tay tại Việt Nam. Đầu tiên là việc xuất hiện thông tin iPhone xách tay sẽ không được bảo hành tại các trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple nếu không có hóa đơn mua hàng từ các điểm bán ủy quyền của Apple trên toàn cầu.
Liền ngay sau đó, nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ tại TP.HCM nhận được văn bản từ công ty đại diện thương hiệu Apple tại Việt Nam, yêu cầu gỡ bỏ biển hiệu có liên quan đến Apple. Ai cũng biết, nguồn sống của phần lớn cửa hàng này là các dòng sản phẩm iPhone xách tay.
Cái gai trong mắt các ông lớn bán lẻ?
Chuyện ông lớn bán lẻ muốn “dẹp” hàng xách tay không hề mới. Trong vài năm gần đây, điều này càng rõ ràng khi các ông lớn này ngày càng bành trướng thị phần hàng chính hãng.
Cách đây khoảng hơn 3 năm, khi iPhone 5S chính hãng lên kệ, một đơn vị phân phối chỉ có tối đa 2.000 máy bán ra trong ngày đầu tiên. Khách hàng phải xếp hàng từ đêm, chen chúc bốc thăm trong ngày hôm sau để là người may mắn sở hữu những chiếc iPhone chính hãng đầu tiên.
iPhone chính hãng đang ngày càng lấn lướt hàng xách tay trên thị trường di động Việt Nam. Ảnh: Thành Duy.
Đến khi iPhone 7 và 7 Plus lên kệ cuối 2016, các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A mỗi đơn vị có hàng chục nghìn máy bán ra trong ngày đầu. Ở thời điểm này, không còn hiện tượng người dùng xếp hàng mua máy vì đại lý đều sớm nhận đặt trước. Các đại lý đều khẳng định không có chuyện thiếu hàng phục vụ người dùng.
Từ chối nhận định về kế hoạch thanh trừng iPhone xách tay nhưng đại diện FPT Shop nhận định thị trường hàng xách tay hiện quá phúc tạp với hàng chục loại hàng hóa được chào bán khác nhau: Hàng trôi bảo hành, hàng like new, hàng cũ, hàng tân trang, đi kèm với mức giá cũng rất khác nhau đang làm người tiêu dùng vô cùng hoang mang.
“Người tiêu dùng phổ thông không thể tự mình đánh giá chất lượng hàng hóa so với số tiền bỏ ra thông qua hình thức bên ngoài”, vị đại diện này cho biết.
Trả lời Zing.vn, ông Trương Hồng Hoàng – Giám đốc mua hàng của Thế Giới Di Động – cho hay khoảng cách giá không còn lớn giữa hàng chính hãng và xách tay sẽ là thách thức cho hàng xách tay. “Hiện tại, Apple muốn thị trường Việt Nam thực hiện đúng chuẩn mực nên thời gian gần đây nhiều nhà bán lẻ nhận được thư thông báo và khuyến cáo về việc sử dụng hình ảnh và nhãn hiệu của Apple”.
Mặc dù vậy, đại diện Thế Giới Di Động phủ nhận ý kiến cho rằng nhà bán lẻ lớn muốn loại bỏ hàng xách tay, đồng thời khẳng định không nhận được thông tin nào từ Apple về việc này.
Video đang HOT
iPhone xách tay gặp quá nhiều bất lợi
Lợi thế lớn nhất của iPhone xách tay so với hàng chính hãng chính là giá. Tuy nhiên, giống với những gì nhà bán lẻ tiết lộ, khoảng cách về giá đang ngày một thu hẹp dần.
Có thể, giá bán của một chiếc iPhone 7 xách tay hiện vẫn thấp hơn đến 3 triệu đồng so với máy chính hãng. Tuy nhiên, những người theo dõi sát sao thị trường đều thấy rõ, các nhà bán lẻ lớn thời gian gần đây liên tục đưa ra chương trình giảm giá cho các sản phẩm iPhone chính hãng, có thời điểm giảm đến 2 triệu đồng cho 1 model.
Chẳng hạn, một số đại lý hiện cho bán iPhone 7 chính hãng 32 GB với giá 15,75 triệu đồng trong khi máy xách tay được định giá 15 triệu đồng. Khoảng cách về giá gần như không còn trong khi lợi thế về chế độ bảo hành, chính sách chăm sóc khách hàng của máy chính hãng hoàn toàn vượt trội.
Có được điều này là nhờ các nhà bán lẻ này nhận được hậu thuẫn lớn từ phía Apple với nhiều chính sách hỗ trợ dành cho đại lý ủy quyền của mình.
Đại diện Thế Giới Di Động cũng tiết lộ trong cuộc gặp gỡ với Apple Singapore gần đây phía Apple đánh giá rất cao thị trường Việt Nam trong 2 năm qua (tăng trưởng 3 con số mỗi năm) và khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam.
Apple đang ngày càng coi trọng thị trường Việt Nam.
Bản thân sự phân hóa của iPhone xách tay với quá nhiều mặt hàng, nhiều tầm giá cũng gây khó khăn lớn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn. Đó là chưa kể đến việc nhiều cửa hàng kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, gây tâm lý hoang mang cho người dùng.
iPhone xách tay liệu có chết?
Đây là câu hỏi được đặt ra vài năm nay nhưng có một thực tế là iPhone xách tay vẫn có thị phần lớn tại Việt Nam. Theo phía Thế Giới Di Động, tùy vào thời điểm nhưng thông thường, iPhone xách tay chiếm 52% trong khi hàng chính hãng ở mức 48%.
IPhone xách tay có doanh số mạnh mẽ nhất vào thời điểm máy mới lên kệ tại thị trường quốc tế. Khi đó, Việt Nam không nằm trong nhóm thị trường ưu tiên của Apple nên máy về nước chậm.
Ngoài ra, giá iPhone chính hãng dù đã thân thiện hơn vẫn ở mức khó tiếp cận đối với nhiều người. Do đó, lựa chọn các sản phẩm xách tay, đặc biệt là máy qua sử dụng hoặc máy khóa mạng giúp người dùng tiết kiệm một khoản không nhỏ. Tất nhiên, đi kèm với đó là rủi ro.
Trao đổi với Zing.vn, đa phần các cửa hàng không tin vào sự biến mất của iPhone xách tay. “Có thể, thị phần sẽ thu hẹp lại nhưng iPhone xách tay vẫn có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam, ít nhất là trong vài năm tới”, đại diện một cửa hàng cho hay.
Thành Duy
Theo Zing
Loạn khái niệm iPhone chính hãng ở Việt Nam
Sự thiếu minh bạch của các trang thương mại điện tử cùng với sự đa dạng nguồn hàng của nhà phân phối khiến nhiều người mua iPhone qua mạng nhầm lẫn tai hại.
Trong những ngày qua, nhiều người dùng phản ánh việc đặt mua iPhone 6S, iPhone 7 được rao "chính hãng" qua mạng, nhưng đến khi nhận, trên máy lại ghi mã ZP/AA, B/A... chứ không phải mã VN/A - model dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Nói với Zing.vn, khách hàng L.T cho biết anh đặt mua iPhone 7 32 GB trên hệ thống của Adayroi. Trang này ghi "hàng chính hãng FPT" và được bảo hành tại tất cả các FPT Shop trên toàn quốc. Nhưng đến khi anh T mang đến FPT Shop, nhân viên cửa hàng từ chối tiếp nhận bảo hành và hướng dẫn khách hàng mang máy đến trung tâm bảo hành uỷ quyền của Apple.
Điều đáng chú ý là iPhone của anh T là mã ZP/A (từ thị trường Hong Kong), không phải máy mã VN/A bán chính hãng ở Việt Nam.
Thông tin đăng bán iPhone 7 "chính hãng từ FPT", do nhà phân phối FPT Trading bán ra, nhưng lại chú thích "bảo hành tại FPT Shop".
Trao đổi với Zing.vn, đại diện FPT Shop cho biết họ chỉ bán máy tại cửa hàng và trên trang web của hệ thống, không bán máy tại bất kỳ trang nào khác. FPT Shop chỉ nhận bảo hành, sửa chữa máy do chính hệ thống này bán ra.
Trong khi đó, đại diện của Adayroi cho biết đây là nhầm lẫn về mặt nội dung trên website. Hệ thống này sẽ rà soát lại các bài đăng bán iPhone 7 và chú thích rõ nguồn gốc, loại hàng, nơi bảo hành để khách hàng không bị nhầm lẫn. Với những khách muốn mua hàng chính hãng dành cho Việt Nam (mã VN/A) nhưng đặt nhầm hàng mang mã từ thị trường khác, Adayroi sẽ tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết.
Trái với FPT Shop và Adayroi, nhà phân phối FPT Trading không bình luận gì về vụ việc.
Nhập nhằng khái niệm 'chính hãng'
Từ cuối năm 2015, trường hợp tương tự cũng diễn ra tại nhiều nhà bán lẻ với mẫu sản phẩm iPhone 5S. Khi đó, các hệ thống như Thế Giới Di Động, FPT Shop cũng từng nhập về những lô hàng từ nhiều nguồn, nhiều tên mã khác nhau, nhưng đều áp dụng chế độ bảo hành tương tự máy chính hãng VN/A.
Cơ cấu phân phối nguồn hàng iPhone ở Việt Nam. Ảnh: Duy Tín.
Về bản chất, khái niệm "chính hãng" tại Việt Nam đang được hiểu theo một cách mập mờ, gây nhầm lẫn. Trên thực tế, dù là máy xách tay, nhập khẩu từ thị trường khác hay máy dành cho thị trường Việt Nam đều do Apple sản xuất, chất lượng đều tương đương nhau.
Tuy nhiên, để tương thích với từng thị trường, Apple tạo ra một số khác biệt, chẳng hạn như iPhone phiên bản Nhật (mã J) thường không thể tắt âm camera nhằm tránh chụp lén, iPhone từ Mỹ (mã LL) thường có cục sạc vuông, nhỏ, chân dẹt. Trong khi đó, iPhone cho Việt Nam (mã VN/A) và hầu hết các máy từ châu Âu dùng củ sạc dẹt, hai chấu tròn. iPhone từ Singapore có củ sạc ba chân.
Theo cách hiểu "truyền thống" của người tiêu dùng Việt, máy chính hãng là do đại diện của hãng tại Việt Nam bán ra thông qua các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop...Trong trường hợp của iPhone, máy chính hãng tại Việt Nam có thể hiểu là iPhone mang mã VN/A, nhập trực tiếp từ Apple.
Để xác định iPhone đang sử dụng là hàng chính hãng hay không, người dùng có thể vào Settings (cài đặt)> General (chung)> About (giới thiệu)> Model (kiểu máy).
Khác biệt cơ bản giữa các loại hàng iPhone ở Việt Nam.
Trong khi đó, các máy từ FPT Trading (bán ra bởi các hệ thống nhỏ lẻ, trang mua sắm trực tuyến) không mang mã VN/A, có thể gọi là hàng nhập khẩu từ thị trường bên ngoài. Theo nhà phân phối này, họ bảo hành iPhone tương đương máy chính hãng.
Duy Tín
Theo Zing
iPhone tại Việt Nam vào mùa ế ẩm nhất trong năm Các đại lý chính hãng liên tục công bố giảm giá iPhone, trong khi máy xách tay khó giảm giá vì giá nhập tăng khiến một số cửa hàng nhỏ khá chật vật. "Từ sáng đến giờ, cả phố Cầu Giấy (Hà Nội) chưa kiếm được một hợp đồng nào", anh Mạnh Ninh - nhân viên giao dịch trả góp tại một cửa...